Một ngày cuối Đông 2015, những Phật tử thuần thành với đạo Phật có chuyến hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều, Quảng Ninh. Nằm trên dãy núi Yên Tử, gắn liền quá trình tu luyện, giảng pháp, độ tăng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, am Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện, hoá Phật của Ngài.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh dẫn đoàn chúng tôi hành hương lên am - chùa Ngọa Vân. Vừa đi, Thượng tọa vừa giải thích về vị trí địa lý của vòng cung Đông Triều - Yên Tử. “Trước đây, khi nói đến Yên Tử, các cụ thường dùng chữ “Yên Tử sơn”, có nghĩa là một dãy núi. Như vậy khái niệm “Yên Tử” ngày xưa, bao gồm và gần như là trùng khớp với khái niệm là vòng cung Đông Triều, khu vực từ Uông Bí đến Chí Linh. Đó là khái niệm giữa địa lý cổ và địa lý hiện đại. Đầu thế kỷ 14, Ngọa Vân đã thành một quần thể chùa am tháp của Thiền phái Trúc Lâm. Và đây chính là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm”, Thượng tọa khẳng định.

Nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Anh, người đầu tiên tiến hành nghiên cứu tại khu vực này vào năm 2009 cho biết, quá trình khảo cổ, đoàn tìm được mặt bằng của 2 tòa bảo điện mà các thiền sư đã xây dựng từ thời Lê. Lúc đó, Ngọa Vân được xây dựng rất lớn, với tổng cộng 25 công trình. Trong đó, có 2 tòa bảo điện và bảo tháp.



Sử sách kể lại rằng: Am Ngọa Vân có từ thời Trần, Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành ở khu vực Yên Tử và năm 1307, Ngài dời về đây lập am để tu thiền. Năm 1308, sau khi về Kinh đô Thăng Long thăm chị gái, Ngài đã chọn nơi này và hóa Phật tại am Ngọa Vân. Theo tương truyền, khi đó Ngài ngồi trên một tảng đá gọi là đá Niết Bàn.

“Sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn ngày 1/1/1308, các đệ tử của Ngài tiến hành hỏa thiêu. Theo ghi chép là thu được hơn 3.000 viên xá lỵ khác nhau, trong đó có một số viên xá lỵ được đệ tử Pháp Loa xây một tòa bảo tháp gọi là Phật Hoàng tháp để lưu giữ một phần xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Số còn lại, ông đưa về Kinh đô Thăng Long, lưu trữ tạm quản tại một bảo tháp trong một ngôi chùa nổi tiếng của Hoàng gia trong Cấm thành Thăng Long, đó là chùa Tư Phúc. Và sau đó, xá lị được chia ra lưu trữ ở nhiều nơi. Trong đó, có một phần ở Đức Lăng, khu vực Tam Đường, Thái Bình. Một phần đưa về tôn trí ở tháp Phổ Minh. Một phần được tôn trí ở tháp Báo Thiên, bên bờ hồ Hoàn Kiếm ngày nay. Và sau đó Pháp Loa cho xây 2 tòa bảo tháp ở chùa Quỳnh Lâm lưu giữ ở đấy, một phần tôn trí ở vườn tháp chùa Hoa Yên, Yên Tử”, Thượng tọa kể lại.

Đây là khu di tích quan trọng bậc nhất của vùng Đông Bắc, nơi ghi dấu những bước chân, bóng hình của Trúc Lâm Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông và cũng là cõi linh thiêng nơi Ngài hoá Phật.

Hiện nay, tại cụm di tích Ngọa Vân còn lại 2 tòa tháp. Một tòa là Phật Hoàng tháp, còn tòa thứ 2 là Đoan Nghiêm tháp.

Khu vực Ngọa Vân bao gồm 6 cụm di tích, phân bố dọc từ phía Đông đến khu vực trung tâm sườn phía Nam của núi Ngọa Vân.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cụm di tích am - chùa Ngọa Vân đã xuống cấp, hoang phế. Bằng nguồn vốn xã hội hóa, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh và UBND thị xã Đông Triều đã tập trung công tác trùng tu, tôn tạo cụm di tích Ngọa Vân với số kinh phí ban đầu trên 90 tỷ đồng, chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ “Nhất”.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết và ông Nguyễn Văn Học - Bí thư Thị ủy Đông Triều trong buổi lễ đúc tượng Phật Hoàng. Ảnh: Trà Vân

“Đây là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm, gắn liền với cái nôi đào tạo Phật giáo đầu tiên của đất nước (chùa Quỳnh Lâm), Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực để trùng tu di tích Ngọa Vân xứng tầm với Yên Tử”, Thượng tọa nói.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, quan tâm nhất của chúng tôi hiện nay, là làm sao phải bảo tồn song song với việc phát triển và phát huy được giá trị khu di tích. Hiện, chúng tôi đang tiến hành triển khai các công việc: Khoanh vùng bảo vệ khu di tích; tiếp tục điều tra, khảo sát để làm rõ thêm các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích.

Chia tay Ngọa Vân khi trời đã sẩm tối. Đoàn chúng tôi dự khóa lễ cầu an tại chùa Ngọa Vân vừa được khánh thành do Thượng tọa làm chủ lễ. Mọi người cầu mong năm mới quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, muôn dân hạnh phúc. Ngoài kia, trời lất phất mưa, những mầm cây đang thay áo mới, chuẩn bị đón Xuân về.

Tuyến đường nối từ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử - Ngọa Vân đã hoàn thành. “Đây là tiềm năng và động lực để thị xã Đông Triều đưa vào khai thác, phát triển dịch vụ du lịch văn hoá - tâm linh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình "Kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững"”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều Trần Văn Vinh chia sẻ.

(Theo Thanh Tra)



Có phản hồi đến “Về Nơi Vua Hóa Phật Tại Đông Triều - Yên Tử”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com