(Vạn Phật Thành ngày 5 tháng 6 năm 1982)

"Lòng người chẳng như xưa, Đạo đức đã suy đồi."

Thế giới ngày nay không biết thăng tiến mà còn càng ngày càng xuống dốc. Hồi xưa không có nhiều trường học cũng chẳng có nhiều kẻ đọc sách, song con người chẳng có nhiều thứ điên đảo băng hoại. Hiện tại trường học nhan nhãn, không biết bao nhiêu là học sinh, song trong thế giới kẻ xấu càng ngày càng nhiều.

Người xưa học là cốt để minh lý, tức là hiểu rõ đạo lý làm người, thế nào để đừng làm ác, thế nào để luôn làm lành, sao cho có hiếu với cha mẹ, có tình với anh em, có trung với đất nước, có tín với bạn bè, có lễ với mọi người, có nghĩa với dân tộc, liêm khiết trong việc làm và có lòng hổ thẹn với chính mình. Hiện giờ kẻ đi học thì vì danh lợi!

Chữ minh lý và chữ danh lợi trong tiếng Trung Hoa phát âm giống nhau, nhưng trên thực tế thì ý nghĩa khác nhau một trời một vực. Những kẻ học vì danh lợi thì chỉ muốn học môn nào để kiếm thật nhiều tiền. Cũng giống như có kẻ muốn học y khoa hay khoa học, song chỉ biết nghĩ rằng sẽ kiếm được nhiều tiền, không nghĩ rằng tôi học là vì muốn tương lai có thể đem lại hạnh phúc cho nhân dân, rằng tôi học y khoa là muốn cứu đời, muốn lợi ích cho người khác.

Hiện tại đa số học sinh chỉ biết tự lợi mà không biết làm lợi cho kẻ khác. Lại có những giáo sư công khai cổ võ học sinh hút ma túy, làm chuyện dâm dục bừa bãi, hoặc làm đủ thứ nhiễu loạn thế sự. Cho nên thế giới càng ngày càng suy đồi. Lão Tử nói rằng:

"Đại Đạo phế hữu nhân nghĩa,

Trí huệ xuất hữu đại ngụy,

Lục thân bất hòa hữu hiếu từ,

Quốc gia phân loạn hữu trung thần."

Nghiã là:

"Khi Đạo lớn mất, kẻ nhân nghĩa xuất hiện,

Người trí huệ tới, bọn giả dối đầy dẫy,

Khi gia đình bất hòa, kẻ hiếu thảo ra đời,

Lúc quốc gia phân loạn thì có bậc trung thần."

Khi Đạo lớn không còn nữa thì người ta mới nói tới nhân, tới nghĩa. Nếu Đạo lớn còn thì nhân nghĩa chẳng ai nói tới, vì nhân nghĩa đã nằm trong Đạo lớn rồi. Khi có kẻ trí huệ ra đời thì đương nhiên có kẻ giả mạo hư ngụy đồng thời cũng xuất hiện để lừa bịp kẻ khác. Khi gia đình hòa thuận với nhau, không ai tranh chấp cả thì đương nhiên cha hiền từ, con hiếu thảo, anh em vui vẻ sống chung, gia đình hết sức hòa vui. Nhưng nếu khi sáu họ bà con bất hòa; cha không hiền từ, con hiếu đễ sẽ ra đời. Cũng như thời ông Thuấn vậy: Phụ ngoan, mẫu dâm, đệ ngạo, Thuấn vi khắc tận hiếu đạo. (Cha ngoan cố, mẹ dâm đãng, em ngạo mạn; song ông Thuấn hết lòng làm tròn đạo hiếu.)

Cha của vua Thuấn rất ngoan cố. Tên của ông ta là Cổ Tẩu (ông già mù), ý nói rằng ông tuy có mắt nhưng không tròng vậy, vì ông không biết đạo lý trắng đen, đúng sai, thẳng cong, thiện ác gì cả. Ông có con là vua Thuấn, một người con rất hiếu thảo mà cũng không biết nữa. Bà mẹ của vua Thuấn là bà mẹ kế; bà này dâm loạn, nham hiểm, chẳng bao giờ nói tới luân lý, chỉ nghĩ đến chuyện vô luân. Ông Thuấn có người em khác mẹ tên là Tượng cũng hết sức ngạo mạn, không cung kính anh mình. Tuy vậy, trong gia đình, ông Thuấn hết sức hiếu thảo với cha mẹ, hết sức thương yêu, lo lắng cho em.

Lúc bấy giờ, người em của ông Thuấn với bà mẹ kế nghĩ cách làm hại ông, nên một ngày nọ kêu ông vào kho gạo để quét dọn. Chờ đến khi ông đi vào trong rồi thì Tượng mới tức khắc nổi lửa đốt nhà. Nhà kho bắt lửa phừng cháy dữ dội. Lúc đó họ nghĩ rằng ông Thuấn sẽ bị lửa đốt chết nên hai người mới ra về, trong lòng hết sức vui mừng. Nhưng chẳng mấy chốc ông Thuấn cũng về lại nhà. Người em vô cùng kinh ngạc hỏi: "Anh ở trong nhà kho dọn dẹp, sao nhà cháy mà anh chẳng bị đốt chết?" Ông Thuấn đáp rằng: "Khi tôi thấy lửa cháy, tôi lượm hai cái bửng cỏ che thân rồi leo lên mái nhà nhảy thoát ra ngoài, cho nên chẳng bị tổn thương, cũng không bị thiêu đốt."

