Có thể nói Từ Hiếu là ngôi chùa khá đặc biệt ở Cố đô Huế, chùa được xây dựng nhờ vào sự cảm hóa tấm lòng hiếu thảo của một vị Tổ sư đối với mẹ mình.

Ngôi chùa Từ Hiếu nằm ở cánh rừng rộng lớn, xanh ngắt màu lá cây thông thuộc vùng núi Dương Xuân (thôn Dương Xuân Thượng III, phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Chùa cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây Nam, du khách có thể dễ dàng đến viếng chùa bằng nhiều phương tiện giao thông. Sau vài mươi phút chạy trên con đường một chiều Điện Biên Phủ, vượt qua các con đường dốc, du khách sẽ đến được với ngôi cổ tự nổi tiếng nhất Huế này.

Cảm thấy được thư giãn, tâm hồn thư thái và yên tĩnh là cảm giác đầu tiên mà du khách có thể cảm nhận được khi bước chân vào Cánh cổng Tam quan của ngôi chùa lịch sử.
Ít ai biết rằng, chùa Từ Hiếu trước đây (năm 1842) là một thảo am nhỏ (am An Dưỡng) do Tổ sư Nhất Định Huý Tánh Thiên (1784-1847) sáng lập nên.

Để rồi sau đó, vua Tự Đức biết được câu chuyện đầy nước mắt của Hoà thượng Nhất Định mà cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của ông nên cho xây ngôi chùa Từ Hiếu. Đó là mẹ ông bị bệnh nặng cần phải có thịt cá để tẩm bổ cho mẹ. Thế nhưng, thân là một nhà sư lại ở trong chùa mà đi mua cá ắt sẽ bị thiên hạ đàm tiếu. Mặc kệ họ, ông đã vượt qua nỗi khổ tâm đó mà chống thiền trượng đi mua cá để mong mẹ đỡ bệnh.

Hẳn vậy cho nên người ta thường tò mò vì sao ngôi chùa này lại mang tên “Từ Hiếu”. Và trong tấm văn bia đã nên rõ: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”. Có nghĩa là Từ để dạy thiên hạ cái đạo làm cha và Hiếu để dạy thiên hạ cái đạo làm con.

Cho nên, trước mặt chùa có một hồ bán nguyệt và xung quanh có ao hồ để trồng sen và nuôi cá cảnh cũng là điều dễ hiểu. Cá ở đây chủ yếu là cá trê, cá mè được lớn lên trong dòng chảy của lịch sử nối tiếp đến ngày nay, gợi nhớ đến người con hiếu thảo - Hòa thượng Nhất Định.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 8 mẫu. Chùa được xây theo kiểu chữ khẩu (口). Ở giữa thờ Đức Thánh Quan, bên trái thờ Hương Linh Phật tử tại gia, bên phải thờ các vị Thái giám... Khu nhà hậu có án thờ Tả quân Đô thống Lê Văn Duyệt cùng con ngựa gỗ và thanh đại đao của ông và nhiều vị thần khác.

Ngôi chùa này nổi tiếng bởi ở đây có hơn 24 ngôi mộ của các vị Thái giám triều Nguyễn, một số lượng ngôi mộ lớn nhất từ trước đến nay.

Khu nghĩa trang này nằm bên phải của chùa có diện tích gần 1000 m2, xung quanh là những bức tường cao khoảng 1,5m. Hơn 24 ngôi mộ được chia thành 3 hàng, sắp xếp từ nhỏ đến lớn theo chức vụ của quan Thái giám xưa, ở giữa có tấm bia khắc ghi công lao đóng góp của họ đối với triều đình.

Chùa đã vốn yên tĩnh nhưng du khách sẽ cảm thấy cô quạnh và u buồn hơn khi đứng ở trong nghĩa trang trầm tịch này bởi các ngôi mộ, bức tường đã phủ đầy rêu phong, nhuộm lên mình một màu quá khứ thăng trầm của triều Nguyễn.

Trong không gian ấy, du khách như gửi những tâm tư, tình cảm của mình với các Thái giám, khi mà nơi đây rất ít người đến viếng thăm, hãy thắp những nén nhang để ghi nhớ công lao của họ, những Thái giám thầm lặng chốn triều đình.

Ngoài ra, du khách sẽ cảm thấy thanh tịnh, quên đi những phiền muộn của cuộc sống nhộn nhịp, tất nập ngoài kia khi được hít thở bầu không khí trong lành nơi đây. Những cây thông cao vun vút, được nghe tiếng chuông vang vọng khắp chùa, càng nghe càng nhẹ lòng hơn, càng hiểu hơn về Huế.

Huế vốn nhẹ nhàng và lặng lẽ...có những phút giây thư dãn, tĩnh lặng khi ngồi bên hồ cá, thả từng miếng bánh cho cá ăn, được nhìn những chú cá bơi lội thỏa thích trong hồ... rồi ngồi nghỉ chân bên các hàng ghế phía dưới những bụi tre giáo xanh mướt ngả về mặt hồ. Quả thật, không gian ở chùa rất thơ mộng, trữ tình nhưng không kém phần u tịch, lạnh lẽo.

Đặc biệt, khung cảnh ở đây rất tuyệt, có hồ sen tỏa hương thơm, hồ cá rộng, có suối chảy róc rách, có cửa chùa nhỏ, có cổng Tam quan uy nghi, có cây xanh tươi tốt,...đó là những cảnh đẹp để du khách có thể chụp và lưu giữ những bức ảnh đẹp đẽ, sắc nét, tuyệt vời về xứ Huế mộng mơ.

Đến chùa để cảm nhận tấm lòng của Tổ sư Nhất Định đối với bậc sinh thành để từ đó mà chúng ta có trách nhiệm hơn với các bậc làm cha làm mẹ, dù khó khăn và trở ngại đến đâu cũng phải thực hiện cho trọn đạo làm con. Đồng thời cố gắng mà ghi nhớ công ơn của thế hệ trước, các vị Thái giám cô đơn...để ngôi chùa thêm phần ấm cúng, khu nghĩa trang sẽ không còn vắng bóng nữa.

(Theo Lao Động)




Có phản hồi đến “Dâng Nén Hương Lòng Nơi Chùa Từ Hiếu Ở Huế”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com