Mục Lục

"Phục vụ thân bằng quyến thuộc là một phước báu" -- Hạnh Phúc Kinh [1]

---o0o---

Vua Tịnh Phạn Muốn Gặp Đức Phật.

Hay tin Đức Phật đang ngự tại thành Rajagaha (Vương Xá) và đang truyền bá Giáo Pháp, Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) càng nóng lòng muốn gặp người con trí tuệ. Chín lần liên tiếp, đức vua truyền lệnh cho chín vị sứ thần đến triệu thỉnh Đức Phật về Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ). Trái ngược với lòng ước mong chờ đợi của vua, khi gặp được Đức Phật, tất cả chín vị sứ thần đều lấy làm thỏa thích, ở lại nghe Pháp, xin xuất gia, và đắc Quả A La Hán. Khi đã đắc Quả A La Hán các Ngài không còn thiết tha đến việc trần gian nên không nghĩ đến sứ mạng là thỉnh Đức Phật về. Đức vua lấy làm thất vọng. Sau cùng, Ngài truyền lệnh cho người tôi trung thần, Kaludayi, vốn là bạn thân của Đức Phật lúc còn là Thái Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta), đi thỉnh Đức Phật. Kaludayi phụng mạng nhưng xin một điều là cho phép ông xuất gia theo Phật.

Như các vị sứ thần trước, Kaludayi cũng được diễm phúc nghe Đức Phật thuyết giảng Giáo Pháp, đắc Quả A La Hán và xin xuất gia. Nhưng khác với các vị kia là ông không quên sứ mạng. Ông thiết tha khẩn cầu Đức Phật về thăm phụ hoàng, nay đã già yếu. Lúc ấy nhằm mùa khô ráo, có thể đi đó đây dễ dàng, Đức Phật lên đường trở về quê nhà với rất đông đệ tử. Trên con đường dài từ Rajagaha (Vương Xá) đến Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), Ngài chia từng chặng ngắn, vừa đi vừa thuyết Pháp, hai tháng sau đã đến nơi.

Mọi việc đã được chuẩn bị để Đức Phật ngự tại huê viên của Hoàng Thân Nigrodha, dòng Sakya (Thích Ca). Khi Đức Phật đến nơi, các vị cao niên ngã mạn dòng Thích Ca nghĩ rằng: "Vị đạo sĩ kia chẳng qua là em, cháu của chúng ta, nên bảo các người trẻ tuổi chào đón đạo sĩ, chúng ta sẽ ở phía sau, và ngồi yên một chỗ, không đảnh lễ Đức Phật". Để khắc phục tánh kiêu căng và cảm hóa các vị cao niên trong hoàng tộc, Đức Phật bay lên giữa lừng trời và dùng thần thông, hóa phép Yamaka Patihariya, "đôi thần thông lực", làm cho nước và lửa cùng một lúc phát sanh ra từ lỗ chân lông [2].

Thấy oai lực thần thông của Đức Phật, Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) đến đảnh lễ Ngài và nói rằng đây là sự đảnh lễ lần thứ ba [3]

Tất cả các vị hoàng thân khác đều noi gương đức vua, cung kính đảnh lễ Phật.

Khi mọi người đảnh lễ xong, Ngài bay xuống và ngồi trên một ghế bành cao đã được dọn sẵn. Tất cả hoàng thân quốc thích đều khiêm tốn ngồi lại xung quanh, im lặng lắng nghe Đức Phật giảng.

Vừa lúc ấy, một trận mưa bất ngờ rơi xuống, gây nên những lời bàn tán sôi nổi giữa các vị hoàng thân về hiện tượng kỳ lạ ấy.

Kế đó, Đức Phật giảng kinh Vessantara Jataka [4], dạy rằng trường hợp tương tợ đã xảy ra trong một tiền kiếp, khi Ngài thuyết Pháp trước cử tọa gồm họ hàng thân quyến. Tất cả đều lấy làm thỏa thích.

Nhưng khi chia tay ra về, không ai biết bổn phận là phải cung thỉnh Đức Phật và chư đệ tử về trai tăng. Chính Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) cũng không biết, vì nghĩ rằng, "Nếu Thái tử con ta không về hoàng cung thì còn đi đâu?" nên Ngài trở về cung điện truyền bày yến tiệc và đón chờ Đức Phật.

