Mục Lục
Đức Phật nhập Đại Niết Bàn
"Mặt trời chiếu sáng ban ngày. Mặt trăng rạng tỏ ban đêm. Nhung giáp và gươm đao chói sáng nhà vua khi lâm trận.
Lúc hành thiền, hào quang chư Phạm Thiên chiếu sáng.
Nhưng ngày như đêm, Đức Phật rực rỡ sáng lòa trong vinh hạnh." -- Kinh Pháp Cú
---o0o---
Đức Phật là một nhân vật phi thường. Tuy nhiên, còn mang ngũ uẩn, Ngài vẫn còn bệnh hoạn, già yếu và tịch diệt một ngày nào, như tất cả chúng sanh. Ngài biết đến năm tám mươi tuổi sẽ viên tịch. Vốn người khiêm tốn, Ngài quyết định trút hơi thở cuối cùng trong một làng mạc xa xôi hẻo lánh như Kusinara, thay vì ở các đô thị lớn như Savatthi hay Rajagaha, những nơi mà Ngài thường lưu ngụ và có nhiều tín đồ. Theo lời của chính Đức Phật, lúc tám mươi tuổi, cơ thể của Ngài tựa hồ như "một cái xe quá cũ". Dầu tuổi đã già, sức đã yếu, nhưng với ý chí sắt đá dũng mãnh, Ngài đi bộ trên con đường dài dẵng và khó khăn cùng với vị đệ tử hầu cận thân tín, Đại Đức Ananda. Cũng nên ghi nhận rằng, hai vị đại đệ tử, Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên) nhập diệt trước Ngài. Hai vị Tỳ Khưu Rahula (La Hầu La) và Tỳ Khưu Ni Yasodhara (Da Du Đà La) cũng đã viên tịch.
Cuộc hành trình cuối cùng của Đức Phật bắt đầu từ Rajagaha (Vương Xá) , kinh đô xứ Magadha (Ma Kiệt Đà).
Trước khi Ngài rời Rajagaha, Vua Ajatasattu (A Xà Thế), có sai vị đại thần của mình tên Vassakara, đến thăm dò ý kiến Ngài về mưu định của nhà vua muốn gây chiến với nước cộng hòa Vajjian, thuở ấy rất trù phú.
Điều Kiện Thịnh Suy
"Đức Phật dạy:
1. Ngày nào mà người dân Vajjian còn thường gặp gỡ và tụ hợp đông đảo với nhau;
2. Ngày nào mà người dân Vajjian còn tụ hợp trong tinh thần đoàn kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết, và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết;
3. Ngày nào mà người dân Vajjian không ban hành những đạo luật mới mẻ chưa từng được ban hành, không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, và sống thích hợp với những quy tắc cổ truyền;
4. Ngày nào mà người dân Vajjian còn hộ độ, tôn sùng, kính trọng và đảnh lễ các bậc trưởng thượng trong xứ, và còn nghe những lời dạy thích nghi của các vị này;
5. Ngày nào không còn một người đàn bà hay con gái nào trong gia đình người dân Vajjian bị quyến rũ hay cưỡng ép phải sống với kẻ ngoại nhân;
6. Ngày nào người dân Vajjian còn bảo trì, tôn trọng, kính nể và làm vẻ vang các tôn miếu của họ, dù ở trong hay ngoài tỉnh thành, và không xao lãng những nghi lễ cổ truyền;
7. Ngày nào người dân Vajjian còn bảo bọc, bênh vực, và nhiệt thành ủng hộ các vị A La Hán, khiến các vị nào chưa đến sẽ đến trong xứ và vị nào đã đến, được sống an lành;
Ngày nào mà bảy điều kiện trên còn được thực hiện, thì dân tộc Vajjian không thể suy đồi, trái lại còn cường thịnh hơn trước."
Nhân dịp này, vị lợi ích của chư đệ tử, Đức Phật truyền dạy bảy điều kiện thịnh suy của chúng Tăng. Ngài truyền Đức Ananda triệu tập tất cả các vị tỳ khưu lúc ấy có mặt tại Rajagaha và dạy:
"Này hỡi các đệ tử,
1. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn thường gặp gỡ và tụ hợp đông đảo với nhau;
2. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn tụ hợp trong tinh thần đoàn kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết, và làm tròn nhiệm vụ tăng sĩ trong tinh thần đoàn kết;
3. Ngày nào mà chư tỳ khưu không tạo ra những giới luật mới mẻ chưa từng được ban hành, và nghiêm túc hành trì những giới luật đã được ban hành;
4. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn hộ trì, tôn kính và đảnh lễ những vị cao hạ, có nhiều kinh nghiệm, bậc cha của chúng Tăng, những người chưởng quản Giáo Hội, và kính trọng những lời dạy quý báu của các Ngài;
5. Ngày nào mà chư tỳ khưu không bị ảnh hưởng của tham ái, có thể phát sanh bất cứ lúc nào, và lôi cuốn các vị trong vòng sanh tử triền miên;
6. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn tìm thích thú trong công phu chuyên cần hành thiền ở những nơi vắng vẻ nhàn tịnh;
7. Ngày nào mà chư tỳ khưu còn cố gắng phát triển chánh niệm, khiến các bạn đồng tu chưa đến có thể đến ở, và các đạo hữu đã đến, được sống an lành;
Ngày nào mà bảy điều kiện thiết yếu ấy còn được thực hiện đầy đủ thì các tỳ khưu không thể suy đồi, trái lại còn phồn thịnh hơn trước. Ngày nào mà bảy điều kiện an toàn ấy còn được bảo tồn và duy trì trong hàng Tăng chúng, ngày nào mà các tỳ khưu được dạy dỗ rành mạch và rèn luyện trong tinh thần bảy điều kiện ấy, thì chúng tỳ khưu không thể suy đồi, trái lại còn phồn thịnh hơn."
Rồi, với tâm từ bi vô lượng vô biên, Đức Phật soi sáng thêm cho các vị tỳ khưu bảy điều kiện an toàn khác như sau:
"Ngày nào mà chư tỳ khưu không say mê, thích thú hay dấn thân vào công việc thế gian, vào những câu chuyện ngồi lê đôi mách, trong sự ưa thích ngủ nghỉ, trong sự dể duôi để câu chuyện ngoài đời lôi cuốn. Ngày nào mà chư tỳ khưu không còn chứa chấp hay bị rơi vào ảnh hưởng của khát vọng thấp hèn. Ngày nào mà chư tỳ khưu không kết hợp với bạn bè xấu xa, không có những khuynh hướng đê tiện tội lỗi.
"Ngày nào mà bảy điều kiện trên được thực hiện đầy đủ thì các tỳ khưu sẽ không dừng bước nửa đường, không ngừng cố gắng khi đã thành đạt một vài kết quả trên đường tu học và không bỏ dở công trình trước khi thành tựu đạo Quả A La Hán."
Trong một cơ hội khác, Đức Phật dạy thêm rằng ngày nào mà chư tỳ khưu còn có tâm đạo vững chắc, khiêm tốn, chuyên cần, cố học, kiên cố tinh tấn, luôn luôn giữ tâm niệm và phát triển trí tuệ, thì Giáo Hội chư tỳ khưu không thể suy đồi mà trái lại còn phồn thịnh hơn.
