Xin mượn câu thơ trong bài thơ "Nhớ Huế" của Trần Mạnh Hảo để đặt tựa đề cho bài viết về Huế. Một câu thơ thoang thoảng thiền, một câu thơ rất Huế, một câu thơ nhắc nhớ ai đó nên sống trầm và chậm lại trong cái ngõ tạm xôn xao danh lợi này.

Lặng nghe tiếng không

Từ đầu thế kỷ trước, một nhà nghiên cứu người Pháp ghi rằng "Hué, la Capitale du Buddhisme" (Huế, kinh đô Phật giáo). Không ngạc nhiên gì về nhận định này, bởi vì Huế có nhiều yếu tố làm nên một trung tâm Phật giáo. Huế có những dòng thiền nổi tiếng như thiền phái Lâm Tế - Liễu Quán, nhiều danh tăng góp phần vào sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, Huế có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ, đi đâu cũng thấy chùa. Với người Huế, chùa rất gần gũi, chùa không chỉ là nơi cử hành những nghi thức tôn giáo, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của một vùng đất. Mỗi ngôi chùa là một không gian văn hóa Huế, có ảnh hưởng sâu sắc đến từng Phật tử và có sức lan tỏa đến cộng đồng.

Đa số chùa của Huế ẩn mình những nơi vắng vẻ hoang sơ, ngày nay do phát triển đô thị nên nhiều ngôi chùa bỗng dưng về phố. Chỉ có điều, cái công phu thâm hậu bên trong chùa không vì thế mà mai một. Vào chùa Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, người biết chữ Hán không thể bỏ qua được câu đối: "Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy. Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn" (Tiếng mõ vang dài, trước cửa không ngừng dòng suối biếc. Pháp thân một lối, trong phòng cứ vậy ngắm non xanh). Tiếng mõ vang cùng tiếng róc rách bất tận của dòng suối như một bản hòa âm của con người với thiên nhiên. Con người và thiên nhiên hòa nhập làm một, không còn phân biệt đâu là tiếng mõ, đâu là tiếng nước. Một câu đối đậm đặc vị thiền như vậy, ít ra cũng giúp người bước đến thiền môn tìm được chút bình an cho tâm hồn.

Nghe tiếng suối róc rách là thiền, nhưng không nghe suối róc rách cũng là thiền, cảnh giới nào cũng cao thăm thẳm. Chùa làng La Chữ có câu đối: "Viễn quan sơn hữu sắc. Cận thính thủy vô thanh" (Từ xa nhìn thấy núi lắm màu sắc. Gần dòng nước không nghe thấy tiếng nước chảy). Đứng từ xa núi có sắc tướng nhưng chưa chắc đó là hình tướng thật của núi. Mặc dù cạnh dòng nước nhưng không hẳn đã nghe tiếng nước chảy. Nghe được tiếng nước không phải là nghe tiếng róc rách, mà nghe được sự im lặng của nước. Chỉ mười chữ chữ thôi nhưng thâm hậu vô cùng, suy niệm mãi không thấu hết thiền đạo.

Chùa Từ Hiếu được biết đến như một danh lam thắng cảnh của Huế, trong chùa có nhiều câu đối, nhưng nhiều người có ấn tượng sâu sắc với câu "Di hiếu vi trung, đắc kỳ môn nhi nhập. Duyên từ ngộ thoát, vu bỉ ngạn tiêu đăng" (Lấy chữ hiếu làm trung vào cửa Phật. Theo lòng từ ngộ đạo vượt bến mê). Đi chùa, được nhắc nhủ về chữ hiếu. Ai không giữ đạo hiếu không có đường để vào cửa Phật. Ai không từ tâm thì suốt đời cứ ở bến mê. Pháp thâm sâu nhưng diễn đạt đơn giản, dễ hiểu, không có gì cao siêu ghê gớm, chỉ với tấm lòng thành tất sẽ ngộ, không cần phải nhắm nghiền mắt miệng tụng tâm suy nhiều năm mới thành.

Đến Huyền Không Sơn Thượng như lạc vào chốn hạc nội mây ngàn, cửa chùa toang mở bày ra những gốc cây cội đá. Trên mỗi lối đi, hay góc nhỏ trong không gian văn hóa Huyền Không, ở đâu cũng có thể vãn cảnh để ngắm nhìn lại mình. Lạ nữa, Huyền Không Sơn Thượng còn có cả một không gian thơ. Người Huế yêu thơ, kể cả người bỏ lại đằng sau bụi trần cũng vấn vương bụi thơ như Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Có điều, thơ của thầy là pháp: "Có khi/ Tâm đá thốt lời/ Có khi hồn cỏ/ Dạo chơi thung thiền/Cũng là thơ/Cũng là thiền/Sương treo công án/Một miền lá xanh" (Công án lá xanh)

Đá có tâm, cỏ có hồn. Nghe được lời của đá cũng công phu thượng thừa như nghe sự im lặng của nước. Hồn cỏ dạo chơi thung thiền hay con người hòa vào vũ trụ, đó là công án mà mỗi người tự tìm lời giải. "Làm sao em biết bia đá không đau" (Diễm xưa), "Đời ta có khi tựa lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do (Đêm thấy ta là thác đổ), Trịnh Công Sơn từng giải mã "công án lá xanh" như vậy.