Đức Phật Đi Trì Bình và Tế Độ Đức Vua Suddhodana

Vì không có lời thỉnh cầu riêng nên Đức Phật chuẩn bị dắt đoàn đệ tử đi trì bình. Trước khi đi, Đức Phật suy xét như sau: "Khi về đến quê nhà, chư Phật trong quá khứ có đi ngay vào nhà thân bằng quyến thuộc để độ thực hay cũng đi từ nhà này sang nhà khác". Sau khi nhận thấy rằng các Ngài đi trì bình chứ không về nhà, thì Đức Phật cũng làm theo, dẫn chư tăng đi theo đường phố trong thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) khất thực.

Khi nghe Công Chúa Yasodhara (Da Du Đà La) thuật lại hành động thoáng qua hình như bất lịch sự của Đức Phật, vua lấy làm bàng hoàng khó chịu, đi ra tìm Ngài và sau khi đảnh lễ, nói:

"Này Thái Tử con, sao con nỡ làm tổn thương thể thống hoàng tộc như vậy? Cha lấy làm nhục nhã khi thấy con đi khất thực trong chính cái thành phố mà thường ngày con chỉ đi bằng kiệu vàng. Tại sao con nỡ làm nhục cha như vậy?"

Trước sự ngạc nhiên của vua cha, Đức Phật trả lời:

"Tâu Đại Vương, Như Lai không hề làm nhục Đại Vương! Như Lai chỉ hành động theo đúng truyền thống của dòng dõi Như Lai"

- Nhưng này Thái Tử con! Có phải chăng truyền thống trong dòng dõi hoàng tộc là nuôi mạng sống bằng cách đi khất thực? Hoàng tộc chúng ta là dòng dõi của vị chiến sĩ anh hùng Mahasammata chứ không phải chỉ là hạng người tầm thường phải nhục nhã đi khất thực để nuôi mạng.

- Tâu Đại Vương, hẳn không phải truyền thống của hoàng tộc là khất thực độ mạng. Nhưng đây là truyền thống của chư Phật. Hằng ngàn vị Phật trong quá khứ vẫn đi trì bình khất thực.

Rồi, đứng luôn ngoài đường, Đức Phật khuyên vua cha như sau:

"- Không dể duôi phóng dật, luôn luôn giữ chánh niệm (khi đi trì bình, đứng trước cửa người ta). Người trang nghiêm hạnh chánh hạnh ấy sẽ sống an vui hạnh phúc ở thế gian này và trong những kiếp tương lai. [5]"

Nghe đến đây Đức Vua Tịnh Phạn chứng ngộ Chân Lý, đắc Quả Tu Đà Hườn . Vua liền đến gần rước bát của Đức Phật và thỉng Ngài cùng chư đệ tử về hoàng cung trai tăng. Sau khi độ thực xong, Đức Phật lại giảng như sau:

"Hãy trang nghiêm hành chánh hạnh. Không nên dể duôi phóng dật. Người trang nghiêm giữ chánh hạnh ấy sẽ sống an vui hạnh phúc, trong thế gian này và thế gian sắp đến. [6]"

Vua nghe xong, đắc Quả Tư Đà Hàm (Sakadagami, Nhứt Lai), tầng nhì trong bốn tầng thánh và bà Pajapati Gotami đắc Quả Tu Đà Hườn.

Về sau, có người thuật lại rằng trước kia, khi thái tử tu khổ hạnh trong rừng, có lời đồn đến tai vua rằng vì không chịu nổi lối sống ép xác khắc khổ nên thái tử đã từ trần, nhưng vua nhất định không tin. Đức Phật giảng cho vua đoạn kinh Dhammapala Jataka [7] (Trì Pháp Túc Sanh Truyện), thuật lại rằng trong một tiền kiếp cũng có lần vua từ chối không chịu tin rằng con của mình chết, khi có người báo như vậy. Lúc ấy người ta chỉ đống xương, bảo là xương của người con, nhưng vua không tin. Lần này, khi nghe xong thời Pháp, vua đắc Quả A Na Hàm (Anagami,Bất Lai), tầng thánh thứ ba.