Lời Tán Dương của Đức Sariputta (Xá Lợi Phất)
Sau khi thuyết giảng nhiều thời Pháp để dẫn dắt chư vị tỳ khưu, Đức Phật rời Rajagaha và cùng với Đại Đức Ananda đi Ambalatthika rồi từ đó đến Nalanda. Nơi đây Ngài ngự tại vườn xoài Pavarika. Trong dịp này, Đại Đức Sariputta (Xá Lợi Phất) đến hầu Phật và tán dương trí tuệ của Ngài như sau:
"Bạch hóa Đức Thế Tôn, con rất lấy làm thỏa thích, con tin tưởng nơi Đức Phật đến nỗi nghĩ rằng trong quá khứ, trong tương lai, cũng như ở hiện tại, không thể có một vị sa môn hay bà la môn nào cao siêu và trí tuệ hơn Đức Thế Tôn về phương diện tự mình giác ngộ."
Đức Phật không chấp thuận một lời ca tụng tương tợ do đệ tử Ngài thốt ra. Ngài nhắc Đại Đức Sariputta rằng chính Đức Sariputta không hiểu biết đầy đủ công đức chư Phật trong quá khứ và ở vị lai.
Đức Sariputta cung kính xác nhận rằng Ngài không am hiểu tất cả các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác vô thượng, nhưng vẫn giữ lời là chính mình đã hiểu biết truyền thống Chánh Pháp, tiến trình mà tất cả chư Phật đều phải trải qua trước khi đắc Quả Vô Thượng, bằng cách diệt trừ năm pháp triền cái là : 1) tham dục, 2) oán ghét, 3) dã dượi, hôn trầm, 4) phóng dật, lo âu, và 5) hoài nghi, bằng cách dùng trí tuệ làm giảm suy những khát vọng mạnh mẽ trong tâm, trọn vẹn an trú tâm vào Tứ Niệm Xứ, và chân chánh phát triển bảy yếu tố dẫn đến Giác Ngộ (Thất Giác Chi).
Pataliputta
Từ Nalanda, Đức Phật lần hồi đến Pataligama. Nơi đây hai vị đại thần xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) là Sunidha và Vassakara đang xây thành đắp lũy để phòng thủ và ngăn chặn người Vajjian, lúc ấy rất hùng cường và phồn thịnh. Đức Phật ngự trong một căn nhà bỏ trống. Khi nhận thấy hàng ngàn vị Trời đến ở đó đây trong khắp vùng, Ngài nói trước rằng Pataliputta sẽ trở nên một thị trấn quan trọng, một trung tâm thương mại, một nơi trao đổi hàng hóa, nhưng về sau phải bị ba lần hiểm họa là lửa, nước và phân tranh.
Khi hay tin Đức Phật đến Pataligama, các vị đại thần đến cung thỉnh Ngài cùng với chư đệ tử về nhà trai tăng. Sau khi thọ thực xong, Đức Phật dạy:
"Bất luận nơi nào mà người biết thận trọng cư trú, người ấy cũng hết lòng nâng đỡ chư huynh đệ, những người tốt, biết tự kiểm soát, và hồi hướng phước báu đến các vị Trời thường tới lui trong vùng. Kỉnh mộ, chư Thiên sẽ kỉnh mộ. Tôn trọng, chư Thiên sẽ tôn trọng người sáng suốt thận trọng. Chư Thiên sẽ đối xử dịu dàng nhã nhặn với người ấy như bà mẹ hiền đối xử với đứa con duy nhất của bà, và người mà được chư Thiên chiếu cố, sẽ hưởng nhiều may mắn." [1]
Nhân dịp Đức Phật đến viếng, dân chúng đặt tên cổng thành là "cổng Gotama" và cũng định ý đặt tên chiếc đò đưa Đức Phật qua sông Ganges (Hằng), lúc ấy đang ngập lụt, là "đò Gotama", nhưng Đức Phật dùng thần thông cùng chư vị đệ tử sang sông trong lúc ai nấy đang nhộn nhịp sửa soạn đò.
Những Cảnh Giới Tương Lai
Từ bờ sông Ganges (Hằng), Đức Phật đi đến Kotigama và từ đó đến làng Nadika và ngự trong nhà gạch. Nhân dịp này Đại Đức Ananda đến gần Đức Phật, cung kính hỏi thăm Ngài về cảnh trạng tương lai của nhiều người trong làng đã quá vãng. Đức Phật nhẫn nại kể lại số phần của từng người, rồi Ngài dạy làm thế nào người đệ tử của một Đấng Thế Tôn thành đạt "Gương Trong của Chân Lý" để có thể nói trước rằng: "Ta sẽ không còn tái sanh vào địa ngục, cảnh thú, cảnh giới Peta (ngạ quỷ), những trạng thái buồn khổ, tội lỗi và thấp hèn. Ta đã nhập lưu, không thể còn rơi vào ác đạo và sự Giác ngộ cuối cùng đã được bảo đảm."
Gương Trong của Pháp Bảo (Dhammàdàsa)
"Này Ananda, Gương Chánh Pháp là gì?
"Là gương lành của người đệ tử cao thượng đặt trọn vẹn niềm tin nơi Đức Phật và suy gẫm về các ân đức của Ngài như sau:
"Ngài hẳn là Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn."
"Người đệ tử cao thượng đặt trọn vẹn niềm tin nơi Đức Pháp và suy gẫm về các đặc tánh của Giáo Pháp như sau:
"Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng dạy và được truyền bá đầy đủ là để tự chứng ngộ, có hiệu năng tức khắc, khuyến khích sự tìm tòi suy gẫm, dẫn đến nơi (Niết Bàn), để bậc thiện trí thức am hiểu, mỗi người cho riêng mình."
"Và người đệ tử cao thượng đặt trọn vẹn niềm tin nơi Đức Tăng và suy gẫm về những phẩm hạnh của Giáo Hội Tăng Già như sau:
"Giáo Hội các đệ tử của Đức Thế Tôn có đức hạnh toàn hảo. Các Ngài có phẩm hạnh toàn hảo. Các Ngài có phẩm hạnh chân chánh. Các Ngài có phẩm hạnh của bậc trí tuệ. Các Ngài là những vị đã thành tựu bốn Đạo và bốn Quả thánh. Giáo Hội các đệ tử Đức Thế Tôn là bậc xứng đáng thọ lãnh những vật cúng dường và chỗ ở. Các Ngài là bậc xứng đáng được lễ bái, là phước điền vô thượng trên thế gian."
"Vị đệ tử cao thượng trở nên người có phẩm hạnh thích hợp với chư Phật; phẩm hạnh vững chắc, không thể sứt mẻ, hoàn toàn trong trắng, không một vết ô nhiễm, hoàn toàn khinh khoát; phẩm hạnh mà bậc thiện trí tán dương, mà không có khát vọng trần tục nào có thể làm hoen ố; phẩm hạnh thuận chiều đưa đến tâm định."
Từ Nadika, Đức Phật lần hồi đến thành Vesali, lúc bấy giờ rất phồn thịnh, và ngụ tại khu vườn của Ambapali, một cô gái giang hồ xinh đẹp. Biết rằng thế nào Ambapali cũng đến, Đức Phật thận trọng khuyên dạy chư đệ tử phải luôn luôn chú tâm an trú chánh niệm và giác tỉnh và Ngài dạy chư tỳ khưu đường lối chú niệm.
Ambapali
Khi được tin Đức Phật ngự tại vườn xoài của mình thì Ambapali đến cung thỉnh Đức Phật cùng chư đệ tử về nhà trai tăng ngày hôm sau.
Đức Phật nhận lời và từ chối lời thỉnh cầu đến sau của các nhà quý phái Licchavi. Các vị quý phái này đến gặp cô Ambapali và hứa sẽ đền bù bằng một số tiền rất lớn nếu nàng khứng chịu nhường bữa trai tăng. Nhưng cô Ambapali lễ phép khước từ.
