Sự kiện Đức Phật đản sinh, đắc đạo và trở thành Đấng Giác Ngộ toàn năng đã trở thành một dấu son trong lịch sử nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nguồn tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú về Phật giáo mà những vấn đề liên quan đến lịch sử, sự kiện trong cuộc đời Đức Phật vẫn còn những tồn nghi. Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải chỉ là một nhân vật huyền thoại được tín đồ và quần chúng nhân dân thần thánh hóa.
Nhắc đến cuộc đời Đức Phật người ta thường nhắc đến bốn sự kiện quan trọng, cũng là bốn mốc son trong quãng thời gian thị hiện nơi trần thế của Ngài, đó là ngày Đản sinh (Đức Phật ra đời); ngày thành đạo (tìm ra diệu lý); thời gian chuyển pháp luân (hoằng pháp) và Niết bàn (nhập diệt), trong đó, ngày Đức Phật đản sinh đã trở thành ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ toàn thế giới. Hiện nay, trong kinh điển của Bắc tông và Nam tông có những điểm khác biệt nhất định về ngày đản sinh cũng như về những mốc thời gian khác trong cuộc đời Đức Phật nhưng tựu trung lại đều thể hiện tương đối đầy đủ và cụ thể về bốn sự kiện trên.
Trong kinh sách của Phật giáo đều không nêu rõ Đức Phật sinh vào ngày nào mà chỉ nêu Ngài đản sinh vào một ngày trăng tròn tháng Vèsaka theo lịch Ấn Độ, tức là tháng Tư theo lịch mặt trăng của người phương Đông. Kinh điển Nam tông và Bắc tông đều ghi rằng mẹ Ngài, hoàng hậu Mahamaya đản sinh Đức Phật dưới gốc cây Sa la trong cánh rừng Lambini. Kinh điển Nam tông ghi rằng: Khi hoàng hậu Mahamaya gần đến ngày lâm bồn mới thưa với đức vua Tịnh Phạn xin được trở về nhà mình. Được Đức vua đồng ý, bà cùng đoàn tùy tùng đã trở về quê hương, khi đi qua cánh rừng Lambini có rất nhiều cây Sa la, bà đã dừng chân vào nghỉ ngơi. Ngay lúc đó Hoàng hậu cảm thấy chuyển bụng, đoàn tùy tùng liền che một chiếc màn quanh bà rồi rút lui. Khi bà còn đang đứng và tay bám lấy một cành cây sala bà đã đản sinh một người con. Khi đó bốn vị đại phạm thiên xuất hiện mang theo chiếc lưới bằng vàng và quấn lấy người con bằng chiếc lưới đó. Và cũng ngay khi đó, có hai trận mưa từ trên trời dội xuống để tôn kính vị Phật tương lai và làm mát mẻ cho thân Ngài và mẹ của Ngài. Sau khi rời khỏi tay các vị đại phạm thiên, Ngài được Tứ đại thiên vương đỡ lấy và bọc trong một miếng vải làm bằng da linh dương màu đen[2].[1]
Trong kinh điển Bắc tông thì ghi rằng: Hoàng hậu Mahamaya nằm chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà biến thành hào quang soi vào bụng rồi có mang. Đến kỳ sinh nở, bà đến khu rừng Lâmbini và sinh ra ngài bên phía sườn phải, tự nhiên có bông hoa sen nảy lên đỡ Ngài và có chín con rồng từ trên trời xuống phun hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho Ngài, lại có bách thần xuống trông nom săn sóc. Sau khi được sinh ra, Ngài liền bước bảy bước, mỗi bước đi đều nảy một bông sen dưới chân, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói rằng: “Trên trời, dưới đất ta là người cao quý nhất”.
Liên quan đến sự ra đời của Đức Phật có thể thấy có nhiều yếu tố phi thường, song theo quan niệm của Phật giáo thì các pháp đều hư huyễn, tùy theo nghiệp duyên thiện ác mà hiển hiện khôn lường, hơn nữa với Đức Phật Thích Ca, ngài đã trải qua vô kỳ kiếp tu tập đắc quả thì việc hiện sinh ở hiền kiếp như vậy cũng là lẽ thường và không nên chấp định vào quan niệm thế gian.
