Là phật tử, hình như ai cũng có ước mơ một lần hành hương về xứ Phật. Đất Phật bao gồm khu vực thuộc một phần Nepal và một phần Ấn Độ, nhưng đối với Phật giáo, Ấn Độ - nơi có Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) là địa điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích ca mâu ni (Shakyamuni).

Tương truyền, Thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật) chọn Bodhgaya làm nơi tu tập trong 6 năm, từ đó nhận ra rằng lối tu khổ hạnh chưa phải là cứu cánh giải thoát cho chúng sinh. Sau khi thiền định 49 ngày dưới cội cây bồ đề, Đức Phật đã giác ngộ. Bodhgaya chính là nơi chứng ngộ của Đức Phật, vì thế trở thành phật tích rất quan trọng. Vào năm 2002, ngôi đền Mahabodhi (Đại giác ngộ tự) ở Bodhgaya đã trở thành di sản thế giới.

“Trái tim” Phật giáo

Ngày nay, Bodhgaya thuộc quận Gaya, bang Bihar. Từ các thành phố lớn của Ấn Độ như Mumbai, New Dehli đều có đường bay nội địa đến sân bay Patna (thuộc TP.Patna, bang Bihar), từ đây vượt khoảng 100km nữa mới đến Bodhgaya. Bihar là bang nghèo nhất của Ấn Độ, dân chủ yếu sống vào nông nghiệp. Ra khỏi TP.Patna, càng tiến về quận Gaya đường sá càng xấu, xe chỉ có thể bò chầm chậm qua những con đường gồ ghề, xóc nảy. Dọc đường, thỉnh thoảng vẫn thấy những chiếc xe đò “cõng” đặc nghẹt người lẫn súc vật. Hành khách đu đeo bám đầy bên hông và phía sau xe, thậm chí ngồi kín cả nóc xe - hình ảnh quen thuộc của xe đò Việt Nam thập niên 70-80 thế kỷ trước. Càng đi sâu vào khu vực nông thôn càng xuất hiện nhiều ngôi nhà lụp xụp tường bằng đất trộn rơm, trên vách tường trát đầy những bánh phân bò trộn rơm bốc mùi ngai ngái. Đã hơn 2.600 năm kể từ khi Đức Phật giác ngộ tại Bodhgaya, nhưng thời gian dường như trôi qua rất chậm ở nơi này.

Từ xa, ngôi đền Mahabodhi vươn lên hùng vĩ giữa những cánh đồng bạc màu của Bodhgaya. Ở cổng đền, người dân địa phương bán đầy các loại hoa cho người hành hương dâng cúng Phật, trong đó có cả hoa dâm bụt (bông bụp) đỏ tươi. Muốn vào chiêm bái, tất cả du khách đều phải bỏ dép bên ngoài để tỏ lòng thành kính, đồng thời bảo vệ di tích.

Nhìn gần, Mahabodhi càng vĩ đại với những bức tường xây dựng bằng đá, trong đó ngôi tháp chính (shikhara) cao nhất, khoảng 52m, trên đỉnh tháp hình chóp nhọn có thờ xá lợi Phật, trong tháp có tượng Phật Thích ca hàng ngàn năm tuổi rất lớn. Bốn mặt của tháp đều có những tầng tháp nhỏ và nhiều hốc tường đặt tượng Phật được khắc chạm rất tinh xảo. Nghe nói, tất cả tượng Phật ở đây đều bằng vàng, nhưng nhìn xung quanh không thấy có lực lượng bảo vệ ở đâu cả. So với cách bảo vệ tượng Phật vàng trên vách núi ở Thái Lan huy động cả lực lượng quân đội trấn giữ, di tích ở đây bảo vệ khá lỏng lẻo, chẳng lẽ vì tính thiêng của di tích nên trộm đạo đều buông tay?

Theo tài liệu ghi chép về lịch sử của Bodhgaya, vào năm 250 trước Công nguyên, hoàng đế Asoka của triều đại Maurya đã dựng một ngôi đền kỷ niệm việc Đức Phật đạt giác ngộ ở Bodhgaya, đó chính là tiền thân của ngôi đền hiện nay (đã bị phá hủy). Đến thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, một công trình kiến trúc khác đã được dựng lại ngay tại địa điểm nói trên và sau đó được trùng tu nhiều lần. Nơi đây trở thành “trái tim” của văn hóa Phật giáo trong suốt hàng chục thế kỷ. Nhà sư Huyền Trang - nhân vật Tam Tạng trong tác phẩm Tây du ký nổi tiếng của Ngô Thừa Ân, trên đường đi thỉnh kinh đã từng đặt chân đến đây vào thế kỷ 7 và có những ghi chép, miêu tả rất chi tiết về đền Mahabodhi, về cơ bản không khác gì với ngôi đền hiện nay.

