Mặt trăng xuất hiện theo một tần số cao trong thơ cổ, đặc biệt là thơ Đường và thường xuất hiện qua một mẫu số chung. Nhà thơ nhìn trăng trên trời rồi quay xuống đất hướng về một người quen, một người thương ở xa mà nhắn nhủ: hai chúng ta cùng chia nhau vầng trăng này. 

Tình huống đó có thể được trình bày thành một hình tam giác mà đỉnh là mặt trăng tạo thành điểm hội tụ liên kết giữa hai con người, mỗi người ở một góc của cạnh đáy tam giác. Và thông thường trăng xuất hiện trong thơ là trăng rằm, hay ít nhất thì cũng là trăng tròn, trăng gần đạt đến độ viên mãn. Ngoài ra, trăng thường là trăng thu, khi trăng dường như sáng nhất trên bầu trời. Tất nhiên mỗi thi nhân có thể có một cách nhìn trăng khác nhau.

Trăng Vương Duy là trăng bình thản, cô đơn:

Thâm lâm nhân bất tri, Minh nguyệt lai tương chiếu. (Trúc lý quán)

Ở trong rừng sâu không ai biết, Chỉ có vừng trăng đến soi sáng nhau (Quán Trúc lý)

Trăng Lý Bạch là trăng khắc khoải, thuơng tâm:

Ngã ký sầu tâm dữ minh nguyệt, Tùy quân trực đáo Dạ lang tê. (Văn Vương Xương Linh thiên Long tiêu)

Tôi gửi lòng buồn cho vầng trăng sáng, Theo bạn đến thẳng vùng tây Dạ lang (Nghe Vương Xương Linh đổi đi Long tiêu)

Trăng Đỗ Mục là trăng bàng bạc, nhạt nhoà:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa, Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia. (Bạc Tần hoài)

Khói lồng nước lạnh, trăng lồng bãi cát, Đêm đậu thuyền ở bến Tần hoài gần tiệm rượu (Đậu thuyền ở bến Tần hoài)

Trăng Lý Hạ là trăng mê sảng, ma hiện:

Lão thố hàn thiền khấp thiên sắc, Vân lâu bán khai bích tà bạch. (Mộng thiên)

Thỏ già cóc lạnh khóc ướt trời, Lầu mây hé mở, vách nghiêng trắng (Mơ trời)

Trăng Lý Thương Ẩn là trăng Hằng nga hay Thường nga:

Thường nga ưng hối thâu linh dược, Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm. (Thường nga)

Thường nga hối hận trót lấy trộm thuốc tiên, Để tấm lòng đêm đêm giữa bể biếc trời xanh (Thường nga)

Nhưng nhìn chung, cái đẹp của trăng trong thi ca cũng là cái đẹp của giọt lệ chia ly, của lời than tuyệt vọng, của tiếng hờn lưu lạc.

Trăng được mời gọi làm chứng nhân của nội tâm sầu muộn, đắng cay.

Các bài thơ của vua Trần Nhân Tông còn truyền lại cho chúng ta có vẻ nhìn trăng theo những cách thế khác.

Nhà vua nhiều khi ngắm trăng vào mùa xuân:

Địa tịch đài du cổ, Thời lai xuân vị thâm (...) Ỷ lan hoành ngọc địch, Minh nguyệt mãn hung khâm. (Đăng Bảo đài sơn)

Đất hẻo lánh, đài cổ kính, Theo thời tiết mùa xuân về chưa lâu (...)

Tựa lan can nâng ngang sáo ngọc, Ánh trăng sáng chan hoà trước ngực (Lên núi Bảo đài)

Nhất thiên như thủy nguyệt như trù, Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường. (Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ)

Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày, Bóng hoa tràn cửa sổ, mộng đêm xuân triền miên (Đêm mười một tháng hai)

Cá tam đông bạch chi tiền diện, Tá nhất biện hương xuân thượng đầu (...) Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ, Quế lãnh thiềm hàn chỉ má hưu! (Tảo mai)

Cành hoa trắng xoá suốt ba tháng đông, Sang đầu xuân chỉ còn loáng thoáng vài cánh thơm nhẹ(...) Hằng Nga mà biết được vẻ thanh nhã của hoa, Thì có ưa gì cây quế nơi cung thiềm lạnh lẽo (Hoa mai sớm)

(...) Trai đường giảng hậu tăng qui viện, Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều. Tam thập tiên cung hoành dạ tháp, Bát thiên hương sát động xuân triều. (Thiên trường phủ)

