Đã là phàm phu thì chắc hẳn còn ở trong vòng phiền não, bị phiền não làm cho mê hoặc và sai khiến, cho nên nhiều lúc con người không thể tự chủ được.

Phiền não có nghĩa là khuấy động và thiêu đốt làm cho tâm niệm không yên, ngăn trở bước hành trì nên còn gọi là phiền não chướng. Pháp Thân tuệ mạng của chúng con bị phiền não phá hại, nên còn gọi là phiền não ma.

Có những Phật tử tuy ăn chay, bố thí tụng kinh, niệm Phật–nhưng chỉ chú ý về hình thức, không quan tâm đến việc dứt trừ phiền não và vọng duyên, nên dù có tụng kinh và niệm Phật, thế mà tâm tư vẫn chưa được thanh tịnh–bởi lẽ phiền vọng tăng lên một phần thì đạo tâm phải thối lui một bước. Tóm lại, người tu tịnh nghiệp ngoài phương diện niệm Phật, trì chú, tụng kinh sám hối, còn phải đặt nặng vấn đề “khai tâm”. Mà muốn cho tâm sáng suốt để giúp kết quả niệm Phật mau thành tựu, sớm sinh về Tây phương, thì phải dứt trừ phiền não.

Diệt trừ tham lam và sân hận

Các phiền não về tham không ngoài sự đắm nhiễm ngũ dục là: sắc đẹp, tiền của, quyền danh, ăn mặc, ngủ nghỉ. Từ đó phát sinh ra các chi tiết khác là: bỏn sẻn, ganh ghét, giả dối, lường gạt... Cách đối trị tổng quát là phải niệm Phật chuyên cần và luôn luôn cầu nguyện oai lực cửa đức A-di-đà giúp ban thêm nhiều sức mạnh để dứt trừ tâm tham nhiễm.

Trong các loại phiền não thì sân hận là thứ phiền não có tướng trạng rất thô bạo, và phá hoại sự nghiệp hành trì một cách nặng nề nhất. Người xưa đã bảo rằng: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Có nghĩa là khi khởi một niệm giận hờn tức là đã mở ra muôn ngàn cửa chướng ngại.

Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật chợt tưởng đến người ngoài bạc ác, khắc nghiệt, xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt, hoặc nhớ lại việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình liền buồn giận bứt rứt không an. Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật nhưng trong lòng rất phiền muộn, để vọng tưởng dấy lên sôi nổi. Có người bỏ cả chuỗi hột không muốn niệm nữa nằm xuống gác tay lên trán suy nghĩ vẩn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn gặp ngay người đó để hét la ầm ỉ một hồi hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm sân hận nó phá hoại người tu đến như thế.

Muốn đối trị giận hờn, phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa dạy rằng: “Lấy đại từ bi làm nhà, lấy nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, lấy ý nghĩa “tất cả các pháp đều không” làm tòa ngồi”.

Phải nghĩ rằng, ta cùng chúng sinh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sinh tử, tất cả đều do nghiệp phiền não mà gây nên không biết bao nhiêu tội ác, mà phiền não thì vốn hư huyễn, không thật có. Như một niệm sân hận phát lên, ta phải tự hỏi rằng, trước khi khởi lên thì nó vốn từ đâu mà đến, sau khi tàn rụi thì nó lại đi về đâu. Vậy mà trong lúc giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước hết, vì chính ta tự nổi lửa phiền não để thiêu đốt tâm can của mình, mà rồi cũng không thể cải hoá và làm lợi lạc chi cho người khác cả. Như thế có phải là si mê vô ích chăng?

Lại nên nghĩ rằng: “Người kia có hành động xấu ác, làm tổn hại cho ta thì thật ra họ cũng chỉ vì mê muội nên mới gây ra cái nhân tố xấu ác, chắc chắn về sau họ sẽ phải gặt hái cái quả báo khổ sở. Vậy thì họ đáng xót thương hơn là đáng giận, bởi vì họ nếu sáng suốt, thông hiểu nguyên lý tội phước, chắc không khi nào họ lại dám làm điều ấy. Ta là người niệm Phật thì phải áp dụng giáo lý của đức Thế Tôn, để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái ấy, vì mục đích của đời mình là sự an lạc chứ không phải là sống để khổ sở vì kẻ khác một cách vô lối như vậy”.

