Trong Học pháp có một giới cần phải nhận định cho rõ là giới phá hòa hợp Tăng. Tăng từ 4 vị trở lên, không biết chúng mà đồng một Kiết-ma, đồng một thuyết giới, gọi là Tăng hòa hợp. Có 18 việc dẫn đến sự phá Tăng hòa hợp:

1. Pháp nói là phi pháp (như Tám chánh đạo là con đường duy nhất đưa đến Niết-bàn lại cho không phải hoặc không duy nhất).

2. Phi pháp nói là Pháp (trái với trên).

3. Luật, nói là phi luật. (Tám thánh đạo là nền tảng của luật, lại nói là không phải. Hoặc bốn Thánh chủng là luật, lại cho là không phải luật).

4. Phi luật nói là luật (trái với trên).

5. Phạm nói là không phạm.

6. Không phạm nói là phạm.

7. Phạm khinh nói là phạm trọng.

8. Phạm trọng nói là phạm khinh.

9. Phạm hữu tàn nói là vô tàn (tàn là dư tàn, phạm những tội có thể sám hối là hữu tàn, còn tội Ba-la-di không thể sám hối gọi là vô tàn).

10. Phạm vô tàn nói là tàn (trái với trên).

11. Tội thô ác nói là phi thô ác.

12. Tội phi thô ác nói là thô ác.

13. Thường sở hành nói là phi thường sở hành (pháp thường sở hành chỉ cho Tám Thánh đạo, Pháp phi thường sở hành chỉ cho 5 điều của Đề-bà-đạt-đa).

14. Phi thường sở hành nói là thường sở hành.

15. Chế nói là phi chế (điều luật Phật cấm chế nói là không phải cấm chế).

16. Phi chế nói là chế.

17. Thuyết nói là phi thuyết (Những điều do chính Phật dạy nói là không phải).

18. Phi thuyết nói là thuyết.

Duyên khởi từ Đề-bà-đạt-đa.

Trong Luật nói phá Tăng có hai thứ:

a. Phá Kiết-ma Tăng.

b. Phá Pháp luân Tăng.

-- Phá Kiết-ma Tăng là ở cùng trong một giới, tách ra để bồ-tát riêng, hoặc phá không để cho Tăng Kiết-ma.

-- Phá Pháp luân Tăng: Pháp luân gọi là Bát chánh đạo... Phật chuyển Pháp luân, chuyển Tứ đế, Bát chánh đạo luân. Bây giờ khiến Tăng bỏ Bát chánh đạo pháp luân của Phật để nhập vào tà đạo gọi là phá Pháp luân Tăng. Trường hợp phá Pháp luân Tăng phạm tội ngũ nghịch, nhưng nó là tội khả hối chứ không phải là tội Ba-la-di, mà là tội Tăng tàn. Còn phá Kiết-ma Tăng không phải tội ngũ nghịch mà là tội khả sám thuộc Thâu-lan-giá, Phá Pháp luân Tăng ít nhất là phải có chín người. Trong Chúng chín người đó tách ra năm người, một người xưng là Phật và đưa lên một giáo thuyết khác với Phật. Bốn người kia phụ họa theo giáo thuyết tự xưng là Phật đó. Như vậy là họ phá Chúng Tăng đang nghe Pháp luân của Phật nên gọi là phá Pháp luân Tăng. Phá Pháp luân Tăng chỉ xảy ra khi Phật còn tại thế. Còn sau khi Phật nhập diệt không còn nạn phá Pháp luân Tăng nữa. Dầu các Tổ bên Tàu có lập ra tông này phái nọ, không phải là phá Pháp luân Tăng, bởi vì hiện nay bà Thanh Hải tự xưng là Vô thượng sư, hay ở nước ta có người tự xưng là U minh giáo chủ, hay là gì gì đi nữa cũng không thành vấn đề vì họ không phải là Tỷ-kheo nên cũng không gọi là phá Pháp luân Tăng, vì họ có thành Tăng đâu mà gọi là phá Tăng.

Phá Pháp luân Tăng là ngày xưa Tỷ-kheo Đề-bà-đạt-đa đi tranh với Phật, rủ thêm bốn người là Tỷ-kheo Tăng-Bạt, Kiền-trà-bạt-đà, Câu-bà-ly, Ca-lưu-đề-xá với thầy là năm, kết bạn với nhau, khất thực từ nhà nọ đến nhà kia. Phật nói các thầy không được biệt chúng khất thực như vậy. Tỷ-kheo Đề-bà tức giận và nói "Như Lai Sa-môn đã chận đứng miếng ăn của người khác, cho nên thầy rắp tâm phản, tách riêng thành chúng và xướng lên năm pháp khác với Phật, cho hơn Phật".

