Một lần nọ, Tôn giả Xá Lợi Phất cung kính đảnh lễ Đức Phật Thích Ca và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chư Phật khắp mười phương, ở cả ba đời quá khứ - hiện tại- vị lai, không ai có trí tuệ và sự chứng đắc siêu việtbằng Thế Tôn”. Đức Phật Thích Ca trả lời: “Này Xá Lợi Phất, đừng nói quá lời như thế. Tất cả chư Phật đều bình đẳng ở trí tuệ, từ bi và hùng lực”.
Theo tinh thần này, vị Phật nào cũng có đầy đủ những đức tính và đặc điểm như Đức Bổn Sư của chúng ta. Sở dĩ chúng ta thường thờ phụng, xưng tán Đức PhậtThích Ca hơn các vị Phật khác, vì chúng ta đang nằm trong vòng pháp hóa của Ngài, vì cõi Ta bàđang có túc duyên được Ngài làm Giáo chủ.
Những đức tính và đặc điểm hình thành nhân cách của một vị Phật đều được ghi chép đầy đủ trong các văn hệ Phật giáo Nam tông và Bắc tông. Trong đó có mười danh hiệu, thường gọi là Thập hiệu Như Lai, là những danh hiệu cao quý để tôn xưng những bậc đã thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chỉ riêng các vị Phật mới đủ Thập hiệu, vì mỗi danh xưng tượng trưngmột đức tính cao cả, một đặc điểm siêu tuyệt, mà ngay những vị A la hán hay các hàng Bồ tátcũng không thể sánh bằng.
1- Như Lai
Trong các kinh luận, danh hiệu Như Lai được hiểu theo bốn nghĩa chính :
1- “Nói sao làm vậy, làm sao nói vậy”: Nghĩa này thường được đề cập trong Luận tạng Nam tông. Đức Phật luôn luôn Hạnh giải tương ương, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Do vậy, lời dạy của Ngài có sức thuyết phục rất cao; và nhiều khi không cần dùng ngôn từ, hành động, cử chỉcủa Ngài cũng là những bài học quý giá cho các hàng môn đệ.
2- “Từ Như mà đến, rồi lại trở về Như”: “Như” là thế giới lý tưởng bất động, không khổ đau phiền não. Vì lòng từ bi, chư Phật thị hiện đến cõi Ta bà này, giáo hóa chúng sanh (Lai). Khi hết duyên, các Ngài lại trở về thế giới lý tưởng ấy. Chúng sanh thì khác, do nghiệp mà đến rồi lại theo nghiệp mà luân hồi trong sáu nẻo.
3- “Như Lai là nghĩa Như của các pháp” (Như Lai giả, thị chư pháp như nghĩa): Các pháp vốn không có tâm phân biệt, vì tự thân của chúng là Chân như. Chúng ta khi tiếp xúc với vật, liền khởi niệm chia chẻ phân ranh đẹp - xấu, khen - chê, ưa - ghét; ưa thì muốn chiếm hữu, ghét lại muốn xa lìa. Từ đó, tạo nghiệp ở ý, rồi phát ra miệng nói thân làm. Thật ra, tự tánh của các pháp không thể dùng văn tự để diễn bày, mà chỉ bằng trí tuệ thực chứng của Bậc Giác ngộ mới thấu triệt. Và chính vì thẩm thấu vào thực tại tự thân mầu nhiệm của vạn pháp, các Ngài thấy rõ tất cả pháp đều là Phật pháp, đều là Chân như.
4- “Không từ đâu đến, chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai” (Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai): Ý nghĩa này rất sâu xa khó hiểu nếu chúng ta chưa có khái niệm về Lý Bất nhịcủa nhà Phật. Phiền não và giải thoát, Ta bà và Tịnh độ thật sự chỉ là hai mặt tối - sáng của cùng một thực thể. Vì tự thân của các pháp là Chân như, vì tất cả pháp đều là pháp thân thường trụ - không hình tướng mà trùm khắp và hằng tri hằng giác, nên không đến không đi, không sanh không diệt. Nhận ra pháp thân thường trụ và sống trọn vẹn bằng thân- tướng-không-tướng này, đó là sự giác ngộ tột cùng và viên mãn.
Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Pháp Giới có một đoạn nói về Như Lai: “Đức Như Lai chẳng phải đi, vì đã diệt hẳn thời gian không gian. Đức Như Lai chẳng phải đến, vì thể tánh vô sanh. Đức Như Lai chẳng phải sanh, vì pháp thân bình đẳng. Đức Như Lai chẳng phải diệt, vì không có tướng sanh. Đức Như Lai chẳng phải thiệt, vì an trụ pháp như huyễn. Đức Như Lai chẳng phải vọng, vì lợi ích chúng sanh. Đức Như Lai chẳng phải dời đổi, vì vượt khỏi sanh tử. Đức Như Laichẳng phải hư hoại, vì tánh thường chẳng biến đổi. Đức Như Lai một tướng, vì đều rời ngôn ngữ. Đức Như Lai vô tướng, vì tánh tướng vốn không”(*)
2- Ứng cúng
“Ứng cúng” có nghĩa “Xứng đáng được cúng dường”. Đây là danh hiệu tôn xưng những vị đã sạch lậu hoặc phiền não, là phước điền của thế gian. Các bậc Bồ tát, A la hán cũng được tôn là Ứng cúng, nhưng đối với chư Phật, ý nghĩa này cao cả hơn. Một bài kệ xưng tán Đức Thích Cacó đoạn :
Công viên quả mãnViên chứng Bồ đề
Trục loại tùy hình
Tế độ quần sanh.
Công hạnh của Ngài đã thành tựu viên mãn, sự giác ngộ đã toàn diện toàn triệt. Khi muốn giáo hóa chúng sanh, Ngài thị hiện bằng hình thức tương ứng để dễ bề tiếp cận và nhiếp phục. Nhưng dù ở hình thái chúng sanh nào, Ngài cũng nổi bật nhất, tài giỏi nhất, hoàn mỹ về mọi phương diện, nên luôn luôn được tôn kính quý trọng, xứng đáng được cúng dường.
3- Chánh biến tri
“Chánh” là chân chánh; “Biến” là cùng khắp; “Tri” là sự thấy biết. Chánh biến tri là sự thấy biết như thật về tất cả các pháp trong cùng khắp pháp giới. Đây là khả năng của một bậc Đại Giácngộ, bằng tuệ giác Bát nhã thấu triệt thật tướng của vũ trụ vạn loài. Sự thấy biết này không qua suy luận phân tích của ý thức nên không hề sai lạc và không bị ảnh hưởng bởi không gian và thời gian.
Sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định dưới cội cây Tất Bát La, Đức Phật Thích Ca thấy rõ mọi pháp đều là tập hợp của các nhân và duyên. Không có pháp nào tự nó hình thành, mà phải nhờ những pháp khác không phải nó, với những điều kiện nhất định nào đó, mới có thể tạo nên nó. Ví như cái bàn, phải nhờ sự tập hợp của gỗ, đinh, công người thợ… sắp xếp phân bố theo một cách thức nào đó, mới được tạo dựng theo hình thức hiện có. Suy xét đến tận cùng, nó không có thực thể, chỉ là tạm có do các duyên hợp lại. Vì thế, tự tánh của nó là không. Tánh Không là tánh bình đẳng của tất cả các pháp, cũng là thật tướng của toàn thể vũ trụ nhân sinh, mà chỉ những bậc thực chứng qua công phu thiền quán mới thấu triệt được.
4- Minh hạnh túc
“Minh” là trí tuệ, là Trí đức. “Hạnh” là công hạnh độ sanh, là Hạnh đức. Một vị Phật luôn đạt đếnviên mãn cả hai lĩnh vực Trí và Hạnh một cách hoàn hảo, tạo nên nhân cách kỳ vĩ của Ngài.