Đối với hành động tàn hại của họ, ta phải xót thương và tha thứ, nhu hòa nhẫn chịu, rồi xét mọi việc đều hư huyễn, không thật. Nên răn nhắc chính mình bằng giáo huấn: “Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức, muốn hành Bồ-tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục”.

Từ bi là nước tịnh mát mẻ, rưới lửa phiền não, nhẫn nhục là áo giáp bền chắc ngăn che tất cả mũi tên độc, “pháp không” là ánh sáng phá tan khói mù tối tăm. Nếu biết dùng ba điều này để dứt trừ sân hận tức là đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, và ngồi toà Như Lai vậy.

Phải đoạn tuyệt phiền não thị phi

Hạng phàm phu vì chưa chứng vào chân tâm bình đẳng, và còn ranh giới giữa ta và người, nên trong đời sống, sự hơn thua phải quấy khen chê có đến muôn ngàn và không một ai tránh khỏi. Dù cho chư Phật chư Bồ-tát vì lòng đại bi mà thị hiện giữa cõi trần để độ sinh, cũng phải chịu cảnh thị phi thương ghét.

Những sự thị phi làm cho người niệm Phật, nếu không sáng suốt bình tỉnh, nhiều khi phải xao động mà phát sinh phiền não, gây chướng ngại cho việc hành trì.

Muốn dứt trừ tâm thị phi, cần phải:
Thứ nhất: Phải xét sửa lỗi mình, đừng nhìn nói lỗi người. Là phàm phu, ai cũng thích lời khen, ghét tiếng chê, và ưa bươi móc điều dở của người, không dè mình cũng nhiều lỗi lầm, chẳng có chi là tốt đẹp. Cho nên, nguyên tắc của người niệm Phật là phải luôn luôn tự phản tỉnh, xét sửa lấy mình, đừng nên nhìn và nói đến lỗi lầm của kẻ khác. Xét sửa lỗi mình thì càng ngày càng sáng, còn nhìn nói lỗi người tất càng gây việc trái oan.

Thứ hai: Khi bị sự thị phi khinh báng, nên an nhẫn mà niệm Phật nhiều hơn, chứ đừng tìm cách biện minh. Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, thì ta cứ để yên, nó chỉ dơ một chút đó rồi lần lần phai nhạt nếu lấy đó lau chùi tất sẽ hoen ố toàn diện. Bởi khi việc khinh báng xảy ra, nếu hiện tại mình không sai quấy, tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay phải chịu quả báo. Giả sử kiếp trước mình không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi, thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới cùng sinh ra trong chốn ngũ trược nầy.

Thứ ba: Người niệm Phật phải giữ vững lập trường, tin chắc nhân quả và đừng xao động vì tiếng hay dở bên ngoài. Kinh Pháp Cú dạy: “Ngọn núi cao đứng vững giữa cơn giông tố, người chân chính an nhiên giữa tiếng thị phi”. Tất cả tiếng khen chê bên ngoài không làm cho ta tốt hay xấu, siêu hay đọa mà tốt xấu siêu đoạ đều do nơi ta. Nếu ta gây nhân tố lành thì dù người có khinh là xấu xa, tội ác nhưng ta vẫn được siêu thăng. Trái lại, nếu ta gây nhân tố xấu ác thì tuy người khác quý trọng ngợi khen, nhưng ta vẫn phải chịu đọa lạc. Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng:

“Nếu là bậc chân tu
Không thấy lỗi của đời
Nếu như thấy lỗi người
Mình chê là kém dở
Người quấy, ta đừng quấy
Ta chê, tự có lỗi
Muốn phá tan phiền não
Hãy trừ tâm thị phi
Thương ghét chẳng để lòng
Nằm thẳng đôi chân nghỉ”.

Phải trừ diệt mọi văn nguồn si mê

Người niệm Phật đôi khi đối với sự lý của mọi vấn đề mà chưa hiểu rõ ràng, rồi từ đó dẫn sinh tất cả điều mê hoặc khiến cho tâm niệm không yên ổn. Đó là lúc nghiệp si nổi lên phá hoại chánh kiến của mình.

Chẳng hạn như trong khi đang hành trì, thoạt nhớ có kẻ nói rằng: “Phải niệm chừng nào nhất tâm bất loạn mới được vãng sinh, nay xét mình khó thực hành đến trình độ ấy, e uổng công phu bấy lâu nay nỗ lực, rồi sinh ý tưởng phân vân đó là hiện tướng của nghiệp si”.