Ngày hôm sau Đức Phật đến nhà Ambapali. Sau bữa độ ngọ, cô gái, trước kia là giang hồ, phát tâm vô cùng trong sạch, kính dâng lên Đức Phật và chư Tăng vườn xoài rộng lớn. [2]
Lúc ấy nhằm mùa mưa, Đức Phật dạy các đệ tử nên nhập Hạ bên trong hoặc ở quanh thành Vesali. Phần Ngài, quyết định sẽ nhập Hạ tại Beluva, một làng nhỏ bé gần Vesali. Đây là Hạ thứ bốn mươi lăm và cũng là Hạ cuối cùng của Ngài.
Đức Phật Lâm Bệnh
Trong năm ấy, Đức Phật lâm bệnh trầm trọng và rất đau đớn, gần như sắp chết.
Nhờ có một ý chí sắt đá, Ngài vững chắc giữ chánh niệm, luôn luôn giác tỉnh và nhẫn nại chịu đựng cơn đau không một lời rên xiết. Đức Phật biết rằng đã đến lúc Ngài sắp lìa thế gian, nhưng nghĩ rằng sẽ không hợp lẽ nếu ra đi mà không có vài lời đến vị đệ tử hầu cận và nhắc nhở Giáo Hội. Do đó Ngài quyết định khắc chế bệnh trạng bằng ý chí sắt đá và liên tục chứng nghiệm hạnh phúc A La Hán [3].
Liền sau khi Đức Phật bình phục, Đại Đức Ananda đến hầu Ngài, biểu lộ lòng vui mừng được thấy Ngài khỏi bệnh và tỏ ra yên chí được biết rằng Đức Phật sẽ không ra đi trước khi có lời khuyên nhủ Giáo Hội.
Câu trả lời của Đức Phật, rất ý nhị và nên được ghi nhớ, bộc lộ rõ ràng tính chất đặc biệt của Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng).
Lời kêu gọi của Đức Phật.
"Này Ananda, Giáo Hội các đệ tử còn mong đợi gì nữa ở Như Lai? Như Lai đã truyền dạy Giáo Pháp mà không có sự phân biệt nào giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền [4]. Về chân lý, Như Lai không khi nào có một bàn tay nắm lại của một ông thầy. Có người nghĩ rằng: 'Chính ta sẽ lãnh đạo Giáo Hội các Tỳ Khưu', hoặc 'Giáo Hội chư Tỳ Khưu sẽ tùy thuộc nơi ta', hoặc 'chính Đức Phật phải dạy điều gì có liên quan đến Giáo Hội'.
"Này Ananda, Như Lai không nghĩ rằng có người nào phải lãnh đạo Giáo Hội các Tỳ Khưu, hoặc Giáo Hội phải tùy thuộc nơi người nào. Tại sao Như Lai phải truyền dạy một điều nào có liên quan đến Giáo Hội?
"Này Ananda, bây giờ Như Lai đã kiệt lực, già yếu và gần đến ngày lìa trần. Như Lai đã tám mươi, không khác nào cỗ xe quá cũ kỹ, cần phải có những sợi dây cột lại các bộ phận để giữ nó khỏi rã rời. Thân của Như Lai cũng cần những sợi dây thừng tương tợ.
"Này Ananda, lúc nào Như Lai yên lặng, không có dấu hiệu của sự sống, tâm an trụ vào một điểm bằng cách chấm dứt mọi cảm thọ và không biết gì đến sự vật xung quanh, đến lúc ấy thân của Như Lai mới thật là thoải mái. [5]
"Vậy, này Ananda, hãy tự coi chính con là hải đảo (chỗ ẩn náu) của con, chính con là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài [6].
"Hãy xem Giáo Pháp là hải đảo của con. Giáo Pháp là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa ở bên ngoài.
"Này Ananda, một thầy tỳ khưu phải sống cách nào như coi chính mình là hải đảo, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nương tựa bên ngoài?
"Đây này, Ananda, một thầy tỳ khưu sống chuyên cần tinh tấn, suy gẫm, thận trọng giác tỉnh, từ khước mọi tham ái trong thế gian, luôn luôn giữ chánh niệm nơi thân, thọ, tâm và pháp. [7]
"Dầu ngay trong hiện tại hay sau khi Như Lai nhập diệt, người nào sống đúng theo như vậy, xem chính mình là hải đảo của mình, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nương tựa đâu bên ngoài, những vị tỳ khưu ấy sẽ đứng hàng đầu trong những người sống hoàn toàn theo Giới Luật."
Ở đây Đức Phật đặc biệt ghi nhận tầm quan trọng của sự cố gắng cá nhân nhằm thành đạt mục tiêu tối hậu là tự thanh lọc và tự mình giải thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của đời sống. Cầu xin van vái hay lệ thuộc vào người khác thì không có hiệu quả.
Nhưng ta có thể tự hỏi tại sao người Phật tử lại tìm nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng, và trong lúc mà rõ ràng Đức Phật rành mạch dạy rằng không nên tìm nương tựa nơi đâu khác, ngoài chính mình?
Trong khi tìm nương tựa nơi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), người Phật tử chỉ xem Đức Phật là một vị Thầy, một Huấn Luyện Viên đã vạch ra con đường giải thoát, Pháp như con đường duy nhất hay phương tiện duy nhất, và Tăng như những gương lành của một lối sống nên noi theo. Người Phật tử không bao giờ nghĩ rằng chỉ cần có việc nương tựa (quy y) nơi Tam Bảo là đủ để giải thoát.
Mặc dầu tuổi đã cao, sức đã yếu, Đức Phật chẳng những vận dụng mọi cơ hội để khuyên nhủ, dạy dỗ chư tỳ khưu bằng nhiều phương thức khác nhau mà còn đều đặn đi bát, khi nào không có lời cung thỉnh trai tăng. Một ngày kia, Ngài vào thành Vesali trì bình khất thực như thường lệ và sau khi cùng Đại Đức Ananda độ ngọ xong tại đền Capala, có lời dạy như sau:
"Người nào đã trau dồi, phát triển thật lão luyện, chắc chắn nắm vững, chứng nghiệm, thực hành và thuần thục điêu luyện bốn Phương Tiện để Thành Tựu (Tứ Thần Túc, Iddhipada) [8] có thể, nếu người ấy muốn, sống thêm được một kiếp sống (kappa) [9] hay có thể hơn chút ít (kappavasesam). Này Ananda, Như Lai đã trau dồi, phát triển, đã chắc chắn nắm vững và chứng nghiệm, thực hành và thuần thục điêu luyện Tứ Thần Túc. Nếu muốn, Như Lai có thể sống thêm một kiếp sống hay hơn chút ít."
Kinh sách thêm rằng "mặc dầu lời gợi ý rất là rõ rệt hiển nhiên, Đại Đức Ananda lúc ấy không thấu hiểu để thỉnh cầu Đức Phật sống thêm một kiếp nữa vì lợi ích, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của nhiều chúng sanh, vì lòng bi mẫn, thương hại thế gian, vì lợi ích, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của trời và người." Về sự thiếu sót này, kinh sách cho rằng lúc ấy tâm của Đại Đức Ananda bị Ma Vương ám ảnh.
