VẤN: Từ đầu năm đến giờ, con liên tục đọc được rất nhiều tin tức người ta đến chùa, đến đình cầu sao, giải nạn, đi khai ấn đền Trần, chen nhau đi chùa Hương vô cùng phản cảm với nhà Phật. Mọi người đều tin rằng phải làm như vậy thì mới làm ăn phát đạt, mới được thánh gia hộ, giữ được lộc trời. Con không hiểu tại sao những người làm việc ở các đình chùa lại không hướng dẫn, chỉ dạy cho mọi người đến cúng bái về Phật pháp để người ta tự làm chủ mình, tự biết điều chỉnh mình có đâu mà hàng vạn, hàng chục vạn người cùng ào ào chen lấn đánh đập, thậm chí xảy ra giết người ở lễ hội chùa Hương dù báo chí năm nào cũng phản ánh nhưng đâu lại vào đó? Mọi người bảo là do tâm linh, do cảnh giới ở miền Bắc và miền Nam khác nhau nhưng ở miền Nam con thấy nhiều lễ hội các am thờ, các chùa cho là chùa Phật giáo như Chùa Bà Bình Dương, chùa Bà Chúa Xứ hay Núi Bà Đen, người ta cũng làm như vậy, lại mang bao nhiêu đồ ăn mặn, nhang đèn bánh trái đến cúng chùa. Những điều phản cảm này là do đâu ạ? Con nhìn quanh các nước khác như Thái Lan hay Miến Điện, người ta đến chùa bình an lắm, chẳng có giống ở Việt Nam mình? Hay tại người Việt Nam mình khác với những nơi khác? Xin Sư khai mở tâm con.
ĐÁP:
I .
Việc cúng sao giải hạn là một tập tục dân gian không có trong Nhà Phật, trước khi nhập diệt Đức Phật có di chúc cho chư đệ tử ở chương I, kinh Di Giáo, Ngài đã không cho phép chư Tăng Ni xem sao, bói khoa xủ quẻ rồi. Có nhiều kinh nói chính Ngài cũng không tự làm, huống chi dạy cho đệ tử. Các việc làm nầy thuộc tín ngưỡng dân gian, lâu đời trở thành một tập quán dân tộc, không thể không có trong những ngày đầu năm âm lịch. Các chùa xưa nay đều có tổ chức cúng sao giải hạn dành cho Phật tử tín đồ vào lúc 20 giờ ngày mùng 8, tháng Giêng. Khi Sư chưa xuất gia, trong những năm 1955-1958, gia đình cũng có cúng sao, cúng riêng biệt cho thành viên gia đình, Sư cũng có xin được cúng nhưng Chị bảo “tuổi còn nhỏ, còn trong tầm tay mẹ cha bảo hộ, không có tuổi cúng sao”.
Xin nói về tập tục cúng sao giải hạn, sao hạn ứng với tuổi đời của con người, sao hạn chiếu mệnh con người, năm nào người nam gặp sao La hầu chiếu mạng, người nữ gặp sao Kế đô thì các vị nầy lo toan nghiệp chướng đến đủ điều, không dám đi đâu xa, quanh năm suốt tháng tìm chỗ nào ẩn khuất trốn tránh, nên gọi năm đó làm ăn không được, tiền không vào là vậy.
Theo các nhà thuật số thời xưa cho rằng rằm tháng Giêng là ngày của Thiên quan, nên tại các đền chùa thường làm lễ "Dâng sao giải hạn" đầu năm. Dân gian tin rằng hàng năm mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh, tất cả có 9 ngôi sao, cứ 9 năm lại luân phiên trở lại.
Trong 9 ngôi sao thì có sao tốt, sao xấu, năm nào sao xấu chiếu mệnh con người thì gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... (người ta gọi là vận hạn). Để giảm nhẹ vận hạn, người xưa thường làm lễ cúng dâng sao giải hạn vào ngày đầu năm (rằm tháng Giêng) là tốt nhất.