Trong giờ phút hấp hối, vua lại được nghe Đức Phật giảng Pháp lần cuối cùng và đắc Quả A La Hán trước khi nhắm mắt. Sau khi hưởng quả phúc trong bảy ngày, Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) băng hà. Lúc ấy Đức Phật khoảng bốn mươi tuổi.

Đức Phật và Công Chúa Yasodhara (Da Du Đà La)

Công Chúa Yasodhara (Da Du Đà La), thường được gọi là Rahulamata, hay Bimba, hay Bhaddakaccana, là con của vua Suppabuddha, trị vì dân tộc Koliya, và Hoàng hậu Pamita, em gái Vua Suddhodana [8]. Công Chúa Yasodhara (Da Du Đà La) đồng tuổi với Thái Tử Siddhattha. Lúc bà lên mười sáu, Thái Tử Siddhattha được vua Suppabuddha chọn làm phò mã sau một cuộc biểu dương võ nghệ. Lúc bấy giờ đời sống của công chúa thật vô cùng dồi dào phong phú và an vui hạnh phúc. Năm hai mươi chín tuổi, chính trong ngày bà hạ sanh hoàng nam, người con duy nhất tên Rahula (La Hầu La), vị Thái tử trầm tư mặc tưởng và thông minh xuất chúng, ông chồng yêu quý của Bà, quyết định từ bỏ thế gian để tìm lối thoát ra khỏi mọi khổ đau của đời sống. Không một lời từ giã người vợ trẻ đẹp và hiền lành đáng quý, Thái tử rời bỏ cung điện trong đêm tối, để lại bà trọn vẹn trọng trách chăm nom và giáo dục con thơ. Đến sáng, lúc bà đang trông chờ Thái tử để đón mừng như thường lệ thì được tin Ngài đã ra đi. Niềm sầu muộn của bà không sao kể xiết. Bà đã mất bảo vật quý giá nhất trong đời. Cung vàng điện ngọc lúc bấy giờ đối với bà chỉ là ngục thất tối tăm. Nguồn an ủi độc nhất của bà là hoàng tử sơ sanh.

Lúc ấy có nhiều hoàng thân quý tộc dòng dõi Kshatriya ngắm nghé đến hỏi, nhưng bà từ chối tất cả và luôn luôn trung thành với ông chồng yêu quý. Khi nghe chồng sống đời tu sĩ, bà cởi hết vòng vàng châu báu và đắp y vàng. Trong khoảng thời gian sáu năm trường, lúc Đạo Sĩ Gotama cố gắng chiến đấu để chứng ngộ Đạo Quả Vô Thượng thì Công Chúa Yasodhara luôn luôn theo dõi mọi hành động và cũng sống giống như vậy.

Khi Đức Phật trở về quê nhà ở Kapilavatthu và khi Đức Vua Suddhodana thỉnh về cung điện trai tăng thì tất cả mọi người đều ra đảnh lễ, nhưng công chúa Yasodhara thì không. Bà nghĩ rằng: "Nếu vạn nhất ta còn giữ được trong sạch một đức hạnh nào, thì chính Đức Thế Tôn sẽ quang lâm đến đây. Chừng ấy ta sẽ đảnh lễ Ngài".

Sau khi độ thực xong, Đức Phật trao bát lại cho Đức Vua cầm, dắt theo hai vị đại đệ tử, bước vô phòng công chúa, ngồi trên chỗ đã dọn sẵn cho Ngài và dạy: "Hãy để công chúa tùy tiện đảnh lễ Như Lai theo ý thích. Không nên nói gì."

Lúc nghe Đức Phật về, công chúa truyền lệnh cho tất cả thị nữ đều mặc y phục màu vàng. Khi Đức Phật vào phòng và ngồi yên nơi, công chúa nhẹ nhàng bước đến, dụm hai chân lại, quỳ xuống, khấu đầu trên chân Ngài và đảnh lễ theo ý bà, rồi cung kính ngồi lại một bên. Lúc ấy Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) mở lời tán dương đức hạnh của bà và ngợi khen lòng trung thành trong sạch của bà như sau:

"Bạch Đức Thế Tôn, khi công chúa nghe tin Ngài đắp y vàng thì nàng cũng đắp y vàng; khi được biết Ngài chỉ độ thực một lần trong ngày, nàng cũng làm như vậy; khi được biết Ngài không nằm giường cao, nàng cũng nằm dưới thấp; khi được biết Ngài từ bỏ không dùng tràng hoa và dầu thơm, nàng cũng từ bỏ những vật ấy; khi các hoàng thân quý tộc cậy người đến mai mối, nàng không màng nhìn đến người nào. Công chúa quả thật tiết hạnh vẹn toàn."

