Trời đất như đang giao mùa, muôn hoa đua nở, mọi vật như đan tay vào nhau reo hò chào đón xuân sang. Trong vườn hoa xuân có nhiều màu, nhiều loại. Có loài hoa đơn sơ mộc mạc, gai gốc xù xì, sắc hương khiêm nhường, có loài hoa kiêu sa lộng lẫy hương sắc quyến rũ ngọt ngào.... Lại còn đây một loài hoa không kiêu sa, lộng lẫy nhưng đượm nhuần hương vị giải thoát. Loài hoa ấy mang tên “Hoa Từ Bi” mà đức Phật của chúng ta đã gieo trồng cách đây hơn 25 thế kỷ tại Ấn Ðộ. Giờ đây theo thời gian hoa nở khắp muôn phương.

Hoa Từ Bi là biểu tượng của tình thương trong tất cả tình thương! Ðức Phật của chúng ta là sự đúc kết của hàng triệu triệu đóa hoa tình thương ấy. Mỗi bước đi, mỗi hành động, mỗi lời nói của Ngài là những bông hoa tô thắm cho đời. Thuở thiếu thời Ngài là một vị Thái tử sống trong gác tía lầu son, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, một vị vua yêu dân chuộng nước, nhưng không vì thế mà Ngài quên đi nỗi đau của kiếp người. Thuở nhỏ, một lần đi canh điền năm mới cùng với vua cha và quần thần. Ngài nhìn thấy một thế giới khác mà trong hoàng cung không có! Ðó là cảnh tượng chúng sanh đang giành giật cấu xé lẫn nhau để sinh tồn, mạnh hiếp yếu, lớn nuốt bé trên một thửa ruộng. Ngài rất đau lòng, một tình thương vô bờ bến đã khởi lên trong lòng Ngài, tình thương ấy ngấm ngầm theo thời gian mà trỗi dậy. Khi trưởng thành, Ngài dạo qua bốn cửa thành và nhìn thấy cảnh bần cùng đói rách lầm than của dân chúng và cảnh sanh, già, bệnh, chết, một thảm trạng của kiếp người, từ xưa đến nay chưa có một ai thoát ra được. Từ đó tình thương ấp ủ trong lòng Ngài bấy lâu nay đã trở thành hành động, thôi thúc Ngài quyết chí ra đi để tìm đường cứu khổ cho sanh linh! Ôi tiếng kêu thương của vạn vật, tiếng khóc than của con người đã đánh đổ được tình thương vị kỷ cá nhân gia đình của Ngài. Cho dầu vẫn biết ra đi là bỏ lại lầu son gác tía, bỏ lại vòng tay âu yếm của người vợ hiền, bỏ lại con thơ dại, cắt đứt tình phụ tử... nhưng Ngài nhận chân rằng “Nỗi đau của loài người là niềm đau khổ của chính mình”.

Thế rồi giữa màn đêm vắng vẻ. Ngài đã lặng lẽ ra đi để tìm cầu đạo giải thoát cho muôn loài, trải qua biết bao gian lao khổ nhọc năm năm tìm đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già, bốn mươi chín ngày đêm tư duy thiền định, cuối cùng Ngài đã tìm ra đạo giải thoát cứu khổ cho muôn loài.

Sau khi chứng đạo, vì lòng từ bi, Ngài đã nhập thế giáo hóa chúng sanh. Trên bước đường hành đạo, bước chân của Ngài đến đâu là ban rải tình thương đến đó, không phân biệt giai cấp thượng lưu hay bình dân hạ tiện, tất cả đều được cảm hóa trong tình thương vô hạn của Ngài. Vì lòng từ bi, Ngài luôn luôn khuyên khích bãi bỏ các phong tục tế lễ truyền thoáng của người dân Ấn – là tế thần linh bằng máu của con người và vật. Khi vua Pasenadi nước Kosala chuẩn bị đại tế đàn bằng 500 con bò mộng, 500 con bò đực, 500 con bò cái, 500 con dê và 500 con cừu. Ðức Phật đã giáo hóa nhaø vua “Không có tế lễ nào bằng người hay vật nào đem lại kết quả tốt cả. Bậc Thánh Trí tránh xa các đại tế đàn có bầy dê, trâu, bò bị giết. Trái lại cái tế đàn không đẫm máu và không hao tốn nhiều sẽ giúp người tế và làm vui lòng chư thiên” (Tương Ưng III, III, 9, Tế Ðàn). Ðối với Ngài, mọi chúng sanh đều có quyền sống, việc giết súc vật để tế đàn là việc làm sai lầm và tội ác. Do đó, Ngài khuyên đức vua và dân chúng hãy từ bỏ phong tục này và hãy ban bố lòng từ bi đối với vạn vật.