Đức Phật Báo Trước Ngày Nhập Diệt
Đức Phật thị hiện trên thế gian để truyền dạy thực tướng của vạn pháp và con đường duy nhất để thoát ra khỏi mọi khổ đau phiền lụy của đời sống, cho những ai muốn tìm chân lý. Trên đường hoằng Pháp dài dẵng và vô cùng rực rỡ vinh quang, Ngài đã thực hành sứ mạng cao cả quý trọng ấy một cách mỹ mãn và lợi ích, cho Ngài và cho hàng tín đồ. Vào năm tám mươi tuổi thọ, thấy nhiệm vụ đã hoàn thành viên mãn, Ngài đã truyền dạy tất cả những điều cần thiết cho những ai muốn cố gắng theo chân Ngài, cả bậc xuất gia lẫn hàng cư sĩ, và chẳng những các vị này đã nắm vững Giáo Lý mà còn có đủ khả năng để rộng truyền đến kẻ khác. Do đó Đức Phật quyết định không kiểm soát sức khỏe trong những ngày còn lại của kiếp sống bằng ý chí và bằng cách chứng nghiệm hạnh phúc A La Hán. Lúc ấy, ngự tại đền Capala, Ngài báo trước cho Đại Đức Ananda rằng trong ba tháng nữa sẽ nhập diệt.
Đức Ananda vội vã nhắc lại Phật ngôn và thỉnh cầu Ngài sống thêm một kiếp nữa, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của chúng sanh.
Đức Phật trả lời: "Đã đủ rồi, này Ananda, không nên khẩn cầu Như Lai. Thời gian cầu khẩn ấy đã qua."
Rồi Đức Phật giảng về tánh cách vô thường của đời sống và cùng đi với Đại Đức Ananda đến Mahavana. Đức Phật bảo Ngài Ananda triệu tập tất cả các vị tỳ khưu lúc ấy đang cư trú quanh thành Vesali và dạy:
"Bất luận chân lý nào mà Như Lai đã giảng giải, các con phải khéo học hỏi, thực hành, trau dồi, phát triển đầy đủ, nhằm duy trì, làm cho đời sống Thánh Thiện được tồn tại trường tồn vĩnh cửu, vì tình thương chúng sanh, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của nhiều người, vì sự tốt đẹp và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại.
"Những chân lý ấy là gì?
"Đó là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Thần Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo." [10]
Rồi Đức Phật nói lên những lời kêu gọi sau đây và tuyên bố cho các vị tỳ khưu biết ngày nhập diệt:
Những Phật Ngôn Tối Hậu
"Hãy nhìn lại đây các Tỳ Khưu, Như Lai dạy các con. Tất cả các pháp được cấu tạo do điều kiện (các pháp hữu vi) đều là vô thường. Hãy liên tục tận lực chuyên cần. Như Lai đã sắp đến ngày nhập diệt. Còn ba tháng nữa Như Lai sẽ từ giã các con.
"Như Lai đã đến tuổi. Đời sống của Như Lai quả là ngắn ngủi. Rời các con, Như Lai sẽ ra đi. Như Lai đã tự mình làm chỗ nương tựa cho mình. Hỡi các Tỳ Khưu, hãy tinh tấn, giữ chánh niệm và sống đời đạo hạnh. Hãy giữ gìn tâm các con bằng những tư tưởng có chiều hướng tốt. Những ai kiên trì cố ghép nếp sống của mình trong những khuôn khổ dạy trên sẽ bước ra khỏi con đường phiêu bạt vô định của đời sống và chấm dứt đau khổ."
Đức Phật nhìn thành Vesali lần cuối cùng rồi cùng Đại Đức Ananda đi Bhandagama. Ngài dạy các vị tỳ khưu như sau:
"Giới, định, tuệ, và sự giải thoát cùng tột, Đức Gotama (Cồ Đàm) đã thành tựu các điều ấy.
Thấu triệt những điều ấy,
Đức Phật truyền dạy giáo lý cho hàng môn đệ.
Đức Đạo Sư đã giác ngộ,
Chấm dứt mọi phiền não và dập tắt mọi khát vọng.
Bốn Điều Tham Chiếu Lớn
Đi từ làng này đến làng khác, một ngày nọ Đức Phật đến Bhoganagara và tại đây Ngài dạy bốn Đại Giáo Pháp tức là bốn điều tham chiếu lớn (Mahapadesa), theo đó ta có thể trắc nghiệm và làm sáng tỏ giáo huấn của Đức Phật. Ngài dạy:
1. "Một vị tỳ khưu có thể nói rằng tôi nghe chính Đức Phật đã tuyên ngôn như vầy: "Đây là Giáo Pháp, đây là Giới Luật, đây là Giáo Huấn của Đức Bổn Sư". Những lời ấy, không nên chấp nhận, cũng không nên gác bỏ ngoài tai. Không chấp nhận, không bác bỏ, mà phải nghiên cứu tận tường từng chữ, từng tiếng, rồi hãy đối chiếu và so sánh với Kinh (Sutta) và Luật (Vinaya). Nếu khi đối chiếu và so sánh kỹ càng, nhận thấy rằng nó không phù hợp với Kinh và không nhất trí với Luật, con có thể kết luận rằng: "Chắc chắn, đây không phải là Phật ngôn. Vị tỳ khưu kia đã hiểu sai." Như vậy, con phải loại bỏ những lời ấy.
"Nếu, khi đối chiếu và so sánh, những lời ấy phù hợp với Kinh và nhất trí với Luật, con có thể kết luận rằng: "Chắc chắn đây là Phật ngôn, vị tỳ khưu ấy đã hiểu đúng."
"Hãy xem đó là điều tham chiếu lớn đầu tiên.
2. "Lại nữa, một vị tỳ khưu có thể nói rằng trong ngôi chùa kia có chúng Tăng sống chung và có những vị sư lãnh đạo: Tôi nghe chính các sư ấy nói như thế này: "Đây là Giáo Pháp, đây là Giới Luật, đây là Giáo Huấn của Đức Bổn Sư." Không nên chấp nhận, cũng không nên gác bỏ ngoài tai những lời ấy. Không chấp nhận, không bác bỏ, mà phải nghiên cứu tận tường, từng chữ, từng tiếng, rồi hãy đối chiếu với Kinh và so sánh với Luật. Nếu khi đối chiếu và so sánh kỹ càng, những lời ấy không phù hợp với Kinh và không nhất trí với Luật, con có thể kết luận: "Chắc chắn đây không phải là Phật ngôn. Vị tỳ khưu kia đã hiểu sai." Như vậy, con phải loại bỏ những lời ấy.
"Nếu, khi đối chiếu và so sánh, những lời ấy phù hợp với Kinh và nhất trí với Luật, con có thể kết luận rằng: "Chắc chắn đây là Phật ngôn. Vị tỳ khưu ấy hiểu đúng."
"Hãy xem đó là điều tham chiếu lớn thứ nhì.
3. "Lại nữa, một vị tỳ khưu có thể nói rằng trong ngôi chùa kia có nhiều vị sư và những vị cao tăng học rộng, thông suốt Giáo Lý, hiểu rộng Kinh, Luật, Pháp Yếu (Matika): Tôi nghe chính các vị sư ấy nói như vầy: "Đây là Giáo Pháp, đây là Giới Luật, đây là Giáo Huấn của Đức Bổn Sư". Không nên chấp nhận, cũng không nên gác bỏ ngoài tai. Không chấp nhận, không bác bỏ, mà phải nghiên cứu tận tường từng chữ, từng tiếng, rồi đem đối chiếu với Kinh (Sutta) và so sánh với Luật (Vinaya). Nếu khi đối chiếu và so sánh như vậy, những lời ấy không phù hợp với Kinh và không nhất trí với Luật, con có thể kết luận: "Chắc chắn đây không phải là Phật ngôn. Vị tỳ khưu kia đã hiểu sai." Như vậy, con phải loại bỏ những lời ấy.
