VẤN: Ba chồng con bị bệnh tai biến vừa qua đời. Chồng con là con cả nên phải lo việc cúng tế hậu sự, cúng cơm hàng ngày. Xin Sư cho con hỏi vì sao phải cúng cơm cho người đã mất? Nếu cúng phải cúng trong bao lâu? Sau thời gian đó chúng con nên làm gì? Con nghe nói nếu không cúng cơm người chết sẽ đói lạnh nhưng nếu người chết còn bị đói lạnh nghĩa là họ bị đọa, bị thác sanh vào đường dữ làm quỷ làm ma như vậy khác nào cầu mong cho người thân không được siêu sanh về cảnh giới lành. Hiện giờ chúng con đều phải đi làm khá bận rộn nên cũng không biết làm thế nào để có người ở nhà cúng cơm ba bữa. Nếu không cúng đủ ba bữa phải làm sao và cúng thế nào để đơn giản, nhanh chóng để cả người sống và người chết đều được lợi lạc. Người phương Tây hay các đạo khác con thấy họ đâu có cúng tế linh đình như người Phật tử nhưng con thấy họ vẫn bình an, phát đạt. Nếu chúng con không cúng thì có bị mang tội không? Con xin cảm ơn Sư.
ĐÁP:
I .
Theo nhà Phật giáo lý “sanh lão bệnh tử” là quy luật tự nhiên trong quá trình duyên khởi, giúp cho con người có ý thức hệ về cuộc sống ra sau cho tốt, sống như thế nào có ích lợi cộng đồng và theo quy luật tất yếu nghiên cứu tu hành giải thoát khổ đau sanh tử luân hồi. Sanh lão bệnh tử là quy luật tất yếu nhưng không có tín điều sắp sẳn, được áp dụng cho chúng sanh chung và con người trên hành tinh, có công năng giúp cho con người giác ngộ. Sanh trụ dị diệt là lực đẩy, không ai có thể tránh những quy luật cộng đồng. Sống chết là việc có sẵn trong cuộc đời, từ giáo lý nầy mà nhà Phật cân nhắc để chúng sanh giác ngộ, hướng dẫn chúng sanh nhất là con người có thể vượt quy luật sống chết bằng cách sống theo đời sống tâm linh. Vì tâm linh thì vô biên, vô bờ bến, không sanh không diệt, tức là không có sanh ra nên không có chết đi và không có tìm kiếm sự tồn tại nên không trốn chạy sự hủy diệt, bất sanh bất diệt là thường trụ niết bàn. Phật là tĩnh thức giác ngộ. giác ngộ thì không còn nằm trong quy luật sanh tử, thành, trú, họai, không nữa. Tuy nhiên, nhà Phật cũng dạy, con người do mang thân tứ đại, gồm đất, nước, lửa, gió, thêm cả thức đại, không đại, nên có hòa hiệp, có tan rã, có hiện tiền có họai diệt, tức có sống, có chết. Con người từ Vua đến Quan đến hàng thứ dân, dân giả giàu nghèo khi hưng thời thì oai phong lẫm liệt, lúc già cỗi hưu trí ngẫm nghĩ lại cuộc đời, có sự tiếc nuối sợ chết, sợ tử thần đến viếng nhà thì không ổn. Từ khi có giáo lý Đức Phật con người không còn kinh hoàng trước cái tham sống sợ chết nữa.
Phong tục tập quán
Phong là phong hóa, một thói quen nhất định của một dân tộc, của người địa phương trở thành nếp văn hóa chung của một dân tộc. Tục là tuc lệ những thói quen không bỏ được nhự tục ăn trầu, hút thuốc, tục đám ma chay rườm rà...Tuy nhiên, có thời điểm những phong tục trở thành lạc hậu, chỉ còn là một nếp văn hóa của một dân tộc địa phương nào đó trong đời người. Tập quán là thói quen của con người trong một vùng miền hay một quốc gia, tập quán con người trong một sớm một chiếu khó có thể bỏ được và nếu có bỏ chỉ là thời điểm lịch sử, ví như người dân quê Việt Nam đến mùa cấy thì có người đứng đầu trong “vạn cấy” thổi tù và để gom công, Tuy nhiên, ngày nay có thể bỏ khi người nông dân phục vụ cho nông trường làm tính giờ, không tính công.