Trên bước đường hành đạo, Ðức Phật không bao giờ dùng bạo lực, gươm giáo súng ống để ép buộc dân chúng vào đạo mà chỉ bằng đức từ bi và trí tuệ. Ngài dạy: “ Ðạo của ta gây tình thân ái giữa người với người, giữa người với muôn vật, không bao giờ thừa nhận một cuộc chiến tranh tàn sát dù lớn hay nhỏ hay bằng một hình thức nào đi nữa. Hãy lấy hòa bình để thắng tàn bạo, hãy lấy tình yêu để dẹp bất công...”. Học theo hạnh từ bi vô lượng của Ngài, các vị Thánh đệ tử của Phật ngay từ thời Phật còn tại thế cũng đã dùng lòng từ bi để hóa độ những người khó độ nhất. Kinh Trung Bộ có kể rằng: “Tôn giả Phú Lâu Na xin Phật cho qua xứ Gouabarata là xứ mà con người rất hung ác để giáo hóa họ theo đạo Phật. Ðức Phật hỏi nếu con qua đó họ không nghe con, họ còn chửi mắng con thì con phải làm sao? – Bạch Ðức Thế Tôn con cho họ là người rất tốt vì chưa dùng gậy đập hay ném đá con. Nếu họ dùng gậy đập ném đá đến con thì sao? Bạch Thế Tôn họ cũng còn hiền vì chưa bắt giam cầm con. Nếu họ bắt giam cầm con thì sao? Bạch Thế Tôn họ vẫn coøn thương con vì họ chưa giết hại sinh mạng con. Nếu họ giết hại thân mạng con thì con phải làm thế nào? Bạch Thế Tôn con muốn đem ánh Từ Bi để độ họ thoát khỏi khổ được vui rồi, thì con có chết, thiết nghĩ, họ vẫn còn từ tâm vì nhờ họ mà con đã thoát ra được khổ đau phiền luỵ, lìa thân xác ô uế này để rảnh rang về cõi Niết-bàn vậy”. Nghe xong Ðức Phật đồng ý cho Ngài Phú Lâu Na đến nơi đó để truyền đạo. Không bao lâu họ tin Phật nghe pháp và tất cả đều được an lạc, hiền hậu và hạnh phúc.

Ngày hôm nay, hạt giống từ bi của Ðức Phật gieo trồng đã trổ hoa, kết trái khắp nơi trên thế giới. Ðặt biệt, Phật giáo truyền vào Việt Nam cho đến nay không ngừng phát triển và luôn trang bị cho mình một đức tính từ bi vô hạn. Lòng từ bi ấy thể hiện qua biết bao hành động cụ thể, ngoài việc hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử, quần chúng nhân dân tu học theo chánh pháp, các hoạt động từ thiện được đẩy mạnh qua các lĩnh vực, Tuệ Tĩnh đường, bệnh viện , trường học được xây dựng. Các viện mồ côi, trường dạy nghề trẻ em tàn tật đã hình thành... hàng vạn, hàng ngàn đợt cứu trợ cho đồng bào bị thiên tai lũ luït, đồng bào khó khăn....Tất cả mỗi người con Phật nói chung hay mỗi thành viên trong Giáo hội và tín đồ nam nữ Phật tử chính là những đóa hoa Từ bi góp lại thành một vườn hoa hạnh phúc cho nhân gian.

Long Vân



Có phản hồi đến “Hoa Từ Bi”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com