Nhân dân Việt Nam từ ngàn xưa vốn có truyền thống yêu nước thương nòi, có nền văn minh lúa nước; lấy đạo đức, hiếu nghĩa làm nền tảng luân lý. Ðạo Phật được truyền vào Việt Nam với tinh thần Từ bi sẵn có, cộng với lẽ sống Trung đạo đã mang đến cho người dân một nếp sốâng mới, nếp sống thuần từ, đức hạnh. Và cũng từ yếu tố này mà đạo Phật nghiễm nhiên cắm rễ sâu bền trong tâm hồn người Việt, đặt biệt là hình ảnh ngôi chùa – biểu tượng gần gũi nhất với văn hóa Việt Nam.

“Dù ăn đâu làm đâu,

Thấy chùa Bút Tháp, nương dâu thì về”

(Ca dao)

Mái chùa trong lòng người Việt đã trở nên thân thương, quen thuộc. Hình ảnh ấy đã đi vào câu hò, điệu lý, tục ngữ, ca dao... nhắn nhủ những người con tha phương nhớ về quê hương đất tổ. Mái chùa gợi lên tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, bởi lẽ, nó không chỉ là “chùa chung” của cả dân làng (đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt) mà nơi đó còn tượng trưng cho hồn dân tộc, gắn bó, un đúc tô bồi nếp sống của tổ tông thông qua kinh điển, tượng Phật, nếp sống phạm hạnh của chư Tăng.

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung,

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

(Huyền Không)

Ngôi chùa đối với người dân Việt Nam rất gần gũi, gần gũi đến độ mà người ta không thể nào quên được. Những đêm trăng đến viếng chùa, được tận hưởng khung cảnh đẹp thiền vị, được buông xả những tục lụy, phiền muộn của cuộc sống bình thường, chúng ta như thật sự sống lại với sự yên tịnh thường hằng cuûa tâm thức.

“Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,

Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi”

Vâng, chỉ thanh đạm thế và âm thầm thế, nhưng mà sao có sức hút, lay chuyển lạ kỳ. Nói đến ngôi chùa, ngoài cây cổ thụ Bồ-đềà tán lá rộng cho đến mái chùa cong, cổng tam quan cổ kính, người ta không sao quên được tiếng chuông. Nếu như ruộng đồng, nương rẫy là đời sống vật chất của người dân quê, thì ngôi chùa là đời sống tín ngưỡng tinh thần cao quý nhaát. Trong đó tiếng chuông như một mốc thời gian giúp cho người dân sinh hoạt một cách nhịp nhàng.

“Chuông chùa vượt núi len sông,

Vào làng thức tỉnh dân nông ra đồng”.

Mỗi khi con người đang say sưa trong dục lạc trần thế, trằn trọc với lợi danh thì tiếng chuông chùa cảnh tỉnh những ai còn trong vòng tục lụy trầm luân.

“Trăng lặn sáng sau khi trời mới tạnh,

Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa,

Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng,

Thử hỏi hoàn ai đã tỉnh chưa?”

(HT. Mật Thể)

Và khi gột rửa tham, sân, si bởi tiếng chuông chùa, người ta nhận ra mình nhỏ bé, mỏng manh giữa cuộc đời hư ảo.

Nghe tiếng chuông ngân chốn Phật đường,

Lòng con lắng nhẹ mối sầu vương,

Khoùi mờ phảng phất hương trầm quyện

In bóng hoa đàm tỏa ngát hương”

(Ngọc Lam Huyền)

Ðến chùa, được quỳ dưới Phật đài, chiêm ngưỡng tôn nhan đức Phật, nghe lời tụng kinh ngọt ngào du dương quyện với khói trầm hương nghi ngút, lòng người lắng dịu bao phiền não lo toan. Mái chùa chính là quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt. Mái chùa che chở cho dân tộc Việt trong những thời kỳ đen tối của lịch sử, che chở cho những người con anh hùng trong những cuộc xâm lăng. Hôm nay và mãi mãi về sau, mái chùa là nơi bao bọc ấp ủ bao tình thương, đức hạnh, trí tuệ của mọi người.

 Nhuận Huệ



Có phản hồi đến “Mái Chùa Trong Lòng Dân Tộc Việt Nam”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com