VẤN: Kính bạch Sư, xin Sư giải nghi cho con một số thắc mắc về vấn đề phóng sanh. Thỉnh thoảng con mua chim cá về nhà, cùng chồng con tự làm nghi thức phóng sanh rồi mang đi thả. Trong nghi thức phóng sanh có phần quy y Tam Bảo cho súc sanh. Hoặc trong phần hóa giải oan gia trái chủ trong các thời công phu hằng ngày cũng có phần quy y Tam Bảo cho các oan gia. Con cảm thấy bản thân chỉ là một phàm phu tội chướng sâu nặng, công phu tu hành non kém, làm sao đủ đạo lực để quy y cho các chúng sanh ? Vì vậy nhiều khi con bỏ qua không dám thực hiện phần này. Nhưng bỏ qua thì cảm thấy khó an. Xin Sư chỉ dạy cho con có nên thực hiện nghi thức này khi phóng sanh hoặc công phu hằng ngày hay không ? Xin Sư cho con biết Phật tử tại gia như chúng con nên thực hiện việc phóng sanh như thế nào cho đúng. Con xin cảm ơn Sư.

ĐÁP:

Trong thế giới chúng ta đang sống là thế giới không bình đẳng, không bình đẳng về cuộc sống con người, giữa con người với tha nhân, giữa loài vật với loài vật, giữa con người với loài vật Trong sự bất bình đẳng đó là một cuộc vật lộn dành lấy mạng sống, sự hung ác cướp lấy mạng sống của chúng sanh thấp hèn để nuôi và bồi bổ cho mạng sống tự thân. Thật là một môi trường vô cùng phức tạp và xú uế, chẳng có gì hay ho khi con người làm chủ hành tinh trái đất mà không có đạo đức tôn giáo, đạo đức tương thân tương ái giữa các lòai chúng sanh trong cõi phù ta.

Hình thức cuộc sống che đậy những tâm địa hung hăng của chúng sanh mạnh hiếp chúng sanh yếu đuối, những loài yếu đuối cũng có thân bằng quyến thuộc, cũng có mẹ cha, cùng huyết thống và muốn gìn giữ giống nòi, nhưng tiếc thay mẹ cha của chúng còn không làm chủ được vận mệnh của chính mình làm gì che chở sự an nguy cho đàn con bé thơ còn gậm sữa, thật đau thương! Nếu Phật tử chúng ta càng nghĩ suy sâu sắc hơn chắc chắc mọi người sẽ phát nguyện “trường chay”

I .Nguồn gốc phóng sanh

Với những ý thức “trung tính” đó, được hun đúc thành hạnh nguyện lợi tha của con nhà Phật, chúng ta thử tìm hiểu về nguồn gốc phổ biến công đức phóng sanh. Phóng sanh có nguồn gốc từ giới bất sát, cũng có thể nói giới sát được phát triển thêm một bước, thành ra phóng sanh. Giới sát chỉ là ngăn không làm ác, là hành vi thiện có vẻ tiêu cực. Phóng sanh cứu mạng là hành vi thiện tích cực. Nếu chỉ ngăn ác, mà không hành thiện thì không phải là tinh thần của Phật pháp Đại Thừa. Vì vậy mà ở Trung Quốc, từ thời Bắc Tề Lương đến nay, có phong trào không ăn thịt không sát sanh. Phong tục phóng sanh cũng từ đó được phát triển dần dần từ triều đình đến dân thường, từ chư Tăng Ni đến người thế gian đều coi trọng ăn chay.

Đông cung Thái tử Sĩ Đạt Ta một hôm cùng với Hoàng thân Đề Bà Đạt Đa dạo chơi vườn ngự uyển. Đề Bà Đạt Đa bắn cung trúng Thiên nga làm cho bi thương, nhưng khi rơi xuống đất thì Sĩ Đạt Ta chạy đến ôm được thiên nga. Đề Bà Đạt Đa tức giận nói:”Thiên nga của Ta bắn được sao Sĩ Đạt Ta bắt của Ta?” - Sĩ Đạt Ta nói:” Đề Bà Đạt Đa bắn trúng, nhưng Ta lượm được, ai lượm được thì phần đó thuộc về mình”. Hai bên dằng co một lúc, Sĩ Đạt Ta có được thiên nga bị trọng thương, và Hoàng Thái tử đem về Hoàng cung chữa bệnh cho thiên nga. Ba tháng sau thiên nga lành bệnh, Hoàng Thái Tử thả thiên nga bay về với tổ ấm (trích Tiểu sử Phật Thích ca, Anh Đạo Vàng, Võ Đình Cường). Đầy là một lễ phóng sanh đầu tiên, điển hình và tiêu biểu nhất trong Phật giáo.

