Nói đến sự lễ lạy, người Phật tử chúng ta chắc hẳn không ai cảm thấy mới mẻ và xa lạ gì với sinh hoạt tâm linh hằng ngày đó nữa. Sinh hoạt đó đã trở nên quen thuộc với những người tin Phật, thậm chí đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Ta tin Phật, ta cảm mến ân đức vô lượng của ngài đối với chúng ta, cảm mến trí tuệ tuyệt vời và công đức vô biên của ngài, mà hằng ngày gần gũi tôn tượng của ngài để lễ lạy và xưng tán, để tụng đọc kinh văn, làm cho những lời dạy có giá trị vượt thoát thời gian của đức Thế tôn thấm sâu vào từng tế bào của cơ thể làm nên sự sống tươi đẹp và bình an ngay trong đời sống này.
Tuy nhiên bên cạnh những cái hay cái đẹp của sự thực tập lễ lạy vẫn có những sự lễ bái mang hình thức phù phiếm và ba hoa, mang nội dung cầu cạnh và tiêu cực. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tìm hiểu về sự lễ lạy để xác định cho được tính tích cực của nó và để cho sự thực tập của chúng ta ngày thêm nhiều lợi ích.
BẢY CÁCH LẠY.
Trong luật Sa-di có nói đến bảy cách lạy mà chúng ta không thể không biết (Giáo liệt thất chủng lễ bất khả bất tri):
1. NGÃ MẠN LỄ, là sự lễ lạy mà vẫn còn ôm một cái ngã không chịu quán chiếu để chuyển hoá. Chúng ta thường nghĩ về chữ ‘ngã mạn’ với hàm ý là không khiêm nhường, hống hách, trịch thượng, cho mình hơn người. Danh từ này thực ra có những ý nghĩa khác xuất phát từ tiếng Phạn là Māna (kiêu mạn), có bảy loại:
Thứ nhất là Mạn (Māna), có trội hơn người khác về một số mặt và có ý tưởng là mình hơn người và sinh ra tự hào, tự đắc.
Thứ hai là Quá mạn (anti-māna). Quá mạn có nghĩa là đối với những người tương đương với mình mà mình lại cho là mình hơn người.
Thứ ba là Mạn quá mạn (mānati-māna), đối với những người có đức độ hơn mình mà mình lại cho là mình hơn người đó.
Thứ tư là Ngã mạn (ātma-māna). Đây là mạn gốc, bởi vì nó làm phát sinh ra những nhận thức sai lầm khác. Chúng ta nhận lầm những yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức là một cái ngã biệt lập với các yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức khác. Chúng ta bị kẹt vào ý niệm về ngã, ngã sở.
Thứ năm là Tăng thượng mạn (adhimāna). Khi chưa chứng ngộ mà cho mình đã chứng ngộ pháp thượng nhân. Như chưa chứng đắc quả vị A la hán mà nói đã chứng được quả vị A la hán. Đây là giới thứ tư của tỷ khưu giới.
Thứ sáu là Ti mạn (ūna-māna). Đối với quả vị Phật, các vị Bồ tát đại nhân, những người có nhân cách quá lớn lao vĩ đại mà có mặc cảm rằng mình không bao giờ đuợc như thế. Mặc cảm này là đối tượng giáo hoá của các kinh đại thừa với tư tưởng “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”.
Thứ bảy là Tà mạn (mithyā-māna), không có đức độ, không hiểu biết, không giải thoát, không có từ bi, không có khiêm nhường… Mà đôi khi chỉ với danh xưng được người ta gọi, mình có ảo tưởng là mình có những đức tính đó thực.
Lễ Phật, lễ các vị Bồ tát, Thánh nhân mỗi ngày là để nhìn nhận và chuyển hoá những cái mạn như thế. Nếu không, cái lạy chẳng có ý nghĩa nào cả.
2. CẦU DANH LỄ, là cái lễ mang nặng hình thức nghi lễ phô trương, cái lễ chỉ có ý nghĩa cầu cạnh, cuối cùng cũng chỉ để tô bồi thêm cho bản ngã của mình mà thôi.