(...) Trên trai đường giảng kinh xong các sư về viện, Quán bên sông mới canh đầu trăng đã lên cầu. Ba mươi cung tiên đặt giường ngủ la liệt, Tám nghìn tháp thơm khua động sóng triều xuân (Phủ Thiên trường)

Trăng trong thơ nhà vua thực sáng (minh nguyệt, nguyệt như trù). Tuy trăng vốn thường xuyên đổi hình, luân phiên tròn rồi khuyết, từ trăng non qua trăng treo, nhưng vành trăng đầy đặn với hình tròn viên mãn là biểu tượng cho sự gần gụi trong tâm tư giữa những người ruột thịt hay quen biết. Hơn nữa, khuôn trăng tròn vành vạnh ươm hy vọng cho một ngày hàn huyên tái ngộ của những kẻ đang tạm thời xa nhau hôm nay, giờ này, giờ thời lai xuân vị thâm.

Cũng cùng một động tác dựa vào (ỷ ) nhưng người thiếu phụ thương nhớ chồng trong thơ Đỗ Phủ vào một đêm trăng vừa cô đơn vừa sầu não:

Kim dạ Phu châu nguyệt, Khuê trung chỉ độc khan (...) Hà thì ỷ hư hoảng, Song chiếu lệ ngân can? (Nguyệt dạ)

Đêm nay vầng trăng ở Phu châu, Người trong phòng the chỉ nhìn một mình (...)

Bao giờ tựa rèm cửa sổ trống, Trăng chiếu cả hai cho khô ngấn lệ? (Đêm trăng)

còn hoàng đế của chúng ta thì thung dung tự tại trong âm điệu tiêu dao không vang nốt nhạc:

Ỷ lan hoành ngọc địch, Minh nguyệt mãn hung khâm.

(Tựa lan can nâng ngang sáo ngọc, Ánh trăng sáng chan hoà trước ngực)

Trăng nhỏ lệ cô đơn trong thơ Đỗ Phủ, trăng vui vầy đầm ấm trong thơ Nhân Tông. Cùng dưới ánh trăng, nhưng thiếu phụ Trung hoa chia động từ ỷ theo cách giả thiết, còn hoàng đế Việt nam thì chia động từ ỷ theo cách trực thuyết.

Nhà vua ngắm trăng trên núi Bảo đài trong rặng Yên tử. Cảnh vật xung quanh yên tĩnh, khuất vắng (địa tịch); không thấy bóng dáng quần thần tháp tùng, không thấy đội ngũ ngự lâm hộ vệ; chỉ có một cảnh đền đài trang nghiêm cổ kính (đài du cổ ). Trong toàn cảnh không bóng người đó, riêng có ánh trăng đến cùng thi nhân, nhân vật trung tâm của thi phẩm. Trăng sáng nhưng sáng một cách im lặng lạ lùng. Cho nên ( và bởi vì) nghệ sĩ cũng chỉ hoành ngọc địch chứ không thổi sáo ngọc. Hoàng đế tôn trọng ánh trăng, cảm nhận đặc tính vô cơ của nó. Còn ánh trăng thì cũng hoà vào nội tâm của thi sĩ (mãn hung khâm). Trăng vô cơ trong thơ vua Trần vì trăng không có hình hài, không mang thể chất, khác với trăng hữu cơ, trăng kết nên dáng người trong thơ Lý Bạch, bài Nguyệt hạ độc chước (Dưới trăng uống rượu một mình), kỳ nhất:

Cử bôi yêu minh nguyệt, Đối ảnh thành tam nhân.

(Nâng chén mời trăng sáng,

Đối bóng thành ba người)

Cũng là cảnh và tình cô quạnh đơn chiếc dưới trăng nhưng hai hồn thơ vận dụng hai tứ thơ khác nhau. Đọc ngược bài thơ lên hai câu năm và sáu:

Vạn sự thủy lưu thủy, Bách niên tâm ngữ tâm.