Vào thề kỷ thứ VI vua Lương Võ Đế là vị vua minh quân, thọ giới Bồ Tát, xây chùa, nuôi chư Tăng Ni tu hành xuống chiếu cấm sát sanh để cúng tế. Đại sư Tuệ Tập, đời nhà Lương nguyện tự đốt hai cánh tay, đi khắp nơi khuyên mọi người làm việc phóng sanh. Đời nhà Tùy, đại sư Trí Khải phát động phong trào xây ao phóng sanh, giảng các kinh "Kim Quang Minh" và "Pháp Hoa" để tuyên truyền xin bỏ tiền mua lương thực để nuôi cá.

Đời Trần Tuyên Đế, vua sai quan Tế Tửu Từ, Khắc Hiếu viết "Bài Bia về việc thiền sư Trí Khải" tu ở chùa núi Thiên Thai tổ chức phóng sanh. Điều đó mở đầu cho việc ghi chép các hội phóng sanh và các ao phóng sanh ở Trung Quốc. Từ đó về sau từ đời nhà Đường, nhà Tống có đại sư Trí Lễ, Tuân Thức thuyết pháp khuyên mọi người phóng sanh. Đến nhà Minh, đại sư Châu Hoằng, núi Vân Thê biên soạn “Nghi thức Phóng sanh”. Thời cận đại có đại sư Hoằng Nhất, cư sĩ Phong Tử Khái, Thái Niệm Sanh vẽ tranh khuyến thiện giới bất sát.

Như vậy phóng sanh rất quan trọng, một ý nghĩa cao thượng và quan trọng nhất trong giáo pháp Đức Phật. Phóng sanh là giải thoát mạng sống, còn có nghĩa là đem lại sự sống cho chúng sanh. Người làm việc phóng sanh thường được 10 phương Tam Bảo, Đức Phật Bổn sư Thích Ca, Phật A Di Đà, Di Lặc Tôn Phật, Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và các vị Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Quán Thế Âm hộ trì, tâm tốt luôn nở rộ trong vườn hoa tâm của người con Phật đó.

Phóng sinh có những công đức gì? Công đức phóng sinh rộng lớn vô biên, không thể tính đếm. Nay xin nói đại lược như sau:

1. Không có nạn đao binh, tránh được tai họa chiến tranh tàn sát.

2. Sống lâu, mạnh khỏe, ít bệnh tật.

3. Tránh được thiên tai, dịch họa, không gặp các tai nạn.

4. Con cháu đông đúc, đời đời xương thạnh, nối dõi không ngừng.

5. Chỗ mong cầu được toại nguyện.

6. Công việc làm ăn phát triển, hưng thạnh, gặp nhiều thuận lợi.

7. Hợp lòng trời, thuận tánh Phật, loài vật cảm ơn, chư Phật hoan hỷ.

8. Giải trừ oán hận, các điều ác tiêu diệt, không lo buồn, sầu não.

9. Vui hưởng an lành, quanh năm đều được an ổn.

10. Tái sinh về cõi trời, hưởng phước vô cùng. Nếu có tu Tịnh Độ thì được vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Cư sĩ Đàm Hữu Lương, pháp danh Quảng Thiện, sinh năm 1916, người ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thân phụ là Đàm Hữu Ngạn, thân mẫu là Phạm Thị Phòng. Năm 1923 Cụ Bà Phạm Thị Phòng đi núi Cấm tu hành. Cư sĩ Đàm Hữu Lương cũng theo Mẹ đi núi tập tu, thế phác, ăn chay niệm Phật. Một ngày nọ đi rừng bất chợt, gặp một con chim “sâu” bị thương ở cánh, Cụ Đàm Hữu Lương đem chim về chữa trị, hái lá cây nhai và cầm máu cho chim “sâu”, hằng ngày hái là cây rừng nhai và chữa trị vết thương cho đến khi chim lành bệnh, cho ăn uống no đủ. Nửa tháng sau, cư sĩ thả cho chim “sâu” bay về với đàn, chim mừng ríu rít, nhưng không đi dường như nó muốn ở lại với cư sĩ. Mấy ngày sau chim mới chịu bay trở về với thiên nhiên núi rừng đi kiếm ăn. Năm 1956 Cụ Bà Phạm Thị Phòng xuất gia với Hòa Thượng Thích Quảng Đức, pháp danh Diệu Lầu, tại chùa Long Khánh về sau được tấn phong lên hàng giáo phẩm Ni sư...Năm 1959, cư sĩ Đàm Hữu Lương cũng nghe lời Mẹ xin quy y Tam Bào và cũng là đệ tử của Hòa Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức. Khi lớn lên cụ Quảng Thiện đỗ bằng Duplôme, làm quan giúp dân, rất được trọng vọng ở vùng Mỹ Tho, Cai Lậy, Chợ Gạo...(kỷ yếu gia phả dòng họ Đàm, Long Trung, Cai Lậy, Tiền Giang)

II .Lợi ích phóng sanh

Dù trong đạo hay ngoài đời, nếu Bạn có ý thức làm cho pháp thiện sanh thì các pháp ác khác không sanh, đó là chân lý. Luật nhân quả được đưa ra để giác ngộ chúng sanh, chứ không quy định gì cho chúng sanh. Tuy nhiên trong đời sống chúng ta có rất nhiều người xung quanh mình còn làm ác dữ đội lắm, chẳng hạn như sát sanh, nên trong bài nầy thường khuyên Phật tử lánh xa các điều ác, làm các việc lành.

Làm lành được tăng tuổi thọ. Sau đây là câu chuyên Thầy Sa di cứu đàn kiến theo dẫn chứng trong Sa Di luật giải, trang 55. Trong kinh “Tạp Bửu Tạng”, có nói: Chú Sa di được thầy cho phép về thăm nhà, vui mừng đảnh lễ ra đi. Trên đường về gặp trời mưa lớn, nước chảy tràn lan. Bên vệ đường có một tổ kiến bị ngập nước, đàn kiến hoảng hốt bám lấy nhau và có nguy cơ bị cuốn trôi. Thấy vậy, chú Sa di nghĩ: “Là đệ tử của Phật thì phải có tâm từ cứu mạng tất cả chúng sanh”. Rồi chú lấy đất đắp bờ bảo vệ tổ kiến và vớt đàn kiến lên một nơi khô ráo. Sau đó Sa di về nhà, bảy ngày trôi qua mà chẳng có việc gì xảy ra.

Sáng sớm ngày thứ tám, chú Sa di trở lại chùa. Thầy rất ngạc nhiên không biết vì nhân duyên nào mà Sa di này vượt qua được túc nghiệp. Rồi thầy nhập định quán sát, thấy việc Sa di cứu kiến nên được phước báo an lành, chuyển hóa nghiệp yểu mạng và tăng tuổi thọ.

Khi chú Sa di đến đảnh lễ và quỳ một bên, Thầy hỏi: - Con đã làm được một việc có công đức rất lớn mà có tự biết hay không?

- Thưa thầy, bảy ngày qua con ở nhà, không làm công đức gì cả.

Thầy bảo: - Nhờ con cứu đàn kiến thoát chết nên thoát nghiệp yểu mạng, không những thế mà tuổi thọ còn được tăng thêm.

Sa di nghe Thầy nói xong lòng rất vui mừng và vững tin vào công đức, phước báo cứu mạng chúng sanh. Từ đó, luôn tinh tấn tu tập, bảo vệ sự sống của mọi loài, về sau đắc quả A la hán.