Tuy nhiên, cùng độ tuổi mà nam và nữ lại có sao chiếu mệnh khác nhau. Ví dụ ở tuổi 37 thì nam là sao La Hầu, nữ là sao Kế Đô. Tuổi 47 nam là sao Thổ Tú, nữ là sao Vân Hán. Tuổi 57 thì nam là sao Thủy Diệu, nữ là sao Mộc Đức. Tuổi 67 thì nam là sao Thái Bạch, nữ là sao Thái Âm... Và như vậy cứ 9 năm sau, sao đó lại chiếu vào mệnh của mình. Nếu nam thì ở các độ tuổi 10, 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82 đều là sao La Hầu, còn ở nữ cũng ở các độ tuổi ấy lại chịu sao Kế Đô.
Theo quan niệm dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng, từ đó dân gian cũng hình thành tục dâng sao giải hạn vào các ngày (âm lịch) như sau:
Sao La Hầu: Ngày mồng 8 hàng tháng
Sao Thái Bạch: Ngày 15 hàng tháng
Sao Kế Đô: Ngày 18 hàng tháng
Sao Thổ Tú: Ngày 19 hàng tháng
Sao Thủy Diệu: Ngày 21 hàng tháng
Sao Mộc Đức: Ngày 25 hàng tháng
Sao Thái Âm: Ngày 26 hàng tháng
Sao Thái Dương: Ngày 27 hàng tháng
Sao Vân Hán: Ngày 29 hàng tháng
Dân gian cũng tin rằng, làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm vào ngày rằm tháng Giêng là tốt nhất vì mọi tai ách, mọi sự xui xẻo ta phải giải trừ nó ngay từ đầu năm thì suốt cả năm con người đều yên tâm, vui vẻ và hạnh phúc.
Vì các sao xấu xuất hiện trong tháng vào các ngày khác nhau lại có hình khác nhau nên việc làm lễ phải chọn ngày, dùng số lượng nến, lập bài vị và màu sắc phải phù hợp, lại phải kê bàn thờ cho đúng hướng.
Trong thực tế, việc lễ dâng sao giải hạn ngày càng phát triển và nhiều người lợi dụng phong tục này để trục lợi, bày vẽ nhiều lễ nghi xa hoa lãng phí, đặc biệt là mê tín làm sai lệch phong tục này. (Chí Cường - Báo Đầu Tư VN)
Năm nay tại Việt Nam, trong và ngoài các chùa lớn nhỏ đều tổ chức xem sao giải hạn, chỉ trừ các chùa tiến bộ, hoằng pháp Phật học, các Trường Phật học, các chùa hoằng truyền giới luật, các Thiền viện, Tu viện truyền giáo Thiền, Tịnh độ không cúng sao giải hạn, bói khoa xủ quẻ mà thôi. Xem ra việc xem sao giải hạn thu nhập kinh tế khá, nên có chùa bất chấp mê tín dị đoan thực hiện tự nhiên dành ưu tiên cho Phật tử, đại chúng. Sự việc làm cho báo chí vào cuộc, có báo phê bình triệt để cũng có báo hóa giải làm cho hạ nhiệt việc cúng sao hạn, nhìn chung đại bộ phận quần chúng, và tín đồ Phật giáo cùng mục tiêu chung đi đến chỗ “dập tắt việc cúng sao giải hạn”.
II .
Người Việt Nam có những tín ngưỡng dân gian, địa phương, cục bộ do phong thủy, thời khí, hồn thiêng sống núi nước Nam từ thuở hồng quang đã có: như dưới nước thì giữ tục xăm mình, thần sông, thần biển, thần sông chằm; trên đất liền thì thờ thần núi, thổ thần; trên trời thì thờ thần mưa, thần gió, thần sắm chớp, sao… chúng ta cũng đủ biết sự tín ngưỡng ấy luôn được tiếp thu và pha trộn theo từng thời điểm phát triển việc thờ cúng. Cho đến ngày nay trên toàn cõi Việt Nam, không nơi đâu là không có những miếu mạo, đình, đền thờ người có công với nước, thờ danh nhân địa phương, thờ sắc thần, thần nông, thờ ông, thờ bà địa phương, như: Đức thánh Gióng, thánh Trần Hưng Đạo, Ông Hoàng Mười, Bà Liễu Hạnh, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Núi Sam, Bà Bình Dương, Bà Quẹo, Bà Chiểu, Bà Rịa, Bà Thị Vải… Có thờ thì có cúng, cúng lễ tùy tập tục địa phương tín ngưỡng, tùy giàu nghèo, có tiền ít hay nhiều thì lễ to hay nhỏ.
