Mục Lục

Một buổi chiều nọ, khi Bụt đang đi thiền hành trên triền núi, có hai người võng đại đức Devadatta lên.
Đại đức Devadatta ốm nặng đã mấy năm nay. Đại đức muốn thấy mặt Bụt trước khi qua đời.
Hai người đang khiêng đại đức là hai người trong số sáu người đệ tử còn sót lại.
Trong thời gian ngọa bệnh trên núi Gayasisa, không mấy ai đến thăm đại đức, kể cả những người đã ủng hộ đại đức tích cực nhất ngày xưa. 

Suốt thời gian ấy, đại đức đã có nhiều cơ hội nghĩ lại về những đắc thất và về giá trị của hành động mình.

Được báo là có đại đức Devadatta lên và xin được gặp, Bụt liền trở về tịnh thất. Đại đức yếu lắm, không ngồi dậy được. Đại đức cũng không nói được nhiều, đại đức chỉ nhìn Bụt, cố gắng chắp tay lại: "Con về nương tựa Bụt", đại đức cố gắng lắm mới nói được những tiếng đó.
Bụt để tay lên trán Devadatta và an ủi đại đức. 

Chiều hôm ấy đại đức qua đời. Bây giờ là mùa nắng, trời trong xanh, Bụt đang sắp sửa đi du hành thì có sứ giả của vua Ajatasattu tới. Sứ giả là quan đại thần Vassakara, một người thuộc giai cấp Bà la môn. Ông được lệnh vua tới đảnh lễ Bụt và cho Bụt biết chủ định của vua và triều thần muốn cử binh đi đánh nước Vajji ở phía Bắc sông Hằng. Vua muốn được nghe phản ứng của Bụt và đã dặn vị đại thần ghi nhớ tất cả những gì Bụt sẽ phát biểu về vấn đề này. 

Trong khi Bụt tiếp quan đại thần Vassakara, đại đức Ananda đứng sau lưng Bụt và quạt cho người. Bụt xoay lại hỏi thầy:
- Nầy đại đức Ananda, thầy có nghe dân chúng Vajji thường hay hội họp đông đảo để bàn bạc chính sự không?
Đại đức Ananda đáp:
- Thế Tôn, con nghe nói dân Vajji rất chuyên cần hội họp và hội họp rất đông đảo để đàm luận về chính sự.
- Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có có biết khi họ hội họp với nhau, họ có bày tỏ sự hòa hợp đoàn kết và có một lòng một dạ với nhau không? 

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất hòa hợp và đoàn kết với nhau. 

- Vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn rất cường thịnh. Ananda, dân Vajji có tôn trọng và có sống đúng theo những pháp chế đã được ban hành không?
- Bạch Thế Tôn, con nghe họ rất tôn trọng những pháp chế đã được ban hành.
- Vậy thì chắc chắn nước Vajjvẫn còn cường thịnh. Ananda, dân Vajji có còn biết tôn trọng và nghe lời những bậc tôn trưởng của họ không?
- Thế Tôn, con nghe họ rất biết tôn trọng và nghe lời những bậc tôn trưởng của họ.
- Vậy thì nước họ vẫn còn cường thịnh. Đại đức Ananda, thầy có nghe trong xứ của họ có những vụ bạo động và hãm hiếp không?
- Bạch Thế Tôn, những vụ bạo động và hãm hiếp ít bao giờ xảy ra ở xứ họ.
- Vậy thì nước Vajji vẫn còn cường thịnh. Ananda, thầy có nghe dân Vajji còn biết bảo vệ tông miếu của tổ tiên họ không? 

- Bạch Thế Tôn, con nghe họ vẫn còn biết bảo vệ tông miếu của tổ tiên họ. 

