Thật ra, chữ “chết” nguyên là giả danh, vì chẳng qua, chết chỉ là sự kết liễu của một thời kỳ quả báo, do nghiệp cảm liên chuyển giữa mỗi đời, khi xả bỏ xác thân nầy lại thọ nhận xác thân khác mà thôi. Những kẻ không biết Chánh pháp thì vẫn đành để cho nghiệp lực xoay vần, và còn những người đã nghe pháp môn niệm Phật của Như Lai thì phải Tín Nguyện trì niệm, dự bị tư lương để khi lâm chung được vãng sinh an thuận. Như thế mới mong sớm thoát khỏi nỗi khổ sống chết luân hồi, chứng vào cảnh chân lạc của Niết-bàn thường trụ.

Lại chẳng nên vì riêng bản thân mình, mà đối với cha mẹ, anh em bằng hữu nên phát lòng hiếu thuận từ bi mà khuyên cho cùng niệm Phật và trợ niệm trong khi bịnh nặng cũng như lúc lâm chung.

1. Dự bị về ngoại duyên

Người niệm Phật khi còn khỏe mạnh, phải tìm kết giao những bạn đồng học đồng tu, nhất là kẻ ở gần mình, cùng chung một pháp môn niệm Phật, để có thể trợ niệm cho nhau lúc lâm chung.

Bởi chúng sinh phần nhiều nghiệp nặng, cho nên đường tu tuy đã gắng hết sức mình, nhưng lúc lâm chung có thể bị nghiệp chướng của quá khứ phát hiện, lại thân thể yếu kém, tâm thức hôn mê, khó mà giữ vững chánh niệm. Nếu không nhờ người khác hỗ trợ tất dễ bị tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển sinh tử, như vậy công tu một đời há luống uổng hay sao? Đây là điểm cần yếu thứ nhất.

Người niệm Phật khi thấy mình suy yếu thì nên đem hậu sự dặn dò trước, để khi lâm chung khỏi bận tâm và cũng nên sắp đặt các việc tài sản ruộng vườn cho con cháu, và dạy con cháu không được khóc lóc hoặc lộ nét bi sầu, nếu có thương thì nên bình tỉnh mà niệm Phật giúp vào. Đây là điểm cần yếu thứ hai.

2. Dự bị về tinh thần

Trên đường hành trì pháp môn nầy, người niệm Phật phải có tinh thần giải thoát, nên quán sát từ tiền bạc ruộng vườn cho đến thân tình quyến thuộc đều là duyên giả hợp, sống tùy cảnh huyễn, chết rũ sạch không. Nếu chẳng thấu đạt lẽ nầy thì vướng vào tâm niệm tham luyến, vừa ngăn trở sự giải thoát, vừa khiến hành giả đọa làm loài bàng sinh để giữ nhà giữ của. Có kẻ vì nuối tiếc tiền của và tình cảm, mà không yên tâm nhắm mắt chứ đừng hòng bàn đến việc vãng sinh. Cho nên, người niệm Phật hằng ngày phải tĩnh tâm quán xét chính bản thân, và cố dứt lòng tham, chặt lìa gốc ái dục mà quyết chí hướng về cõi Phật để khi lâm chung khỏi bị sức nghiệp ngăn trở và cuốn lôi.

Người niệm Phật gặp khi lâm chung thường phát khởi những điều nghi ngờ làm chướng ngại cho sự vãng sinh cho nên lúc bình thường phải luôn luôn củng cố đức tin bằng ba điểm cốt yếu sau đây:

a. Thứ nhất: Là nghiệp chướng dù nặng, công tu dù ít, vẫn được vãng sinh.

Đệ tử chúng con hằng ghi khắc sâu lời thệ nguyện của Phật A-di-đà rằng: “Chúng sinh nào chí tâm muốn về Cực lạc thì niệm danh hiệu Ngài cho đến mười niệm, nếu không được vãng sinh, Ngài thề không thành Phật”.

Mà Phật thì không bao giờ nói dối, vậy người niệm Phật phải tin nơi đức Từ Tôn. Mười niệm là thời gian công phu rất ít mà còn được vãng sinh, huống chi mình niệm nhiều hơn số đó.

Lại nữa, dẫu có kẻ nghiệp nặng đến đâu như phá giới phạm trai hoặc tạo đủ các điều ác, nếu chí tâm sám hối và nương vào bản nguyện của A-di-đà thì Ngài đều tiếp dẫn.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy rằng: “Kẻ tạo tội nặng ngũ nghịch thập ác mà khi lâm chung chí tâm niệm mười niệm đều được vãng sinh”.