- "Không phải chỉ trong kiếp sống cuối cùng của Như Lai mà trong tiền kiếp, nàng đã bảo vệ, kỉnh mộ và trung thành với Như Lai."

Đức Phật tiếp lời vua Tịnh Phạn và, để an ủi bà trước khi Ngài rời cung điện, thuật câu chuyện Candakinnara Jataka, nhắc lại mối liên hệ giữa Ngài và công chúa trong những kiếp quá khứ [9].

Về sau, khi Đức vua Suddhodana băng hà, Hoàng Hậu Pajapati Gotami xuất gia Tỳ khưu ni (Bhikkhuni), Công Chúa Yasodhara cũng xuất gia và đắc Quả A La Hán.

Trong hàng tín nữ, bà Yasodhara đứng đầu những vị đã chứng đắc đại thần thông (Maha Abhinna) [10] và nhập diệt lúc bảy mươi tám tuổi.

Tên bà không được nhắc đến trong kinh Therigatha nhưng những câu kệ đáng chú ý của bà có ghi trong kinh Apadana [11]

Đức Phật và Rahula (La Hầu La)

Rahula (La Hầu La) là con duy nhất của Thái Tử Siddhattha và Công Chúa Yasodhara. Ngài sanh ra đúng nhằm ngày mà Thái Tử Siddhattha quyết định thoát ly thế tục. Tin mừng Công chúa hạ sanh hoàng nam đến trong lúc Thái tử đang trầm tư chiêm nghiệm trong ngự uyển. Trái với lệ thường khi người ta có được đứa con đầu lòng, thái tử không quá đỗi vui mừng. Ngài than: "Rahu jato, bandhanam jatam!", "Một 'Rahu' đã ra đời, lại thêm một trói buộc!" Do đó đức vua cha đặt tên cháu nội là Rahula [12].

Rahula trưởng thành trong cảnh không cha, được mẹ và ông nội nuôi dưỡng. Lúc Đức Phật trở về Kapilavatthu lần đầu tiên, Rahula lên bảy. Vào ngày thứ bảy sau khi Đức Phật lưu lại quê nhà, Công chúa Yasodhara mặc áo chỉnh tề cho con và chỉ Đức Phật, bảo con:

"Này con, nhìn xem kìa, vị sa môn đắp y vàng, trông như một vị Phạm Thiên giữa đám hai vạn tu sĩ! Ngài là cha của con và Ngài là một kho tàng vô giá, vô cùng vĩ đại. Từ ngày Ngài xuất gia, chúng ta chưa được gặp. Hãy chạy đến và xin Ngài trao lại cho con phần gia sản của con. Con nói như thế này: "Kính thưa cha, con là hoàng tử. Sau khi lên ngôi, con sẽ là một vị vua cai trị cả vương quốc. Hiện giờ con đang cần gia sản. Kính xin cha trao cho con, vì tài sản của cha tức là của con."

Cậu bé ngây thơ Rahula (La Hầu La) làm theo lời mẹ dạy, đến gần Đức Phật và, một cách vô cùng kính mến, bạch:

"Bạch Sa Môn, chỉ cái bóng của Ngài cũng làm cho con hết sức mát mẻ an vui."

Khi độ ngọ xong, Đức Phật rời hoàng cung. Rahula theo chân Ngài và bạch: "Xin Ngài trao gia tài cho con". Và nói thêm nhiều chuyện nữa, nhưng không ai ngăn cản. Đức Phật cũng không cấm đi theo. Khi về đến ngự uyển là nơi Ngài lưu trú, Đức Phật nghĩ:

"Nó muốn gia tài của cha, nhưng tài sản trong thế gian quả thật đầy phiền não. Như Lai sẽ ban cho nó gia tài cao thượng gồm bảy phần mà Như Lai đã thâu đạt dưới cội bồ đề. Như Lai sẽ giúp cho nó trở thành sở hữu chủ của một gia tài siêu thế."