Tinh thần này được tượng trưng bằng ba hình ảnh chúng ta thường thấy thờ ở các chùa: Chính giữa tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca, bên phải là Bồ tát Văn Thù, bên trái là Bồ tát Phổ Hiền. Bồ tát Văn Thù tượng trưng trí tuệ vô sư, còn gọi là Bát nhã trí hay Căn bản trí, tức trí tuệ do công phu tu hành mà có. Bồ tát Phổ Hiền tượng trưng hạnh nguyện cứu độ tất cả chúng sanh hữu duyên. Đức Phật Thích Ca, từ thế giới lý tưởng đến cõi Ta bà giáo hóa chúng sanh, cần được sự phò tá của hai vị Đại Bồ tát. Bởi vì chúng sanh cang cường khó điều phục, tham đắm ngũ dụcmà quên tánh giác sẵn có của chính mình, nếu không đầy đủ trí tuệ và lòng từ bi thì Đức Phậtkhó bề tiếp độ muôn loài.
5- Thiện thệ
“Thiện thệ” có ba ý nghĩa :
1) “Thiện” là khéo, “Thệ” là đi qua. Đức Phật là bậc Đại Giác ngộ đã khéo qua bờ bên kia, tức bờ giải thoát. Ngài không còn bị chi phối bởi quy luật sinh tử, chỉ vì nguyện lực cứu độ quần sanhnên thị hiện đến cõi Ta bà. Kinh Hoa Nghiêm nói, thế giới Ta bà được tạo dựng do thần-lực-hảicủa chư Phật, nguyện-lực-hải của chư Bồ tát và nghiệp-lực-hải của chúng sanh.
2) Thiện thệ là khéo đi qua và khéo an trú vào các Tam ma đề sâu xa, phát sinh trí tuệ nhiệm mầu. Tam ma đề là Định. Từ Định phát khởi trí huệ. Lộ trình Giới - Định - Huệ là lộ trình giác ngộgiải thoát mà người tu chúng ta phải cần hiểu rõ và trải qua.
3) Thiện thệ còn gọi là Thiện khứ, Thiện giải, Hảo thuyết. Thiện khứ là khéo đi luôn qua bờ giác, không trở lại bờ sinh tử. Thiện giải là khéo hiểu biết về tất cả pháp thế gian. Hảo thuyết là thuyết pháp một cách vi diệu, có thể thuyết phục được mọi tầng lớp dân chúng. Trong Kinh mô tả giọng nói của Đức Phật Thích Ca hùng hồn, vang xa có sức chấn động như tiếng hải triều âm, hội chúng đông đảo hàng ngàn người vẫn nghe rõ ràng lời dạy của Ngài. Đặc biệt là bài thuyết phápnào của Đức Phật cũng đều có sức lôi cuốn, làm chấn động tâm thức người nghe, từ lúc bắt đầu, rồi đoạn giữa cho đến đoạn cuối cùng (gọi là Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện). Thính chúngnghe Ngài thuyết giảng, nhiều người đã giác ngộ và đắc Thánh quả ngay tại pháp hội.