- Vậy thì Ananda, nước Vajjia vẫn còn cường thịnh. Thầy có nghe là dân Vajji biết tôn kính, cúng dường và chịu học hỏi theo các hàng tu sĩ đạt đạo không?
- Bạch Thế Tôn, cho đến ngày nay họ vẫn rất tôn kính, cúng dường, và học hỏi với các vị tu sĩ đạt đạo.
- Ananda, vậy thì chắc chắn nước Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy đồi. Ananda, ngày xưa Như lai đã từng có dịp chỉ dạy cho giới lãnh đạo ở Vajji về bảy yếu tố giữ gìn cho quốc gia không suy thoái, gọi là thất bất thoái pháp. 

Đó là chuyên cần hội họp, hòa hợp và đoàn kết, tôn trọng pháp chế đã ban hành, tôn trọng và nghe lời các bậc tôn trưởng, không bạo động và hiếp đáp, biết bảo vệ tông miếu tổ tiên và tôn kính các các bậc đạo hạnh. 

Ananda, thì ra họ vẫn còn thi hành bảy phép bất thoái ấy, Như lai tin rằng quốc gia Vajji vẫn còn cường thịnh, chưa bị suy nhược, và do đó Như lai nghĩ rằng nước Magadha không thể đánh chiếm được nước họ.
Đại thần Vassakara bạch:
- Thế Tôn, dân Vajji chỉ cần thực hành một trong bảy phép đó thì cũng đủ làm cho nước họ cường thịnh rồi, huống hồ là họ thực hành cả bảy phép. Thế Tôn, con nghĩ vua Ajatasattu không thể thắng được dân Vajji bằng sức mạnh vũ khí đâu. Vua chỉ có thể thắng họ nếu vua gieo được sự chia rẽ trong giới lãnh đạo của họ. Thế Tôn, con xin cảm tạ người, con phải về lo công việc. 

Sau khi đại thần Vassakara từ giã, Bụt than thở với Ananda: 

- Vị đại thần này có nhiều mưu chước lắm. Như lai ngại là trong tương lai, vua Ajatasattu sẽ cử binh đánh chiếm nước Vajji.
Chiều hôm ấy, Bụt nhờ đại đức Ananda đi triệu tập tất cả các vị khất sĩ có mặt ở thủ đô Rajagaha và trong các vùng phụ cận về núi Thứu.
Chỉ trong vòng bảy hôm các vị khất sĩ và nữ khất sĩ trong vùng đã quy tụ về đầy đủ. Gần hai ngàn vị đã về tới, màu áo ca sa làm vàng rực cả năm ngọn đồi của Linh Thứu sơn. Đến giờ đại hội, tất cả đều quy tụ về sân trước của giảng đường. 

Đại chúng được triệu tập đông đủ, Bụt từ tịnh thất thong thả đi xuống. Người bước lên pháp tọa cao. Đưa mắt nhìn đại chúng, Bụt mỉm cười và nói: 

- Các vị khất sĩ! Như lai sẽ chỉ dạy cho các vị bảy phương pháp để giữ gìn cho chánh pháp và giáo đoàn không bị suy thoái. Các vị hãy lắng nghe.
* Thứ nhất là các vị nên thường xuyên gặp mặt nhau trong những buổi hội họp đông đủ để học hỏi và luận bàn về chánh pháp. 

* Thứ hai là các vị tới với nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết, và chia tay nhau trong tinh thần hòa hợp và đoàn kết. * Thứ ba là cùng tôn trọng và sống theo giới luật và pháp chế một khi những những giới luật và pháp chế ấy đã được ban hành. 

* Thứ tư là biết tôn trọng và vâng lời các bậc trưởng lão có đạo đức và kinh nghiệm trong giáo đoàn.
* Thứ năm là sống một nếp sống thanh đạm và giản dị, đừng để bị lôi cuốn vào tham dục.
* Thứ sáu là biết quý đời sống tĩnh mặc.
* Thứ bảy là biết an trú trong chánh niệm để thực hiện an lạc và giải thoát, làm chỗ nương tựa cho các bạn đồng tu.
Nầy các vị khất sĩ! Chừng nào mà các vị còn thực hành được bảy điều ấy, gọi là bảy phép bất thối, thì đạo pháp còn hưng thịnh và giáo đoàn không bị suy thoái. Không một yếu tố nào bên ngoài có thể phá hoại được giáo đoàn. Chỉ có những phần tử bên trong giáo đoàn mới có thể làm cho giáo đoàn tan rã mà thôi. 

