VẤN:
Con là một bác sĩ làm việc ở bệnh viện và cũng có biết một chút về Phật pháp. Hằng ngày con thấy rất nhiều tai nạn thương tâm, bệnh nhân chết liên tục, nhất là ở khoa cấp cứu, làm con càng rõ hơn sự sống vô thường của kiếp người. Đôi khi nhìn những cảnh sống chết trong gang tấc như vậy con cố gắng niệm Phật hồi hướng cho họ được sớm siêu sanh. Có nhiều khi niệm Phật hồi hướng thì không sao nhưng nhiều bữa niệm xong, nhất là khi con có phát nguyện sẽ cố gắng giúp đỡ ai đó thì người con rất mệt mỏi khó chịu. Có một bạn Phật tử làm chung khi nghe con tâm sự bảo con rằng ở bệnh viện rất nhiều vong không được siêu thoát cho nên khi con niệm nhiều vong ở thân trung ấm bám vào nên con mệt mỏi. Bạn ấy khuyên nếu có niệm thì niệm nhưng đừng phát nguyện cứu lung tung vì thân mình cứu chưa xong sao cứu được người khác, sẽ bị hành. Vậy Sư cho con hỏi điều này có đúng không? Có thật là ở bệnh viện rất nhiều vong bị chết oan ức chưa được siêu không? Con có nên niệm Phật và phát nguyện không và nên làm gì khi thấy những chuyện như vậy? Con xin cảm ơn Sư ạ?
ĐÁP:
Là Bác sĩ rất thuận lợi trong việc tu Phật, ở Việt Nam đa phần quý vị Bác sĩ có duyên với Phật Pháp, không quy y Phật nhưng vẫn tu thiền niệm theo nhà Phật, lúc nào cũng nhìn thấy cảnh sanh lão bệnh tử, minh sát quán chiếu: “thân bất tịnh, thân thọ thị khổ, thân vô thường, thân vô ngã”; giác ngộ là cơ sở để các vị thực tập thiền tụng, tĩnh tâm theo thời khóa. Hành giả tu Phật thực tập quán chiếu về lẽ vô thường, nên khởi bi nguyện mà cầu nguyện cho chúng sanh sau khi chết được siêu thoát.
Theo giáo lý Phật, vô thường là không thường còn, vừa thấy đó rồi vụt mất đó, nay đổi mai dời, không tồn tại lâu bền, thân tứ đại mài mòn theo năm tháng, máu thịt gân xương luôn ma xát với vũ trụ và thời gian, tấm thân ngày càng già cổi, rồi già rồi chết. Có chúng sanh sanh ra rồi chết yểu, có chúng sanh chưa sanh thì đã chết từ bụng mẹ, đâu cũng là sự vô thường áp đặt cho chúng sanh, nhất là con người trên hành tinh!
Ở một khía cạnh từ ngữ Phật học: “Vô thường” là biến dịch, thay đổi, không cố định, vạn vật không đứng yên một chỗ mà nó biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác rồi tan rã. Khi bàn về vô thường chúng ta thường nói “đời là vô thường” tức là cuộc đời này bị chi phối bởi định luật “Vô thường”. Chính thân ngũ uẩn (đất, nước, gió, lửa, thức) cũng bị chi phối bởi định luật vô thường (sinh, lão, bệnh, tử). Vô thường là một định luật tất yếu của vạn pháp, nó biến đổi theo bốn chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không.
Héraclite - triết gia Hy Lạp nói: “Không ai có thể đặt chân hai lần trên một dòng nước”. Tức là nước chuyển động không ngừng trôi chảy đã làm cho dòng sông hôm qua không còn là dòng sông của ngày hôm nay, dòng sông tuông chảy của giây phút trước không phải dòng sông của giây phút này. Cho nên thân thể của con người cũng thế, ai sinh ra mà không già, bệnh, và chết. Thời gian của (vô thường) không hẹn một ai!