6- Thế gian giải
“Giải” là hiểu biết. “Thế gian giải” là hiểu biết rành rẽ tất cả các công việc, sinh hoạt của thế gian. Đức Phật tuy sống trong môi trường thanh tịnh của người xuất gia, nhưng Ngài thông hiểu cặn kẽ và dạy bảo rất kỹ càng cho giới cư sĩ tại gia thuộc mọi giai cấp trong xã hội, từ cách cư xửgiữa cha mẹ, vợ chồng, cha con, bè bạn, cho đến phương pháp mưu sinh; từ cách trị dân cho đến đường lối ngoại giao với các nước láng giềng… Có thể nói, Đức Phật là người thông thái, uyên bác và đa tài, đa năng bậc nhất trên cõi đời này. Vì sao nói như thế? Các học giả, các nhà khoa học hàng đầu thế giới được người đời kính trọng vì kiến thức bác lãm. Nhưng thật ra, các vị chỉ có sự hiểu biết tường tận trong phạm vi chuyên môn của mình. Khoa học ngày càng tiến bộ, mức độ chuyên khoa hóa ngày càng thâm sâu, thì mỗi nhà nghiên cứu lại càng phải đầu tư trí tuệ vào một lĩnh vực duy nhất nào đó. Trong các lĩnh vực khác, họ chỉ hiểu biết rất ít, hoặc hoàn toàn không hiểu biết gì cả. Chỉ có Đức Phật, với trí tuệ siêu tuyệt, Ngài rành rẽ mọi phương diện từ vũ trụ đến nhân sinh, từ con người đến xã hội, từ sinh hoạt thể chất đến nhu cầu tinh thần. Ngài lại biết cách hòa đồng vào các tầng lớp dân chúng, nói tiếng nói của địa phương, tôn trọng phong tục tập quán của người bản xứ, dần dần khiến mọi người tin phục, tu theo đường lối của Ngài. Nhà Phật chủ trương “bất biến - tùy duyên”. Bất biến là yếu chỉ công phu phải luôn phù hợp với chân lý tuyệt đối. Tùy duyên là uyển chuyển theo đối tượng, tùy trình độ căn cơ của từng người mà có phương tiện giáo hóa thích hợp. Tinh thần tùy duyên càng được thực hiện trọn vẹnkhi người thầy càng thông hiểu thế sự, càng có kiến thức quảng bác về thế giới và xã hội chung quanh.
7- Vô thượng sĩ
Vô thượng sĩ là người trí thức cao tột, là bậc Thầy không ai sánh được. Danh hiệu này chỉ dành tôn xưng cho Đức Phật.
Bài kệ xưng tán Đức Phật có bốn câu như sau:
Thiên thượng thiên hạ vô như PhậtThập phương thế giới diệc vô tỉ
Thế gian sở hữu ngã tận kiến
Nhất thiết vô hữu như Phật giả.
Tạm dịch :
Trên dưới trời chẳng ai bằng Phật
Mười phương thế giới không ai hơn
Chính con nhìn khắp thế gian này
Tất cả không ai như Đức Phật.
Vì sao Đức Phật có trí tuệ siêu xuất không ai có thể so sánh nổi? - Kiến thức của thế gian là sự gom góp vay mượn từ bên ngoài, từ kinh nghiệm của người khác, nên chỉ có tính cách tương đốivà thay đổi theo thời gian - không gian. Trí tuệ của Bậc Giác ngộ là trí không nhờ người khác mà được, chỉ do công phu thiền định phát sinh, nên thấu triệt và trùm khắp mọi sự vật hiện tượng. Bằng tâm định tĩnh nhưng hằng giác, Đức Phật đã thấy - chứ không phải suy luận - tận cùng bản chất các pháp, nên những lời dạy của Ngài đều là chân lý muôn đời, bất di bất dịch.
Nhà đại bác học của thế kỷ XX, Albert Einstein, đã nói: “Đạo Phật không cần thay đổi để phù hợpvới sự tiến bộ của khoa học, vì Đạo Phật chính là khoa học”. Thật ra, Đạo Phật không chỉ là khoa học tự nhiên vì khám phá được bí mật của kiếp người, mà còn có tính siêu nhiên vì giáo lý của Đạo Phật không bị quy luật đào thải của cuộc sống ảnh hưởng đến. Những nhận định của vị Giáo chủ Đạo Phật về thế giới vạn hữu, trải qua hơn 2.500 năm vẫn còn giữ nguyên giá trị. Và khoa học càng tiến bộ, càng minh chứng rằng sự thấy biết của Ngài quả là minh triết, độc nhất vô nhị. Cho đến ngày nay, khi khoa học đã đoạt quyền tạo hóa bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và sinh sản vô tính, vẫn không thoát khỏi Lý duyên sinh của Đạo Phật. Điều đó chứng tỏ rằng, dù tri thức thế gian đã lên đến đỉnh cao, vẫn chỉ mới đi được một bước đầu tiên trên lộ trình tâm linh trong nhà Phật.