Thứ nhất, Phật chế: Thường hành khất thực, thứ đệ khất thực, nếu có ai mời ăn thì chấp nhận, nếu có ai hỷ cúng cũng chấp nhận. Bây giờ Đề-bà-đạt-đa trai lại với Phật, thầy chủ trương ai cúng cũng không ăn, ai mời thọ thực cũng không nhận, ai cho thầy cũng không lấy, chỉ có đi khất thực mà ăn thôi.

Thứ hai, Phật chế: Phấn tảo y, tức y lượm vải vứt bỏ ở bãi tha ma, đem về tẩy rửa cho sạch mà may y. Tuy nhiên, nếu có ai cúng y cũng nhận lãnh. Bây giờ thầy chủ trương: Phấn tảo y là y chính, còn ai cúng y thầy cũng không nhận.

Thứ ba, Phật chế: Lộ địa tọa hay thọ hạ tọa, nhưng nếu có ai cúng tịnh xá, cúng chùa thì cũng ở. Thầy nói không được, thầy chỉ ngồi dưới đất trống hay dưới gốc cây mà thôi, còn nếu ai cúng chùa, tịnh xá, giảng đường... thầy cũng không nhận.

Thứ tư, Phật chế: Không được ăn bơ, dầu để cách đêm. Thầy nói dầu không cách đêm cũng không được ăn.

Thứ năm, Phật chế: Tùy thí đắc thực, được phép thọ tam tịnh nhục là bất kiến, bất văn, bất nghi. (Tức không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu của vật bị giết và không nghi người ta giết để cúng cho mình). Thầy chủ trương, dầu có cúng cũng không ăn.

Năm pháp đó ngược lại bốn ý của Phật. Thầy chế ra giới của thầy không dính gì với Bát chánh đạo, Bát chánh đạo là chánh Tri kiến, chánh Tư duy, chánh Ngữ, chánh Nghiệp, chánh Mạng, chánh Tinh tấn, chánh Niệm, chánh Định. Phật cho tu như vậy mới đắc đạo, nhưng thầy nói tu như thầy mới đắc đạo, bằng cách chế năm điều như trên, không cần Bát chánh đạo. Thầy chế ra một giáo thuyết và thầy tự xưng là Phật nên thầy bị ghép vào tội phá Pháp luân Tăng. Nhưng tội đó theo luật là tội Tăng tàn. Nếu phá như vậy mà không ai can ngăn cả cũng không phải là tội Tăng tàn. Tội Tăng tàn như trong Luật nói là nếu có bạch tứ Kiết-ma can gián xong, mà thầy không bỏ mới mắc tội, nhưng mới bạch nhị kiết-ma mà thầy bỏ thì chỉ phạm Thâu-lan-giá. Có những trường hợp làm nhưng không phạm là trường hợp mới ngăn đã bỏ. Thứ hai là khi Phật chưa chế giới đó. Thứ ba, nếu chúng tăng muốn kiết-ma một tội nào mà phi pháp biệt chúng kiết-ma, phi pháp hòa hợp chúng kiết-ma, như pháp biệt chúng kiết-ma, như pháp tương tợ biệt chúng kiết-ma, như pháp tương tợ hiệp chúng kiết-ma, thì đều vấp phải Kiết-ma phi tướng, dầu có ba lần khuyên, mà vì Kiết-ma không đúng đó, kết tội cũng không thành.

Cho nên bên xử tội phải đúng tư cách một ông Luật sư làm đủ thủ tục mới kết tội được, trái lại không phải là Luật sư, làm không đúng thủ tục thì lại càng không kết tội người ta được mặc dầu người đó có tội. Ví dụ nếu thầy là ông Tăng, thầy đang sửa soạn phá hòa hợp Tăng, nhưng tôi chận hành động phi pháp ấy lại, dầu tình giữa thầy và tôi có sứt mẻ, cũng không gọi là phá Tăng, hoặc kết tập một hai ba người làm kiết-ma để phá Tăng cũng không gọi là phá Tăng vì không đủ năm người, hoặc phá những kẻ ác tri thức, những người muốn làm tổn hại hay sắp sửa làm tổn hại cho Tăng, cho Pháp, cho Hòa thượng, cho A-xà-lê, làm cho mất chỗ ở, cũng không gọi là phá Tăng.

