Nhiều người nghe nói câu trên, có lẽ chưa hiểu rốt ráo hoặc quá kỳ vọng cho sự giải thoát của mình, nên rất vui mừng khi thấy con cái thân bằng quyến thuộc có người đi tu. Hành động vui mừng đó, bộc lộ một cách rõ rệt như khuyến khích con cái người thân xuất gia. Hỗ trợ cho việc tu học v.v... Những việc làm đó rất đáng tán dương. Nhưng nếu vì vậy rồi sanh tâm ỷ lại, không lo tự tu tự chứng thì làm sao thăng được.

Vả lại quý vị cũng thường nghe : "Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng". Thì chả lẽ, người ta tu, con cái tu mình lại được hưởng nhờ, được siêu thăng sao? Cho nên nếu vội tin tưởng lời nói trên, hóa ra mình chưa hiểu lý nhân quả. Nhưng nếu cho câu nói trên là lời nói sai lầm thì làm sao nó tồn tại và được nhắc đi nhắc lại.

Nhứt nhơn thành đạo cửu huyền thăng, thật không? Thật đấy chứ. Như Thái Tử Tất Đạt Đa, sau khi thành Phật trở về hoàng cung độ vua cha, thân bằng quốc thích, rồi còn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ mẫu thân. Sau đó thì người nào cũng chứng tam hiền tứ thánh, đều được giải thoát cả. Lại như kia, Đức Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, xuống địa ngục cúng mẹ, và nhờ công đức cúng dường chư Tăng, mẹ Ngài được làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi, sau đó tiếp tục tu hành thoát hóa, đó là những sự kiện thực tế. Về phương diện lý luận và nhân sinh quan, tất cả mọi người sanh ra ở đời đều tương duyên tương quan. Do cùng nợ, cùng nghiệp, cùng duyên nên sanh ra làm thân bằng quyến thuộc. Xét xa hơn nữa, nhiều đời, nhiều kiếp thì mọi loài đều là thân bằng với nhau. Đó là do sự luyến ái luân hồi. Sợi dây luyến ái cứ buộc chặt, truyền nối từ đời này sang đời khác. Nay muốn cởi bỏ nó thì chỉ có dứt trừ ái nghiệp, nghĩa là cắt ái, từ thân, rời xa cha mẹ thân quyến, xuất gia tu Phật. Đó chỉ mới là cắt bỏ tập tành, hình thức, chớ muốn được rốt ráo thì tâm phải dứ? khoác bằng cách tu làm sao cho thanh tịnh, tu làm sao cho tới chứng đắc, có như vậy thì tình ái mới khô, nghiệp chướng mới lìa. Khi đã chứng đắc rồi, sợi dây ái nghiệp tiêu diệt, oan trái ái ân nhiều đời không còn nữa. Do đó cửu huyền không còn điều kiện để vấn vương, nương tựa để tái sinh. Ngoài ra trong lúc chờ đợi thay hồn nhập xác, thấy thân nhân phát chí cao thượng phát tâm tu hành, cũng nương đạo lực mà tiến tu. Vì thế hễ người thân tu càng cao, thì cửu huyền nương theo đó mà nhẹ nhàng. Đến khi người thân thành đạo thì một là dứt dây tham ái (không còn cái cớ để nhập thai), hai là thần hồn cửu huyền đã tỉnh giác mà tu tập theo. Cho nên một người giải thoát là cửu huyền giải thoát. Còn đối với người tu chứng, thì lúc đó tâm cảnh vắng lặng. Tất cả hoàn không. Cho nên đâu còn thấy đây là thân bằng kia là quyến thuộc. Nên đối với người tu chứng mọi cái đều đã siêu thăng. Hiểu lý ra, tất cả đều là thân bằng. Vỡ lẽ ra tất cả đều là Phật tánh cho nên còn đâu là cửu huyền, còn đâu là trầm luân, thế cho nên cửu huyền thăng là vậy. "Độc thọ khai hoa, vạn thọ hương" (Một cây nở hoa, mười ngàn cây đều có mùi thơm) là vậy.

Hiểu được như vậy, ta mới thấy câu "Nhứt nhơn thành đạo cửu huyền thăng" và lý nhân quả hoàn toàn không chống trái nhau. Bởi vì con người sanh ra toàn là nhân là quả. Nay tu chứng thì nhơn ái không còn, do đó các quả ái không còn. Cho nên quyến thuộc nhiều đời không còn nữa (thăng). Nay đã tu chứng (quả giải thoát) nên nhân trầm luân bị mất gốc, do đó không còn cơ hội phát sinh nữa và luân hồi nữa. Cuối cùng, nhân không còn, quả không còn thì cửu huyền cũng không, thân bằng cũng mất. Pháp giới vốn không lấy gì mà trầm luân hay giải thoát. Cho nên lý là vậy.

Tuy nhiên, hiểu là một lẽ, mà hành là một lẽ, cái điều không phải người khác tu, còn mình là cửu huyền nương theo đó mà thăng. Nhứt nhơn thành đạo cửu huyền thăng là chư Phật, Tổ khuyên chúng ta nên vì tứ thân cửu hữu mà phát tâm tu tập. Tu đến giải thoát để trả ân đấng sanh thành dưỡng dục của đời này và vạn kiếp xa xưa, chớ không phải nói ra để mình ỷ lại, khuyên ngườ? khác tu, còn mình mãi tạo nghiệp. Như thế làm sao giải thoát, làm sao siêu thăng. Hiểu như vậy là tự đánh lừa mình và chưa thông lý nhơn quả.

Phật là bậc Giác Ngộ, có thần thông quản đại vậy mà đâu có cứu cha mẹ trực tiếp được. Ngài chỉ lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho Ma Gia mẫu hậu tự tiến tu, và về vương thành để cảm hóa vua cha Tịnh Phạn để cho phụ thân phát tâm giải thoát. Đức Mục Kiền Liên với thần thông đệ nhất, bưng bát cơm cho mẹ, cơm còn hóa lửa, phải nhờ thần lực chư Tăng, phải cúng dường bố thí để cải đổi tâm bỏn sẻn của mẹ. Vậy thì vua Tịnh Phạn, hoàng hậu Ma Gia và bà Thanh Đề được giải thoát là nương theo sự khuyến tu của Chư Phật và Thánh Tăng rồi cởi bỏ tâm ý mình đến chỗ cứu cánh thanh tịnh.

Cho nên phận làm con chúng ta phải ráng lo tu tập giải thoát để cha mẹ của mình nương đạo lực của mình được siêu thăng. Còn bậc cha mẹ thì vừa khuyên con cái tu hành và bản thân cũng hết lòng tu tập. Được như thế thì đúng là "Nhứt nhơn thành đạo cửu huyền thăng". Được như thế là hiểu đạo và không còn mê mờ lý nhân quả nữa. Mong thay !

Diệu Thọ




Có phản hồi đến “Nhứt Nhơn Thành Đạo Cửu Huyền Thăng”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com