Phong tục tập quán về việc tổ chức tang lễ của người Việt. Nói đến tang lễ là nói đến chết, nói đến chết là nói đến việc làm đám tang (tang lễ). Chúng ta sẽ tìm hiểu một số lễ tang của các nước lân bang và Việt Nam, sau đó sẽ bàn đến chi tiết khi gia đình hữu sự và hậu sự thực hiện các nghi cúng cho đủ lễ
Lễ tang cho gia đình Phật tử theo hệ thống Phật giáo Nam tông, cụ thể như ở vương quốc Lào là nước thuộc quốc giáo Phật giáo nguyên thủy. Trong gia đình có người qua đời tất cả đều vui, hát ca ngâm vịnh, rượi thịt, vui vì người thân sẽ chuyển sang kiếp khác sung sướng hơn, bà con hàng xóm láng giềng tụ tập phụ khâm liệm người chết, đặt áo quan vào một gốc nhà, cho hàng xóm láng giềng đến cúng lạy. Mọi người đến viếng lễ tang được mời sang nhà khác đãi ăn uống, lễ tang được tổ chức ba ngày, hoặc bốn ngày tùy theo quý Sư phán định. Ngày cuối cùng tang chủ và mọi người đem đi hỏa thiêu, sau đó hốt tro cốt đem vào chùa gần nhất phụng thờ. Từ đó mỗi năm gia đình đến thăm cúng giỗ, cúng dường chùa (Bài học thêm - sách địa lý Lớp Đệ Nhất 1969 - nói về phong tục lễ táng của người Lào)
Lễ tang xứ Tây Tạng-Trung Quốc, là xứ sở có đá không có đất, không có rừng, không có gỗ làm củi. Gia đình có người qua đời, sau khi làm lễ tang xong, đội mai táng đem người chết ra bãi tha ma, phân thây người chết bằng cách, chặt từng mảnh nhỏ thân thể người chết, bằm nhỏ cho loài chim kên kên đến tha mổ ăn cho đến khi hết những phần thịt xương của người chết mới thôi, phong tục nầy gọi là “điểu táng” (Ánh sáng Á châu - Đoàn Trung Còn)
Lễ tang theo Phật giáo Hòa Hảo ở An Giang, miền Tây Nam phần Việt Nam. Ban Tổ chức thường đến tụng kinh cầu an lúc sanh tiền, đến khi chết tụng kinh cầu siêu cho vong hồn người chết nghe kinh, nghe niệm Phật mà siêu thoát về với Phật A Di Đà. Lễ Tang chỉ tổ chức một ngày từ sáng đền chiều, thì động quan an táng gọi là “tử là táng”. Lễ tang theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Tứ Ân ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, Nhà Lớn Ông Trần ở Long Sơn, Bà Rịa thì con người sau khi chết thân xác được bó trong 7 “nẹp tre” khiêng đem đi chôn trong vòng một ngày đó. Điều ngày có nghĩ tang lễ cũng theo phung tục tập quán “tử là táng” chết là chôn cất, không coi ngày giờ năm tháng xấu hay tốt lành chi cả (Tổ đình Thành An - Thích Minh Tâm). Tục nầy giúp cho con người tự tin hơn vì không tin vào lý số, nên không có ngày kỵ, không hao tốn tiền của, không sát sanh hại vật.
II .
Lễ phạn hàm
Những việc làm trong lễ tang thì nhiều, thật là phức tạp. Một Thầy cúng khi lãnh đàm quý Thầy thực hiện từng chi tiết nhỏ không sai sót chút nào. Khi người thân trút hơi thở, gia quyến sẵn sàng làm các việc gần gũi người thân, như làm lễ hú hồn, lễ đốt đồ cũ. Người Phật giáo thì dọn dẹp hết tất cả các vật dụng của người chết, vật dụng của gia đình, ghế đẳng sắp xếp có thứ lớp để mọi người đi tới lui không dụng chạm khua động lớn, làm chấn động người chết, thần thức nổi sân sẽ bị đọa lạc. Gia đình thỉnh đạo tràng nam nữ Phật tử chùa gần nhất đến hộ niệm, niệm Phật đến qua khỏi 8 tiếng đồng hồ đến khi thân xác hoàn toàn không còn cảm giác “sống” đau đớn, hoặc cho đền khi làm lễ khâm liệm.