"Nếu, khi đối chiếu và so sánh, những lời ấy phù hợp với Kinh và nhất trí với Luật, con có thể kết luận rằng: "Chắc chắn đây là Phật ngôn. Vị tỳ khưu ấy hiểu đúng."
"Hãy xem đó là điều tham chiếu lớn thứ ba.
4. "Lại nữa, một vị tỳ khưu có thể nói rằng trong ngôi chùa kia có một vị tỳ khưu cao hạ, học rộng, thông suốt Giáo Lý, hiểu rộng Kinh, Luật, và các Pháp Yếu (Matika): Tôi có nghe vị tỳ khưu cao hạ ấy nói như vầy: "Đây là Giáo Pháp, đây là Giới Luật, đây là Giáo Huấn của Đức Bổn Sư". Không nên chấp nhận, cũng không nên gác bỏ ngoài tai. Không chấp nhận, không bác bỏ, mà phải nghiên cứu kỹ càng, tường tận, từng chữ, từng tiếng, rồi đem đối chiếu với Kinh và so sánh với Luật. Nếu khi đối chiếu và so sánh, những lời ấy không phù hợp với Kinh và không nhất trí với Luật, con có thể kết luận: "Chắc chắn đây không phải là Phật ngôn. Vị tỳ khưu kia đã hiểu sai." Như vậy, con phải loại bỏ những lời ấy.
"Nếu, khi đối chiếu và so sánh, những lời ấy phù hợp với Kinh và nhất trí với Luật, con có thể kết luận rằng: "Chắc chắn đây là Giáo Pháp, đây là Giới Luật, đây là Giáo Huấn của Đức Bổn Sư."
"Hãy xem đó là điều tham chiếu lớn thứ tư.
"Này các Tỳ Khưu, đó là bốn điều tham chiếu lớn."
Bữa Thọ Thực Cuối Cùng Của Đức Phật
Rọi sáng cho chư vị đệ tử mỗi khi có cơ hội, Đức Phật lần hồi đến Pava và tại đây, người thợ rèn tên Cunda cung thỉnh Ngài và chư tỳ khưu về trai tăng. Với tâm rất trong sạch, Cunda dâng lên Đức Phật một vật thực đặc biệt gọi là "Sukaramaddava" [11]. Theo lời chỉ dạy của Đức Phật, Cunda chỉ dâng vật thực ấy đến Ngài mà thôi, còn lại bao nhiêu phải đem chôn, sẽ không có ai khác dùng đến.
Sau khi thọ thực xong, Đức Phật nhiễm bệnh lỵ huyết trầm trọng, rất đau đớn, gần như sắp chết. Nhưng Ngài nhẫn nại chịu đựng, điềm tĩnh, không một lời rên xiết.
Mặc dầu bệnh tình trầm trọng và người rất yếu, Đức Phật nhất định đi bộ đến Kusinara [12], nơi Ngài định nhập diệt, cách đó độ ba do tuần (lối chín cây số). Trên đoạn đường cuối cùng này, kinh sách ghi chép rằng Đức Phật phải ngồi lại nghỉ lối hai mươi lăm nơi vì bệnh và yếu.
Ở một chỗ nọ, Ngài ngồi dưới gốc cây to và dạy Đại Đức Ananda đi tìm nước uống, vì Ngài cảm nghe khát. Rất là khó khăn, Đại Đức Ananda mới tìm được chút ít nước trong một dòng suối nhỏ nơi ấy năm trăm cỗ xe bò vừa đi qua, quậy đục cả nước.
Lúc bấy giờ có người tên Pukkusa đến gần Đức Phật và bày tỏ lòng thán phục của mình trước sự trầm lặng khác thường của Ngài.
Sau khi nghe Đức Phật thuyết giảng về trạng thái an tĩnh, không xao động, Pukkusa dâng lên Ngài hai bộ y bằng vàng. Theo lời dạy của Đức Phật, Pukkusa dâng một bộ đến cho Ngài và một bộ đến Đại Đức Ananda.
Khi Đại Đức Ananda mặc bộ y cho Đức Phật thì lấy làm ngạc nhiên thấy rằng màu da của Đức Phật chiếu sáng lạ thường:
- Bạch Đức Thế Tôn, tại sao có chuyện lạ thường, rất là kỳ diệu? Màu da của Đức Thế Tôn trở nên sáng lạn, rực rỡ một cách lạ thường. Khi con đắp bộ y bằng vàng lên mình Ngài thì hình như màu sắc của vàng đã lu mờ đi mất.
Nhân đó Đức Phật giải thích rằng trong hai trường hợp, màu da của Đức Như Lai trở nên sáng lạn, rực rỡ lạ thường. Đó là trong đêm Ngài đắc Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và đêm Đức Như Lai nhập diệt.
Và Đức Phật công bố rằng trong đêm ấy, vào lúc canh ba, Ngài sẽ diệt độ trong cụm rừng long thọ (sala) của dòng tiểu vương Malla, giữa cặp cây long thọ, gần Kusinara.
Bữa Cơm Nhiều Phước Báu Của Cunda
Đức Phật tắm lần cuối cùng trong dòng sông Kakuttha và sau khi nghỉ một lúc Ngài dạy Đức Ananda rằng chuyện sau đây có thể xảy ra. Có người sẽ làm cho Cunda ăn năn hối hận vì họ nói: "Này Cunda, ông thật là người có tội. Ông sẽ bị chìm đắm sa đọa, vì Đức Thế Tôn đã lìa trần sau khi thọ thực lần cuối cùng với các món vật thực do ông dâng."
Mỗi lần Cunda, người thợ rèn, ăn năn hối hận như thế, con phải giải thích như vầy: "Này Cunda, ông có thật nhiều phước báu thù thắng. Ông sẽ hưởng được nhiều lợi lạc vì Đức Phật đã độ ngọ lần cuối cùng với các vật thực do ông dâng lên. Này Cunda, bần tăng có nghe chính Đức Phật dạy rằng có hai vật thực cúng dường đem lại phước báu bằng nhau, tạo quả bằng nhau, và vô cùng quý báu hơn tất cả. Hai vật ấy là gì? Đó là vật thực cúng dường mà Bồ Tát thọ lần cuối cùng trước khi chứng ngộ Đạo Quả Vô Thượng, Chánh Đẳng Chánh Giác, và vật thực cúng dường mà Đức Phật thọ lần cuối cùng trước khi nhập diệt. Hai vật cúng dường ấy đem lại phước báu bằng nhau, tạo quả bằng nhau, và vô cùng quý báu hơn tất cả các món khác. Và vật thực cuối cùng mà Đức Thế Tôn thọ là chính tay của Cunda, người thợ rèn, dâng lên.
"Nghiệp tốt này sẽ trổ quả trong sự tái sanh thuận lợi, tuổi thọ cao, gặt nhiều may mắn và danh vọng, thọ hưởng nhiều phước báu trong các cảnh Trời và trong cảnh vua chúa, quyền quý cao sang."
"Này Ananda, phải khuyên lơn Cunda như thế ấy."
Đức Phật lần hồi đến rừng long thọ của dòng tiểu vương Malla và dạy Đại Đức Ananda chuẩn bị chỗ để Ngài yên nghỉ giữa cặp cây long thọ, đầu hướng về phía bắc. Rồi Đức Phật nằm xuống, nghiêng mình về hông mặt, chân trái gác dài trên chân mặt và với chánh niệm vững chắc, hoàn toàn kiểm soát tâm, tuyệt đối giác tỉnh.