Đức Phật Thích Ca ra đời đã được tiên đoán là bậc vĩ nhân xuất chúng và ngài sẽ xuất gia tu đạo, trở thành người dẫn dắt chúng sinh khỏi những khổ nạn trong cuộc đời. Do đó mặc dù rất vui mừng vì Đức Phật đản sinh nhưng cha của ngài – vua Tịnh Phạn cũng không khỏi băn khoăn lo lắng về ý nguyện xuất gia của Ngài và đã nuôi dưỡng Đức Phật bằng sự giáo dục hoàn mỹ với những hiển đạt về công danh và quyền thế nhằm hướng ngài thành người kế vị ngôi báu sau này. Tuy nhiên, với ý chí và sự kiên định hiếm có, Ngài đã từ bỏ giàu sang, quyền lực, phú quý, quyết tâm tìm đường cầu đạo. Và sau rất nhiều gian khổ, Ngài đã thành công, chứng đắc được quả Bồ đề, tìm ra chân lý diệu kỳ của lẽ sống – cái chết và bắt đầu con đường giáo hóa chúng sinh của mình cho đến khi nhập diệt vào năm 80 tuổi.
Có nhiều tư liệu hiện nay bàn về năm Đức Phật Thích Ca đản sinh như: Việt Nam Phật giáo sử lược của Hòa thượng Thích Mật Thể ghi các năm: 1027, 1023, 685, 624, 566, 561, 557, 487, 466 trước Công nguyên; Lịch sử Phật giáo Việt Nam của GS. Lê Mạnh Thát ghi là sinh vào khoảng thế kỷ VII trước Công nguyên; Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có ghi các năm 1028, 624, 558, 520 trước Công nguyên; Lược sử Phật giáo Ấn Độ của Hòa thượng Thích Thanh Kiểm xác định đản sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm 642 trước Công nguyên; Phật học Tinh yếu của Hòa thượng Thích Thiền Tâm ghi năm sinh 624 trước Công nguyên; Phật học khái lược của Lưu Vô Tâm ghi năm sinh 624 trước Công nguyên… Tựu trung, thuyết ghi năm sinh của Đức Phật là 624 trước Công nguyên là phổ biến hơn cả.
Trước đây các quốc gia có truyền thống Phật giáo thường lấy ngày 8 tháng 4 làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh là do trong lịch sử chỉ ghi rằng Đức Phật đản sinh vào ngày trăng tròn tháng Vèsaka theo lịch Ấn Độ, ngày trăng tròn đó là ngày 8 theo lịch cổ Ấn Độ. Đến Đại hội Phật giáo Thế giới năm 1960 họp tại Phnompênh (Campuchia), các đại biểu đã thống nhất lấy ngày rằm tháng Tư theo lịch mặt trăng làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh của phật giáo đồ toàn thế giới.
Cũng cần nói thêm về việc tính Phật lịch liên quan đến ngày sinh của Đức Phật. Tại Đại hội Phật giáo Thế giới diễn ra tại Tôkyô (Nhật Bản) năm 1952, các đại biểu của giới Phật giáo trên toàn thế giới đã quyết nghị lấy năm Đức Phật nhập Niết Bàn, tức năm 544 trước Công Nguyên làm năm đầu của Phật lịch. Theo cách tính của Phật giáo Bắc tông, Đức Phật thọ 80 tuổi, tức là năm 624 TCN là năm Đức Phật đản sinh. Ngài xuất gia năm 19 tuổi (năm 605 TCN), thành đạo năm 31 tuổi (năm 593 TCN), hoằng pháp 49 năm và nhập Niết Bàn năm 544 TCN. Theo cách tính của Phật giáo Nam tông, Đức Phật thọ 80 tuổi, tức là năm 624 TCN là năm Đức Phật đản sinh. Ngài xuất gia năm 29 tuổi (năm 595 TCN), thành đạo năm 35 tuổi (năm 589 TCN), hoằng pháp 45 năm và nhập Niết bàn năm 544 TCN. Theo cách tính đó, năm 2011 này, Phật lịch là năm 2555, tín đồ đạo Phật kỷ niệm 2555 + 80 = 2635 năm ngày Đức Phật đản sinh nhằm Phật lịch năm 2555 mới chính xác, chứ không phải kỷ niệm Phật đản 2555 tức là Đức Phật đản sinh cách nay 2555 năm như nhiều người vẫn tưởng.