Lễ phạn hàm: Tiếp theo là làm lễ phạn hàm, hay ngậm hàm, phạn là lương thực cơm gạo, hàm là ngậm, tức là bỏ một nắm gạo và ba đồng tiền (đồng kẽm, đồng chinh) vào miệng người chết. Gạo để linh hồn người chết ăn, khỏi phải thành ma đói ( ngạ quỷ). Tiền dùng để đi đò hay qua cầu sang bên kia thế giới. Những người lúc sống ăn ở bạc ác thì lúc chết linh hồn phải qua cầu Nại hà. Người lương thiện được qua cầu Kim ngân. Ngày xưa nhà giàu dùng gạo và vàng, ngọc để làm lễ phạn hàm. Ở nông thôn miền Nam để trà, gạo, có khi là vài phân vàng, nếp sồng, đắp mặt người chết bằng tờ giấy trắng hoặc giấy quyền, loại giấy hút thuộc rê (vấn) (Phong tục tang ma - Nguyễn Dư)
Ba vắt cơm để trên đầu người chết
Cúng Phía đầu nằm người chết có đặt cúng 3 vắt cơm, 4 cây đền sáp đặt ở bốn gốc, không dâng hương. Có nơi dâng hương do người nhà không biết đó thôi vì dâng hương có mùi thơm bắt buộc mọi người phải ngửi, nếu ngửi thì ngửi luôn mùi xác chết, bất tiện mất vệ sinh quá, nên không dâng hương.
Lệ cúng 3 vắt cơm: Do quý Thầy cúng đã từng làm và chuyền nối nhau thực hiện từ lâu đời, 3 vắt cơm là biểu tượng của tam tài “Thiên Địa Nhơn” (theo Nho gia, Đạo gia), lúc người chết trở về với linh khí tinh nguyên của trời đất. Ba vắt cơm sau khi tẩm liệm xong đa phần các gia đình tin tưởng đem treo ở giàn bếp. Khi nào người nhà có bệnh hoạn hiểm nghèo đem ra đốt tán nhuyễn cho uống sẽ hết bệnh. Có nhiều nơi người thân quý mến người chết đem ăn luôn ba vắt cơm để thể hiện tình cảm với người chết, việc làm nầy quá mất vệ sinh dễ sanh bệnh đối với người ăn. Về sau những tu sĩ Phật giáo tiến bộ, tu sĩ chuyên tu lần lượt bỏ hình thức đặt ba vắt cơm cúng trên đầu người chết. (tác giả nhận định không phải truyền thống nhà Phật)
Đặt nải chuối xanh: Theo xưa có đặt nải chuối dằn bụng phòng linh miêu nhảy qua người chết sẽ hồi dương, người cõi âm nhập tràng, thành quỷ nhập tràng. Ở một thuyết khác câu chuyện bất đầu từ chàng trai sống chung với người mẹ già. Một ngày nọ chàng trai này lên rừng đốn và bất ngờ thấy cây chuối già xanh có hoài gần chín nên đã chặt đem về nhà để chín đem đi bán và ăn. Thế là chàng trai đã chặt buồng chuối này đèm về nhà. Khi đem về tới nhà thì không biết để đâu, cất đâu sợ mẹ già ở nhà thèm và đói ăn hết làm sau. Vì vậy chàng trai mới nghĩ ra cách là phải treo buồng chuối này lên cao để bảo quản. Thế là qua ngày hôm sau chàng trai lên rừng đốn củi tiếp thì ở nhà người mẹ chờ con về mà không thấy về trưa rồi nên cũng đói bụng thấy chuối con trai mình treo trên nhà bếp đã chín nên có ý định lấy chuối để ăn. Không ngờ là trèo lên thì bất ngờ ngã xuống bà cụ chết. Khi chàng trai về đến nhà thì gọi Mẹ ơi! Mẹ ơi! …Không nghe mẹ trả lời chàng trai mới vào nhà thì bất ngờ thấy mẹ mình đã chết vì trèo lên để lấy chuối ăn cho đỡ đói. Thế là chàng trai mới trách mình là tại mình mà mẹ mới chết. Khi mẹ chết trong nhà không cò gì hết chỉ có buồng chuối nên cậu ta mới lấy nải chuối còn xanh để trên bụng Mẹ mình nghĩ rằng mẹ mình đói bụng mà không ăn được nên bằng cách để trên bụng mẹ.. Sự tích về nải chuối để trên bụng người chết là vậy (trang mạng Văn hóa xã hội - tôn giáo, tâm linh - Đào Minh Định)
Lễ nhập quan, thành phục, thọ tang
Nhập quan: Linh cữu được khiêng ra đặt giữa nhà, người chết ngoài đời do nhà đồ làm tất cả các việc. Việc tẩn liệm bằng trà, cách đây 60 năm nhà đồ không có trà, nên đồ tẩn liệm bằng rơm quấn trong giấy mỏng gọi là giấy súc. Vật dụng nầy ngày nay không còn, mà để trà rồi để thêm những đồ cũ, vật dụng của người chết được đem theo. Kế đến đậy nắp áo quan, gắn sơn chai, đóng lại theo kiểu mang cá hoặc đóng đinh cho kín.