Sự thật thì các chùa, như chùa Bà Bình Dương, chùa Bà núi Sam, Châu Đốc, chùa Châu Đốc 2... thuộc lọai vừa là chùa, vừa là Miễu thờ Bà nên việc cúng kiến rất phức tạp, thiếu tổ chức, ai muốn làm gì thì làm, ai muốn cúng kiểu nào cũng được, cúng chay cúng mặn đều được, miễn làm sao cúng đúng lệ, đáp ứng nhu cầu của bá gia.
Chùa núi Bà Đen (Tây Ninh) tương truyền rằng vào khoảng nửa cuối thế kỉ 18, những cuộc xâu xé nhau giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh khốn khó lầm than. Khi Nguyễn Huệ dấy lên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Thì lúc bấy giờ có 1 người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt, tài cao, chí lớn, chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ giữ nước. Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp, đức hạnh với làn da ngâm đen, bánh mật. Cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, khi bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nên người con gái ấy đã leo lên tận đỉnh núi gieo mình tự vẫn. Sau đó ít lâu, Thiên Hương về báo mộng cho sư trụ trì chùa núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Thi thể cô được đem về mai táng, phụng thờ. Tin này lan rộng ra, và từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái và cầu nguyện vì sự linh thiêng của người con gái tiết hạnh, xin cô phù hộ độ trì. Nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để người ta cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây.
Chùa có ngôi Tam Bảo thật trang nghiêm, cúng kiến theo Phật giáo miền Nam, hiện nay thuộc đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên trong các ngày lễ hội thu hút khách du lịch tham quan, không còn tôn nghiêm tinh khiết như những năm 1950-1960.
III .
Chùa Hương hay Hương Sơn, là một quần thể nhiều chùa (thuộc xã Mỹ Đức, Hà Nội) Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến. Khu vực chính là chùa Ngoài, còn gọi là chùa Trò, tên chữ là chùa Thiên Trù, Chùa nằm không xa bến Trò nơi khách hành hương đi ngược suối Yến từ bến Đục vào chùa thì xuống đò ở đấy mà lên bộ. Tam quan chùa được cất trên ba khoảng sân rộng lát gạch. Sân thứ ba dựng tháp chuông với ba tầng mái. Đây là một công trình cổ, dáng dấp độc đáo vì lộ hai đầu hồi tam giác trên tầng cao nhất. Tháp chuông này nguyên thủy thuộc chùa làng Cao Mật, tỉnh Hà Đông, năm 1980 được di chuyển về chùa Hương làm tháp chuông.
Chùa Chính, tức chùa Trong, không phải là một công trình nhân tạo mà là một động đá thiên nhiên. Ở lối xuống hang có cổng lớn, trên cổng ghi 4 chữ Hương Tích động môn. Qua cổng là con dốc dài, lối đi xây thành 120 bậc lát đá. Vách động có năm chữ Hán: Nam thiên đệ nhất động, khắc năm 1770, là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1767-1782). Ngoài ra động còn có một số bia và thi văn tạc trên vách đá.
Chùa Hương là nơi tôn nghiêm, hiển thánh, chốn linh thiêng, dáng đứng hồn thiêng sông núi của quê hương Việt Nam của các bậc Tổ sư tạo dựng tu hành, ngày nay là đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chùa có tổ chức, tuy nhiên trong những ngày lễ hội do không đủ nhân lực tu sĩ quản lý, người ngoài đời đến lo liệu nhiều, thậm chí người phục vụ cũng không có quy y Tam Bảo mà phục vụ cho tín ngưỡng nên đã làm cho chốn tòng lâm không còn là nơi tu hành đạm bạc, dành cho người lánh tục tầm tiên như xưa.
HT Thích Giác Quang