“Năm ngoái ngày này dưới gió đông

Hoa đào ánh má mặt ai hồng

Mặt ai nay biết tìm đâu thấy

Chỉ thấy hoa cười trước gió đông”

Bà cũng như bao người phụ nữ khác rất thích làm đẹp, mua sắm, chưng diện. Bà lãng mạn, cũng thích thơ văn, thương con lắm nhưng nhiều khi cũng “giận con” vì tư tưởng chẳng giống ai. Con đọc thơ bà nghe theo yêu cầu, để làm bà vui nhưng đầu óc lại rất tỉnh không một vết lụy phiền.

Mười mấy năm trước làm và ở với bà, thời mới qua Mỹ, nên con thành bạn của bà và đôi khi cũng “quản lý” bà không cho bà mua sắm, ăn uống lung tung. Mỗi khi bà đòi shopping con “cản mũi kỳ đà” chê bai hoài bà cũng phải về. Con không thích bà ăn đồ ở ngoài, không tốt, con nấu cho an toàn. Bà hay than với khách đi với cháu em sướng lắm, không có tốn tiền, ngó xong về, đừng hòng nếm được miếng bánh ở ngoài mà yên với nó.

Thế mà mùa noel năm ấy bà thẩn thờ buồn vô cùng. Thấy bà thê thảm quá nên con phá lệ nói thôi đi mua sắm nha cho đỡ buồn. Bà thở dài bảo không có lòng dạ để đi. Cứ mỗi mùa Noel là bà buồn nhớ một người. Bà kể người ấy ngày xưa học chung với bà bên Nhật, hai người cũng lãng mạn yêu nhau, duyên đưa đẩy rồi bà lấy ông là người Nhật ở Mỹ còn người kia cũng lấy vợ. Bà nói người ấy nói rằng bà là lẽ sống, mất bà nên ông ấy cũng mất cả nửa cuộc đời, trong trái tim ông ấy không ai qua bà nên cứ mỗi mùa Noel người ấy lại viết cho bà một lá thư.

Đáng lẽ theo thế thường người ta phải ca ngợi, kiểu những chuyện tình vĩ đại bi thương gì mới đúng. Thế mà con ở cái tuổi theo lý là lãng mạn yêu thương mộng mơ trên trời lại chẳng mảy may cảm thông, còn phì cười. Con hỏi bà muốn nghe con nói không thì con nói, nhưng đừng giận con. Bà nói mày biết tính tao, muốn nói thì thì nói.

Thế là con nói thật, bà và ông đó đều sống không thực tế, cả hai như trên mây mấy chục năm. Bà nghĩ xem cái thời bên Nhật mười tám đôi mươi, tuổi đẹp nhất đời người, suốt ngày chỉ có biết đi học, có biết lo gì cho cuộc sống đâu. Nếu có gặp nhau cũng lo chưng diện, chải chuốt cả buổi, gặp nhau một vài giờ rồi về, tung tăng dưới vườn hoa anh đào, khi nói chuyện cũng phải lo trao chuốt có dám làm mất lòng gì nhau. Cả tuần may ra gặp được một ít thời gian, còn suốt ngày là mộng mơ say đắm nghĩ những điều không thực tế trên trời. Giờ khi đối diện thực tế cơm áo gạo tiền thì chán nản.

Còn giờ ông ấy lấy hình ảnh vợ ổng lam lũ vì ổng, vì con ổng, cơm nước đủ thứ với hình ảnh ngày xưa bà bé nhỏ xinh xinh tung tăng dưới vườn hoa anh đào là không thực tế. Hai hình ảnh hoàn toàn tương phản và không đúng với hoàn cảnh, thời thế, không thực. Vì ai mà vợ ổng phải lam lũ như vậy, theo tuổi tác thời gian lại không chấp nhận, ngồi mơ mộng trên trời. Ổng đáng lẽ phải thương vợ con lo phụ giúp ngồi mộng mơ ngoại tình trong tư tưởng.

Ổng nói bà là lẽ sống của ổng đi, bà có nghĩ nếu bà lấy ổng bà có chu toàn nổi trách nhiệm làm vợ làm mẹ không. Mấy ông Việt Nam thời của bà cực kỳ gia trưởng. Bà có nghĩ bà có chu toàn nổi cơm nước, quán xuyến gia đình không khi vấn đề nội trợ bà không làm nổi. Giờ cho ổng gặp bà đi, ổng chạy mất dép. May bà lấy ông bảy là người Nhật Samurai chính hiệu, một quân tử hiền lương nên mới chịu đựng bà, chìu bà, lo cho bà, nấu ăn hay có gì cũng lo chứ mấy ông Việt Nam thời bà với cái kiểu của bà thì nhà không sập mới lạ, ăn đòn với mấy ổng, cờ bạc rượu chè, khổ lắm. Bà Năm nói hoài đó là may bà không rước ông Việt Nam nào chứ không giờ bị ăn tát, bê tha, bồ bịch còn khổ. Có khi ổng lấy bà thì giờ mỗi mùa Noel người ổng viết thư là bà vợ ổng hiện tại á.

