Từ thuở năm vị Tỳ Kheo nơi vườn Nai đắc pháp, Tăng già Đạo Phật nơi trần thế ứng thân. Phật thuyết “Thiện Lai Tỳ Kheo” bậc cụ duyên đại đức liền thọ tâm giới đủ tướng Tỳ Kheo, còn trần thế chúng sanh tùy theo nghiệp cảnh nên ứng trí, lượng tâm nên có chổ không đồng. Tùy theo phước lực nên hiện báo, tướng thân ấy vậy mà có sự sai khác. Tăng đoàn Thánh phàm đồng cư nên cần tùy duyên độ chúng, Đức Phật tùy cơ thuyết giới dạy lập giới đàn nơi Kỳ Viên Tinh Xá để cho Tăng thọ giới Tỳ Kheo. Sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “Tại Kỳ Viên ở Tây Thiên có Tỳ Kheo Lâu Chí thỉnh Phật lập giới đàn vì Tỳ Kheo mà truyền giới. Đức Như Lai cho lập đàn ở ngoài vườn phía đông nam của Tinh Xá, đây là giới đàn đầu tiên của Phật Giáo vậy.”

Chư Giới Sư truyền giới trong Đại Giới Đàn Cam Lộ

Giới Đàn từ thuở ban xưa được Phật thiết lập nơi Kỳ Viên Tinh Xá, Phật Pháp Đông truyền Ngài Cầu Na Bạc Ma Nơi vườn Trúc chùa Nam Lâm lập Giới Đài truyền Giới độ Tăng. Phật Giáo Bắc tiến đại thừa chuyển vô lượng pháp, Nam truyền nguyên vẹn thuở Phật ban sơ, cho nên giới đàn của Đạo Phật Nam Bắc Truyền có sự khác biệt. Nếu như nói Giới Đàn Nam Truyền Phật Giáo là sự nguyên vẹn của nguồn gốc Đạo Phật thì Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền là sự đơm hoa kết trái của Phật Giáo. Ông bà ta có câu: “Cây có cội mới trỗ cành sanh lá, nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông” mỗi phương một ý, mỗi xứ tùy duyên trong một tâm niệm làm sao ngôi nhà Phật Pháp ngày thêm hưng thạnh, mạng mạch Tăng nối tiếp vươn lên.

Y Hồng, Tăng Mão là Pháp vật của Phật Giáo Bắc Truyền có nguồn gốc từ Tây Thiên được hình thành ở Đông Độ. Thuở các Phạm Tăng lìa xa Tây Trúc một bát ba y đem đạo mầu thấm nhuần Đông Độ với tâm niệm tùy duyên hóa đạo, nhập gia tùy tục, vay mượn văn hóa tôn giáo bản địa để diễn nghĩa Đại Thừa, tùy theo tập tục của địa phương để hiển bày Đạo Thánh. Thế nên việc vua phong cho áo mão để tỏ lòng cung kính, đúng theo tục lệ của xứ lễ nghĩa nho gia. Xét việc thọ phong áo mão không ảnh hưởng đến con đường hoằng pháp, lại thuận chiều cho đại pháp Đông lai, thế nên không vì cớ gì lại chối từ, không có nghĩa nào cho là không tốt.

Hòa Thượng Đàn Đầu Thượng Tắc Hạ An trong Đại Giới Đàn Cam Lộ

Một đời dấn thân vì đạo, trọn kiếp hưng giáo Đại Thừa. Khi quảy dép về Tây không lưu vết tích, còn lại chăng Hồng Y vua ban thuở nọ, Tăng Mão thọ chức Tăng Cang, Tăng Y thể hiện đầy đủ công hạnh một đời Đại Sĩ, Pháp Mão hiển bày đạo hạnh bậc trượng phu, hậu học tứ chúng phụng Y Pháp thờ nơi Trượng Thất để học theo hạnh đại sĩ xuất trần,Tăng mão nghiêm phong yết nơi Tổ Đường làm gia phong Tòng Lâm cương kỷ. Chính vì vậy Y Hồng, Tăng Mão trở thành pháp vật trong truyền thống Tòng Lâm Phật Giáo Bắc Truyền.

Giới Đàn nơi tục Phật huệ mạng, nối tiếp mạng mạch Tăng già, khởi nguyên từ Ấn Độ truyền qua Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đến đời nhà Đường thì được Ngài Đạo Tuyên Luật Sư tập thành định chế ra các nghi thức truyền giới và hình thức của giới đàn, ngày nay Phật Giáo Bắc Truyền, truyền giới đều dùng theo nghi thức của Ngài Đạo Tuyên biên soạn, còn vấn đề Giới Sư đội mão truyền giới có nguồn gốc từ Ngài Trí Khải Đại Sư đời nhà Tùy.