Phá Pháp luân Tăng này bất kỳ Tăng cùng ở nội giới ngoại giới đều phá được hết, còn phá Kiết-ma Tăng là cùng ở trong một giới mới phá Kiết-ma Tăng được. Phá Pháp luân Tăng chỉ có Tỷ-kheo còn Ni không phá được. Vì Ni không làm Phật được nên không phá được. Phá Kiết-ma Tăng là phải ngồi chung lại Kiết-ma, bỏ thăm, tách ra mới phá, chứ không phải tới ngày Bố-tát bỏ đi chơi gọi là phá Tăng. - Thí dụ hôm nay có hai mươi người, mới vô giới trường mười hai người, còn tám người bỏ đi chơi. Tám người không vô đó gọi là phá được không? Không được. Khi nào ngồi lại, bỏ thăm, có người xúi sử, không chịu ngồi chung với nhau nữa, tách ra Bố-tát riêng biệt giới mới gọi là phá Kiết-ma Tăng. Nếu có ai vô trong giờ Bố-tát mà la lối ồn ào cũng không phải là phá Kiết-ma Tăng mà chỉ phạm tội ô cấu Tăng, phá pháp lục hòa, phạm pháp nhưng không phạm giới.

Tăng Kỳ luật nói: Nếu biết một số người muốn phá Tăng, thì các vị Tỷ-kheo nên can họ đừng phá. Vì phá Tăng mang tội nặng lắm, bị đọa địa ngục, khổ sở vô cùng. Và dụ dỗ họ: nếu thầy cần y tôi cúng y, cần áo tôi cúng áo, cần tứ sự cúng dường, tôi xin cúng hết. Nếu Thầy đó không chịu, thì nên đến vị Ưu-bà-tắc thân cận thầy đó nhờ khuyên họ đừng phá Tăng mà mang tội, thôi đừng nên phá Tăng, nếu cần gì tôi xin cúng dường hết. Thậm chí nếu thầy tu không được thì tôi sẽ cưới vợ cho, nhưng thầy đừng phá Tăng. Thế cho hay trong Luật nói khi một người làm ông Tăng, Phật thấy quý lắm. Vì thấy quý cho nên thầy lỡ có phạm giới thì cũng tìm đủ mọi cách để giải sự phạm giới của thầy, chứ không trị liền. Phải ba lần can gián đã, trước khi can gián thì phải nhờ ông này bà kia có thần có thế đến can đến khuyên, dụ dỗ vật chất khuyên đừng phá Tăng. Nếu tu không được thì tôi cưới vợ giúp đỡ chứ đừng phá Tăng. Nếu cố tình không chấm dứt thì bắt thăm khu xuất ông đi ra khỏi chỗ ấy mà thôi. Khi đã đuổi ra khỏi địa phương ấy rồi thì phải xướng lên rằng: "Các Đại đức, ông phá Tăng đi đến chỗ đó nên thận trọng, chớ để cho người khác họ lầm, đi theo". Cho nên khi đã kiết-ma trục xuất thì ông đi đến đâu phải thông báo cho họ biết, để cảnh cáo họ, kẻo họ không biết Chúng Tăng đuổi ông đó. Nói tóm, có hai cách phá hòa hợp Tăng:

1. Phá Pháp luân Tăng: Trường hợp Đề-bà-đạt-đa phá Pháp luân Tăng khi Phật còn tại thế. Sau khi Phật nhập diệt không có phá Pháp luân Tăng. Cách thức phá là: Tự xưng Phật riêng, có Pháp riêng, không nghe theo Pháp luân của Phật.

2. Phá Kiết-ma Tăng: Trường hợp trong cùng một kiết giới, cùng một thuyết giới, cùng một kiết-ma, đồng giới. Tất cả mọi việc gì cũng cùng một kiết-ma hết. Nhưng bây giờ có người sinh sự, lập ra một nhóm tạo ra sự bất hòa, rồi đưa đến kiết-ma, tập hợp lấy biểu quyết, kiết-ma tách ra làm hai nhóm, gọi là phá kiết-ma Tăng.

HT Thích Thiện Siêu



Có phản hồi đến “Pháp Hòa Hợp Tăng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com