Bà thở dài, mày nói đúng con à. Ông đó gia trưởng lắm, nhà ổng đến 12 người, mà tao mày thấy có nấu ăn nội trợ gì đâu. Vào bữa cơm mà lo xới hết cho mọi người thôi chắc tao cũng chết. Chuyện tề gia nội trợ quán xuyến gia đình tao cũng không có bằng mày. Nghĩ thương ông mày, chỉ có ông mày chịu nổi tạo. Giờ ông đó thấy tao vầy chắc ổng bỏ của chạy lấy người. Đúng là “tình chỉ đẹp khi tình gian dở”

Phải rồi, “cưới nhau về tắt thở càng nhanh” ha. Bà sống thực tế chút đi, lo nghĩ đâu đâu mà quên người thương mình trước mặt. Con không thấy ai tốt như ông Bảy cả, bà dành thời gian nghĩ về cái ông đó mà lo cho chồng mình, con cái đã sống riêng còn có ông bên cạnh chẳng bao giờ bỏ bà. Ngồi lang mang là “ngoại tình trong tư tưởng” đó.

Bà quay sang hầm hừ “ Mày giỏi lắm con à nhưng cái đầu của mày già trước tuổi nha con. Cái đầu mày mạnh quá, cứng còn hơn tao. Nhìn mặt mày thì như 16 mà nói chuyện y như 61, còn già hơn cả tao. Mà con, mày đừng có nói với tao mày không lấy chồng nha, buồn lắm con, có mấy đứa đến tiệm đặt vấn đề mày sao cứ từ chối riết vậy con, nó tặng quà mày không lấy thì lấy cho tao. Đời mà con, phải có vui có buồn, có người để thương, có bờ vai để dựa, như vậy mới là hương vị của cuộc đời”

Thế là bài ca lấy chồng lại được bà cất lên muôn thở con nghe thuộc luôn. Ngày nào bà cũng xúi con quen biết, rằng giỏi như mày đứa nào lấy được nó sướng. Bài ca bà hay vừa xoa vừa dọa là “Con ơi, mày giỏi lắm, rất giỏi, tao không có gì chê trách mày được. Mày học hành thì giỏi giang ăn nói đàng hoàng, buôn bán rất giỏi, khách rất thương mày, mày rất hiểu chuyện, rất biết ứng xử dù còn rất nhỏ. Còn việc nhà, quán xuyến, nội trợ, cơm nước không chê vào đâu được. Nhưng mà mày giỏi vừa thôi con, mày giỏi quá không ai dám lấy mày đâu vì ai mày cũng chê, không bằng mày. Ra ngoài quen biết nhỏ nhẹ nũng nịu chút đi con để có bờ vai nương tựa, sống một mình buồn lắm con”

Đó là bà chứ không phải con. Con không cần dựa vô ai cả, bà có thấy con lo lắng buồn khổ gì không. Con không lấy quà cáp gì của ai, không đi ra ngoài ăn uống gì với ai cả, chi cho mắc nợ. Nhìn bà nhìn xung quanh khổ gần chết, đời con không thể bi lụy khổ vì tình được. Con chỉ có hầu hạ ba má, gia đình con, không đi hầu người dưng. Con có nấu ăn ngon hay làm gì thì mắc gì đó không dành cho ba má con, người nuôi con, đi lo cho một người ở đâu chưa chắc gì thực lòng với mình, có khi là nợ. Chưa chắc gì nó sống với con, có khi tới làm khổ nhau, con dại gì. Bà tức lắm mà nói không lại được với con nên hầm hừ nói với mày tao bực cái mình, rồi sau đó lại lo sợ cháu bà khổ vì quá cứng đầu không chịu yêu đương.

Thời đó con chẳng có biết Phật pháp là gì ở độ tuổi quá trẻ. Ngày đó nhìn bà nhìn họ hàng gọi là Phật tử thuần tâm, một tiếng là Phật, hai tiếng là Phật mà mê tín dị đoan đủ kiểu nên con cũng chẳng thích Phật giáo luôn. Con vô minh cả một thời gian dài. Giờ biết Phật pháp, mười mấy năm con quản lý một gia đình con ngán đến tận cổ nên không bao giờ muốno đi ôm thêm cái tròng vô người. Con chờ ngày thoát nạn. Những người kia hay bạn bè vì họ đã được lo sẵn, chưa đối diện với thực tế nên mới mộng mơ và đó là nợ nghiệp gia đình. Con sợ cuộc sống gia đình hơn bất cứ điều gì, không khác ngục tù chôn cuộc đời mình. Con muốn tự do tự tại, không có gì quý hơn sự tự do để làm những gì con thích và thảnh thơi tu tập.

Bà già mất trí rồi, cũng là sống qua ngày chờ đi giống má vậy, nhưng bà lớn tuổi, bệnh đó phổ biến. Má bệnh ở tuổi còn quá trẻ. Khi xưa còn tỉnh bao nhiêu lần con nhắc bà tu, bà đều chối từ kiếm lý do. Có khi là nói bà không ăn chay được dù con bảo thì ăn mặn tu, ai cấm đâu. Có khi là bà đi công quả lo nhìn ngó rồi kể chuyện xấu ở chùa dù con nói bao lần mình tu là lo cho mình, đừng quan tâm người khác làm gì, nghĩ gì. Kể cả ở chùa nếu người xuất gia có làm sai thì đó là duyên nghiệp, không phải ai tu cũng đều thành tựu, không phải cứ vào chùa là thành Phật, thành Bồ Tát hết, ai ăn nấy no, ai tu nấy hưởng. Bà tránh con luôn, gọi điện tắt máy sớm khi con khuyến bà tu, niệm Phật hơn ngồi nghe những chuyện kể xấu đời thường chỉ làm mình bực thêm.

Kiếp sau bà nhớ tu cho trọn, đừng bi lụy nữa, bà nhé.

Ngọc Hằng




Có phản hồi đến “Mùa Noel Nhớ Chuyện Tình “Bi Đát” Của Bà – Kiếp Sau Bà Nhớ Tu Cho Trọn”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com