Chư Giới Sư Đắp Y gấm đội mão Hiệp Chưởng trong nghi thức Cung An Chức Sự

Trong Sách Tông Phụng Tạp Tập chép: “Tùy Dưỡng Đế thỉnh Thiên Đài Tông Trí Khải Đại Sư đăng đàn truyền thọ Bồ Tát Giới, hôm ấy trời lạnh, vua lấy khăn lụa trong tay áo long bào ra ban cho Đại Sư làm mão đội lên đàn…” từ đó truyền thống đội mão đăng đàn truyền Bồ tát giới được truyền cho đời sau thành nghi lễ trong giới đàn truyền Bồ tát Giới Phật Giáo Bắc Truyền. Sách Yên Nam Kỷ Đàm chép: “ Vua Nhật Bản là Hoàn Vũ Đế cũng thỉnh Ngài Duệ Sơn Truyền Giao Đại Sư truyền thọ viên đốn Bồ tát giới, Vua cũng theo tích xưa của vua Tùy Dưỡng Đế mà ban mão lụa cho Ngài Truyền Giáo Đại Sư. Từ đó có lệ đội mão lụa khi truyền giới Bồ tát.”

Mão Lụa mà chư vị giới sư đội khi truyền Bồ tát giới được gọi là Bồ Tát Cân ( khăn bồ tát), Việt Nam gọi là mão Quan Âm, theo sách Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Khăn Bồ tát thường gọi là mão Quan Âm.” Trong sách Pháp Uyển Châu Lâm chép: “Pháp Sư Huệ Chấn ở núi phía sau chùa lập thất hai gian tu hạnh đầu đà, thường có thiện thần hộ vệ, đến niên hiệu Đại Đồng thứ nhất, vị thần hộ trì trên núi hiện hình, đầu đội mũ Bồ tát, thân đắp y ca sa, hình tướng vô cùng trang nghiêm.” Mão Quan Âm là mão truyền thống của Phật Giáo Bắc Truyền được đội để truyền Bồ tát giới.

Hòa Thượng Đàn Đầu đội Mão Quan Âm ( Bồ tát cân) và chư Giới Sư đội Mão Hiệp Chưởng trong nghi thức cung an chức sự và truyền giới Bồ Tát

Giới đàn Phật Giáo Bắc Truyền có nghi lễ đội mão truyền giới cách đây hơn 1000 năm vào thời đại Tùy, Đường Phật Giáo Đại Thừa hưng thạnh nhất và Đại Thừa Bồ Tát Giới đạt đến cực thạnh và phổ cập vào dân gian. Cho nên mão Quan Âm là mão của các bậc Đại Sư truyền giới đội khi đăng đàn, thứ nữa trong Tam Đàn Truyền Bồ Tát Giới, giới sư trên cương vị đại Phật tuyên dương vì ở đàn nầy Thập Sư Hòa Thượng là chư Phật và Bồ tát cho nên đội mão này có ý nghĩa cung thỉnh Phật Bồ tát lâm đàn truyền giới. Ở Việt Nam thường thấy các Hòa Thượng chứng minh đội trong các nghi lễ quan trọng của Phật Giáo, với ý nghĩa đội mão Quan Âm Bồ Tát cũng là tượng trưng cho hàm ý cung thỉnh chư Phật Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng minh công đức.

Mão Hiệp chưởng được đội trong giới đàn đây là nét đặc trưng nhất của Giới Đàn Phật Giáo Việt Nam, vì mão Hiêp chưởng là mão của Phật Giáo Việt Nam do triều đình Nhà Nguyễn chế ra để tấn phong cho chức vị Tăng Cang triều đình Huế cho các vị Tôn Đức Tăng. Trong sách Tăng Sử Lược chép: “Tăng Cang là danh xưng của chức quan do triều đình phong tặng cho các vị cao Tăng trong Phật Giáo, chưởng quản thống lãnh toàn bộ Tăng Ni trong cả nước. Vị Tăng Cang đầu tiên của Triều Đình Huế là Thiền Sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735-588) theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “Năm Gia Long thứ 13. Vua triệu Hoằng về Kinh phong cho chức Tăng Cang, trụ trì chùa Thiên Mụ, quán thống Tăng chúng..”.