Một lần khác, khi ông Thuấn đi ra giếng lấy nước thì hai người ấy lại nghĩ cách để hại ông. Lúc ông Thuấn leo xuống giếng thì họ đem một tảng đá lớn đến bít miệng giếng, không cho ông lên. Họ tin rằng ông Thuấn lần này sẽ chết. (Tục ngữ có câu "lạc tỉnh hạ thạch," nghĩa là rớt xuống giếng rồi lấy đá bịt lại, tức là hại người ở bước đường cùng, là từ điển tích này mà ra.)

Song, ở phía dưới đáy giếng lại có một cái động! Ông Thuấn xuống giếng rồi thì từ nơi động đó bò lên (có người nói rằng nơi địa đạo này có một con hồ ly trắng thường lui tới ở đó; chính nó tới để cứu ông Thuấn). Tuy hai người đó lúc nào cũng tìm cách hại ông nhưng ông Thuấn không hề tức giận, lúc nào cũng hết sức hiếu thảo với cha mẹ và hết sức thương yêu người em của mình.

Bấy giờ, tên Tượng nghĩ rằng ông Thuấn đã chết, nên về nhà nói với cha mẹ chuyện chia gia tài. Y nói rằng: "Ngưu dương phụ mẫu, thương lẫm phụ mẫu, can qua trẫm, cầm trẫm, chỉ trẫm, nhị tẩu trẫm thê." dụ muốn nói rằng: "Dê với bò thì để cho cha mẹ, lương thực cũng để cha mẹ. Tôi không cần những thứ đó, tôi chỉ muốn cây đàn ngũ huyền cầm của ông Thuấn, cái ống tiêu của ông Thuấn, những đồ để luyện võ của ông Thuấn. Đó là những thứ mà tôi muốn. Hai bà vợ của ông Thuấn tôi cũng muốn; biểu hai người đó lại phục dịch tôi." (Ông Thuấn có hai bà vợ; một tên là Nga Hoàng, một tên là Nữ Anh, hai người này đều là con gái của vua Nghiêu. Vua Nghiêu đặc biệt hứa gả hai người này để phục dịch ông Thuấn.)

Tên Tượng nói xong liền vô phòng ông Thuấn. Nhưng vừa vô thì thấy ông Thuấn ngồi chễm chệ trên giường. Tượng sợ quá, tưởng rằng hồn phách của ông Thuấn hiện về. Ông Thuấn liền lên tiếng an ủi người em đừng sợ hãi.

Trong thời Nghiêu Thuấn bấy giờ, lòng người xấu xa như vậy, song ông Thuấn vẫn hết sức làm tròn chữ hiếu, làm tròn đạo làm con. Thế nên nói rằng trong gia đình, bà con sáu họ mà không hòa thuận thì có kẻ hiếu thảo ra đời.

Khi đất nước ly loạn thì có kẻ trung thần xuất hiện. Khi đất nước bình an vô sự thì khó thấy bậc trung thần. Khi đất nước rối ren loạn lạc thì ai là trung thần, ai là gian thần có thể thấy đuợc rất dễ dàng.

Thời Tống có hai triều Nam với Bắc. Lúc quốc gia hết sức phân loạn thì tên gian thần Tần Cối xuất hiện. Tần Cối giết Nhạc Phi; nhưng Nhạc Phi thì lưu danh thiên cổ còn Tần Cối thì để tiếng xấu ngàn năm. Bởi vậy "lưu danh thiên cổ" và "di xú vạn niên" đều là cái tên, nhưng một là cái tên tốt, một là cái tên xấu. Cũng như đời Nam Tống có ông Văn Thiên Tường; lúc quốc gia hết sức hỗn loạn thì ông là người hết sức trung thành với Tống. Từ đầu đến cuối ông bảo vệ quốc gia, không chịu đầu hàng; đó là một vị trung thần. Cho nên khi quốc gia hỗn loạn mới có thể thấy xuất hiện được những bậc trung thần.

Bây giờ đang kiến lập đạo tràng cũng chính là lúc khốn khổ gian nan vô cùng. Chính trong lúc này mới có thể thấy kẻ nào là chân, kẻ nào là giả. Vị hộ pháp chân thật thì lấy Phật Giáo làm nhiệm vụ của chính mình; lấy việc hộ trì Tam Bảo làm trách nhiệm của riêng mình.

Bây giờ Vạn Phật Thành mỗi ngày một phát triển, cần rất nhiều người lại ủng hộ, cần rất nhiều người lại hợp tác. Kẻ nào có sức thì ra sức, kẻ nào có tiền tài vật chất thì giúp tiền tài vật chất. Không nên có thái độ "tọa thủ bàng quan," tôi nhìn anh, anh nhìn tôi; vì như vậy thì chẳng bao giờ tận sức lập công cho Phật Giáo được. Phải đem sự hoằng dương Phật Giáo làm nhiệm vụ cá nhân, hộ trì Phật Giáo là trách nhiệm của mỗi người. Được vậy thì Phật Giáo nhất định sẽ phát triển rực rỡ trong tương lai.

HT Tuyên Hóa




Có phản hồi đến “14. Đạo Cả Suy Thì Có Người Nhân Nghĩa”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com