Mỗi ngày, ước tính có khoảng trên 1 ngàn du khách, người hành hương, tăng lữ đến chiêm bái, học tập tại Mahabodhi, nhưng cả khu vực rộng lớn mênh mông nơi đây không hề vương sự ồn ào thế tục. Bước đến thánh địa Phật giáo, tất cả đều tự giác “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” như sợ phá vỡ không khí trang nghiêm, thành kính hàng ngàn năm nơi đất Phật. Có rất nhiều tăng lữ dù thuộc các trường phái tu tập khác nhau cũng tìm về nguồn cội, những chiếc tăng y màu vàng, nâu, đỏ, lam của các phái Nam tông (Theravada), Bắc tông (Mahayana), Mật tông Tây Tạng (Varayjana), Tịnh Độ tông (Pure land), Thiền tông (Dhyana)… xen lẫn bên nhau. Ở Mahabodhi rất thường thấy hình ảnh tăng lữ, người hành hương thực hành nghi lễ “tam bộ nhất bái” (đi ba bước thì quỳ lạy một lần) với vẻ mặt sùng kính.


Dưới cội bồ đề

Một trong những thánh tích quan trọng của Phật giáo tại Bodhgaya là cây bồ đề nơi Đức Phật ngồi thiền suốt 49 ngày và giác ngộ, nằm ở phía Đông đền Mahabodhi. Theo tư liệu, suốt thời kỳ đầu hưng thịnh của Phật giáo, cây bồ đề này đã được chiết nhánh tặng cho nhiều nơi, trong đó một cành được đem đến Anuradhapura ở Sri Lanka vào năm 242. Khi cây bồ đề ở Bodhgaya chết vào khoảng thế kỷ 10, một cành chiết từ cây bồ đề ở Sri Lanka được mang trở về Bodhgaya và trồng tại nơi cũ. Năm 1876, cây bồ đề này bị bão làm gãy đổ, một nhánh con của cây tiếp tục mọc lên. Tính ra, cây bồ đề này thuộc hàng “cháu” của cây gốc nhưng tính thiêng không hề giảm sút và được bảo vệ nghiêm ngặt, có hàng rào bảo vệ để ngăn chặn mọi sự phá hoại.

Trong tâm thế các tăng lữ, phật tử, người hành hương, cây bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ có tính thiêng đặc biệt. Quanh năm, xung quanh cội bồ đề luôn có hàng trăm người đủ sắc tộc, màu da ngồi thiền định. Một số khác bước quanh gốc cây thực hành đại pháp, đó là vái ba vái rồi đi thong thả vòng quanh cây đủ 18 vòng - tượng trưng cho 18 vòng giác ngộ của Đức Phật, trong đầu không suy nghĩ, không tạp niệm, không nói chuyện, hết 18 vòng lại vái ba vái nơi gốc bồ đề và khấn lời mình mong muốn.

Bốn thánh tích quan trọng của Phật giáo, gồm: Bodhgaya thuộc Ấn Độ, nơi Đức Phật đắc đạo; vườn hoa Lâm Tỳ Ni (Lumbini Nava), thuộc Nepal, nơi Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama) đản sanh; vườn Lộc Uyển (Migadaya), thuộc bang Utta Pradesh, Ấn Độ, nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên; Kusinagara, thuộc Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Đặc biệt, những chiếc lá của cây bồ đề thiêng luôn được các vị sư sãi, phật tử, khách thập phương trân trọng. Cây thiêng, không ai dám “vin cây, bẻ cành, hái lá”, vì vậy mỗi chiếc lá rụng xuống đều được mọi người nhặt lên, giữ gìn, nâng niu. Ở các quầy hàng lưu niệm tại Bodhgaya đều có bán những chiếc lá bồ đề ép khô, được giới thiệu là lá của cây bồ đề thiêng, nhưng “chính chủ” hay không thì có trời mới biết. Khi biết tôi đi Bodhgaya, nhiều bạn bè, người quen cũng khẩn khoản nhờ mang về vài chiếc lá bồ đề thiêng. Tôi cũng đã ngồi dưới gốc cây bồ đề chờ từng cơn gió đến mong nhặt được lá, may sao một vị sư già mang đến tặng cho tôi mấy chục lá dù tôi và ông là người xa lạ không hề quen biết, ra dấu là ông nhặt trong lúc quét sân buổi sáng. Gương mặt của vị sư già hiền hậu, vô ưu và thoát tục làm sao.

Cách đền Mahabodhi vài cây số là đền thờ nàng Sujata. Tương truyền, khi Đức Phật sắp gục ngã vì tu khổ hạnh, nàng Sujata là một mục đồng đã dâng cho Ngài bát sữa, nhờ vậy Đức Phật đã nhận ra cách tu khổ hạnh ép xác khó thành tựu. Nàng Sujata sau đó được người dân thờ phụng, lấy tên nàng đặt cho ngôi làng. Ngày nay, đền thờ nàng đã trở thành phế tích, chỉ còn một ngôi miếu nhỏ xơ xác. Dân làng đang vận động khách thập phương đóng góp trùng tu, nhưng con số thu được rất ít.

(Theo Báo Đồng Nai)



Có phản hồi đến “Về Thăm Những Ngôi Chùa "Liên Hiệp Quốc" Trên Đất Phật”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com