Thành phục: Là lễ phát tang, cũng là lễ chính thức của đám tang, phát tang, giúp cho các thành viên vợ chồng, dâu rể con cháu trực hệ trong gia đình thọ tang người chết, ông bà cha mẹ. Thọ tang là chịu tang đối với những người lớn hơn mình, hay ngang mình là vợ chồng không chịu tang với người chết thấp hơn mình và có lễ cúng cơm cho người chết.
Thọ tang: Tang ai nấy mặc. Có gia đình sang giàu thì may đồ tang bằng vải tốt. Có gia đình nghèo may đồ tang bằng vải bô, áo bả hài gai, vải mùng, vì nghĩ đồ tang chỉ có mặc trong thời gian ngằn rồi đốt, nên đa phần các gia đình không quan tâm vải tốt xấu lắm. Trong thập niên 50 Thầy cúng thường lấy đồ xả tang của gia chủ may quần áo rồi nhuộm lại màu đen rồi mặc.
Trong giới tu sĩ xuất gia thọ tang màu vàng để nói lên đây là việc thọ tang người xuất gia, xuất thế gian. Tang trong đạo không phải như con cháu thọ tang cha mẹ ngoài đời nữa, mà đệ tử thọ tang Thầy Tổ, những bậc Cao Tăng, do đó chư Tăng Ni thọ tang màu vàng là vậy.
Thứ bậc thọ tang: Theo thứ bậc trong gia đình mà thọ tang: - Con trai, con gái, rễ, dâu thọ tang trắng - Trai trưởng nam thọ tang trắng có chống gậy tang cha chống gậy trúc (tròn), tang mẹ chống gậy vông (vuông), đội bích cân - Anh hoặc các em của người mất thọ tang trắng - Cháu nội thọ tang trắng có chấm đỏ - Cháu ngọai thọ tang trắng có chấm xanh - Cháu cố thọ tang trắng có chấm vàng - Cháu kêu bằng chú thọ tang trắng. Trong thời gian thọ tang, con cháu đi làm ăn hay đi làm việc đều có mang tang màu đen hay màu trắng, tùy theo màu áo mậc trong mình kich thước 2 cm x 1,5 cm.
Cúng cơm trong lễ tang:
Cúng cơm: Phải cúng như thế nào cho đúng, tại bàn vong linh có cúng 3 chén cơm, đồ ăn, hương hoa trà quả. Cơm gồm một chén giữa đầy cúng cho vong linh người mới chết, hai chén hai bên thì hơi lưng để hai bên, biểu hiện hai bên vai giác, kiến cho những người hầu cận vong linh Thầy cúng gọi là Tả mạng thần quang, Hữu mạng thần quang. Có nơi cúng 3 chén, có nơi cúng 6 chén, không nên để 5 chén là sai. Ý nghĩa chén cơm ở giữa có cắm đôi đũa, hai chén cơm hai bên mỗi chén một chiếc đũa là cúng cơm cho vong linh (ma mới) mới ăn. Tuy nhiên, nếu hai bên để mỗi nơi một đôi đũa nữa thì các cô hồn (ma cũ) sẽ đến dành giựt, vong mới không được ăn, nên có thành ngữ “ma cũ ăn hiếp ma mới” là vậy. Theo quý Thầy cúng thì nghi thức nầy không phải của Phật giáo, mà chỉ làm theo tục lệ tín ngưỡng dân gian từ xa xưa lưu truyền lại.