Công đức phóng sanh

Trong vô số pháp môn mà Đức Phật đã chỉ dạy, chỉ có phương pháp phóng sanh là dễ thực hành nhất để trưởng dưỡng lòng từ bi. Trong Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sanh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất.” Thế nào gọi là phóng sanh? Phóng sanh tức là nhìn thấy các loại chúng sanh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy tức là hành vi giải thoát, cứu lấy mạng sống”.

Trong kinh Phạm Võng Phật có dạy: “Mỗi một chúng sanh đều là anh em, thân quyến, cha mẹ, con cái từ nhiều kiếp đến nay của chúng ta. Nếu đem nhãn quan của mình mở rộng đến chân tướng vô hạn của không gian, thời gian, của vũ trụ, đối diện với thân quyến của mình lúc bị bắt, bị nhốt, bị giết, bị ăn thịt... vẫn không cố gắng tận tâm mà rụt rè do dự; không gấp rút mà giải cứu họ, thật chẳng bằng loài cầm thú".

Vì thế, tôi nay khuyên các chúng sanh hãy thắp đèn, tạo lập tràng phan, phóng sanh tu phước. Như vậy họ sẽ vượt qua mọi khổ ách và không gặp phải những tai nạn (Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức. Hán dịch: Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang đời Đường Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu bà tắc Nguyên Thuận)

Theo Lão Pháp sư Viên Nhân: “Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sanh tự có ác báo của sát sanh. Phóng sanh tự có thiện báo của phóng sanh. Đừng nên để ý đến sự phê bình, hủy báng của kẻ khác. Chúng ta thực hành thiện nghiệp của mình, kẻ khác tạo ác nghiệp của chính họ. Mai sau quả báo hiện tiền, thiện ác nhân quả báo ứng tuyệt đối không bao giờ sai được.”(Công Đức phóng sanh, Pháp sư Viên Nhân, biên dịch Nguyễn Minh Tiến, NXB Tôn Giáo).

III .Cách thức phóng sanh của Phật tử

Các Bạn biết phóng sanh, tức là đã biết Nghi thức phóng sanh, ở đây không ghi lại nghi thức phóng sanh. Các Bạn nào chưa biết nghi thức, Sư giới thiệu Nghi thức phóng sanh có trong quyển Kinh Nhựt Tụng xưa cũng như nay đều có. Tuy nhiên Bạn còn nghi ngờ về việc Phật tử có đủ lực dụng quy y, giải oan cho các loài thú được phóng sanh hay không?

Nghi thức Phóng Sanh của ngài Vân Thê Châu Hoằng biên sọan trong đó có Hiển giáo và Mật giáo. Hiển giáo là quy y cho các loài, Mật giáo thì giải oan kiết cho các loài, nghi thuc nầy dành chung cho đại chúng. Tuy nhiên, đứng về công đức tu hành của hàng Phật tử thường là có phước lực, chớ chưa đủ huệ lực để giải oan bạt độ, hay quy y cho các loài. Nay hướng dẫn nhiều công đức phóng sanh giúp Phật tử an tâm làm Phật sự:

Một là: trên đường đi của Bạn, gặp người nông dân bắt con rắn đem bán cho nhà hàng, hoặc lột da xẻ thịt. Khi Bạn biết rắn sẽ bị giết, liền xuất tiền mua rắn đem đến nơi nào không có người để thả. Trước khi thả Bạn niệm 7 biến chú vãng sanh, 7 biến thất Phật diệt tội chơn ngôn và niệm 3 lần quy y cho rắn và thả rắn về nơi cuộc sống hoang dã của nó.

Hai là: Gia quyến có người thân qua đời, được Sư Thầy giúp đỡ phần vong linh. Ngoài ra nếu có phương tiện Bạn nên bố thí giúp đỡ người nghèo khó theo khả năng kinh tế gia đình, làm việc phóng sanh theo hướng dẫn của Sư Thầy, mua chim, cá, các loài thú cầm đang lúng túng trong lòng, hay bị trói buộc giam cầm, đang tìm một “cuộc thoát chết”, có thể là đang có lời cầu khẩn “xin tha mạng”. Sau khi mua đem đến chùa thỉnh cầu Thầy Cô giúp tụng kinh giải oan bạt độ, quy y, sau đó phóng sanh hồi hướng cầu nguyện cho vong linh người qua đời được tiêu tan các nghiệp dĩ, tiêu tai tội chướng, sớm được siêu thoát Tây Phương Tịnh độ.

