Có lần ở trong thư viện của Học viện Huế, tôi nhìn thấy cuốn “Góp nhặt cát đá” của Thiền sư Muju. Vì tính hiếu kỳ và lần đầu tiên biết đến tựa đề này, nên trong đầu tôi đã khởi lên những câu hỏi: “Góp nhặt cát đá là gì?” hay “Cát đá có gì quý không?” Tôi liền lật lướt qua và thấy từng mẫu chuyện ngắn nói về Thiền. Trong đó có chuyện nói về “gương hiếu hạnh của một Thiền sư Nhật Bản”. Chuyện kể rằng:

Shoun là một Thiền sư của phái Soto. Thân phụ qua đời khi Shoun còn là một thiền sinh, vì thế Shoun phải chăm sóc mẹ già, bất cứ đi đâu Shoun cũng dắt mẹ theo, nên Shoun không thể ở chung với các Thiền sư khác. Vì tỏ lòng hiếu kính đối với mẹ, Thiền sư đã dựng một ngôi thảo am nhỏ để ở và chăm sóc mẹ già. Hằng ngày, Thiền sư chép kinh điển và những bài kệ để kiếm tiền sinh sống, nuôi dưỡng mẹ già.

Mỗi lần thiền sư mua cá cho mẹ thường bị người ta cười chế nhạo “Một nhà Sư không được ăn cá”, nhưng thiền sư không quan tâm đến lời thị phi của mọi người. Tuy nhiên, mẹ Ngài rất đau lòng khi nghe những người xung quanh chế nhiễu con mình, cuối cùng bà bảo: “Mẹ nghĩ mẹ nên làm một Ni cô, mẹ cũng có thể ăn rau đạm bạc qua ngày”. Chiều ý nguyện của mẹ, thiền sư tán thành và hai mẹ con cùng nhau tu tập Pháp môn Thiền Quán.

Một hôm, Thiền sư đến một vùng xa hẻo lánh để giảng dạy cho các Thiền sinh, vài tháng sau mới về và được tin mẹ Ngài vừa mất. Bạn đồng môn cũng như những người quen thân, không biết Thiền sư ở đâu mà tìm, vì thế đám tang được cử hành. Ngay lúc đó, Ngài vừa về đến và bước tới gõ đầu thiền trượng vào quan tài, nói: “Thưa mẹ, con đã về”

Rồi Thiền sư trả lời thay mẹ:

- “Con ơi, mẹ mừng thấy con đã trở về”.

Thiền Sư đáp :

- Vâng, thưa mẹ con cũng mừng lắm!

Rồi Thiền sư bảo những người xung quanh:

- Nghi lễ đám tang đã xong. Các vị có thể chôn cất được rồi…

LỜI BÀN:

Sống trên đời ai cũng có cha mẹ, người nuôi dưỡng ta thành nhân. Với ân đức thiêng liêng cao quý ấy không ai có thể quên được.

Hiếu đạo theo tinh thần của đạo Phật không những báo ân cha mẹ bằng những việc làm như cõng cha mẹ đi khắp cả tam thiên, hay lóc xương xẻ thịt để dâng lên cha mẹ…mà còn phải tìm cách hướng dẫn cho cha mẹ tu tập để thoát ly ra khỏi sanh tử.

Trong lĩnh vực thế gian, một người con hiếu thảo là người luôn săn sóc cha mẹ bằng miếng ngon vật lạ, đem lại niềm vui mỗi khi đi làm về. Đến lúc cha mẹ sắp gần đất xa trời con cháu lại gần gũi nhiều hơn…Tuy thế, những việc làm hiếu thảo này chỉ thuộc phương diện của cải vật chất và dựa trên lòng tôn kính là chính.

Vấn đề hiếu đạo ở đây chính là người xuất gia cũng như tại gia, dùng “Đạo tâm” để hướng dẫn cha mẹ có được chánh kiến, chánh tín đối với 3 ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Tinh thần thiết thực nhất của người con hiếu thảo là luôn tán thán công đức niệm Phật, tụng kinh, tọa thiền và khuyên cha mẹ nên làm theo. Đó là báo ân cha mẹ của bậc trí tuệ. Thế nên đức Phật dạy: “Những ai đền ân cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ đền đáp công ơn cha mẹ. Nhưng, này các Tỳ-kheo! Ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo khuyến khích cho có lòng tin, cha mẹ sống tà giới khuyến khích vào chánh giới, với cha mẹ gian tham khuyến khích bố thí, với cha mẹ tà kiến khuyến khích vào chánh kiến, trí tuệ như vậy mới có thể đền đáp thâm ân cho cha mẹ”.

Cũng vậy, câu chuyện về Thiền sư Nhật Bản đã kể lại tinh thần báo hiếu bằng tấm lòng hiếu kính và công năng tu tập của Thiền sư Shoun. Mặc dù là một Thiền sư tài cao đức trọng, nhưng Ngài đã làm tròn hiếu đạo, nhẫn nhục kiên trì và không động tâm trước lời khen chê đàm phiếm của thế gian. Nhờ đó mẹ Ngài đã trở thành một tu sĩ chân chánh, an nhiên tự tại trước lúc lâm chung.

Chúc Thanh




Có phản hồi đến “Gương Hiếu Hạnh Của Một Thiền Sư Nhật Bản”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com