Phải Tôn Kính Đức Phật Như Thế Nào
Khi nhìn thấy những cây long thọ trổ bông, mặc dầu không phải mùa bông long thọ trổ, và thấy bao nhiêu người lễ bái và tôn sùng Ngài, Đức Phật kêu gọi chư đệ tử như sau:
"Này Ananda, không phải như vậy là tôn trọng, kính cẩn, sùng bái, làm vẻ vang Như Lai đâu.
Bất luận vị tỳ khưu nào, bất luận vị tỳ khưu ni hay thiện nam, tín nữ nào hành đúng theo Giáo Huấn, phẩm hạnh trang nghiêm, đời sống chân chính, là người tôn trọng, kính cẩn, sùng bái và làm vẻ vang Như Lai theo cách cao thượng nhất.
Như vậy, này Ananda, con phải chuyên cần tu tập, hành đúng theo Giáo Huấn, phẩm hạnh trang nghiêm, sống đời chân chính."
Lúc ấy, Đại Đức Upavana, trước kia có sống gần và hầu cận Đức Phật lâu ngày, đứng trước mặt Đức Phật. Ngài dạy Đại Đức Upavana đứng sang qua một bên. Đại Đức Upavana thấy vậy lấy làm ngạc nhiên vì trước kia chính Đại Đức Upavana cung phụng Đức Phật đầy đủ. Đức Phật giải thích rằng lúc bấy giờ có rất đông chư Thiên tựu đến quanh đó và các vị Trời ấy than phiền rằng vì bị Đại Đức Upavana che khuất, không thể thấy Ngài.
Bốn Thánh Tích
Kế đó Đức Phật đề cập đến bốn thánh tích mà, vì có liên quan đến đời sống của Ngài, người thiện tín có tâm đạo nhiệt thành nên đến chiêm ngưỡng với lòng thành kính và tôn sùng.
Bốn nơi ấy là:
"Nơi Bồ Tát Đản Sanh [13]. Nơi Đức Phật Thành Đạo[14].
Nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân [15].
Nơi Đức Phật Nhập Diệt [16]."
Và Đức Phật thêm:
"Người nào trút hơi thở cuối cùng trong niềm tin vững chắc lúc đi hành hương, sẽ tái sanh về nhàn cảnh."
Đức Phật Cảm Hóa Subhadda
Vào thuở ấy tại Kusinara, có một đạo sĩ du phương hành khất tên Subhadda [17]. Vị đạo sĩ này nghe tin đồn rằng vào canh chót đêm ấy Đức Gotama (Cồ Đàm) sẽ nhập diệt nên nghĩ như sau:
"Ta đã có nghe những vị thầy đứng tuổi và các vị khác cao niên hơn, và các ông thầy của những vị ấy, các vị khất sĩ du phương, nói rằng hiếm hoi lắm, thật là hy hữu mới được có một Đấng Thế Tôn, Đấng Toàn Giác, xuất hiện trên thế gian. Đêm nay, vào canh chót, Đức Gotama (Cồ Đàm) sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn. Ta có một điều hoài nghi và tin tưởng nơi Đức Gotama. Hẳn vậy, Ngài sẽ giảng dạy Giáo Pháp để đánh tan mối hoài nghi của ta."
Nghĩ vậy, vị Đạo Sĩ Subhadda liền đi ngay đến cụm rừng Upavattana Sala của dòng Malla, đến gần Đức Ananda và bạch rằng: "Tôi có nghe những ông thầy đứng tuổi và những vị khác cao niên hơn, và các ông thầy của những vị ấy, các đạo sĩ du phương hành khất, nói rằng hiếm hoi lắm, thật là hy hữu mới được có một Đấng Thế Tôn, Đấng Toàn Giác xuất hiện trên thế gian. Đêm nay, vào canh cuối cùng, Đức Gotama (Cồ Đàm) sẽ nhập Vô Dư Niết Bàn. Tôi có điều hoài nghi và tin tưởng nơi Đức Gotama. Hẳn vậy, Đức Gotama sẽ có thể giảng dạy Giáo Pháp để đánh tan mối hoài nghi của tôi. Bạch Đại Đức, có thể nào tôi được vào yết kiến Đức Gotama trong giây lát không?"
Đức Ananda trả lời: "Này Đạo Hữu Subhadda, chớ nên làm rộn Đức Thế Tôn. Ngài đã mệt mỏi lắm rồi."
Subhadda lặp lại lời thỉnh cầu lần thứ nhì và lần thứ ba. Nhưng, lần thứ nhì và lần thứ ba, Đức Ananda cũng trả lời như trước.
Đức Phật nghe được câu chuyện, cho gọi Đại Đức Ananda vào dạy: "Không nên, này Ananda, không nên ngăn cản Subhadda vào. Hãy để Subhadda vào yết kiến Như Lai. Bất luận điều gì mà Subhadda sẽ hỏi, cũng là do nơi ý muốn hiểu biết chớ không phải muốn làm phiền Như Lai. Và những điều Như Lai truyền dạy sẽ được lãnh hội mau chóng". Ngài Ananda đưa Subhadda vào gặp Đức Phật. Sau khi trao đổi những lời chào hỏi, Subhadda chúc tụng Đức Phật rồi ngồi lại một bên và hỏi:
"Có nhiều vị đạo sĩ và giáo sĩ, lãnh đạo những giáo phái và giáo đoàn, là những người đứng đầu những tập đoàn tôn giáo nổi tiếng, những nhà truyền giáo trứ danh, được nhiều người tôn sùng như Purana Kassapa, Makkhali Gosala, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccayana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nataputta [18]. Tất cả những vị ấy có thông suốt chân lý như các Ngài đã nói vậy không, hay chỉ có vài vị thông suốt còn các vị khác thì không?"
- Hãy để yên đó, này Subhadda, không nên thắc mắc, bận trí với tất cả hay vài vị đã chứng ngộ chân lý, hay không có ai chứng ngộ. Như Lai sẽ dạy con. Hãy nghe và ghi nhớ, Như Lai giảng đây.
- Xin vâng, Bạch Đức Thế Tôn.
Đức Phật dạy:
"Trong bất luận giáo đoàn nào, nếu không có Bát Chánh Đạo thì cũng không có hạng nhất đẳng Sa Môn(Samana) [19], cũng không có nhị đẳng [20], tam đẳng [21] hay tứ đẳng Sa Môn [22]. Trong giáo đoàn nào có Bát Chánh Đạo, này Subhadda, thì có hạng nhất đẳng Sa Môn, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng Sa Môn.
"Nơi đây, trong giáo đoàn này, hỡi Subhadda, có Bát Chánh Đạo.
"Quả thật vậy, ở đây có hạng nhất đẳng, nhị đẳng, tam đẳng và tứ đẳng Sa Môn. Các nơi khác không có hạng Sa Môn. Này Subhadda, nếu chư đệ tử hành đúng giáo huấn, có đời sống chân chánh, thì thế gian sẽ không vắng bóng các bậc A La Hán.
"Lúc tuổi còn hai mươi chín, Như Lai ra đi để tìm cái gì tốt đẹp. Hôm nay, năm mươi mốt năm đã trôi qua kể từ ngày Như Lai đắp y mang bát. Ngoài những người ở đây, không có một đạo sĩ nào hành đúng, dầu nhiều hay ít, Giáo Pháp khả dĩ đưa đến sự thành đạt Đạo Quả."