Thuyết khác, ý nghĩa cúng 3 chén cơm chén giữa đầy dành cúng cho vong linh mới chết, có cắm một đôi đũa. Hai chén hai bên có cắm mỗi chén một chiếc đũa dành cho người giữ vong linh ăn chậm hơn vong linh chánh, nếu không thì vong linh chánh sẽ bị dành giựt, ăn không kịp. Đây cũng là tục lệ văn hóa vùng, tục cúng kiến riêng tại các địa phương trong dân gian Trung quốc có ảnh hưởng đến tục lệ Việt Nam (theo Đại Đức Thạc sĩ Thích Thiện Huy các tục lệ trên chỉ có truyền khẩu trong dân gian, xưa bày nay vẽ chứ không có trong nhà Phật)
Theo tuc miền Trung trên nóc áo quan bày một bát cơm úp, cắm một chiếc đũa vót cho sơ ra như gai nhọn (có nơi gọi là chiếc đũa bông), một quả trứng luộc, ba nén hương. Bát cơm, quả trứng, có thể là bữa ăn để linh hồn người chết khỏi trở thành ma đói. Nhưng chiếc đũa có gai nhọn thì chắc chắn không phải là để dùng ăn cơm. Không ai có thể ăn với một chiếc đũa như thế. Chiếc đũa bông nhiều gai nhọn có ý nghĩa không cho giặc cướp lấy cơm của người chết và trừ ma quỷ hiếp đáp vong linh (Phong tục tang ma - Nguyễn Dư). Đến ngày động quan, Thầy cúng kêu làm lại chén cơm có để trứng gà luộc mới, một đôi đũa bông, chén cơm mới để lại trên nắp áo quan, đến khi đem ra huyệt chôn cất xong, Thầy cúng hướng dẫn để chén cơm, trứng luộc, đôi đũa bông trên nấm mộ, nhiều nơi còn đặt thêm mớ bùi nhùi. Tục nầy mang ý nghĩa chúc tụng: “mớ bùi nhùi tượng trưng cho thế giới hỗn mang; trong hỗn mang hình thành nên thái cực (bát cơm); thái cực sanh ra lưỡng nghi (đôi đũa). Có lưỡng nghi (âm dương) là có sự sống (quả trứng)”.
Thầy cúng: Xưa chỉ một, nay có rất nhiều Thầy dự có tổ chức thành Ban gọi là Ban kinh sư từ 4 đến 6, hoặc 8 vị có trách nhiệm điều hành đám tang. Ban Kinh sư hướng dẫn như thế nào làm như thế nấy, Thầy cúng khi lãnh đám tang có trách nhiệm cúng cơm vào buổi sáng, trưa, chiều, có nơi cúng trưa và chiều.
Tu sĩ Phật giáo, người xuất gia, Sa môn viên tịch chỉ cúng cơm ngọ thời, không cúng cơm chiều.
III . Lo hậu sự là báo hiếu
Hậu sự là lo việc báo hiếu, cúng kiến người chết sau lễ tang. Trong đời dù Bạn có làm việc quan được trọng thị ở thế gian đến đâu, nhưng không thể bỏ bê việc cúng kiếng ông bà cha mẹ từ lúc người còn sống đến những ngày cuối cùng cho đến khi qua đời. Lễ tang tuy không bận rộn lắm nhưng được ràng buộc bởi đạo hiếu nghĩa, đạo làm con cháu với người trên trước, đạo làm người đối với người đã qua.
Ngoài đời những người có hiếu đạo bao giờ cũng được tôn kính trọng dụng, mọi người tin tưởng, là chỗ dựa tinh thần của gia đình. Đôi khi lan tỏa đến xã hội và là người tiêu biểu trong xã hội xóm làng. Người xưa tôn trọng đạo hiếu, ông bà cha mẹ qua đời, phận làm con có khi là con trai trưởng nam, hoặc con lớn, con trai con gái lớn cạo tóc để thọ tang thờ cúng người thân qua đời trong thời gian 3 năm. Có khi mỗi đêm trải chiếu, nằm cạnh bàn thờ vong để dâng hương cho vong linh, hoặc cũng có khi cao đầu, ăn chay trường ba năm để cầu cho người qua đời được gần gủi Phật, nghe kinh mau siêu thoát luân hồi, tái sanh vào chỗ tốt lành.
Theo Hiếu kinh của Mạnh Tử dạy: khi cha me qua đời, dù cho con có làm quan lớn ở cấp bậc nào đi nữa cũng phải mặc áo bả hài gai, cất chòi ngoài mộ để cúng kiếng, đêm nằm canh giữ quạt mồ cha mẹ đúng ba năm cho mồ khô ráo để tỏ lòng tôn kính (theo đạo hiếu. Khổng giáo, Lão giáo).