3. THÂN TÂM CUNG KÍNH LỄ, là lễ lạy với tất cả sự chí thành khẩn thiết của thân tâm. Cung là sự kính trọng được thể hiện ra bên ngoài thân tướng, kính là sự kính trọng từ trong sâu thẳm của tâm tư. Năm vóc sát đất, thân và tâm an trú trong giờ phút hiện tại của sự lễ bái. Trong giờ phút đó hành giả ý thức rất rõ mình đang thực hành lễ lạy và đồng thời hiểu rõ đối tượng của sự lễ lạy với tất cả những công hạnh, trí tuệ, từ bi của từng vị. Như khi kính lễ đức Phật Thích ca mâu ni, hành giả phải hiểu rõ cuộc đời của đức Phật với những công hạnh cao cả, lòng thương yêu chúng sanh vô lượng, sự khao khát chân lý tuyệt đối, thái độ dứt khoát ra đi, từ bỏ đời sống vương giả, sự nỗ lực tu tập, sự nghiệp giáo hoá chúng sanh,… Hay khi xướng danh hiệu đức Quan Thế Âm Bồ tát là phải thấy được hạnh lắng nghe dung thông, đức từ bi cứu khổ của ngài. Rồi danh hiệu của đức Văn thù với hạnh nhìn sâu bằng con mắt tuệ giác. Danh hiệu của đức Phổ hiền với hạnh nguyện bao la. Đức Địa tạng với hạnh nguyện đi vào những chốn tối tăm tuyệt vọng để hành đạo. Đức Di lặc với hạnh hỷ xả bao dung vv… Với sự hiểu biết như vậy, hành giả sẽ dễ dàng phát sinh niềm tin, lòng tôn kính và lòng khao khát muốn học theo hạnh nguyện của các ngài trên con đường tu đạo, phụng sự chúng sanh. Bởi vì khi niệm tưởng tới công hạnh của các vị, thì chính cái năng lượng của niệm cộng với năng lượng hộ trì của chư Phật, chư vị Bồ tát, thánh hiền, thiện thần đã tưới tẩm và làm nảy sinh hạt giống vị tha trong tâm thức của mình. Tâm nguyện vị tha phát sinh và được nuôi dưỡng, thì tâm niệm vị kỷ hẹp hòi, chấp ngã tất sẽ nhẹ bớt.
Với sự cung kính này khi trong tư thế phủ phục trước tôn tuợng, ta có thể thực tập tâm từ bi bằng cách khởi tâm niệm “mong sao con có thể yêu thương được mọi người, mong sao con có thể tha thứ cho lỗi lầm của mọi người, mong sao con có thể thấy được con với mọi người là một”… Như vậy cái lễ này đích thực là pháp thực tập để phát khởi và nuôi dưỡng bồ đề tâm.
4. PHÁT TRÍ THANH TỊNH LỄ. Tâm hành giả đã bắt đầu lắng bớt những ý niệm xôn xao về bản ngã vị kỷ. Những ý niệm ngông cuồng tự cao, tự đại, ảo tưởng về cái tôi của mình đã ít nhiều dừng lại. Tâm tư bấy giờ tĩnh lặng hơn và hành giả bắt đầu thấy được những điều mà lâu nay mình chưa thấy. Thấy được những lỗi lầm của mình dễ dàng hơn. Cái thấy ấy là trí tuệ. Trí tuệ chỉ phát sinh khi tâm được định tĩnh (nhân định phát tuệ). Người có trí là người nhìn thấy được những lỗi lầm của mình. Đây là lúc hành giả đối diện với cái ‘tôi’ của mình.
5. THÔNG NHẬP PHÁP GIỚI LỄ. Khi tâm đã thanh tịnh, trí đã phát sinh, cái nhìn về bản ngã đã có sự thay đổi ngày một gần thêm với sự thật vô ngã, hành giả đi vào quán chiếu tính vô ngã của vạn pháp để hoà nhập và cảm thông với các pháp. Đi vào và hoà làm một với các pháp. Với sự chí thành, với dụng tâm như vậy, một lạy sẽ cảm thấu tới chư Phật, mà như trong Kinh Lương Hoàng sám nói đây là lúc sinh phước và diệt tội.
6. CHÁNH QUÁN TU THÀNH LỄ. Là sự quán chiếu chân chánh để thấu đạt tính nhị đế dung thông, thấu triệt ngã không, pháp không, thấy được tính chân như của vạn vật.
7. THẬT TƯỚNG BÌNH ĐẲNG LỄ. Thật tướng là tướng chân thật của các pháp. Đây là cái lạy siêu việt mọi ý niệm, cái lạy mà không còn có người lễ lạy và người được lễ lạy. Tất cả đều bình đẳng trong thể tánh chân không. Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì.