Trong cuốn sách vãng sinh Truyện có ghi lại trường hợp Trương Thiện Hòa, Hùng Tuấn, Duy Cung, trọn đời giết trâu bò, phá giới, làm ác khi lâm chung có tướng xấu của địa ngục hiện ra, bèn sợ hãi niệm Phật, liền thấy Phật đến rước. Cho đến loài chim sáo, chim két, chim anh võ mà niệm Phật cũng được vãng sinh, huống chi mình chưa phải là tệ hại đến mức đó.

b. Thứ hai: Là ước nguyện chưa hoàn
thành và tham sân si chưa dứt trừ vẫn được vãng sinh.

Ước nguyện của hành giả đại khái có hai phần, đó là đạo và đời.
Về mặt đạo, có người nguyện cất chùa, bố thí, hoặc tụng kinh, trì chú số bao nhiêu, nhưng làm chưa tròn mà đã đến giờ chết. Phải nghĩ rằng: “Chỉ tín tâm niệm Phật là điều hệ trọng nhất, rồi khi được vãng sinh và chứng đạo quả, sẽ làm vô lượng công đức, còn nguyện ước của kiếp nầy chỉ là việc nhỏ, làm xong hay chưa, không mấy quan hệ, và chẳng có hại chi cả”.

Về mặt đời, hoặc có người vì bổn phận gia đình chưa tròn, như cha mẹ già suy không ai chăm sóc, hoặc vợ con thơ dại thiếu chỗ tựa nương, hoặc thiếu nợ kẻ khác chưa trả kịp, tâm nguyện chưa vẹn nên lòng chẳng yên. Phải nghĩ rằng: “Lúc ta sắp chết thì dù có lo hay không cũng chẳng làm được, chi bằng chuyên tâm mà niệm Phật, khi được vãng sinh Tây phương, rồi đắc đạo quả sẽ trở lại chốn Ta bà nầy, thì lúc ấy bao nhiêu ước nguyện đều có thể hoàn tất, bao nhiêu nợ nần đều được đáp trả, tất cả kẻ thù người thân đều có thể được mình cứu độ”.

Na Tiên Tỳ Kheo Kinh dạy rằng: “Ví như hạt cát nhẹ nhưng bỏ xuống nước liền chìm nghĩm. Trái lại, tảng đá dù nặng và to nhưng nếu được chở trên chiếc thuyền thì có thể đem từ chỗ nầy sang chỗ khác. Người niệm Phật cũng thế dù nghiệp của mình rất nhẹ, nếu không được Phật cứu độ thì chắc chắn vẫn bị luân hồi. Còn nếu tội chướng dẫu nặng nề đến bao nhiêu nhưng được Phật tiếp dẫn thì đương nhiên được sinh về cõi Cực lạc”.

Theo lời dạy ấy trong kinh, đệ tử chúng con thấy môn niệm Phật là Pháp đới nghiệp mà vãng sinh đó là vì nhờ Phật lực. Tảng đá lớn ví cho sức nghiệp nặng to, còn chiếc thuyền ví cho bản nguyện của Phật. Vậy người tu đừng nghĩ rằng mình còn tham sân si e không được vãng sinh, mà phải nghĩ rằng: “Với năng lực siêu việt nhân quả của Phật A-di-đà thì trên thế gian nầy, không có điều gì mà Ngài không thực hiện được”. Với lòng tin tuyệt đối vào lời Phật dạy, thì trên thế gian này không có điều gì mà chúng con không làm được.

c. Thứ ba: Niệm Phật thì được Phật hiện thân đón rước.

Người niệm Phật tùy theo công đức mình mà khi lâm chung sẽ được thấy Phật hoặc Bồ-tát hoặc Thánh chúng đến rước. Hoặc có khi không thấy chi cả, mà nhờ sức nguyện của mình và Phật lực âm thầm nhiếp thọ mà thần thức tự bay về Tây phương. Đây là bởi công hạnh trì danh của mình có cao thấp, có sâu cạn. Chỉ cần yếu lúc đó thì phải chí tâm niệm Phật đừng suy nghĩ một điều gì khác cả. Nếu nghi ngờ sẽ tự sinh ra chướng ngại. Tóm lại khi lâm chung dù thấy tướng tốt hay không cũng đừng quản đến, chỉ dốc lòng niệm Phật cho đến giây phút cuối cùng.

HT Thích Thiền Tâm




Có phản hồi đến “Phẩm Thứ Mười: Niệm Phật Phải Dự Bị Lúc Lâm Chung”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com