Mão Hiệp Chưởng thường được đội trong hai nghi lễ chính của Giới Đàn là lễ Cung An Chức Sự Giới Đàn và lễ Đăng Đàn Truyền Bồ Tát Giới. Sơ Đàn truyền Sa Di Giới và nhị Đàn truyền Tỳ Kheo Giới, hai đàn này thuộc Thanh Văn Giới là Giới Đàn nguyên thủy của Phật Giáo. Theo truyền thống từ thời Phật còn tại thế nên hai đàn này thường không có đội mão. Theo nghi lễ truyền thống của giới đàn, lễ cung an chức sự Giới Đàn thuộc về nghi lễ hành chánh (ngày nay thay thế bằng lễ khai mạc giới đàn) vì là hành chánh nên các bậc Tôn Đức ngày xưa được cung thỉnh vào ban Chứng Minh, Thập Sư Phương Trượng, ban kiến đàn đều là các bậc Tòng Lâm Thạc Đức hay Tăng Thống, Tăng Cang có chức vụ của triều đình hoặc là danh đức cho nên đều mặc sắc phục Y Mão Đại Tăng, vì vậy Y hồng, mão Hiệp Chưởng thường được sử dụng trong nghi lễ cung an chức sự Đại Giới Đàn.

Chư Giới Sư đắp Y Gấm và đội Mão Hiệp Chưởng trong nghi thức Cung An Chức Sự

Mão Hiệp Chưởng còn được đội trong Đàn truyền Bồ tát Giới với ý nghĩa: Hiêp Chưởng là chắp tay lễ Phật, Mão Quy Mạng, Mão Đãnh Lễ. Sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “Hiệp Chưởng là chắp tay quy mạng vậy” Mão Hiệp Chưởng hình chế như hai bàn tay chắp lại, nền mão dùng vải gấm có ba màu hợp lại tạo thành, ba màu tượng trưng cho Tam Thân Phật: Thanh Tịnh Pháp Thân Phật, Viên Mãn Báo Thân Phật, Thiên Bá ức Hóa Thân Phật. Tam Đàn truyền Bồ Tát Giới xưng là Thiên Phật Đại Giới, Đại Thừa Phương Đẳng Giới, Đại Cam Lộ Giới, thứ nữa truyền Bồ Tát giới, đàn đầu Hòa Thượng là Đức Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phât, cho nên khi đăng đàn truyền Bồ tát Giới, Giới sư đội mão Hiệp Chưởng truyền giới là bao hàm đầy đủ ý nghĩa Tam Thân truyền giới vậy.

Mão Tỳ Lô hay còn gọi là mão Ngũ Phật. Trong kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật quyển trung chép: “Ngũ Phật Bảo Quan cò gọi là mão Ngũ Phật, Mão Ngũ Trí, Mão Ngũ Bảo Thiên Quan hay là Mão Quyền Đảnh Bảo quan, đây là mão báu của Đức Đại Nhựt Như Lai, Bồ tát Kim Cang Tát Đỏa, Ngài Hư Không Tạng Bồ Tát đội trên đầu, trên chính giữa mão báu có để hình tượng Ngũ Phương Ngũ Phật dùng để biểu thị đức tướng của Ngũ Trí Viên Mãn.” Khi làm pháp gia trì, đội mão Tỳ Lô tức tự thân người đội là Tỳ Lô Phật. Trong Kinh Đại Lạc Tát Đỏa Tu Hành Nghi Quỹ chép: “Khi tu pháp nhập đạo tràng Mạn Đà La thọ Pháp quyền đảnh, A Xà Lê (thầy Gia Trì) kết ấn Ngũ Phât tụng Quyền Đảnh Chân Ngôn…đầu đội mão Ngũ Phật Bảo Quan, tức thọ Ngũ Phật quyền đảnh, ý tức tự thân tức thành Tỳ Lô Phật..”. Vì là nghĩa như vậy nên trong Tòng Lâm có câu Tỳ Lô bất bái ( đội mão Tỳ Lô lên rồi không còn lạy nữa).