Đức Phật gọi Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất), dạy làm lễ xuất gia cho Rahula (La Hầu La).

Lúc ấy lên bảy, Rahula thọ lễ xuất gia.

Khi nghe tin người cháu nội thân yêu xuất gia thì vua Suddhodana vô cùng sầu muộn. Ngài ngự giá đến gặp Đức Phật và từ tốn xin Phật từ rày về sau không ban truyền lễ xuất gia cho ai mà chưa được cha mẹ cho phép. Vua nói: "Khi Đức Thế Tôn lìa bỏ thế gian ra đi, Trẫm vô cùng đau xót. Rồi đến Nanda, và nay lại có trường hợp Rahula. Tình thương của người cha mất con quả thật cũng dường như bị ai cắt da, xẻ thịt, cắt gân, cắt luôn cả xương, cả tủy. Xin Đức Thế Tôn chấp nhận lời thỉnh nguyện này, sẽ không ban hành lễ xuất gia cho một người con nào mà chưa được cha mẹ cho phép." [13]

Đức Phật sẵn sàng chấp thuận lời thỉnh cầu và ban hành thành luật.

Thật rất khó tưởng tượng một cậu bé có thể sống đời cao thượng theo bậc xuất gia. Nhưng Sa-di Rahula (La Hầu La) vừa thông minh vừa đặc biệt biết vâng lời và tôn trọng giới luật lại rất chuyên cần tu học. Kinh sách ghi rằng, mỗi sáng Sa di dậy thật sớm, ra ngoài bốc lên tay một nắm cát, tung ra và nguyện: "Mong rằng ngày hôm nay ta học được nhiều như bao nhiêu cát đây!"

Một trong những bài kinh đầu tiên mà Rahula được nghe giảng là Ambalatthika Rahulovada Sutta, nhấn mạnh tầm quan trọng của hạnh chân thật.

Ngày kia, thấy Đức Phật từ xa đến, Sa-di Rahula dọn dẹp chỗ ngồi và để sẵn nước cho Đức Phật rửa chân. Khi rửa xong, Đức Phật chừa lại một ít nước trong thau và hỏi:

"Rahula, con thấy còn lại một chút nước trong thau không?"

-- Bạch Đức Thế Tôn, dạ con thấy.

-- Cùng thế ấy, Rahula, đời Sa-di quả thật không có nghĩa lý gì nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn.

Rồi Đức Phật tát hết nước trong thau ra và dạy:

"Đời Sa-di quả thật như bỏ đi, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

Rồi Đức Phật lật úp cái thau xuống và dạy:

"Đời Sa-di quả thật bị đảo lộn, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

Cuối cùng Đức Phật lật trở lên và để ngay ngắn cái thau và dạy:

"Đời Sa-di quả thật trống không và vô vị, nếu còn nói dối mà không biết hổ thẹn."

"Với người nói dối mà không biết hổ thẹn, Như Lai tuyên bố, không có điều tội lỗi xấu xa nào mà người ấy có thể không làm. Do đó, Rahula, con phải cố gắng lập tâm quyết định: - Dầu trong lúc chơi đùa, tôi cũng không nói dối."

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hãnh chân thật bằng những thí dụ dễ hiểu, Đức Phật giải thích cho Sa-di Rahula giá trị của sự suy luận và đức hạnh căn bản, với hình ảnh thông thường, trẻ con cũng có thể lãnh hội:

"- Rahula, cái gương để làm gì?"

"- Bạch Đức Thế Tôn, để phản chiếu lại hình ảnh."

"- Cùng thế đó, Rahula, trước khi hành động con phải dò xét, suy gẫm tận tường. Trước khi nói phải dò xét, suy gẫm. Trước khi nghĩ gì phải dò xét và suy gẫm tận tường.

"Bất luận điều gì con muốn làm (bằng thân), phải suy gẫm thế này: 'Bây giờ, chính điều này mà ta muốn thực hiện bằng thân, hành động này có hại cho ta, hay có hại cho kẻ khác, hoặc có hại cho ta và cho kẻ khác'. Vậy thì hành động này là bất thiện, hành động này đem lại phiền não và đau khổ. Hành động như vậy, con phải tránh, không nên làm.