Xôn xao tiếng người

Người Huế sùng đạo Phật như Phật tử muôn phương, nhưng lại có lề thói rất riêng của Huế, có thể tạm gọi là văn hóa Phật giáo Huế và triết lý sống của người Huế. Những ngày lễ, nhiều nơi đi chùa như đi hội chợ, ồn ào đông đúc, còn người Huế đi chùa thong dong, tĩnh tại, thing lặng, "tiếng chuông chùa đi bộ. Tay ai còn vân vê". Tiếng chuông chậm rãi, giữ nhịp cho con người chuẩn bị một tâm thế tự tại, thoát dần khỏi sự loạn động để tự dắt mình vào cửa Phật. Người đi chùa không phải bao giờ cũng để thiền định hay tụng kinh gõ mõ, mà chỉ cần tĩnh tâm, như thế đã là quá đủ. Cũng có nhiều người đi chùa chỉ để vãn cảnh, tranh thủ tránh xa sự ồn ào mệt mỏi của chợ đời trong chốc lát. Họ đi đến với không gian chùa, không phải đi lễ chùa, họ có thể là Phật tử, cũng có thể là không. Người Huế gắn đời sống mình với đời sống tôn giáo rất tự nhiên và bằng tất cả tấm lòng thành. Nếu có cầu xin cùng Phật, chỉ trọng cầu an, không nặng cầu may.

Phụ nữ Huế mặc áo dài đi chùa, kín đáo, nghiêm cẩn. Thiện nam, tín nữ giữ gìn cốt cách con nhà Phật, đi đứng nói năng lễ độ. Trước khi đi lễ chùa, giữ mình thanh sạch thể chất và tinh thần. Không ai đến chùa mà chen lấn, tranh nhau cúng vái, giành nhau cầu xin được giàu sang phú quý. Không ai đến chùa mà ăn mặc hở hang, nói năng to tiếng. Thời tao loạn về pháp, khắp nơi sặc mùi mê tín buôn thần bán thánh, Huế còn lưu giữ được sự tôn nghiêm, nhưng có lẽ không được như xưa.

Người Huế vất vả chống chọi với nhiều phong cách lễ hội nặng nề hình thức xâm thực vào đời sống văn hóa Huế, trong đó có không gian văn hóa Phật giáo. Để giữ được sự tĩnh lặng cho ngôi chùa thật khó khi chính lòng người xôn xao. Ai cũng vội vã, ai cũng mất bình tĩnh, ai cũng bất an ở trong lòng, đến thiền môn mà "lòng trần còn tơ vương khanh tướng" thì nhầm cửa mất rồi. Tiếng chuông chùa đi bộ nhưng con người tất bật trong trào lưu sống mau sống vội thì cho dù có tụng hết kinh kệ tâm vẫn loạn động. Đâu đó ở một số ngôi chùa của Huế, cái loạn động bên ngoài đã vọng đến cửa thiền.

Người Huế thường chọn ngôi chùa thân quen làm địa chỉ xuất hành đầu năm, đến dâng hương lên bàn thờ Phật cầu mong một năm mới bình an, cầu xin cho đất nước thái hòa, mùa màng tốt tươi. Đầu xuân lễ chùa tất nhiên ai cũng muốn ăn mặc đẹp, nhưng trang phục phải trang trọng, lời nói cử chỉ phải khiêm cung. Những giờ khắc đầu năm thiêng liêng, ở nơi cửa Phật càng có ý nghĩa, cho nên cần có sự cung kính với Phật và tôn nghiêm với trời đất. Nhưng gần đây, hình như không ít người bắt chước "văn hóa nơi khác", đến chùa với mâm cao cỗ đầy, biến Phật thành ông thần tài để xin tài lộc, biến không gian chùa thành chợ mua bán - mua bán tâm linh, mua bán thánh thần, "đi chùa như rứa là không phải Huế".

Cố đô Huế từng được đánh giá là kinh đô Phật giáo và có nền văn hóa Phật giáo được xây dựng lâu đời, nhưng liệu nền văn hóa đó có được giữ gìn và phát huy xứng đáng với những giá trị như Huế từng có, câu trả lời dành cho mỗi người Huế hôm nay. Xin được kết thúc bài viết với bài "Dặm không" của Minh Đức Triều Tâm Ảnh: "Mải mê/ Giữa chốn chợ chiều/ Vai đau, tóc lấm/ Đã nhiều gian truân/ Ta bèn/ Rũ áo, phủi chân/ Dặm không đủng đỉnh/ Chiếc thân nhẹ hều"...

(Theo Lao Động)



Có phản hồi đến “Tiếng Chuông Chùa Xứ Huế ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com