Từ khi hiện diện thân người trong kiếp phù sinh, chúng con luôn cảm nhận rằng: “Ta bà là cõi tạm nơi gởi thân sanh tử trăm năm. Cực lạc ấy quê hương nơi an mạng niết bàn muôn thuở”. Chính vì cực lạc là cố quốc thân yêu mà vị giáo chủ cõi ấy chính là đức từ phụ A Di Đà Phật. Ngài luôn dang rộng vòng tay tiếp độ chúng sanh biển khổ qua 48 lời nguyện.
Thuở Phật còn tại thế, trong 49 năm vận chuyển bánh xe pháp, ngài chỉ nói kinh Hoa Nghiêm có một lần, lại cố ý nêu rõ ý nghĩa: “nhứt sanh viên mãn”. Tuy nhiên, cái nhân để tạo quả “nhứt sanh viên mãn”, ấy chính là mười đại nguyện vương trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, chỉ đường lối cho kẻ tu hành nên hướng tâm về cõi cực lạc. Bồ Tát Phổ Hiền cũng đã đem pháp môn tịnh độ tích cực khuyến tấn đại chúng trong Hải Hội Hoa Tạng nên nhứt tâm cầu nguyện đức Phật A Di Đà để sớm thành tựu Phật quả. Như vậy, pháp môn niệm Phật cũng được xem là “truyền lưu mạng mạch”, ngay sau khi đức Phật thuyết dạy trong hội Hoa Nghiêm. Lại nữa, trong kinh Bửu Tích cũng dẫn chứng rõ: Vua Tịnh Phạn hỏi đức Phật cách thức tu hành để chứng quả Phật, như lai trả lời rằng: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật. Phụ vương nên chuyên cần niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh về tây phương thế giới tất được thành Phật”.
Như vậy, ngài quán sát thấy chúng sanh căn cơ bất đồng, nên ngài đã diệu dụng tuyên thuyết vô lượng pháp môn tu. Trong đó, mỗi pháp môn đều có công năng hoá giải khổ đau đưa đến an lạc. Như trăm sông xuôi về biển cả, dù đục dù trong nhưng khi trở về nguồn đều thuần một vị. Pháp môn niệm Phật là phương tiện dễ tu, dễ chứng, phù hợp cho mọi căn cơ, trình độ. Chỉ cần nhất tâm bất loạn là có thể đới nghiệp vãng sanh. Đây được xem là tâm tông của chư Phật, và cũng là con đường giải thoát sanh tử luân hồi duy nhất mà ngày nay con người và cộng đồng thế giới đang hương tâm tìm về. trong kinh niệm Phật Ba La Mật, Phật dạy cư sỹ Diệu Nguyệt rằng: “Danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật chính là pháp thân viên mãn chu du biến nhứt thiết xứ. Là Phật tính thậm thâm có năng lực vô uý bất tư nghì. Cho nên chúng sanh nào nhứt tâm niệm danh hiệu ngài tức là đã xuất sanh vô biên công đức vô lậu, phát huy diệu dụng của tam thân, tứ trí, thập lực, tứ vô uý. Lửa tham dục không thể đốt cháy được. Độc dược sân hận không thể làm thương tổn chân tâm, gươm đao kiến chấp chẳng thể chặt đứt tuệ mạng. Nước lũ hữu lậu không thể nhận chìm thuyền bát nhã. Và đám khói tà kiến không thể làm cho ngộp tắt hơi thở giác ngộ được”.
Chính vì những công năng vi diệu đó mà đã gieo vào mảnh đất tâm của những hảnh giả phát tâm niệm Phật, tu tập pháp môn tịnh độ gặt hái ít nhiều hoa trí giác, trái bồ đề. Thế nhưng, nhìn lại cuộc sống ngày hôm nay, thật không khỏi ngậm ngùi với kiếp sống vô thường giả hợp. Hằng ngày cứ tiếp xúc với biết bao sự tất bật của đời thường: vui buồn, vinh nhục, được mất, hơn thua. Trước những viễn cảnh tương phản đó, nhân loại từ lâu vẫn ôm ấp giấc mộng muốn vươn tới chân trời tuyệt đối. nhưng càng suy niệm, càng buộc chặt mình vào hệ luỵ của lục dục thất tình không sao tránh khỏi, và chân trời tuyệt đối đó vẫn mãi mãi xa vời. Con người tự giam mình trong bốn bức tường khép kín, bởi: thành trụ hoại không. Vì đường sanh tử vốn dĩ đã dài xa trắc trở mà cửa vô môn lại càng bội phần cam go khắc nghiệt, Phật pháp u huyền, giáo lý thậm thâm. 48 lời đại nguyện của đức Phật A Di Đà chính là bức thông diệp mà ngài đã lân mẫn gởi đến nhân loại làm thức tỉnh giấc mơ đời.