(Muôn việc tựa nước tuôn nước, Trăm năm lòng lại nhủ lòng)

chúng ta thấy hình thành một trục thời gian bên cạnh khung không gian. Tiếp thu ánh trăng, vua Trần Nhân Tông liên tưởng đến những chuyện đã đi qua, những điều trăm năm cũ. Ở đây, trăng không còn chỉ là phương tiện nối kết hai hay những tâm hồn đồng điệu vào một thời điểm nhất định, mà còn giữ vai trò tạo cách thế đối thoại cho những sự kiện thuộc hiện tại và quá khứ. Người đọc cảm nhận một hình tượng cách tân thi vị. Ý thơ tuy thực quen mà thành ra khá lạ. Trong những bài thơ khác của Trần Nhân Tông được trích dẫn, trăng thường ý tứ chiếu kín đáo lên cảnh vật riêng tây hiu quạnh, gần như hẻo lánh bí mật, xa cách xóm làng, thành thị, kể cả khi

thi nhân ngắm trăng giữa trung tâm đền đài lầu gác. Ngay trong trường hợp có con người hoạt động thì họ cũng lặng lẽ, thậm chí họ còn tìm cách lánh mặt, không hiện diện nữa, họ rút lui khỏi cảnh trăng:

Trai đường giảng hậu tăng qui viện (Trên trai đường giảng kinh xong các sư về viện)

Những vị sư được mô tả có thái độ âm thầm, điềm tĩnh, hiền hoà, yên lặng. Họ di chuyển nhưng di chuyển nhẹ nhàng, êm ả, trầm mặc. Thực ra họ không bất động mà họ vô vi. Họ hoà mình vào bức tranh trăng, họ như được thể hiện bằng những nét vẽ tĩnh vật. Bởi vì họ vốn là những cao tăng tu hạnh thâm sâu, đối với mọi việc đều không hề động niệm. Nhưng nếu người lặng lẽ thì cảnh lại xao xuyến. Trăng chủ động di chuyển:

Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều (Quán bên sông mới canh đầu trăng đã lên cầu)

Trăng của vua Trần theo sát thời gian vũ trụ, trăng đúng hẹn đúng giờ. Đó là mảnh trăng đồng điệu với thiên thể ban đêm trong Truyện Kiều.2 Các ngọn tháp lay chuyển trong/theo sóng triều xuân:

Bát thiên hương sát động xuân triều (Tám nghìn tháp thơm khua động sóng triều xuân)

Ánh trăng không tác động đến nhân thân, không ảnh hưởng vào nhân thể, mà làm ngoại cảnh lung linh, mà khiến vũ trụ rung động. Đến những cánh hoa cũng linh hoạt hẳn lên, chúng rung rinh, chúng gia bội bóng ảnh, chúng trở thành thiên hình vạn trạng trong ánh sáng trăng ngà:

Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường (Bóng hoa tràn cửa sổ, mộng đêm xuân triền miên)

Tác động quang học đó là hiệu quả ánh trăng sáng như ban ngày trên một bầu trời trong như nước:

Nhất thiên như thủy nguyệt như trù (Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày)

Nguồn năng lượng ánh sáng từ mặt trăng và cảnh trí quang đãng trong suốt của nền trời tương hợp tương đồng chứ không tương phản tương khắc. Ảnh hưởng tương tác đó giữa hai thành tố vũ trụ học càng tăng thêm bầu khí tượng cách ly, nó vốn là état d‟âme của nhà vua khi nhìn hành tinh vằng vặc giữa trời. Xây dựng ngôn ngữ thiên nhiên để nói lên sát na tâm cảnh, đó là cung cách hoàng đế thi sĩ bộc bạch hồn thơ khi lòng mình có điều khó thổ lộ. Ngôn ngữ thường dụng vốn có những hạn chế. Khi tâm hồn như muốn tràn ra khỏi thể chất để hoà lẫn vào ngoại giới thì ngôn ngữ loài người trở thành bất lực. Nhà thơ phải mượn thiên nhiên để phụ giúp mình nói hết tấc nôi, từ đó có ngôn ngữ thiên nhiên trong thi pháp. Chúng ta gặp những tình huống tương tự trong thơ Vương Duy mô tả trăng:

Không sơn tân vũ hậu, Thiên khí vãn lai thu. Minh nguyệt tùng gian chiếu, Thanh tuyền thạch thượng lưu. (Sơn cư thu mính)

Núi trống hiện ra sau khi mưa dứt, Khí hậu buổi chiều ra vẻ thu về. Trăng sáng rọi qua rừng thông, Suối trong chảy trên ghềnh đá (Trên núi trong đêm thu)

Thủ pháp hỗ tương mà thuận nghịch đặt thanh tuyền đối với minh nguyệt làm tăng khí quyển mát mẻ trong sáng của thi phẩm. Huống chi núi lại trống (không sơn). Tất cả chỉ có ánh trăng. Một ánh trăng trong veo như nước lọc, theo thơ vua Trần:

Dạ quang như thủy khát cầm sầu. (Tảo mai)

Ánh đêm như nước khiến chim khát (nước) buồn rầu (Hoa mai sớm )

Ngôn ngữ thiên nhiên loại trừ mọi giao tiếp giữa người với người theo định nghĩa và từ nguyên tắc. Chỉ có một mảnh tình riêng ta với ta. Trần Nhân Tông và Vương Ma Cật gần gụi đấy nhưng cũng xa cách đấy, tuy rằng cả hai đều thành công trong cố gắng phản ảnh khách quan vẻ đẹp phong cảnh thiên nhiên.