Người con Phật gặp một người vừa qua đời, nên thầm tưởng niệm “Tây phương tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật”, niệm danh hiệu Phật 03 lần, nguyện cầu cho Đức Phật phóng quang tiếp dẫn cho vong linh vãng sanh Cực lạc, không tái sanh vào vòng lao lý khổ đau. Cầu nguyện cho họ thác sanh vế thế giới an lạc là đúng, là hạnh nguyện của người con Phật, thêm phước lành cho Bạn chứ không tổn hại.
Đối với người sắp trút hơi thở cuối cùng, họ chẳng biết gì cả, yếu đuối lắm, mọi cử động, nhất cử nhất động, thân chuyển động, mắt nháy, tròng mắt sắp đứng, gân thịt chuyển động… tất cả sự co giựt ấy đều là những động thái tự nhiên, không còn do họ thực hiện nữa. Chỉ có đều “nghiệp thức” lúc bấy giờ thật nhạy cảm, những âm thanh nào có đủ lực tác động đến thần thức họ, thì họ sẽ hướng về đó, trong nhà Phật xác định: “siêu hay đọa là ở vào giây phút nầy”.
Thời khắc ở bên người chết nếu Bạn quán chiếu lẽ vô thường, sự giả hợp của lục đại (đất, nước, lữa, gió, thức, đại, không đại), khởi bi nguyện cầu cho họ được vãng sanh, chắc chắn Bạn không bị những nghiệp thức chuyển tiếp, không còn những hình ảnh chết chóc làm cho Bạn sợ sệt và cảm nhận như bị đeo bám!
Khi Sư còn trẻ, sau khi đi tụng kinh đám tang về, nấu nước sả, lá bưởi, lá dầu khuynh diệp để tắm khử trược uế, tắm xong thật nhẹ nhàng, không còn thấy có sự đeo bám nữa.
Về tâm linh:
“Thân trung ấm” thật nhạy cảm, cũng tức là “thân không có thân”, không có thân nên không đeo bám, nhác ai cả. “Thân trung ấm” chỉ có nhiệm vụ tái sanh theo nghiệp thức; sanh tiền tạo nghiệp nào nay tái sanh theo nghiệp đó.
Đối với những người nhạy cảm, dồi dào suy tư lúc nào cũng nghĩ có “người vô hình”, hay nhác, đeo bám, nhập xác… thật ra tất cả những hiện tượng “vô hình”, hình ảnh “vô hình” cũng xuất phát từ người sống “suy tư” nên mới có hiện tượng “vô hình”, diễn ra thiên hình vạn trạng, ý tưởng ấy ngày nay lại đang phổ biến bên ngoài Đạo Phật.
Theo Duy Thức học, Phật dạy: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, qua sự cảm nhận, Bạn thấy có người cõi âm, phát tâm cầu nguyện cho người cõi âm, xin Phật cứu vớt cho người cõi âm, lãnh nghiệp của người cõi âm, sau đó cảm thấy bị người cõi âm đeo bám, lãnh lấy nghiệp lực của người cõi âm làm cho thần trí nặng nề? - Thật ra theo lý thiền của kinh Địa Tạng: “người sống tổ chức cúng kiến cầu nguyện giúp cho người chết”, người sống được 7 phần, người chết chỉ được 03 phần; nói vậy thôi chứ việc cúng kiến chẳng qua Bạn phát huy được lòng từ bi và hạnh nguyện của Bạn thôi, chứ người cõi âm kia chẳng dính dán gì với việc cúng kiến, vì họ tái sanh từ lâu rồi.
Đối với người Phật tử hôm nay, chúng ta cần có một ý thức mới khi bước vào thế giới tâm linh: “làm chủ thân tâm của mình”, làm chủ thân tâm tức là không còn ai ngoài “Phật” là “chủ nhân ông” của ta, cao hơn cả cửu giới chúng sanh trong mười phương. Chúc Bạn vô lượng an lạc.
HT Thích Giác Quang