Ba là: đến ngày sinh nhựt ông bà cha mẹ, con cháu chúc mừng tiểu thọ, trung thọ, thương thọ, thương thượng thọ cho Ông Bà, thay vì làm thịt gà, vịt, heo, trâu, bò, dê, chó, mèo...chiêu đãi khách mời. Phật tử đã chẳng những không sát sanh, mà còn mua các loài thú cầm, gia súc đang bị nhốt chờ ngày con người cướp mạng sống để ăn thịt, đem đến chùa xin nhờ Thầy Cô tụng kinh phóng sanh cầu thọ cho Ông Bà.

Về điều nầy Đức Phật đã làm rõ quan điểm của mình khi nói rằng, “Những kẻ giết hại thú vật làm vui sẽ không bao giờ được hạnh phúc.” Theo Đức Phật, việc cúng tế thú vật cũng là hành động tước đoạt mạng sống. Giết thú vật để cúng tế thần thánh là một nghi lễ phổ biến trong thời Đức Phật. Trong những buổi tế thần này, các con thú bị cột hay bị treo trong suốt thời gian buổi lễ diễn ra trước khi bị giết. Rất nhiều kinh điển cho thấy Đức Phật hoàn toàn chống đối các nghi thức này. (Kinh Tập - lời dạy của Phật về những điều không nên làm)

Bốn là: cân nhắc người thân, khuyến khích các Bạn trẻ không hiếu sát, hướng dẫn các Bạn thân đi chùa nghe thuyết pháp về phóng sanh, mua những sách, đĩa DVD hình ảnh giảng về hậu quả của sát sanh, kết quả của phóng sanh.

Đức Phật dạy ta không nên giết thú vật để lấy thịt hoặc mua thịt thú khi các loại thực phẩm khác thì tràn đầy. Theo Đức Phật, việc tham ăn thịt thú khiến người ta thích giết hại, nhất là khi họ có thể kiếm được bao thức ăn bổ dưỡng khác bằng những phương cách vô hại (Kinh Tập - lời dạy của Phật về những điều không nên làm)

Năm là: thường xuyên liên hệ với tổ chức Tôn giáo, tổ chức từ thiện, xin phép cơ quan ban ngành thăm viếng các trại cải tạo, ủy lạo tinh thần, ủng hộ vật chất, khuyến khích họ cải ác tùng thiện, sau thời gian cải tạo tốt trở về nguyên quán, làm người tốt trong xã hội, hội nhập cộng đồng.

Bạn ơi! Năm cách phóng sanh đều có giải oan kiết, hóa giải những oan gia trái chủ và quy y Tam Bảo dưới nhiều hình thức cho đối tượng mà Bạn giúp đỡ đó. Việc phóng sanh là thể hiện tinh thần từ bi vô biên của Phật Thích Ca, Bồ Tát Quan Âm, là việc làm tăng trưởng các pháp thiện, ngăn các pháp bất thiện không sanh.

IV .Hóa giài oan gia trái chủ

Kinh Phóng sanh không phải là Kinh nhựt tụng hằng ngày, sở dĩ các soan giả đưa vào quyển kinh là để tụng niệm khi có nhu cầu lễ phóng sanh.

Oan gia trái chủ, oan trái oán thù, sự ân oán luôn canh cánh bên mình, người thân mà oán thù lẫn nhau, làm việc phước, nhưng gặp nạn tai, người làm việc phước, lúc nào cũng gặp việc trở ngại khó khăn đến với mình, làm tốt cho tha nhân, nhưng người trả oán. Lẽ ra làm việc phước phải gặp phước, làm việc thiện gặp việc lành, nhưng do nghiệp đời trước đã gây tạo không lành với tha nhân, nên kiếp nầy tuy tu hành nhưng vẫn gặp việc không may mắn đến với gia đình. Việc hóa giải oan gia trái chủ, không phải là việc khó, các Bạn Phật tử phát tâm khai khóa lễ tại gia, hay tập chúng thành Đạo tràng tụng niệm, nhập chúng nơi chùa gần nhất phát nguyện lạy sám hối Hồng Danh Bửu Sám, Từ Bi Thủy Sám, Lương Hoàng Sám...