Trong bài Tảo mai, vua Trần lại dùng hoán dụ vay mượn từ thế giới loài cây, loài vật và cả loài người để mô tả trăng xuân:

Hằng Nga nhược thức hoa giai xứ, Quế lãnh thiềm hàn chỉ má hưu! (Hằng Nga mà biết được vẻ thanh nhã của hoa, Thì có ưa gì cây quế nơi cung thiềm lạnh lẽo)

Những hoán dụ đó là thiềm thừ, nguyệt quế và Hằng Nga, các sinh vật sống trong cung Quảng. Nhất là cây quế, nó xuất hiện khá nhiều lần trong thơ Lý Trần mô tả trăng, chứ chẳng riêng gì trong thơ Trần Nhân Tông. Nguyễn Sưởng còn có nguyên cả một bài Nguyệt trung quế (Cây quế trong trăng). Nhưng cây quế và chú cóc, nếu là những biểu tượng của mặt trăng theo huyền thoại truyền thuyết thì đó cũng là những loài cây loài vật quen thuộc của thực vật chí và động vật chí Việt nam. Thi sĩ gia độ thi vị cho bài thơ qua xoá nhoà ranh giới giữa hiện thực và ảo tưởng. Bóng ảnh cây quế, dáng hình chú cóc huyền hoặc trên vành trăng ráp ghép vào gốc cành cây quế thực vật, gắn bó với điệu ngồi loài cóc sinh học nơi mặt đất. Huống chi thiềm cung là điển tích quen thuộc để chỉ vành trăng, và không chỉ riêng trong thi ca Lý-Trần:

Thiềm cung bóng đã tà tà, Khuyên rằng mau trở lại nhà với con. (Trinh thử)

hoặc:

Chim về xao xác lá cây, Rừng đông đã thấy tròn xoay bóng thiềm.

(Mai đình mộng ký)

Mặt khác, Hằng Nga vốn là một mỹ nhân, một nàng tiên. Vua Trần Nhân Tông tạo ra một tình huống so sánh ghen tương gián tiếp giữa người đẹp cung trăng và hoa mai trần tục, cả hai dường như muốn tranh đua nhau về vẻ đẹp vật chất và tinh thần qua dáng tiên và cánh hoa. Từ đó, Hằng Nga không còn là người tiên của thượng giới, Hằng Nga trở thành một phụ nữ của trần gian, cũng biết ghét bỏ, ganh tị. Dường như bà vợ Hậu Nghệ hối hận vì sự lầm lẫn của mình đã lấy trộm thuốc tiên của Tây Vương Mẫu để rồi phải bay lên cung trăng sống cùng cây quế chú cóc. Cứ mỗi độ xuân về nơi trần thế thì hoa mai lại nở, Hằng Nga đâu có được diễm phúc thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa! Đưa Hằng Nga trở về mặt đất, gán cho nàng hình hài tính nết một phụ nữ nhân gian, thi sĩ phác hoạ nên một hình ảnh pha trộn hiện thực với ảo huyền. Hai câu thơ thật ra không nhắm mô tả chính mặt trăng, mà qua thủ pháp cách điệu của tâm hồn thi sĩ, Hằng Nga quay lại cõi trần để trở thành một thiếu phụ thưởng mai. Nhưng do gốc nguồn huyền thoại, nàng vẫn mang trọn vẹn hào quang thần bí.