Trong quan niệm của Phật giáo Nam tông, có một sự màu nhiệm liên quan đến những sự kiện trong cuộc đời Đức Phật đó là Đản sinh, thành đạo, và Niết bàn đều diễn ra vào đêm trăng tròn, tức đêm rằm của tháng Tư theo đúng ý nguyện của Đức Phật. Cho nên các hàng Phật tử tại gia và xuất gia đều lấy ngày rằm tháng Tư làm ngày lễ cúng dường Đức Phật. Và cũng chính vì lí do đó, năm 1999, tại phiên họp thứ 54, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết nghị công nhận ngày Tam hợp Đức Phật (đản sinh, thành đạo, Niết bàn) vào rằm tháng Tư (tháng Vèsaka) là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, tên đầy đủ là Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc. Năm 2008, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức rất thành công Đại lễ quan trọng này.
Tại Việt Nam, lễ Phật đản là lễ hội lớn nhất của tín đồ phật tử trong năm, vào những ngày này, các tự viện thường tổ chức các sự kiện lớn kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật, ôn lại truyền thống lịch sử của Đức Phật cũng như nhắc nhở chúng sinh về đại hạnh xuất gia cứu cánh của đức Bổn sư Như lai. Đặc biệt, trong dịp này, các tự viện thường tổ chức lễ tắm Phật. Xuất phát từ sự tích khi Đức Phật đản sinh có chín con rồng xuống phun mưa tắm cho Ngài. Sự gột rửa đó vừa là để xóa đi những ô trọc trên cơ thể đồng thời còn truyền tải một thông điệp về việc tẩy trừ mọi phiền não, sân si đang vướng bận trong lòng để hướng về sự thanh tịnh tinh khiết trong mỗi con người.
Để thực hiện Lễ tắm Phật, các tự viện thường bài trí bàn thờ với đầy đủ hương hoa, thỉnh tôn tượng Phật sơ sinh để trong chậu hoặc thau lớn tinh sạch. Chuẩn bị nguyên liệu nấu nước thơm tắm Phật. Ở nước ta, các phật tử thường nấu nước với hoa lài, hoa cúc, quế… chờ nước nguội đổ vào chậu và rải thêm hoa lài vào nước tắm Phật. Có nơi giản tiện thì dùng nước mưa, nước lọc tinh sạch. Nước tắm Phật phải là nước thanh tịnh, vì vậy người chuẩn bị nước cần phải thành tâm, tin tưởng trọn vẹn vào công đức tắm Phật mới thành tựu như nguyện.
Đến giờ hành lễ, đạo tràng trì tụng kinh sám theo nghi thức Lễ tắm Phật. Đến đoạn tắm Phật, mọi người đồng tụng kệ rồi tuần tự đi đến lễ đài tôn trí tượng Phật sơ sinh chắp tay thành kính, múc nước nhẹ nhàng tưới lên hai vai của Ngài. Trong lúc tắm Phật, mỗi người cần lắng lòng thanh tịnh quán tưởng dòng nước cam lộ tinh sạch này sẽ gội nhuần tâm tư. Những tâm niệm tham lam, sân hận và si mê của bản thân nhờ công đức này mà được tẩy sạch. Những suy nghĩ, lời nói và việc làm xấu ác cũng được xóa tan. Thân tâm trở nên thanh tịnh, mát mẻ, nhẹ nhàng.
Ở Việt Nam, theo truyền thống Phật giáo Bắc tông, kết thúc lễ Phật đản cũng là thời điểm các vị tỳ kheo, tỳ kheo Ni bắt đầu mùa an cư kiết hạ để thúc liễm thân tâm, trau dồi định tuệ. Các vị tỳ kheo thường tập trung về một tự viện theo quy định để học tập, sách tấn. Sau mỗi mùa an cư, vị tỳ kheo sẽ được tính thêm một tuổi đạo, còn gọi là tuổi hạ, hạ lạp.
Ngày lễ Phật đản đã trở thành một ngày lễ quan trọng của giới Phật tử, không chỉ như một việc làm tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai, mà còn nhắc nhở mỗi chúng sinh luôn hướng về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, xây dựng một xã hội hoà bình, hạnh phúc, an lạc đúng như ý nguyện lúc đản sinh của Đức Phật, để khắp nhân gian đều an bình, hòa hợp trong chính pháp của Đức Như Lai./.
Phúc Nguyên