Thật vậy, si mê là nguồn gốc của tất cả phiền não, tham và sân đều do si mà phát khởi, còn mạn, nghi và ác kiến cũng đều do si mà ra.

Như khi khởi niệm: “Sự hành đạo siêng nhọc của ta, thì chưa chắc người xuất gia đã bằng được. Đó là ngã mạn phiền não”.

Lúc niệm Phật bỗng sinh ra ý nghĩ: “Cõi Cực lạc trang nghiêm như vậy, còn mình thì nghiệp dày phước mỏng, làm sao mà vãng sinh được?”. Đó là nghi phiền não.

Ác kiến là sự thấy hiểu cố chấp xấu ác, gồm có năm điều: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ kiến và Giới thủ kiến.

Như đang tu trì, chợt nghĩ rằng: “Thể chất mình thì ốm yếu, hôm nay lại làm việc nhiều, chắc là mỏi nhọc, vậy nếu niệm Phật lâu hơn nữa, sợ e phải lâm bệnh, đó là Thân kiến”.

Hoặc nghĩ rằng: “Chết rồi thì như đèn tắt, nếu có đời trước sao mình lại không nhớ? Tốt hơn là nên tu tiên để được sống lâu không chết”.
Đây là đoạn kiến và thường kiến trong Biên kiến.

Hoặc suy tưởng rằng: “Tại sao có người làm lành lại chết yểu, mà lại chết một cách dữ dằn, còn kẻ làm ác thì lại sống lâu, mà chết rất yên ổn tốt đẹp?”. Đây là lối chấp Tà kiến không thấu suốt nguyên lý nhân quả của ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Có kẻ lại nghĩ rằng: “Trước kia mình tu theo cách luyện điển của ngoại đạo, mới có vài tháng đã thấy sự lợi ích còn nay niệm Phật đã lâu sao mà không thấy có chuyển biến chi cả?”. Đây là Kiến thủ kiến, tức là chấp lấy cái nhận thức sai lạc của mình và không chịu lấy Chánh giáo để soi chiếu sự hành trì, cũng như hướng dẫn đời sống của mình.

Hoặc lại suy nghĩa: “Bên đạo khác họ đâu kiêng cữ sát sinh, mà vẫn cầu về Thiên đường cũng như mình cầu về Cực lạc, vậy cần chi phải giữ giới sát?”. Đây là Giới thủ kiến, tức là sự hiểu biết lầm lạc về Giới Pháp.

Tóm lại mà nói, thì hình thức của nghiệp si quả thật quá nhiều, nhưng người quyết tâm niệm Phật cần nhất là phải y theo kinh điển Đại thừa và đặt trọn vẹn lòng tin vào đức Phật. Đối với đạo lý sâu xa, nếu có điều nào mà mình không biết, thì nên tìm hỏi nơi bậc Thiện tri thức, chứ đừng để cho sự si mê lôi kéo tâm hồn mình, làm mình đánh mất chủ hướng khi mà pháp môn niệm Phật là một pháp thâm diệu, khó tin và khó hiểu.

Người niệm Phật nên nương theo ba Lượng sau đây để củng cố lòng tin.

Thứ nhất: Lý Trí Lượng. Là sự suy lường của trí tuệ. Phải suy nghĩ như thế nầy: Tất cả thế giới đều do tâm tạo, đã có cõi người thuộc phân nửa nghiệp thiện ác, thì chắc chắn có tam đồ thuộc nhiều nghiệp dữ và còn có các cõi Trời thuộc nhiều nghiệp lành. Và như thế thì phải chắc chắn có cõi Cực lạc do nguyện lực thuần thiện của Phật và do công đức lành của chư Bồ-tát cùng những bậc thượng thiện nhân.

Thứ hai: Thánh Ngôn Lượng. Là giá trị lời nói của Phật và Bồ-tát trong các kinh luận. Phải biết, đức Thế Tôn đã dùng tịnh nhãn thấy rõ y báo và chánh báo của cõi Cực lạc rồi diễn tả cảnh giới ấy trong các kinh điển Tịnh độ. Các bậc đại Bồ-tát như Văn Thù, Phổ Hiền đều ngợi khen cõi Cực lạc và khuyên chúng sinh nên cầu vãng sinh.