Ngoài ra, Phật tử tập lần ăn chay từ ăn chay kỳ đến trường chay, giữ giới sát, phóng sanh...giúp các oan gia trái chủ, những ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ nhiều đời tiêu mòn theo quá trình tu tập của Phật tử. Hằng ngày tu tập pháp lành, không làm các việc ác, giữ trọn ngũ giới, thập thiện, giảm tham sân si, hay giúp người cô bần khó khổ...các pháp thiện sanh, các pháp ác lần lượt chấm dứt.

V .Thỉnh cầu Thầy Cô tụng niệm phóng sanh

Trong năm cách phóng sanh có cách thứ hai, cách thứ ba, thỉnh cầu quý Thầy Cô tụng niệm theo nghi thức phóng sanh, giải oan bạt độ, hóa giải những oan gia trái chủ, quy y Tam Bảo cho các loài vật, vì chỉ có Thầy Cô mới giải oan bạt độ, hóa giải những oan gia trái chủ, quy y Tam Bảo cho các loài. Trường hợp Bạn phóng sanh ít, hoặc không có phương tiện đến chùa, thì Bạn chỉ tụng niệm 7 biến chú vãng sanh, 7 biến chú thất Phật diệt tội chơn ngôn, niệm tam quy y sau đó phóng sanh cũng có công đức. Tuy nhiên với Phật sự nầy tốt hơn hết Bạn và gia đình nên đem các loài vật phóng sanh đến chùa thình quý Thấy Cô tụng niệm giải oan bạt độ, Bạn sẽ an tâm và nhẹ nhàng hơn.

Phóng sanh là việc tốt lành

Giúp cho muôn thú không sanh oán thù

Đừng xem cầm thú vật ngu

Các loài cầm thú hoang vu rừng già

Cũng sanh như cõi người ta

Cũng ganh cũng ghét đủ đầy trí khôn

Cũng tham sống cũng bảo tồn

Cũng sân si hận oán thù trả vay

Làm người suy xét lại ngay

Giảm lần giết thú nạn tai xa dần

Bạn ơi đừng sát giống dòng

Người thân hóa kiếp hóa thù hại nhau

Đừng gây nợ với máu đào

Đừng để vay trả kiếp sau kéo dài

Ăn chay giới sát từ nay

Phóng sanh dứt cảnh trả vay đọa đày

Ngày đêm sám hối miệt mài

Sanh lên thiên giới tam tai không còn.

HT Thích Giác Quang



Có 3 phản hồi đến “ Phật Tử Tại Gia Có Được Quy Y Cho Các Loài Vật Trước Khi Phóng Sanh Không?”

  1. Phùng Ngọc Hà đã nói

    Khi ta gặp những loài vậy ngoài chợ hay trong siêu thị... Ta hay niệm 3 lần như thế này để quy y tam bảo cho những con vật ta đang nhìn thấy. Nguyện cho những chúng sinh mà tôi đang nhìn thấy trước mắt, dù đã chết, đang chết hay chờ chết và nhừng loài khác đang bị giết hại. Xin hãy nghe tôi khởi 1 niệm quy y tam bảo. Nam Mô Phật, Nam Mô Pháp, Nam Mô Tăng. (3lần). Nam Mô A Di Đà Phật vài lần.

  2. A di đà phật,con xin hỏi niệm ba lần quy y cho rắn là sao ạ

  3. Dieu Tuy đã nói

    A Di Da Phat, con thanh kinh tri an va ghi khac nhung loi day cua Su

    • có , nếu trong lúc anh khởi sanh ý niệm bồ đề nguyện phóng sanh cho đến khi anh thực hành việc phóng sanh xong mà không có một máy may của các dục niệm sanh khởi của vọng thức , mà vẫn luôn an trú trong chánh niệm thỉnh thực , của thân nghiệp khẩu nghiệp ý nghiệp một cảnh thanh tịnh bình đẳng thì anh vẫn có thể quy y cho con vật mình phóng sanh , nhưng không được truyền trao giới cấm

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com