Trong Đại Luật mặc dù chuyên hoằng giới nhưng Đức Phật cũng thường cân nhắc môn đệ xuất gia cũng như tại gia giữ đạo hiếu. Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới Đức Phật dạy: “Hiếu thuận đối với cha mẹ, Sư trưởng, chư Tăng, đối với Tam bảo, sự hiếu thuận phù hợp chánh pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là giới, cũng gọi là năng lực chế ngự, đình chỉ mọi sự tội lỗi”.
Con cháu nhà Phật muốn báo hiều trọn vẹn thì tự phát tâm tụng kinh Bộ cầu nguyện cho ông bà cha me tại gia lúc sanh tiền cũng như khi qua đời, phát nguyện ăn chay trường, hoặc phát tâm rước chư Tăng Ni đến tụng kinh Địa Tạng. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế gia đình làm việc từ thiện xã hội giúp đỡ người nghèo giúp cho họ qua cơn họan nạn, làm việc phóng sanh, ấn tống kinh sách Phật giúp cho người cải ác tùng thiện, đi cúng thập tự cầu cho ông bà cha mẹ siêu sanh Tịnh độ đó mới là đạo hiếu của Nhà Phật và có kết quả thực tế. Đức Phật dạy: “ Hiếu với Mẹ Cha tức là kính Phật. Nếu ở đời không có Phật thì hãy khéo thờ cha mẹ. Khéo phụng thờ Cha mẹ như phụng thờ Phật vậy” (Kinh Đại Tập)
Nhân nói việc lễ tang và lo hậu sự là báo hiếu ông bà cha mẹ đã qua, Đức Phật còn quan tâm đến những lúc ông bà cha me tại tiền, khi cha mẹ còn làm con phải hết lòng hiếu thuận, niềm tin vững vàng với Thầy Tổ, Tam Bảo. Cho nên đạo Phật còn gọi là Đạo Hiếu…”
Cúng cơm sau lễ tang
Sau lễ tang mọi người đều mệt mỏi. Tuy nhiên, đối với người còn ở lại dù khổ đau bao nhiêu cũng phải tỉnh táo để lo việc cúng kiếng, các lễ cúng đối với vong linh. Nhất là lễ cúng cơm là lễ quan trọng trong đạo hiếu. Người có lòng hiếu thảo hay không phải xem cung cách đối xử của con cháu đối với người đã qua, ai hiếu thảo, ai không hiếu thảo. Lời Phật dạy: “vạn hạnh Bồ tát hiếu nghĩa vi tiên”, trong các hạnh Bồ tát thì hiếu đạo là việc trước tiên. Phật xưa thị hiện vao đời cứu chúng sanh, có khi thị hiện làm con, lúc cha mẹ mù lòa, muốn đi đâu con phải gánh cha gánh mẹ giúp cha me đi đây đi đó cho thỏa dạ. Cha mẹ đói khát con lóc thịt thân mình cho cha mẹ ăn, để đổ đói qua ngày (Kinh Đại phương tiện Phật Báo Ân - bản dịch HT Thích Trí Tịnh).
Việc lễ tang ngày nay dù chúng ta biết có nhiều hủ tục cần bỏ bớt, nhưng những việc còn lại phải làm, làm cho chí vóc, làm cho đầy đủ không được sai sót, như:
Cúng an sàng: Là an vị vong linh, sau khi hạ huyệt chôn cất xong, đem vong vị về tại nhà, thiết lập bàn thờ vong, an sàng linh vị, cũng gọi cúng an sàng. Bàn thờ nầy dành để cúng vong, cúng cơm sau lễ tang. Việc cúng kiếng nầy được thực hiện đến khi mãn tang (mãn khó), sau đó thỉnh vong linh thờ cúng chung với bàn thờ cửu huyền (thờ cúng ông bà) và mọi năm cúng giỗ tưởng niệm người đã qua.