Khi được nghe vậy, Subhadda bạch với Đức Phật như sau: "Lành thay! Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, cũng tựa hồ như có người kia dựng lại ngay ngắn một vật đã bị lật đổ, hay khám phá ra một vật đã được giấu kín, hay vạch đường chỉ lối cho người lạc bước, hay cầm ngọn đèn rọi sáng trong đêm tối để cho ai có mắt có thể trông thấy. Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn truyền dạy bằng trăm ngàn phương thức cũng dường thế ấy."
"Xin Ngài cho phép con thọ lễ quy y Phật, Pháp, Tăng. Kính bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ cho con thọ lễ xuất gia sa di và tỳ khưu [23] trước mặt Ngài."
Đức Phật dạy: "Này Subhadda, người sống trong hệ thống giáo lý khác muốn xuất gia sa di và tỳ khưu phải trải qua một thời kỳ học tập bốn tháng, sống biệt trú trong bốn tháng ấy. Sau đó, khi được chấp thuận, giới tử có thể thọ lễ xuất gia và được nâng lên hàng tỳ khưu. Tuy nhiên, do sự hiểu biết của con hôm nay, Như Lai cho phép làm một ngoại lệ cho riêng cá nhân con."
Rồi Đức Phật dạy Đại Đức Ananda cử hành lễ xuất gia cho Subhadda. Trước mặt Đức Phật, Subhadda thọ lễ xuất gia sa di và tỳ khưu. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, Đại Đức Subhadda sống đơn độc một mình ở nơi vắng vẻ, xa thành thị, chuyên cần kiên trì tinh tấn và nhiệt tâm cần mẫn, chứng ngộ chân lý trong kiếp sống ấy, nhờ trí tuệ trực giác và đời sống thánh thiện thiêng liêng cao thượng vô song. Ngài sống trong trạng thái mà, để thành đạt, bao nhiêu vương tôn công tử đã chân chánh từ khước cuộc sống phong phú của đời cư sĩ, chấp nhận làm người không nhà cửa, không tài sản sự nghiệp. Ngài nhận định rằng mình không còn tái sanh nữa. Sau kiếp sống thiêng liêng đầy đủ này không còn kiếp nào khác.
Đại Đức Subhadda đã trở thành một trong những vị A La Hán. Ngài là người cuối cùng được Đức Phật thâu nhận làm đệ tử.
Lời Dạy Tối Hậu đến Đại Đức Ananda
Đại Đức Ananda bạch với Đức Phật rằng sau khi Ngài diệt độ, nhục thể của Đức Thế Tôn phải được tôn vinh như thế nào? Đức Phật trả lời:
"Này Ananda, con không nên bận tâm với việc phải làm vẻ vang nhục thể của Như Lai. Hãy chú tâm vào hạnh phúc châu toàn (Đạo Quả A La Hán) của chính con. Hãy tận lực tinh tấn để thành đạt hạnh phúc châu toàn của chính con. Hãy cố gắng, cần mẫn chuyên chú, quyết tâm mưu tìm sự tốt đẹp cho chính con. Có những người chiến sĩ sáng suốt, những vị Bà La Môn và những người cư sĩ trí tuệ, tin tưởng vững chắc nơi Như Lai. Hãy để những người ấy tôn vinh và làm vẻ vang nhục thể của Như Lai."
Nghe lời giáo huấn quý báu cuối cùng ấy, Đại Đức Ananda đi sang một bên và đứng khóc, bụng nghĩ rằng:
"Than ôi! Ta chỉ là một tu sĩ có pháp học nhưng chưa được hoàn toàn giải thoát, cần phải thực hành nữa. Nhưng sau cùng, Đức Đạo Sư sắp tịch diệt, Đức Thế Tôn mà ta vô cùng quý mến."
Đức Phật cho gọi Ngài đến và dạy:
"Hỡi Ananda, chớ nên phiền muộn. Chớ có khóc than. Như Lai đã từng dạy rằng tất cả chúng ta đều phải phân ly, cách biệt, và xa lìa những gì mà ta quý mến và thân yêu. Này Ananda, con đã tạo nhiều phước báu. Con sẽ sớm thanh lọc mọi ô nhiễm."
Và Đức Phật tán dương công đức của Đại Đức Ananda, rồi dạy Ngài Ananda vào thành Kusinara báo tin cho hoàng tộc Malla về sự nhập diệt sắp đến.
Hoàng tộc Malla được báo tin, dắt vợ con đến khóc đảnh lễ Đức Phật.
Quang Cảnh Cuối Cùng
Đức Phật dạy Đại Đức Ananda:
"Này Ananda, có thể con sẽ nói rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn thầy giảng dạy. Chúng con không còn Đạo Sư.
"Không nên, Ananda, con không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy và quảng bá rộng rãi. Này Ananda, khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là Đạo Sư của chúng con.
"Sau khi Như Lai nhập diệt, chúng Tăng có thể, nếu chúng Tăng muốn như vậy, hủy bỏ những học giới nhỏ nhen và không quan trọng."
Bản chú giải ghi nhận rằng thay vì dùng mệnh lệnh cách (imperative form) bảo phải làm thế nào, Đức Phật chỉ dùng tiếp thuộc cách (subjunctive) trong lời dạy trên. Nếu ý Ngài là muốn hủy bỏ các học giới nhỏ thì Ngài đã dùng mệnh lệnh cách rồi. Đức Phật biết trước rằng về sau, khi chủ tọa cuộc Kết Tập Tam Tạng Lần đầu tiên, với sự đồng ý của chúng tăng, Đại Đức Kassapa sẽ không hủy bỏ một học giới nhỏ nhen nào. Vì Đức Phật không dạy rõ, và các vị A La Hán không thể quyết định nên hủy bỏ học giới nhỏ nào, nên các ngài giữ nguyên vẹn tất cả.
Một lần nữa Đức Phật dạy chư đệ tử như sau :
"Nầy các đệ tử , nếu các con còn bất luận một phân vân thắc mắc nào có liên quan đến Phật, Pháp, Tăng, Đạo, hay Phương Pháp, hãy nêu lên những câu hỏi. Về sau chớ ăn năn hối tiếc vì nghĩ rằng: "Lúc ấy, ở trước mặt Đức Thế Tôn mà ta không hỏi."
Tất cả chư vị đệ tử đều im lặng .
Lần thứ nhì và lần thứ ba. Đức Phật lặp lại câu nói. Lần thứ nhì, lần thứ ba, các vị đệ tử vẫn giữ im lặng.
Rồi Đức Phật dạy : "Có lẽ vì tôn kính Như Lai nên các con không nêu lên câu hỏi. Vậy nếu có thắc mắc, hãy thổ lộ với một đạo hữu khác."
Các vị tỳ khưu vẫn giữ im lặng.
Nhân đó Đại Đức Ananda bạch với Đức Phật như sau : "Quả thật kỳ diệu! Bạch Đức Thế Tôn. Quả thật tuyệt vời! Bạch Đức Thế Tôn. Con lấy làm hoan hỷ. Không có một đệ tử nào còn bất luận một hoài nghi hay thắc mắc về Đức Phật , Giáo Pháp, Giáo Hội Tăng Già, về Con Đường hay về Phương Pháp."
"Nầy Ananda, con nói điều ấy theo đức tin của con. Nhưng Như Lai hiểu biết rằng trong chúng Tăng đây không có ai còn hoài nghi hay thắc mắc về Giáo Pháp, về Giáo Hội, về Con Đường hay về Phương Pháp. Trong năm trăm đệ tử , nầy Ananda, người chậm trễ nhất cũng đã nhập lưu, không còn phải rơi trở xuống nữa, và đã chắc chắn sẽ chứng ngộ." [24]
Rốt cùng, để khuyên dạy đệ tử, Đức Phật nói lên lời giáo huấn:
"Hãy nghe đây, nầy các đệ tử, Như Lai khuyên các con. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần."