Chúng ta đã khảo sát qua bảy cách lạy mà trong luật đề cập tới. Hai cách lạy đầu mang ý nghĩa tiêu cực và năm cách lạy sau mang ý nghĩa tích cực. Tuy có sự hiện diện của hai mặt phản diện ấy, nhưng nó vẫn có tính tương tức tương nhập. Nêu ra hai mặt như vậy để chúng ta dễ dàng nhận ra đâu là đúng, đâu là sai và cũng để chúng ta có cơ hội nhìn sâu hơn sự thật về bản ngã của chính mình. Nếu chúng ta nhìn dưới cái nhìn của Tứ Đế, chúng ta thấy hai cách lạy đầu là Khổ Đế và Tập Đế và năm cách lạy sau là Diệt Đế và Đạo Đế. Khi nêu ra một sự thực tập nào đều có sự thực tập nhận diện và chuyển hoá.
Với nhận thức về đức độ cao cả của chư Phật, chư vị Bồ tát, tà mạn của hành giả sẽ được đoạn trừ. Nếu biết Đại đức là người có đức lớn thì ta phải tu tập tinh tiến để xứng đáng với danh xưng ấy. Đức ở đây là pháp thân giải thoát, và Niết bàn, là tấm lòng bao dung rộng lượng… Như vậy ảo tưởng về danh xưng của mình sẽ tan biến, tà mạn sẽ được đoạn trừ. Nếu thấy được bản ngã của mình là không có thực, mình với người chỉ là một thì không còn có ý niệm phân biệt và so đo nữa. Do vậy những Mạn, Quá mạn, Mạn quá mạn cũng đồng thời tan biến hết. Nếu thấy được thật tướng bình đẳng giữa Phật, chúng sanh, giữa người lạy và người được lạy, thì không có Ti mạn.
Sự lễ lạy như vậy là để nâng cao phẩm chất của mình chứ không phải làm hạ phẩm giá của con người như một số người lầm tuởng. Một nhân cách siêu việt, cao tột như đức Phật tưởng không ai đạt đến được mà đức Phật bảo tất cả chúng sanh đều có thể đạt đến. Có vị giáo chủ của tôn giáo nào nói như vậy chưa? Có vị giáo chủ nào coi giá trị của môn đệ mình có thể ngang bằng với mình như thế chưa? Đó là thông điệp tuyệt đối mà đức Phật đã để lại cho mọi loài chúng sanh.
Trong Thiền môn nhật tụng năm 2000 có pháp môn thực tập ba cái lạy. Đây là một cách thực tập sâu sắc ý nghĩa đích thực của sự lễ lạy. Nó giúp chúng ta quán triệt các ý nghĩa của những cách lạy trên, giúp chúng ta quán chiếu tính vô tướng của vạn pháp. Giúp chúng ta vượt thoát những ý niệm về Ngã, về Nhân, về chúng sanh và về thọ giả.
Lễ lạy là pháp môn hành trì hằng ngày của chúng ta. Lạy Phật sẽ tạo ra nhiều phước đức, giúp ta có nghị lực để vượt qua những chướng duyên trên con đường tu đạo. Lạy Phật cho tâm hồn lắng, lạy Phật để gột rửa thân tâm. Lạy Phật để nối kết liên hệ giữa ta với đức Phật, với các vị Bồ tát, với bồ đề tâm của mình và nuôi dưỡng những hạt giống lành mạnh trong tâm thức. Cho nên, trong truyền thống thiền học Việt Nam, lễ lạy là một phần quan trọng của công phu tu tập. Muốn đi vào thiền định thâm sâu, trước hết phải hành pháp sám hối lễ lạy mà chúng ta thường gọi là dọn rửa thân tâm. Tiêu biểu cho sự thực tập này là thiền sư Trần Thái Tông với Lục thời sám hối khoa nghi. Mỗi ngày sáu thời lễ bái, sám hối. Ngài tự đặt cho mình một thời khoá nghiêm mật như vậy để hành trì. Và không chỉ thiền tông, các tông phái khác cũng rất chú trọng đến việc lễ lạy và sám hối.
