Chùa Linh Ứng tọa lạc ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, từ lâu không chỉ được biết đến là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời (trên 100 năm) gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng, mà còn là mái ấm cưu mang, giúp đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh.

Chùa Linh Ứng từ lâu đã trở thành ngôi nhà chung của hàng trăm số phận bơ vơ không nơi nương tựa. Với dáng người nhỏ nhắn, giọng nói trầm ấm và khuôn mặt hiền từ, ni sư Thích Đàm Bích - Trụ trì nhà chùa vui vẻ tiếp chúng tôi. Ni sư tâm sự: Sau 25 năm mở nhà từ thiện, nhà chùa đã cưu mang hàng trăm con người, mang lại mái nhà bình yên cho hàng chục cụ già bất hạnh. Hiện tại, nhà chùa đang nuôi dưỡng 5 em học đại học, 12 em từ mẫu giáo đến lớp 10 và 15 người già neo đơn.

Mỗi số phận trong ngôi nhà chung này đều có một hoàn cảnh đáng thương khác nhau. Nhiều trường hợp, các con bị bỏ lại trước cổng chùa chỉ có một mảnh vải màn mỏng manh quấn quanh người. Gần đây nhất, cuối năm 2012 có 2 bé trai sinh đôi mới được khoảng 1 tuần tuổi bị bỏ lại cổng chùa. Nhà chùa đã mang về nuôi và đặt tên 2 con là Lê Vũ Gia Bảo và Lê Vũ Bảo Châu; được 7 tháng thì gia đình đến xin nhận lại con.

Trong số những người đang sống ở nhà từ thiện của chùa, hoàn cảnh của mẹ con chị Trần Thị Hóa (sinh năm 1972) và cháu Trần Thị Yến (sinh năm 2005) cũng rất đáng thương. Hai mẹ con chị về chùa đã được 6 tháng. Chị Hóa mắc bệnh hiểm nghèo, con gái bị bệnh thần kinh. Hai mẹ con lang thang không nhà cửa, khi về đến chùa Linh Ứng đã được nhà chùa đón nhận nuôi dưỡng và chăm sóc. Mới đây, do bệnh tình ngày một nặng, chị Yến đã được nhà chùa cho đi mổ mật ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Hay như trường hợp bà Trần Thị Dung ở xã Hải Sơn (huyện Hải Hậu) đã về nhà từ thiện của chùa được hơn 20 năm. Bà Dung tâm sự: Tôi lấy chồng ở Thịnh Long, sau khi chồng tôi lâm bệnh nặng qua đời, ba đứa con đuổi tôi ra khỏi nhà để tránh phải nuôi dưỡng. Mình tôi bệnh tật, bơ vơ không anh em, họ hàng, may nhờ có nhà chùa mở rộng lòng từ bi cho tôi được vào đây sinh sống.

Ni sư Thích Đàm Bích sinh năm 1955, mồ côi cha mẹ từ sớm và xuất gia từ năm 13 tuổi, nên ni sư rất thấu hiểu sự thiếu thốn tình yêu thương của gia đình và luôn mong muốn được làm thật nhiều việc từ thiện. Ni sư cho biết, nhà từ thiện của chùa luôn sẵn sàng mở rộng cánh cửa cưu mang, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.

Ngoài việc nuôi dưỡng các trường hợp trong nhà từ thiện, nhà chùa còn nhận đỡ đầu, trợ cấp, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn ở trong và ngoài tỉnh để các cháu có thể tiếp tục đến trường. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song giúp đỡ được hoàn cảnh nào thì đó là công việc cao cả mà nhà chùa nên làm. Nhà chùa hiện có 7 người, song 5 người đang đi học, ở lại chùa chỉ có ni sư Thích Đàm Bích và sư cô Thích Diệu Hạnh.

Sư cô Thích Diệu Hạnh vào chùa đến nay đã gần 13 năm. Trước khi đi tu hành nương nhờ cửa phật, sư cô Thích Diệu Hạnh từng là giáo viên dạy mầm non nên phần lớn công việc chăm sóc các con nơi đây mình sư cô đảm nhận. Lúc các con khỏe mạnh thì không sao, nhiều khi các con ốm đau quấy khóc, sư cô phải thức cả đêm chăm sóc 2, 3 con mới vài tuần đến mấy tháng tuổi.

Mệt mỏi, vất vả là thế, nhưng đã là công việc giúp đỡ cho đời thì mình phải làm thôi, coi các con như con của mình để chăm sóc, lo lắng, sư cô chia sẻ. Sau này, nhiều phật tử ban ngày cũng vào chùa giúp đỡ nhà chùa chăm sóc các cụ già hay quét dọn chùa chiền, vườn tược. Nhà chùa cũng có 5 sào vườn trồng lạc, trồng rau để cải thiện thêm bữa ăn và có thêm thu nhập giúp đỡ các trường hợp khó khăn.

Ngoài việc nhận nuôi, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn, nhà chùa còn có nhiều hoạt động từ thiện khác như: Ủng hộ đồ dùng học tập cho một số trường mầm non ở thị trấn; tặng quà Tết cho các gia đình nghèo, khó khăn; phát thuốc, khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trong và ngoài xã...

Đây là các hoạt động thường xuyên được nhà chùa duy trì đều đặn trong năm. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, nhà chùa đã vận động xây dựng được 4 ngôi nhà từ thiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Ni sư cũng đã mở lớp học từ thiện Tiếng Anh cho hàng trăm cháu trong và ngoài xã và nhờ các thầy cô giáo Trường Trung học Phổ thông Thịnh Long phụ trách giảng dạy. Năm 2007, Ni sư thành lập Hội tán trợ Chữ thập đỏ chùa Linh Ứng để cùng với xã hội chia sẻ một phần gánh nặng, cứu trợ những người khó khăn, cơ nhỡ.

Với những hoạt động từ thiện trên, chùa Linh Ứng đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc (2006), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam (2006), Hội Khuyến học Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì Sự nghiệp khuyến học Việt Nam (2006)...

Khung cảnh tĩnh mịch, yên bình ở chùa Linh Ứng dường như có thêm sự ấm áp lan tỏa từ tình yêu thương của những con người nơi đây. Giống như ni sư Thích Đàm Bích vẫn luôn nói với phật tử thập phương “Cuộc đời con người luôn tuân theo luật nhân quả, khi mất đi sẽ trở về với cát bụi, chỉ còn tấm lòng thiện nguyên là còn mãi với đời”.

(Theo TTXVN)



Có phản hồi đến “Chùa Linh Ứng - Mái Ấm Của Những Mảnh Đời Bất Hạnh ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com