Những tháng ngày của năm sáu mươi năm về trước ở làng quê hiu hắt, người dân còn lắm khổ cực, một nắng hai sương. Trong làng quê nghèo có một ngôi chùa cổ, bà con trong xóm ấp luôn nhớ tiếng mõ, tiếng hồng chung, tiếng chuông chùa để canh giờ ra đồng ruộng.

Mình còn nhớ khuya khuya lúc bốn giờ tiếng hồng chung âm vang tận đầu trên xóm dưới đánh thức người mẹ, người chị thức dậy nấu cơm ăn chuẩn bị ra đồng sớm, đánh thức những học trò các cấp thức dậy học bài, ăn cơm dằn bụng, đem cơm theo để ăn trưa vì phải học suốt ngày mà nhà lại quá xa không về được. Cơm các cô cậu học trò đem theo chỉ vài con tôm bạc, con tép, có khi một trứng gà, trứng vịt với một muỗng nước mắm trong.

Mỗi buổi chiều, lúc bốn giờ tiếng chuông mõ lại cất lên, người đi làm ruộng, người đi làm đồng lũ lượt cùng đi về nhà sau buổi lao động cực nhọc. Trên đường đi học về, học trò trong xóm bước nhịp theo tiếng chuông công phu của sư thầy. Rồi lúc tám giờ tối lại tiếng công phu trầm bổng, người người trong ấp chuẩn bị đi vào giấc ngủ sâu sau một ngày lam lũ vất vả đã qua. Cứ thế lập đi, lập lại, ngày lại, ngày qua trong tiềm thức mọi người tiếng chuông chùa ăn sâu vào tâm não.

Thế rồi thập kỷ sáu mươi thế kỷ trước chiến tranh dậy lên thôn xóm nghèo vùng nước mặn trên sáu tháng, lúa làm một vụ thu hoạch không được bao nhiêu, năm đói năm no. Tiếng súng, tiếng pháo, tiếng bom vang rền hòatiếng chuông chùa, tiếng mõ nghe cảm nhận thê lương. Năm 1963 những căn nhà lợp lá, vách lá dừa nước phải dở di dời sang ấp khác gọi là vô " ấp chiến lược ". Người dân bị nhốt vào ấp chung quanh có vòng rào dây thép gai, chung quanh rào có cắm chông tre, chông sắt dày đặc. Sáng sáu giờ mở cồng cho người về nơi cũ làm ruộng, chiều phải về trước sáu giờ vì cổng rào sẽ khóa lại lúc sáu giờ. Những nhà sư, cô ni cũng bỏ chùa vì làng quê hoang tàn, ảm đạm, chùa chiền không có, còn người dân ly tán, đìu hiu làng quê không có tiếng gà gáy khuya khuya.

Nhớ lại ngày đó, một sư thầy tuổi cao, sức yếu bám trụ ở lại chùa hoang vẫn ngày đêm chuông mõ tụng kinh ê a. Tiếng chuông vẫn vang vang mà sao nghe lẻ loi, buồn ảm đạm. Vì là chùa của ông bà trong dòng họ xây dựng nên khi ấy tôi mới mười một, mười hai tuổi, thỉnh thoảng trở về chùa ngủ cùng sư thầy, sáng về lại nhà để đi học ở chợ quận. Khi thầy cúng, mình ngồi góc cột nghe thầy đọc kinh, dọng hồng chung nghe riết rồi cũng thuộc lòng kinh kệ..

Hai năm sau, người dân vùng lên phá bỏ ấp chiến lược trở về quê cũ. Lúc này gia đình tôi trở về nhà xưa, gần chùa nên mỗi tối lại đem bài vở ra chùa ngủ cùng sư thầy và học bài luôn. Nhiều hôm sư thầy bệnh, mệt, tôi lại dọng hồng chung thế thầy. Cũng giọng ê a nhưng mỗi tiếng chuông luôn ngân rền vang dội. Vì bản tính còn nhỏ, ham vui hiếu thắng nên dùng chày thẳng tay dọng vào hồng chung tóe lửa, bà con biết hôm nào chú tiểu cúng khuya vì tiếng vang nhanh ào ạt như sóng biển dập vào bờ biển. Thế rồi sư thầy tuổi cao sức yếu, học trò thầy rước về thành phố có điều kiện chăm sóc vài ba năm thầy viên tịch. Chú tiểu học trò thế thầy đưa tiếng hồng chung vang rền xóm vắng tối khuya. Bây giờ nhớ lại rất trân trọng cảm phục thầy là bậc chân tu, chịu gian lao cực khổ duy trì hoằng dương phật pháp.

Giờ đây đất nước hòa bình, người dân hạnh phúc, xóm làng trù phú, ngôi chùa xưa cổ kính cũng đã được tôn tạo, xây dựng hoành tráng, khang trang. Tiếng chuông mõ ngày nay vẫn trầm bổng, tiếng tụng kinh được phát ra xa, nghe đầy đủ nhịp điệu. Nhưng sao chú tiểu ngày nào giờ đã là người thầy thuốc, đầu tóc có nhiều sợi bạc lại vẫn nhớ tiếng hồng chung chát chúa xưa kia... Tiếng chuông chùa khi ấy là của chính "chú tiểu không cạo trọc đầu" này!.

Nguyễn Song Giang

(Theo danviet.vn)



Có phản hồi đến “Hồi Ức Tiếng Chuông Chùa ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com