"Nếu đàng khác, khi suy luận, con nhận định rằng: 'Bây giờ chính hành động này mà ta muốn thực hiện bằng thân, sẽ không có hại cho ta, không có hại cho ai khác, cũng không có hại cho ta và cho kẻ khác.'Như vậy, đó là hành động thiện, sẽ đem lại an vui và hạnh phúc. Hành động như thế con phải làm."

Và Đức Phật dạy Sa-di Rahula (La Hầu La) phải dùng trí suy luận trong lúc, và sau khi, làm điều gì.

"Trong khi đang làm điều chi bằng thân, con phải suy gẫm: 'Bây giờ hoạt động này mà ta đang làm bằng thân, có hại cho ta không? Hoặc có hại cho kẻ khác không? Hoặc có hại cho ta và kẻ khác không?'

"Nếu khi suy luận, con nhận định rằng: 'Bây giờ hành động này mà ta đang làm bằng thân, có hại cho chính ta, có hại cho kẻ khác, hoặc có hại cho ta và cho kẻ khác.' Như vậy, đó là hành động bất thiện, sẽ đem lại phiền não và đau khổ. Con phải ngưng ngay, không tiếp tục hành động ấy nữa.

"Nếu, khi suy luận, con nhận định rằng: 'Bây giờ hành động này mà ta đang làm bằng thân, không có hại cho chính ta, không có hại cho kẻ khác, cũng không có hại cho ta và cho kẻ khác.' Như vậy, đó là hành động thiện, sẽ đem lại an vui và hạnh phúc. Hành động như thế, con phải lặp đi lặp lại nhiều lần."

Và Đức Phật thêm:

"Nếu, khi suy luận, con nhận định rằng: 'Bây giờ, hành động này mà ta đã làm là bất thiện.' Con phải sám hối, phải nói với vị thầy tế độ hay với bậc thiện trí thức, hoặc với các đạo hữu trong Giáo Hội. Đã sám hối, con phải chừa trong tương lai, không nên tái phạm."

Những lời khuyên dạy về hành động thiện, bất thiện, bằng khẩu và ý cũng giống như vậy.

Đức Phật giảng giải dong dài rằng muốn giữ tâm trong sạch, điều chánh yếu là phải luôn luôn suy luận, và Ngài kết thúc bài Pháp như sau :

"Như thế ấy con phải cố gắng luyện tập, luôn luôn suy gẫm tận tường để giữ trong sạch mọi hành động bằng thân, khẩu, ý."

Trong bộ Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm) [14], có một chương đặc biệt ghi lại những lời Đức Phật dạy Sa-di Rahula về đặc tướng vô thường của vạn pháp.

Vì Đại Đức Rahula xuất gia lúc tuổi còn nhỏ nên Đức Phật năng chăm lo khuyên bảo và dẫn dắt Ngài trên con đường chân chính.

Kinh Sutta Nipata ghi chép rằng Đức Phật thường lặp đi nhắc lại Sa-di Rahula bài kệ sau đây [15]:

"Hãy từ bỏ dục lạc của ngũ trần - vừa êm dịu vừa đầy sức quyến rũ. Với Niềm Tin vững chắc, hãy từ bỏ gia đình để làm người chấm dứt mọi đau khổ.

Hãy tìm chỗ ở nơi xa xôi, ẩn dật, thanh vắng và an tĩnh.

Hãy tri túc trong sự độ thực.

Không luyến ái y, bát, những vật dụng cần thiết và chỗ ở.

Không nên trở lại thế gian này.

Hãy nghiêm trì giới luật và thu thúc lục căn.

Hãy thận trọng canh phòng nhục dục ngũ trần và hãy nhàm chán thế gian.

Hãy tránh xa những hào nhoáng bề ngoài của sự vật. Hãy trau dồi tâm nhất điểm và tĩnh lặng trong sạch. Hãy phát triển những gì không nuôi dưỡng lớp mặt bề ngoài. Hãy loại trừ tánh ngã mạn ngủ ngầm trong tâm. Khi tận diệt ngã mạn như vậy, con sẽ đi xuyên qua cuộc sống trong thanh bình an lạc tuyệt đối."

