Thái Lệ Hoa, Trưởng đoàn kiêm Giám đốc nghệ thuật Đoàn Nghệ thuật Trình diễn người tàn tật Trung Quốc, cùng 20 nghệ sĩ câm điếc khác đã khiến hơn 2.000 khán giả ở Los Angeles xúc động và thán phục với màn múa Thiên thủ Quan Âm (Phật bà nghìn mắt) . Nhóm nghệ sĩ này đã giành được sự nể trọng của khán giả khắp thế giới với cách theo đuổi nghệ thuật của họ và thái độ tích cực tới cuộc sống.

Thái Lệ Hoa trên sân khấu (người đầu tiên)

Màn múa này được trình diễn lần đầu tiên trước công chúng tại lễ bế mạc của Thế vận hội người khuyết tật ở Athens (Hy Lạp) hồi năm 2004 và mới đây là tại lễ khai mạc Paralympic Games 2008 ở Bắc Kinh. 21 nghệ sĩ đều câm-điếc, họ không thể nghe được nhạc song họ cảm nhận nhịp điệu âm nhạc rung trên mặt đất thông qua hệ thống loa và thể hiện các động tác múa bằng cách nhìn động tác tay của các huấn luyện viên đứng ở 4 góc sân khấu. Thiên thủ Quan Âm còn thu hút được nhiều khán giả khi được phát sóng trong chương trình lễ hội mùa Xuân 2005 trên CCTV. Các động tác uyển chuyển và nụ cười tươi tắn của Thái Lệ Hoa đã chinh phục được khán giả, song càng múa, cô lại càng khiến người xem xúc động bởi ý chí của mình.

Thoát khỏi suy sụp nhờ âm nhạc

Năm lên 2 tuổi, tai của Thái Lệ Hoa bỗng nhiên điếc đặc sau một cơn sốt. Đến năm 7 tuổi cô bé mới biết được rằng mình không giống những đứa trẻ bình thường khác. Cô bé được gửi tới trường học đặc biệt dành cho trẻ bị câm và điếc. Đối với một cô gái nhỏ từng sở hữu một chất giọng tuyệt vời thì, sự thực nghiệt ngã đó đã giáng một đòn chí tử. Thái bị suy sụp nặng và luôn thích một mình. Nhưng cuộc đời cô bé đã thay đổi khi tham lớp học nhạc trong trường. “Thày giáo của chúng tôi gõ lên nền nhà và tôi có thể cảm nhận nhịp điệu từ đôi chân mình”, Thái nhớ lại.

 Thái Lệ Hoa ngoài đời
Thái Lệ Hoa ngoài đời

Sức mạnh của âm thanh trên nền nhà khiến gương mặt cô bé rạng ngời và toàn thân cũng cảm nhận được sự rung động và nhịp điệu đó. Từ đó, múa và nhịp điệu của âm thanh đã trở thành người bạn “tri kỷ” của Thái. Những năm sau đó, bất cứ khi nào xem một màn múa trên TV, cô bé cũng đều ghé mặt thật sát vào loa TV để cảm nhận nhịp điệu.

Năm 15 tuổi, Thái được Đoàn Nghệ thuật Trình diễn người khuyết tật Trung Quốc tuyển chọn làm diễn viên múa. Thái được đào tạo múa chuyên nghiệp, song cách lĩnh hội kiến thức của cô không đơn giản như người bình thường. “Cách lĩnh hội kiến thức duy nhất của tôi là phải nhớ, nhớ đi nhớ lại cho đến khi tôi cảm thấy như có một ban nhạc đang ở sát bên mình”. Trong mắt nghệ sĩ khiếm thính này, múa là thứ âm thanh hữu hình và nhiều màu sắc, là ngôn ngữ tuyệt hảo để bộc lộ thế giới nội tâm.

Sự kiên nhẫn của Thái đã được đền đáp xứng đáng. Cô đã trở thành một trong những nghệ sĩ múa xuất sắc nhất của đoàn. Cùng với các thành viên khác, cô đã trình diễn ở hơn 50 nước, xuất hiện ở tất cả các nhà hát hàng đầu thế giới, trong đó có Thính phòng Carnegie ở New York và nhà hát La Scala ở Milan. Năm 2000, tấm áp phích lớn có hình ảnh cô đã được treo tại Thính phòng Carnegie – “đặc ân” đầu tiên dành cho một nghệ sĩ Trung Quốc. Hôm 15/9, Thái đã được Liên hiệp quốc và Liên đoàn người khuyết tật Trung Quốc trao tặng giải thưởng với những đóng góp nổi bật của cô dành cho người tàn tật, trong đó có nhiều hoạt động từ thiện.

Luôn hướng tới mục tiêu mới

Song nghệ sĩ múa 33 tuổi này không quan tâm nhiều tới danh tiếng. Cô đã từ chối nhiều hợp đồng quảng cáo, bởi theo quan điểm của Thái: “Tôi là một nghệ sĩ múa và tôi cần có một cuộc sống yên tĩnh”.

Những thành tích đạt được trong nghệ thuật múa chưa làm cô gái sinh ra ở tỉnh Hồ Bắc này thấy hài lòng. Thế nên, năm 1994, Thái đã đăng ký học ngành Thiết kế và Trang trí tại Viện Nghệ thuật Hồ Bắc. Thời gian theo học tại đây, Thái còn “ngụp lặn” trong thế giới hội họa và nhờ đó càng làm tăng sự hiểu biết của cô về cái đẹp và nghệ thuật. Thông qua một bức tranh vẽ nhiều tai, mắt và mặt trời trên một nền đen, Thái muốn nói rằng người mù có thể nghe được những âm thanh của thế giới bằng tai, người câm và điếc có thể nhìn thế giới bằng mắt và ánh mặt trời làm cho mọi người cảm nhận được hy vọng của cuộc sống. “Đối với tôi, múa là cách biểu hiện mình tốt nhất. Đó là ngôn ngữ đẹp nhất trên thế giới. Hội họa là tĩnh còn múa là động. Tôi có thể mường tượng được âm thanh mà tôi “nghe” và vẽ trên giấy. Sự kết hợp đó đã góp phần cải thiện khả năng trình diễn của tôi”.

Giờ đây, Thái đã có một bước ngoặt nữa trong cuộc đời khi cô trở thành lãnh đạo đoàn gồm 153 nghệ sĩ khuyết tật. Nghệ sĩ múa này đang mong ước sẽ dựng được màn múa mà tất cả các nghệ sĩ khuyết tật đều có thể tham gia, để người mù có thể “xem”, người điếc và câm có thể “nghe” và người cụt chân có thể “trình diễn”. Năm 2003, Thái đã “lên xe hoa” và cô thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. “Cuộc sống không hoàn hảo và có những điều tiếc nuối, nhưng nếu bạn nhìn cuộc sống với những nhãn quan khác nhau, bạn sẽ luôn tìm được nhiều điều kinh ngạc và hạnh phúc”.

(Theo TT & VH)

Sau đây xin mời các bạn xem video điệu múa "Thiên Thủ Quán Âm" nổi tiếng do cô Thái Lệ Hoa và các nghệ sĩ câm điếc khác biểu diễn



Có phản hồi đến “Video -Thái Lệ Hoa: Vũ Nữ Câm Điếc Nổi Tiếng Nhất Trung Quốc Với Thiên Thủ Quán Âm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com