Chư Đại Đức Tăng trong ban Dẫn Lễ đội Mão Tỳ Lô cung nghinh Chư Giới Sư đăng đàn truyền giới Thập Thiện và Bồ tát tại gia

Trong Giới Đàn duy chỉ có đàn truyền Bồ Tát Giới mới được đội mão Tỳ Lô nhưng không được gắn Ngũ Phật Quan. Mão Tỳ Lô có hai phần: 1 là mão Liên Hoa, 2 là Phật Quan, mão được hình dạng như hai cánh sen lớn hợp thành nên còn gọi là mão Liên Hoa tượng trưng cho Thai Tạng Giới và Kim Cang Giới, Phật Quan là hình tượng Ngũ Phương Như Lai được kết lên hình 5 lá sen khi gia trì xong gắn lên mão Liên Hoa lúc này mới đầy đủ ý nghĩa là mão Tỳ Lô, vì vậy khi thỉnh sư đăng đàn truyền Bồ Tát Giới các vị dẫn thỉnh đội mão Liên Hoa với hàm ý thiết lập thế giới Liên Hoa thanh tịnh để cung nghinh chư Phật Bồ Tát giáng lâm đạo tràng để truyền giới. Cho nên không phải là đội mão Tỳ Lô.

Trong Giới Đàn chư Tôn Túc Chứng Minh và Thập Sư Hòa Thượng còn đắp Đại Y may bằng gấm màu Vàng hoặc màu Đỏ khi đăng đàn truyền Giới. Y gấm màu vàng có kim tuyến được gọi là Kim Lâu Ca Sa, trong Kinh Trung A Hàm chép: “Một thời Đức Phật tai thành Ca Tỳ La Vệ vườn cây Ni Câu Loại, bấy giờ Ma Ha Ba Xà Ba Đề Cù Đàn Di đem một chiếc y thêu chỉ kim tuyến màu vàng đến chổ đức Phật, cuối đầu lễ Phật bạch rằng: Thế Tôn Y Kim Lâu Ca Sa màu vàng này là do chính con may, Thế Tôn từ mẫn thương xót nạp thọ…”.

Trong sách Truyền Đăng Lục chương Thích Ca Mâu Ni Phật chép: “Thế Tôn bảo ngài Ca Diếp: Nay ta đem Y Kim lâu Tăng Già Lê truyền phó lại cho ông để trao lại cho vị Phật bổ xứ sau này là Từ Thị Bồ Tát, vì Ca Sa này dệt bằng kim tuyến nên không hề hư mục..”. Giới Đàn là Tuyển Phật Trường, chọn người làm Phật trong tương lai, ý nghĩa và mục đích này cùng chung với diệu ý truyền y của Đức Thế Tôn cho ngài Ca diếp, cho nên việc đắp y vàng có kim tuyến để truyền giới là sự truyền thừa có nguồn gốc từ thời Phật còn tại thế, vì Y Kim Lâu Ca Sa là Tổ Y là Y truyền thừa của Đạo Phật và chính được Đức Phật chọn để truyền cho Bồ Tát Di Lặc.

Y Hồng còn gọi là Tử Sắc Ca Sa cũng được gọi là Tổ Y, Đại Y, vì màu sắc ca sa có màu đỏ tía. Trong Sách Thích Thị Yếu Lãm chép: “Y màu đỏ tía không thuộc trong 5 sắc màu chánh là ca sa của triều đình phong tặng cho các bậc cao Tăng.” Trong Giới Đàn sơ đàn truyền Sa Di Giới, nhị đàn truyền Tỳ Kheo Giới, hai đàn này thuộc về Giới Thanh Văn, Giới sư Là Tăng Già và Giới tử nương theo chư Tôn Đức Tăng Già để được thọ giới, các bậc trưởng thượng cao Tăng phần nhiều ngày xưa đều là Tăng Cang nên khi lâm đàn truyền giới thường đắp Tử Sắc Ca Sa, lâu ngày trổ thành truyền thống trong giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền, đồng thời cũng nói lên ý nghĩa nối tiếp truyền thừa nét đặc trưng tiêu biểu của Tăng Già Phật Giáo Bắc Truyền.

Hội Đồng Thập Sư Đắp Y Gấm trong Nghi Thức Truyền Giới

Trong Luật định 5 hạ trở lên đều có thể làm Giới Sư hay Tôn Chứng Tôn Già, nhưng đối với Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền việc đắp y đội mão đăng đàn truyền giới hầu như đều do các Bậc Tịnh Minh Cao Tăng Thạc Đức đảm trách, cho nên ý nghĩa việc đắp y đội mão đăng đàn truyền giới của Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền thâm ý rất sâu xa, hàm chứa vô lượng Đại Thừa giáo nghĩa, không mang tính hình thức cũng chẳng có nghĩa uy quyền mà tất cả chỉ duy nhất một tâm niệm: “Giới Luật còn là Phật Pháp còn, Giới Luật mất là Phật Pháp mất.”

Thích Tâm Mãn



Có phản hồi đến “Lược Ý “Đắp Y Đội Mão” Trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com