Bởi vì:
“Di đà sáu chữ tuyệt cao minh
Mở rộng đông tây tiếp hữu tình
Gương sáng vãng sanh mờ nhật nguyệt
Niệm Phật mừng thương cảm phận mình.
Kính bạch quý ngài! Thưa chư liệt vị!
Cũng thật là phước duyên cho chúng ta, dù sinh trong thời mạt pháp, không có túc duyên gặp Phật. nhưng chúng ta vẫn còn có được diễm phúc làm người, hạnh ngộ minh sư, được nghe giáo pháp Như Lai. Nhìn lại thế gian phù du hư ảo, sớm hợp chiều tan, sanh, lão, bệnh, tử khổ não trói buộc kiếp người. Từng phút từng giờ trôi qua không hẹn.
Cuộc đời như áng phù vân
Mới vừa thấy đó bỗng tan mất rồi.
Nếu xưa không gieo được căn lành với ngôi Tam Bảo, thì đời này làm sao có được nhân lành, quả tốt, làm sao có được những phút giây niệm Phật để buông xả nghiệp chướng trần gian. Phước báo thay! những cùng tử lang thang đi tìm châu báu giữa duyên trần huyễn mộng. Cứ ngỡ tri kiến nghèo nàn khó mong đến được lạc bang. Nào ngờ, trong nhà lửa tam giới bất an bỗng hoá hiện báu thành, cơn đói khát thoáng chốc tan tành. Giữa đêm trường vô minh dằng dặt chợt sáng ánh Liên Đăng. Như kẻ tha phương trở về nguồn cội và đường xa như ngắn lại. Để rồi chúng con không còn thấy mình là cùng tử thấp hèn bơ vơ đói nghèo tri thức nữa. Như cây có cội, nước có nguồn, chúng con đã có một mái nhà tịnh độ nhân gian, sớm chiều tu tập mài dũa minh châu chờ ngày trở về phật quốc hoa khai. Phước báo lớn lao này khiến niềm tin chúng con tăng trưởng, và cũng ý thức rằng: niệm Phật chính là phương pháp tu tập thực tiển ngay trong kiếp này. Chỉ có pháp môn niệm Phật mới có thể giúp nhân loại soi sáng nhận thức của mình, từ bỏ vô minh trở về với chánh niệm.
Thế nên:
Hồng danh sáu chữ Di Đà
Thậm thâm vi diệu thật là không sai
Tâm thành nhớ Phật niệm hoài
Lâm chung nhẹ bước liên đài tiêu dao
Cực lạc quả thật quá gần gũi với chúng ta qua một câu niệm Phật. Bởi vì niệm Phật tức là trở về với chân tâm uyên nguyên nghìn thuở của mình. Hãy thắp sáng ý niệm đó để thấy rằng, không có biên giới nào phân ranh giữa ai là người niệm Phật và niệm Phật là ai. Ngay lúc này sẽ có sự diệu kỳ được diễn bày ra với một thế giới trang nghiêm lộng lẫy, có cây báu thẳng hàng, có liên trì thất bảo, có tiếng chim Ca Lăng Tần Già giữa buổi trùng quang. Ta bà uế độ, cực lạc tịnh độ đâu cách quá một gang, trong tích tắc chuyển mình nghe như có gì đồng điệu giữa đôi bờ uế tịnh. Kính cẩn mong sao mọi người hãy cùng nhau phát tâm tu tập, phát tâm quay về.
Đừng đợi tuổi già mới niệm Phật
Mồ hoang lắm tuổi còn xanh
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật.
TN Như Tâm