Cúng mở cửa mộ: Còn gọi là mở cửa mả hay khai mộ, sau lễ an sàng, tức là từ khi chôn cất đến ngày thứ ba mọi người trong gia đình ra thăm mộ có đem theo lễ vật cúng, như: thang 9 bậc đối với người nữ, thang 7 bậc đối với người nam. Cây thang 5 tấc tượng trưng cho ngũ thường, 3 ống trúc đựng gạo nước tượng trưng cho tam cang, gà con kêu chi chít, tiếng kêu của gà con làm cho vong linh đã chết sau 3 ngày tỉnh thức biết đường lên khỏi mộ, cây mía lau tượng trưng cho công lao của cha mẹ lo cho con cái đến ốm o gầy mòn như cây mía, nhưng vẫn ngọt ngào với con. Ngoài các vật dụng đặc biệt trên còn có chè xôi, tam sên (hay tam sanh, gồm thịt, tôm, trứng luộc), trái cây, rượu, trà, gạo, muối, giấy tiền vàng bạc, trầu cau...Ở nhà cúng 4 mâm cơm, cúng ông bà, đất đai, cô hồn, cúng vong.
Cúng thất: lấy dấu mốc ngày người chết là ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy làm lễ cúng thất, cúng tuần thất, 7 ngày, Nghi thức cúng thất bắt đầu từ buổi chiều ngày trước khoảng 16 giờ, tức ngày còn sống, rước Thầy đến cúng khai kinh, có sắm hương hoa trà quả, chè xôi, cúng tất cả các bàn thờ trong nhà, như cúng ông bà, cúng đất đai, cúng vong linh người chết và một mâm cúng cô hồn. Ngày hôm sau huờn kinh, không có cúng cơm. Nghi thức các lễ cúng thất đều giống nhau.
Cúng 21 ngày: tức là cúng thất thứ ba, 7 x 3 = 21 ngày gọi là tuần tam thất
Cúng 49 ngày gọi là cúng thất thứ bảy 7 x 7 = 49 ngày gọi là cúng 49 ngày hay gọi cúng tuần chung thất
Cúng 100 ngày trong thời gian nầy từ khi người thân qua đời đến ngày thứ 100. Trong những lúc gia đình ăn cơm vào buổi trưa và chiều con cháu có để bát cơm trên bàn ăn và một đôi đũa, mời ông bà về ăn rồi mới ăn, gọi là trả hiếu ông bà cha mẹ, cho đến khi nào phôi pha sự đau buồn cuộc tử biệt sanh ly mới thôi.
Cúng giáp năm cũng gọi là cúng Tiểu tường.
Cúng mãn tang, cũng gọi mãn khó, cũng gọi là Đại tường... Các nghi cúng 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày, cúng giáp năm, cúng mãn tang vẫn y như lễ cúng mỗi tuần thất, có khai kinh và huờn kinh.
Nghi thức cúng dành cho người xuất gia viên tịch hình thức như nhau, nhưng có khác nội dung do Ban kinh sư chịu trách nhiệm biên soạn.
Việc cúng cơm cho người chết ngoài thế gian ông bà già xưa quy định con cháu phải cúng cơm hằng ngày, trưa, chiều đủ 3 năm mới hết cúng. Ngày nay các Thầy cúng giảm chế bớt lý do con cháu đi làm ăn xa, người ở ngoai quốc, nhà đơn chiếc, nên chỉ còn cúng cơm đến 100 ngày thì ngưng. Rồi đến cúng tiểu tường, tròn một năm đối cha mẹ, người thân qua đời. Người Phật giáo, hoặc tu sĩ xuất gia, hàng giáo phẩm Tăng Ni trong chốn thiền môn, việc cúng kiếng dành cho các tu sĩ có phần trịnh trọng hơn nhiều. Các đệ tử thay phiên lo việc cúng cơm, làm các việc báo ân Thầy Tổ, nên việc cúng cơm được duy trì đến 3 năm mới không còn cúng nữa. Tuy nói 3 năm nhưng chỉ có 24 tháng là tới ngày cúng mãn khó, mãn tang, đại tường..Chúng ta cũng cần nên biết thêm việc tính ngày mãn tang, ngày giỗ chạp. Ngày cúng 100 ngày, cúng giáp năm, cúng mãn tang thì tính tháng nhuần, mặc dù có dư một tháng nhưng vẫn tính là 24 tháng, đàm giỗ thì tính nhuần, nhơn gian có câu : “đám giỗ tính nhuần, làm tuần tính đủ” là vậy.
IV .