Những công việc lặt vặt thuộc về tay chân được coi là rất quan trọng trong thiền môn để giúp chấm dứt sự đờ đẫn của tâm trí, điều mà rất dễ phát sinh bởi sự thực tập thiền toạ. Những việc gánh nước, bửa cũi, làm vườn, quét dọn... làm cho thiền trở nên sống động và uyển chuyển. Khi làm những công việc ấy, thiền sinh vẫn duy trì năng lượng chánh niệm để thu nhiếp thân tâm và tạo nên tình huynh đệ luôn hiện hữu trong họ. Cho dù những việc ấy có nhọc nhằn và dơ bẩn (như việc lau chùi nhà cầu chẳng hạn) đến đâu, họ cũng không hề tránh né. Và vì vậy “xét về mặt đạo đức, những công việc có liên quan đến sự tiêu hao thể lực đều xác chứng cho những ý tưởng lành mạnh. Đặc biệt trong thiền tông, điều này là sự thật. Những ý tưởng nào không phản ánh đúng một cách mạnh mẽ và có hiệu quả trong đời sống thực tế, đều được coi là vô giá trị. Niềm tin phải được thông qua kinh nghiệm chứ không phải qua những khái niệm. Sự xác chứng tâm linh phải vượt lên và cao hơn những suy đoán thuộc về tri thức; điều đó có nghĩa là, chân lý phải được đặt trên đời sống kinh nghiệm của mỗi người.” (D.T.Suzuki)
Sự lễ lạy cũng có ý nghĩa như vậy trong đời sống thực tập. Sự cúi xuống, duỗi lên là những hoạt động thể chất làm cho máu huyết lưu thông, đánh tan sự đờ đẫn tâm trí. Đồng thời trong không khí trang nghiêm, kính cẩn của điện Phật, năng lượng chánh niệm rất dễ dàng được duy trì và giúp tạo nên sự liên hệ giữa hành giả với Thầy, với bạn, khiến dễ dàng có sự cảm thông. Đó cũng là sự thực tập làm mới.
Trong nhân quả của sự tôn kính, ‘kính thầy thì được làm thầy’; xưng tán công đức của chư Phật, chư vị Bồ tát với tâm chân thành, với nguyện vị tha, thì chắc chắn từ từ ta sẽ đạt đến những đức ấy của các vị. Cho nên những bài kệ xưng tán Phật, Pháp, Tăng là rất quan trọng trong việc lễ lạy. Ngoài những bài kệ xưng tán có sẵn cũng không hạn chế sáng tạo thêm những bài kệ mới để nói lên sự tôn kính tự thâm tâm của mình.
Lễ lạy như vậy không phải là sự mê tín và không làm cho con người mất nhân cách, mà là một sự thực tập mầu nhiệm làm tăng trưởng tính thánh thiện và hoàn thiện một nhân cách vĩ đại trong tự thân (Phật tánh). Lạy xuống một lạy là có thể làm cho tan biến cái bản ngã và có thể hoà nhập với mọi người, mọi loài và hoà nhập với chư Phật, Bồ tát trong mười phương và ba đời:
Cúi đầu kính lạy
Phật Pháp và Tăng
Trong khắp mười phương
Và ở trong con
Cùng khắp pháp giới
Thấu suốt ba đời
Con xin phủ phục
Quay về nương tựa.
Tất cả mọi sự thực tập đều rất dễ rơi vào hình thức và trống rỗng về nội dung. Nếu không có sự ý thức rõ rệt ý nghĩa và không thấy tầm quan trọng của sự lễ bái, chúng ta sẽ bị rơi vào ‘ngã mạn lễ’ và ‘cầu danh lễ’ và sự lễ bái chỉ là hình thức. Sự thực tập của chúng ta trở nên vô nghĩa nếu không có nội dung của tâm Bồ đề. Bởi tâm Bồ đề là tâm nguyện rộng lớn, một năng lượng xuất phát từ bên trong thôi thúc chúng ta thực tập.
“Ngoài tâm bồ đề,
Ngoài khao khát hiểu biết lớn
Ngoài nguyện ước thương yêu sâu
Con không còn ước mong nào nữa cả.”
Hiểu biết lớn (đại trí), thương yêu sâu (đại bi) là hai mặt của tâm Bồ đề. Niềm khao khát ấy thúc đẩy sự thực tập để làm ích lợi cho mọi loài và chính sự tu tập lại để đạt đến sự viên mãn của tâm ấy. Cho nên tâm Bồ đề là năng lực phát khởi và cũng là mục đích cuối cùng của công trình tu tập. ‘Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp’.
Quảng Thông