Đến năm lên mười tám, nhân dịp một tư tưởng luyến ái phát sanh có liên quan đến thân hình đẹp đẽ của mình, Sa-di Rahula (La Hầu La) lại được nghe một bài Pháp thâm diệu về sự phát triển tinh thần. Ngày nọ thầy Sa-di theo Đức Phật trì bình. Phong độ oai nghiêm quý trọng của hai vị tu sĩ xem tựa hồ như thớt ngự tượng dõng dạc cùng đi với tượng con quý phái, như thiên nga của đức vua dắt con lội trên mặt hồ trong cung điện, như hổ chúa oai phong và hùm con lẫm liệt. Cả hai Ngài đều có thân hình đẹp đẽ, cả hai đều thuộc dòng mã thượng và vương tôn, cả hai đều từ ngai vàng cất bước ra đi. Trong lúc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thế Tôn, Sa-di Rahula (La Hầu La) nghĩ rằng: "Ta cũng đẹp đẽ như Đức Thế Tôn, cha ta. Thân hình của Đức Phật vô cùng đẹp đẽ và thân hình ta cũng vậy. [16]"

Đức Phật đọc ngay tư tưởng bất thiện ấy. đang đi, Ngài dừng chân, quay lại dạy như sau:

"Bất luận hình dáng đẹp đẽ hay xấu xa, hay thế nào đi nữa, cũng phải được quan sát như vầy: Cái này không phải của ta (N'etam mama); cái này không phải là ta (N'eso'ham' asami); cái này không phải là linh hồn của ta (Na me so atta) [17]"

Thầy Rahula cung kính bạch với Đức Phật có phải ta chỉ nên xem hình thể như thế ấy không. Đức Phật dạy rằng ta phải xem tất cả năm uẩn (khandha) [18] như thế ấy.

Sau khi nghe lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, Thầy Rahula xin phép không đi theo vào làng trì bình như mọi hôm. Thầy dừng lại dưới cội cây, ngồi tréo chân theo lối kiết già, thẳng mình và chú tâm hành thiền.

Đức Sariputta (Xá Lợi Phất), thầy tế độ của Sa-di Rahula (La Hầu La), lúc ấy không biết người đệ tử đang hành thiền về một đề mục mà Đức Phật vừa dạy, thấy thầy Rahula ngồi kiết già dưới cội cây thì khuyên nên chú tâm về pháp niệm hơi thở (Anapana Sati).

Sa-di Rahula lấy làm phân vân khó xử bởi vì Đức Phật dạy một đề mục và vị thầy tế độ lại dạy một đề mục hành thiền khác.

Thầy liền hành theo lời vị thầy tế độ, niệm hơi thở rồi sau đó, đến bạch với Đức Phật xin được giải thích về điểm này. Đức Phật dẫn giải lời Ngài đã khuyên dạy về đề mục sắc uẩn và các uẩn khác, rồi Ngài vắn tắt đề cập đến một vài đề mục hành thiền khác với công hiệu của mỗi đề mục như tạm thời chế ngự tâm bất thiện nào v.v... Sau cùng Ngài giải thích về pháp niệm hơi thở-vào, thở-ra (Anapana Sati).

Làm đúng theo lời dạy của Đức Phật, Sa Di Rahula gia công chăm chú hành thiền và không bao lâu, khi nghe kinh Cula Rahulovada Sutta [19], đắc Quả A La Hán.

Mười bốn năm sau khi Đức Phật Thành Đạo, Sa Di Rahula thọ cụ túc giới, xuất gia tỳ khưu. Ngài viên tịch trước Đức Phật và Đức Xá Lợi Phất. Đại Đức Rahula nổi tiếng là người rất tôn trọng kỷ luật. Những vần thơ trong kinh Theragatha, phiên dịch sau đây, được xem là của Ngài:

"Ta được diễm phúc hai lần thọ hưởng phước báu và được bạn hữu gọi là 'La Hầu La hữu phước', vì là cả hai -- con của Đức Phật và người đã Chứng Ngộ Chân Lý.

Thật vậy! (Ta) không còn trở lại nữa (trên thế gian).