Thật ra vua Trần Nhân Tông cũng thể hiện những biểu cảm phức tạp của thế giới nội tâm thông qua cảnh trăng sáng mùa thu, như trong bài

Nguyệt Bán song đăng ảnh mãn sàng thư, Lộ trích thu đình dạ khí hư. Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ, Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

Trăng Đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường, Móc rơi trên sân thu, khí đêm hư. Tỉnh giấc không biết tiếng chày ở nơi nao, Trên chùm hoa mộc trăng vừa mọc

Bài thơ có những ý thơ quen thuộc như thụy khởi, châm thanh. Tuy nhiên nó cũng có những nét mới mẻ. Phong cảnh trăng sáng thuộc về đất trời, nhưng nó phản ảnh vào tâm cảm nhạy bén. Chúng ta có những cảm giác chủ quan, những cảm tưởng thoáng qua; nhưng không phải vì vậy mà sự cảm nhận và mô tả sơ sài, nông cạn. Trái lại chúng ta thấy có sự tham gia của thị giác (ánh đèn, sáng trăng), của thính giác (tiếng giọt sương rơi, tiếng chày nện vải), khứu giác (hương thơm của hoa mộc), và có lẽ cả xúc giác (khí đêm hư). Dạ khí hư chắc đã được cảm nhận khi áp suất không khí trên làn da không còn ở mức bình thường, khi hiệu ứng Torricelli giảm thiểu. Ánh sáng, màu sắc, đường nét chấm phá, cảm xúc tinh tế được nghệ sĩ dồn sức biểu đạt thành những ấn tượng mạnh mẽ và trực cảm về đối tượng mô tả là cảnh trăng, về khoảnh khắc tâm cảnh là tấc lòng xúc động. Dường như nhà vua có thiên hướng chấp nhận rằng cái giá trị hiện thực duy nhất tuy chỉ là thoáng qua, không dễ nắm bắt được, nhưng có thể nhờ hệ

thần kinh cảm giác diễn đạt; để qua đó tự phác hoạ chân dung thành một kiểu mẫu con người giải bày suy ngẫm về nhân sinh từ một cái tôi tự phát hầu như vô thức.

Bây giờ xin trở lại điểm xuất phát. Nói chung, qua những bài thơ mô tả trăng mùa xuân, Trần Nhân Tông có thiên hướng mượn trăng làm yếu tố tạo hình hoạ cảnh cho không-thời-gian thi vị. Trong cảnh trăng xuân đó, nhà vua thưởng thức ánh nguyệt một mình. Tuy nhiên ánh trăng xuân trên quê hương Việt nam không lạnh như trong thơ Đường và cũng không tĩnh như trong thơ Đường. Mặt trăng mùa xuân di chuyển, ánh trăng mùa xuân sáng ấm (nguyệt thượng kiều, nguyệt như trù). Và cảnh trăng vừa có đường nét, màu sắc, vừa có hương thơm, âm thanh. Âm thanh, đường nét, màu sắc, hương thơm cùng nhau góp phần tạo sức lôi cuốn cho quá trình biểu hiện tình cảm của thi phẩm. 

Nhà thơ sắp đặt, kết hợp các yếu tố ngoại văn học qua trật tự riêng tây, nhờ tài năng cá nhân và sáng tạo ra những thi phẩm chúng không còn là màu sắc, đường nét, âm thanh, hương hoa mà chỉ còn là sự sống, là nỗi lòng làm rung động giới thưởng ngoạn. Các bài thơ về trăng xuân của Trần Nhân Tông không đi sâu vào lĩnh vực nhân sinh triết học. Thơ nhà vua trữ tình chứ không suy lý. Vành trăng mùa xuân xuất hiện là để nói thay con người, bằng ngôn ngữ thiên nhiên xây dựng trên ngôn ngữ nhân loại. Ngôn ngữ thiên nhiên được hồn thơ vận dụng một mặt để giao tiếp với nội tâm của mình, mặt khác để ký thác thông tin gửi cho người khác.

Trăng xuân trong thơ Trần Nhân Tông không yếu đuối bi luỵ. Và nhà thơ thưởng trăng xuân tuy chỉ một mình nhưng không cô quạnh đơn độc.

1 Trong thơ Lý Thương Ẩn, trăng rất hay được gọi là Hằng nga hoặc Thường nga. Có thể kể thêm các bài Thu nguyệt (Trăng thu), Nguyệt tịch (Chiều trăng), Sương nguyệt (Trăng trong sương), Miệt (Bít tất), Hằng nga (Hằng nga) v.v..

2 Truyện Kiều mô tả vị trí, độ sáng, sắc màu của trăng rất chính xác, tùy theo đêm mới bắt đầu hay đêm sắp tàn. Khi vầng dương gác núi thì Gương Nga chênh chếch dòm song. Khi nửa đêm thì Vầng trăng vằng vặc giữa trời. Khi bình minh xuất hiện thì Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân

Trần Văn Tích



Có phản hồi đến “Trăng Xuân Trong Thơ Trần Nhân Tông”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com