Đó là di huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.
Đức Phật Viên Tịch
Đức Thế Tôn nhập sơ thiền. Xuất sơ thiền, Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài nhập không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, Ngài nhập thức vô biên xứ. Xuất thức vô biên xứ, Ngài nhập vô sở hữu xứ. Xuất vô sở hữu xứ, Ngài nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập diệt thọ tưởng định.
Lúc ấy Đại ĐứcAnanda, không có thiên nhãn, hỏi Đại Đức Anuruddha: "Bạch sư huynh, có phải Đức Thế Tôn đã nhập diệt rồi không?"
- Không phải vậy, nầy Ananda sư đệ, Đức Thế Tôn chưa diệt độ, Ngài mới nhập diệt thọ tưởng định.
Rồi xuất diệt thọ tưởng định, Đức Phật nhập phi tưởng phi phi tưởng định. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập vô sở hữu xứ định. Xuất vô sở hữu xứ, Ngài nhập thức vô biên xứ định. Xuất thức vô biên xứ, Ngài nhập không vô biên xứ định. Xuất không vô biên xứ, Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập sơ thiền.
Xuất sơ thiền, Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền, và tức khắc sau đó, Đức Phật cuối cùng nhập diệt.
Hòa Thượng Narada
Phạm Kim Khánh Việt Dịch
Chú thích:
[1] Giáo sư Rhys Davids - Dialogues of the Buddha. Tập II, trang 91.
[2] Về sau cô Ambapali xin xuất gia, gia nhập vào Giáo Hội Tỳ Khưu Ni và đắc Quả A La Hán.
[3] Jivita samkharam adhitthaya
[4] Anantaram abahiram karitva, danh từ này bao gồm cả hai, những cá nhân và những lời dạy: "Bao nhiêu giáo lý này ta sẽ không dạy ai khác", một ý nghĩ như vậy có nghĩa là hạn chế, chỉ dạy giáo lý trong một giới nhỏ nào. "Bao nhiêu giáo lý đây ta sẽ dạy kẻ khác", một ý nghĩ như vậy có nghĩa là không dạy hết giáo lý. "Ta sẽ dạy người này", câu này hàm ý có sự phân biệt người này với người kia. Đức Phật không hề có sự phân biệt nào, trên phương diện các đệ tử cũng như về mặt giáo lý. Trong lời dạy, Đức Phật không bao giờ bí truyền. Ngài cũng không hề có một nhóm nhỏ hay lớn nào riêng biệt, trong hay ngoài các đệ tử.
[5] Đức Phật ám chỉ hạnh phúc Niết Bàn (phalasamapatti)
[6] Như cảnh Trời.
[7] Đây là Tứ Niệm Xứ (Satipatthana). Danh từ Pháp (dhamma) dùng ở đây trong một ý nghĩa riêng, ám chỉ cả hai đối tượng của tâm - vật chất và tinh thần. Xem Phụ Bản 6, trang 755-782, kinh Satipatthana Sutta, Majjhima Nikaya, kinh số 10.
[8] Tứ Thần Túc (Iddhipada) là: 1. tác ý hay ý muốn làm (chanda), 2. tinh tấn hay sự cố gắng (viriya), 3. tư tưởng hay tâm (citta), và 4. suy xét (vimamsa).
[9] Cụm từ "một kiếp sống" ở đây được phiên dịch từ Phạn ngữ "kappa". Kappa có nghĩa là một kiếp sống thông thường, khoảng một trăm năm. Kapavasesam nghĩa là một kiếp và thêm một phần của một kappa, lối 120 năm. Nơi đây danh từ này được diễn đạt bằng "hơn chút ít".
[10] Đó là ba mươi bảy Bồ Đề Phần (Bodhipakkhiyadhamma), hay ba mươi bảy nhân sanh quả bồ đề, tức là ba mươi bảy yếu tố cần thiết dẫn đến giác ngộ và sự hiểu biết cùng tột.
[11] Theo Bản Chú Giải, đó là thịt một con heo rừng không già lắm cũng không tơ lắm nhưng không phải cố ý giết nó để dâng lên Đức Phật (pavattamamsa). Có chỗ nói rằng đó là tên của một loại nấm. Cũng có chỗ cho rằng đó là tên một món ăn rất ngon. Xem Questions of Milinda, quyển 1 trang 244, và Dialogues of The Buddha, phần 2, trang 136, số 1.
[12] Theo Bản Chú Giải, Đức Phật chọn Kusinara để nhập diệt vì ba lý do. Lý do đầu tiên là để thuyết bài Pháp Mahasudasana Sutta nhằm khuyến khích đời sống đạo hạnh. Thứ nhì là để dẫn dắt Subhadda, người đệ tử cuối cùng của Ngài, vì ngoài Đức Phật ra không ai có thể thuyết bài này được. Thứ ba là để cho vị Bà La Môn Dona có thể phân chia xá lợi của Ngài một cách êm thấm giữa những người sùng mộ Ngài.
[13] Lumbini, giáp giới Tây Tạng.
[14] Buddha Gaya, lối 10 cây số cách nhà ga xe lửa Gaya.
[15] Isipatana, tên hiện nay là Saranath.
[16] Kusinara, hiện nay được gọi là Kasi, lối 40 cây số cách nhà ga Gorakhpur.
[17] Nên phân biệt đạo sĩ Subhadda này với một vị khác cũng tên Subhadda, lúc ấy đã xuất gia rồi. Chính vị Tỳ Khưu Subhadda kia, xuất gia lúc tuổi già, sẽ nói rằng Đức Phật tịch diệt không phải là điều đáng phiên muộn, bởi vì không còn Đức Phật thì chư tỳ khưu sẽ được tự do, muốn làm gì thì làm, không sợ ai khiển trách. Và cũng vì nghe câu nói ấy mà ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt, Đức Kassapa (Ca Diếp) triệu tập 500 vị tỳ khưu A La Hán để nghe đọc lại Giáo Pháp và Giới Luật (Kết Tập Tam Tạng lần đầu tiên).
[18] Tất cả những vị này đều là những giáo sĩ trứ danh thời Đức Phật.
[19] Đức Phật ám chỉ những vị Nhập Lưu (Sotapanna, Tu Đà Hườn)
[20] Tư Đà Hàm (Sakadagami, Nhứt Lai).
[21] A Na Hàm (Anagami, Bất Lai).
[22] A La Hán (Arahat, Ưng Cúng).
[23] Pabbajja, từ bỏ, là xuất gia sa di bằng cách cạo râu tóc, đắp y vàng, quy y Tam Bảo và thọ mười giới. Người tu sơ đẳng ấy được gọi là Samenara, sa-di. Upasampada, cụ túc giới, lễ xuất gia tỳ khưu, dành cho người từ hai mươi tuổi trở lên. Người đã thọ cụ túc giới là hội viên của Giáo Hội với đầy đủ tư cách và được gọi là tỳ khưu (bhikkhu). Một vị tỳ khưu phải giữ tròn những giới bổn (patimokkha) và khi phạm một trong những trọng tội, như bất cọng trụ chẳng hạn, phải bị trục xuất ra khỏi Giáo Hội. Nếu muốn, vị ấy có thể trở lại làm một sa di.
[24] Đức Phật ám chỉ Đại Đức Ananda. Được khuyến khích, Đại Đức Ananda cố gắng tu tập và về sau đắc quả A La Hán.