A La Hán, ta xứng đáng nhận lãnh lòng tôn kính cúng dường của nhân loại.

Chúng sanh bị nhục dục ngũ trần làm mù quáng.

Những khát vọng của cơ thể vật chất bao trùm lên chúng sanh như một màng lưới kín mít.

Chúng sanh bị bao phủ trong tham ái, không khác nào cá nằm trong rọ.

Nhưng nay ta đã xoay lưng, không còn nghe tiếng gọi của ngũ trần.

Đã cắt đứt và phá vỡ mọi thằng thúc,

Đã tận diệt tham ái, bứng tận gốc rễ.

Giờ đây ta mát mẻ, thanh bình, an lạc.

Bao nhiêu lửa đã bị dập tắt." [20]

Hòa Thượng Narada

Phạm Kim Khánh Việt Dịch


Chú thích:

[1] Mangala Sutta, Kinh Hạnh Phúc. Xem Phụ Bản I.

[2] Yamaka Patihariya, thường được gọi "đôi phép thần thông", là hai phép lạ phát sanh cùng một lúc. Đây là thần thông mà chỉ một vị Phật mới có. Do phép này, nước và lửa phun ra cùng một lỗ chân lông. Bản chú giải Patisambhida-magga ghi rằng lửa và nước có nghĩa là tia sáng đỏ và tia sáng xanh.

[3] Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) đảnh lễ lần thứ nhất khi thấy hoàng tử lúc mới sanh, gác chân lên đầu tóc Đạo Sĩ Asita. Lần thứ nhì trong lễ đi cày, khi thấy Thái tử ngồi hành thiền.

[4] Xem Jataka, Túc Sanh Truyện, Tập VI, trang 479, số 547; Dhammapadatthakatha, Tập III, trang 163-164. Câu chuyện lý thú này, dài nhất trong bản chú giải Túc Sanh Truyện, cho thấy đức độ quảng đại khoan hồng của Đức Phật thật là vô hạn.

[5] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 168.

[6] Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 169.

[7] Túc Sanh Truyện, số 447

[8] Xem bảng gia phả, cuối Chương 1

[9] Bản chú giải bộ Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, ghi: "Một vị Phật chỉ có bốn đệ tử đắc đại thần thông (Maha Abhinna). Những đệ tử khác chỉ có thể nhớ được đến 100.000 Kalpa (châu kỳ), không thể hơn. Nhưng vị đắc đại thần thông có thể nhớ lại vô số kỷ nguyên. Trong thời Đức Phật chỉ có bốn vị đắc đại thần thông là hai vị đại đệ tử, vị Trưởng lão Bakkula và Đức Bhadda Kaccana, tức bà Yasodhara (Da Du Đà La). Chỉ có bốn vị ấy."

[10] Trang 584-590. Nơi đây, bà thuật lại mối liên hệ giữa bà và Bồ Tát khi Ngài gặp Đức Phật Dipamkara và phát nguyện trở thành Phật.

[11] Đúng ngữ nguyên "La"là bị cột lại hay bị nắm lấy; và "Rahu" là dây trói buộc.

[12] Xem Buddhist Legends, phần I, trang 219.

[13] Majjhima Nikaya, Trung A-hàm, 61

[14] Samyutta Nikaya, phần 2 trang 244-253 và Kindred Sayings, phần 2 trang 164-168.

[15] Sutta Nipata, Rahula Sutta. Chalmers' "Buddha's Teachings", trang 81

[16] Majjhima Nikaya, Trung A-hàm, số 62.

[17] Xem Anattalakkhana Sutta, Kinh Vô Ngã Tướng, bài Pháp thứ nhì, chương 6, trang 117-119.

[18] Cái được gọi là chúng sanh gồm năm uẩn. Ngoài năm uẩn ấy không có chúng sanh. nếu bỏ năm uẩn ra sẽ không còn gì tồn tại. Không có linh hồn hay bản ngã trong một uẩn riêng lẻ, không có linh hồn trong năm uẩn hợp lại, mà linh hồn cũng không có ngoài năm uẩn ấy.

[20] Psalms of the Brethren, trang 183. Những câu 297-298.


Có phản hồi đến “Đức Phật Và Thân Quyến - Phần 1”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com