8- Điều ngự trượng phu
“Điều ngự” có nghĩa là điều phục ngự chế. “Trượng phu”, về hình tướng thì chỉ phái nam, về nội dung là nói chung những người có tâm hồn quảng đại và có ý chí xuất trần. Danh hiệu này dùng tôn xưng Bậc trượng phu có khả năng điều phục ngự chế phiền não vô minh cho tất cả chúng sanh.
Chúng ta tôn vinh Đức Phật là Bậc trượng phu, vì Ngài có đủ ba đức tính Đại trí - Đại bi - Đại hùng, kết thành nhân cách vĩ đại của một vị Phật. Đại trí là trí tuệ vô sư siêu tuyệt thế gian (Bát Nhã); Đại bi là lòng thương chúng sanh vô hạn, ra vào sáu nẻo không biết mệt mỏi để cứu độmuôn loài; Đại hùng là sức mạnh tinh thần vô biên, chiến thắng hết thảy nội ma và ngoại ma, trong đó những ma chướng bên trong là hung hãn và khó trị nhất.
Bài sám Quy mạng có bốn câu đề cập đến danh hiệu này :
Quy mạng thập phương Điều ngự sưDiễn dương thanh tịnh vi diệu pháp
Tam thừa Tứ quả giải thoát Tăng
Nguyện tứ từ bi ai nhiếp thọ.
Tạm dịch :
Quy y Điều ngự khắp mười phương
Diễn bày pháp vi diệu thanh tịnh
Chúng sanh chứng Tam thừa Tứ quả
Nguyện các Ngài từ bi thương xót.
“Tam thừa” là Thanh văn - Duyên giác và Bồ tát thừa. “Tứ quả” là bốn quả vị của Thanh văn, gồm Tu-đà-hoàn (Sơ quả), Tư-đà-hàm (Nhị quả), A-na-hàm (Tam quả) và A-la-hán (Tứ quả), nhờ tu pháp Tứ Diệu Đế mà chứng ngộ. Chúng sanh nhờ Đấng Điều ngự khắp mười phương hoằng truyền chánh pháp, một lòng quay về nương tựa các Ngài tu tập, chứng các quả Thánh, giải thoát phiền não và ra khỏi nhà Tam giới.
9- Thiên nhơn sư
Đức Phật là bậc Thầy vĩ đại của Trời và người. Trong kinh có kể, Ngài thường hóa thân lên các cõi trời thuyết giáo cho chư Thiên. Trong pháp hội của Ngài ở thế gian, giữa chúng Tỳ kheo và cư sĩ, thường có chư Thiên hiện diện để bảo hộ Ngài và cùng nghe pháp.
Đối với loài người, Đức Phật dạy rất đầy đủ về kiến thức thế gian và xuất thế. Không những Ngài chỉ bảo kỹ càng về cách đối nhân xử thế, cách sinh sống làm ăn, Ngài còn dạy cho người tu về công phu hành trì để được giác ngộ và giải thoát sinh tử. Giáo lý của Đức Phật ghi lại trong tạng Kinh là một gia tài đồ sộ truyền thừa biết bao đời, đến nay vẫn còn phù hợp với thời đại. Ngài quả thật là một bậc Thầy chuẩn mực mà sinh động. Chuẩn mực vì lời dạy của Ngài phù hợp với chân lý tuyệt đối - tức khế lý; sinh động vì khế cơ khế thời, tùy đương cơ tùy thời đại mà sáng tạonhiều phương tiện thích hợp. Phật giáo Đại thừa theo tinh thần nhập thế, đưa tư tưởng đạo Phậthòa quyện vào nhân gian; người tu làm tròn bổn phận đối với đời mà vẫn vui với đạo. Từ đó, tất cả mọi người, dù thuộc dân tộc nào, sống ở thời đại nào, cũng đều hưởng lợi lạc, khi thâm hiểu giáo lý Phật đà và tu hành theo chánh pháp.
Thiên nhơn chi Đạo sưTứ sanh chi Từ phụ
Ư nhứt niệm qui y
Năng diệt Tam kỳ nghiệp
Xưng dương cập tán thán
Ức kiếp, mạc năng tận.