Lời bạt:
Lễ tang là công việc quan trọng. Nhà có lễ tang thì mọi việc đều tạm ngưng, giảm bớt công việc ngoài xã hội để lo lễ tang cho ông bà cha mẹ. Đạo hiếu ở thế gian rất cần được phổ cập trong nhân gian thật nhiều, đem lại đạo đức hấp thụ thật nhiều cho con người, nhất là người hung ác hiện nay ngày càng nhiều. Phật giáo còn quan trọng hơn, nhất là đối với các bậc tôn túc Thầy Tổ, hàng giáo phẩm, nhưng không chú trọng nhiều về hình thức lễ tang mà chú trọng đến việc thác sanh cao đăng thượng phẩm, cao đăng bảo địa, cao đăng Phật quốc.
Việc tín ngưỡng các tập tục ma chay có ảnh hưởng nhiều theo tập tục từng vùng văn hóa của xứ sở Trung Hoa rộng lớn, ảnh hưởng mấy nghìn năm theo Mật giáo, đạo thờ cúng, tang chay của Khổng giáo, Đạo giáo cũng xuất phát từ Trung Hoa. Vì vậy, việc tổ chức lễ tang hiện nay ảnh hưởng nhiều tập tục của Trung Hoa kết hợp với tập tục của người Việt...Như vậy một lễ tang dành cho một người chết là một tập hợp những tập tục văn hóa nhiều miền vùng văn hóa khác nhau của các quốc gia đuợc giới thiệu tại một lễ tang “đúng nghĩa”. Chúng ta thấy có một sự áp đặt nặng nề bất công quá, rườm rà, tốn kém, tổn hao công sức tài sản tiền bạc của gia đình thật vô lý vô cảm.
Đối với Phật giáo khi trong nhà có người thân qua đời thì nên thực hiện lễ tang cho chu đáo giản dị nhưng không kém phần trang nghiêm, không giết mổ heo, trâu, bò, gà vịt, giảm bớt những hủ tục rườm rà hao tốn thời gian kinh phí, nên cúng cơm chay cho vong linh. Những nghi lễ vô lý như đốt vàng mã, để nải chuối xanh trên bụng người chết, khóc mướn, leo lên nóc nhà hú hồn, nhất là không nên để thời gian lễ tang quá lâu, không mở cửa mộ theo hủ tục vác mía lau, kéo gà, làm than 7 nấc, 9 nấc, cúng tam sên.... Những tôn giáo khác và các tôn giáo nội sinh như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Phật giáo Tứ Ân cũng làm tròn đạo hiếu, nhưng tổ chức lễ tang rất đơn giản.
Từ thập niên 60 đến nay, các Giáo hội Phật giáo tại Việt Nam, tông cũng như giáo từng kêu gọi thống nhất các nghi lễ trong cả nước, tiến đến giản dị hóa những tập tục lễ tang, những nghi không có trong Đạo Phật. Tổ chức lễ tang theo nghi lễ Nhà Phật gọn, giản đơn gọi là “tam nhựt bất cấm” hay “tử là táng” trong hai ngày nầy là nhanh gọn, không phải xem lịch số ngày giờ tốt xấu.
Từ lễ tang đến các việc cúng hậu sự theo xưa bày nay vẽ thì quá rườm rà, Sư có lời khuyên gia đình Phật tử chúng ta nên gởi vong linh vào chùa nghe kinh được siêu thoát. Thỉnh thoảng quý vị đến thăm ông bà vào các ngày lễ cúng tuần đầu, tuần tam thất, tuần chung thất, 100 ngày, giáp năm, mãn khó mà thôi chứ không đi cúng kiếng hằng ngày, hay hằng tuần trở ngại nhiều việc
Việc sanh là đến, đến đây từ mình, mang gánh nặng tham sân si, những gì hiện nay ta có, như: hạnh phúc khổ đau, nhiễm ô, bệnh hoạn, có đủ tiền tài danh vong, quyền thế, chức vị, vợ chồng con cái, gia cang sự nghiệp một gánh tình tang nặng nề vô cùng như núi tu di. Tử là đi, đi về với vĩnh cửu vô biên, đi về với không ta, bỏ tham sân si, không còn hình bóng của ta, không còn thân tứ đại giả danh của ta, đi về với hư vô, không cần phải xây lâu đài dưới âm phủ như các vua chúa, quan tham sợ mất của...Cuối đời phải để cho nhẹ nhàng mà quẳng gánh ra đi về cố quán, về với chính mình, về với Cực lạc Tây phương.
Hủ tục lễ cũ xưa bày
Nay xin đừng vẽ lại ngày tháng qua.
Chúng sanh: sanh, tử, bệnh, già,
Theo chi lệ cũ rườm rà tốn hao.
HT Thích Giác Quang