Người niệm Phật chỉ quyết sống theo lời Phật dạy, thì cũng phải hành trì theo lời Phật dạy. Nếu không lấy lời dạy của Phật mà làm mực thước, thì lấy gì để tin?

Thứ ba: Hiện Chứng Lượng. Là lối tìm hiểu do sự thấy biết trực tiếp hay sự chứng nghiệm thực tế để mà phát khởi lòng tin. Trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục đã chứng minh rất nhiều người đã niệm Phật mà vãng sinh. Và ở Việt Nam cũng có nhiều Phật tử niệm Phật rồi được về Cực lạc với những bằng chứng cụ thể.

Cách giải trừ phiền não

Tóm lại, các loại phiền não của tham, sân, si đều biểu hiện dưới nhiều hình thức không thể tả xiết, nhưng vẫn có bốn điều căn bản để đối trị tổng quát:

1. Dùng tâm để đối trị
Người mê với bậc giác ngộ chỉ có hai điểm sai biệt: tịnh là chư Phật và nhiễm là chúng sinh. Chư Phật do thuận theo tịnh tâm nên giác ngộ và có đủ trí tuệ cùng thần thông. Còn chúng sinh bởi tùy nơi trần nhiễm nên mê hoặc mà bị sống chết luân hồi.

Người niệm Phật với mục đích duy nhất là đi thẳng vào cảnh Giới, Định, Tuệ để giác ngộ bản tâm, chứng lên Phật quả. Vậy trong khi niệm Phật nếu thấy bất cứ một ý niệm vọng động nào khác nổi lên thì phải diệt trừ ngay lập tức và trở về với tịnh tâm. Đây là cách dùng Tâm để đối trị.

2. Dùng lý để đối trị
Nếu khi vọng niệm nổi lên mà dùng tâm ngăn trừ không được thì phải dùng cách quán xét lý bất tịnh phân tích giáo nghĩa Khổ Đế, nhìn thẳng vào thực tế vô thường và suy niệm về chủ đề vô ngã của vạn hữu. Hoặc triển khai sự tác dụng của tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả...

3. Dùng sự để đối trị
Có khi phải dùng hình thức để đối trị mới có hiệu quả, như phải lẩn tránh các duyên có thể gây ra phiền não, hoặc phải chịu khó ngoảnh mặt làm lơ trước những hoàn cảnh có thể đưa mình đến chỗ đáng tiếc, hoặc tự buộc mình vào một thứ kỷ luật nào đó. Hoặc tự tạo điều kiện riêng để dằn phiền não cho đến khi phiền não phai nhạt hẳn.

4. Dùng bái sám để đối trị
Các việc lễ lạy, sám hối, trì chú tụng kinh, phải giữ song song với việc niệm Phật cho đều đặn, thì có năng lực diệt trừ tội nghiệp, phát sinh phước tuệ. Cho nên, muốn xa lìa phiền não thì không có chi hơn là phải lễ lạy, sám hối thường xuyên. Nếu bền bỉ và chí tâm thì trên đời, không có việc gì mà không thành tựu.

Đệ tử chúng con kể từ vô thủy cho đến ngày nay, vì vô minh khuất lấp, vì phiền não dấy động, nên đã đánh mất chánh kiến mà xa rời bạn hiền, gần gũi bạn ác, mà chối bỏ ánh sáng trí tuệ, từ bi của Tam bảo, mà quay lưng trước bản nguyện A-di-đà. Ngày nay, nhờ sự nhiếp thọ của đức Từ phụ, nhờ sự giáo huấn của đức Bổn sư, nhờ sự khai thị tận tình của Thiện tri thức, cho nên chúng con đã biết rằng: “Niệm Phật thì phải đoạn trừ phiền não”. Vì vậy, giờ đây với tấm lòng tri ân tha thiết và chí thành; đệ tử chúng con xin đem cả tánh mạng mà quy y và đảnh lễ:

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô A-di-đà Phật, vị Đạo sư tiếp dẫn vãng sinh Cực lạc
Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát
Nam mô Đại Thế Chí Bồ-tát
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ-tát

HT Thích Thiền Tâm




Có phản hồi đến “Phẩm Thứ Sáu: Niệm Phật Phải Dứt Trừ Phiền Não”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com