Đức Phật là Bậc thầy của Trời người, là Đấng cha lành của bốn loài noãn - thai - thấp - hóa sanh. Chỉ một niệm qui y, chúng sanh đã có thể diệt được nghiệp chướng của ba a tăng kỳ kiếp. Chúng ta nương theo Ngài tu hành, tinh tấn không lười mỏi, nhất định sẽ thành tựu đạo quảkhông nghi. Đức Phật là vị cha lành của chúng sanh, vì nhờ Ngài mà chúng sanh có thể thoát được nỗi khổ lớn nhất - nỗi khổ trầm luân trong ba cõi sáu đường. Do đó, chúng ta ca tụng xưng tán Ngài bằng bao nhiêu lời, trong bao nhiêu kiếp, cũng không cùng tận.
10- Phật Thế Tôn
Phật: Nguyên ngữ tiếng Phạn là Buddha; Trung Hoa phiên âm là Phật Đà, dịch nghĩa là Giác giảtức Bậc Giác ngộ. Việt Nam ta theo đơn âm, gọi tắt là Bụt (từ chữ Buddha) hoặc Phật (từ Phật Đà).
Thế Tôn: Bậc tôn quý của thế gian. Đức Phật đáng được người đời tôn kính bậc nhất, vì Ngài không còn vô minh phiền não, có trí tuệ siêu phàm và lòng từ bi vô hạn, là người dẫn đường cho tất cả chúng sanh đến bến bờ an vui giải thoát.
Danh hiệu này chỉ dành tôn xưng cho chư Phật. Bởi vì, nói về đoạn ly phiền não, giải thoát sanh tử (Đoạn đức), thì các vị A-la-hán cũng tương đương với chư Phật. Nhưng về Trí đức, tức chỗ giác ngộ tột cùng, và Hạnh đức là công hạnh giáo hóa chúng sanh trong vô lượng kiếp, thì không ai có thể sánh ngang hàng với Phật. Vì thế, chúng ta còn tôn xưng Ngài là Bậc Toàn giác, Viên mãn giác, Diệu giác, Cứu cánh giác, vì Ngài đã giác ngộ đến chỗ toàn triệt, viên mãn, vi diệu và tột cùng. Chúng ta cũng nên biết rằng, tuy Đức Phật Thích Ca lịch sử đã nhập diệt hơn 2.500 năm, nhưng đến hôm nay, Ngài vẫn thị hiện ở các cõi để tiếp tục độ sanh. Và các vị Bồ tát hóa thân, vẫn lăn lộn vào sáu nẻo luân hồi, tùy duyên hành hạnh lợi tha, tuyên dương chánh pháp. Có điều, các Ngài không bao giờ để lộ cho ai biết mình là Phật, là Bồ tát.
Học hiểu về ý nghĩa của Thập hiệu Như Lai, chúng ta càng hết lòng quý kính, ngưỡng mộ đối với chư Phật, đặc biệt đối với Đức Bổn Sư của chúng ta. Bởi vì, càng hiểu rõ về mười danh hiệu, chúng ta càng thấy Ngài thật vĩ đại, thật đáng tôn thờ và đáng là người dẫn đường cho tất cả chúng sanh. Hết lòng quy ngưỡng Đức Phật, chúng ta cũng hết lòng quy ngưỡng chánh pháp do Ngài thuyết ra, như chiếc phao cứu hộ những kẻ sắp chết chìm giữa biển cả vô minh; hết lòngquy ngưỡng chư Tăng, những sứ giả Như Lai nối truyền mạng mạch Phật pháp. Từ đó, chúng tanguyện phát tâm Bồ đề, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh; nguyện dâng hiến toàn bộtâm ý mình cho sự nghiệp của Đức Phật - sự nghiệp giáo hóa chúng sanh, hoằng truyền chánh pháp.
Thích Thông Huệ
(*) Đại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh - Tập 4, trang 351 - HT Thích Trí Tịnh dịch.