Các vị khất sĩ! Khi con sư tử chúa của mọi loài ở chốn sơn lâm ngã qụy, không có một loài nào đám đến ăn thịt nó. Chỉ có những con trùng phát sinh từ bên trong thân thể của sư tử mới ăn thịt được sư tử mà thôi. 

Các vị hãy bảo vệ chánh pháp bằng cách sống theo bảy phép bất thối, đừng bao giờ tự biến mình thành những con trùng trong thân thể của con sư tử.
Sau khi đã chỉ dạy những vị khất sĩ về bảy phép bất thối, Bụt dặn các vị khất sĩ đừng nên phí bỏ thì giờ quý báu của mình để la cà nói chuyện phiếm, để ngủ vùi, đừng đánh mất mình trong danh lợi và tham dục, đừng thân cận với những người xấu ác và biếng lười, đừng tự mãn với những kiến thức và những trình độ chứng đắc thấp thỏi. 

Bụt nhắc lại giáo lý bảy yếu tố giác ngộ như con đường mà mỗi vị khất sĩ phải đi: yếu tố chánh niệm, yếu tố quán chiếu vạn pháp, yếu tố tinh tiến, yếu tố hỷ lạc, yếu tố nhẹ nhõm, yếu tố định và yếu tố hành xả. 

Bụt lại chỉ dạy về các phép quán vô thường, vô ngã, bất tịnh, buông bỏ, xa lìa tham dục và giải thoát.
Hai ngàn vị khất sĩ được sống với Bụt trên núi Linh Thứu được mười hôm. Họ cư trú khắp nơi trên năm ngọn đồi, nơi cội cây, hang đá, am thất, khe suối ...
Mỗi ngày các vị tụ tập một lần tại sân giảng đường để nghe Bụt giảng dạy. Thính chúng ngồi thành nhiều bậc bởi vì sân không đủ rộng để chứa đủ số người. 

Qua ngày thứ mười, Bụt từ giã các vị khất sĩ và khuyên họ xuống núi và trở về trú sở để hành đạo. 

Chỉ có các vị thường trú ở Linh Thứu là còn ở lại mà thôi.
Các vị khất sĩ xuống núi rồi, Bụt từ giã thủ đô Rajagaha, người hướng về Ambalatthika.
Ambalatthika là khu lâm viên nghỉ mát của vua Bimbisara, nơi Bụt và các vị khất sĩ thường ghé trên đường đi Nalanda. 

Hai thầy trò Sariputta và Rahula ngày xưa đã từng cư trú tại đây. 

Tại Ambalatthika, Bụt thăm viếng và ủy lạo các vị khất sĩ, Bụt dạy cho họ thêm về giới, định và tuệ.
Rời Ambalatthika, Bụt đi Nalanda. Đoàn khất sĩ đi theo Bụt có chừng một trăm vị. Các đại đức Ananda, Sariputta, và Anurudha đi sát bên người. Tới Nalanda, Bụt nghỉ ở vườn Xoài Pavarika.
Sáng ngày hôm sau, đại đức Sariputta tới ngồi bên Bụt một hồi lâu, không nói gì.
Sau đó, tự nhiên đại đức mở lời: 

- Bạch Thế Tôn, con thiết nghĩ trong quá khứ, trong hiện tại, và trong cả tương lai, không có một vị đạo sư hay Bà la môn nào mà trí tuệ và sự chứng đắc siêu việt hơn Thế Tôn. 

Bụt nói:
- Sariputta, lời nói đó của đại đức quả thật là mạnh bạo, quả thật là một tiếng gầm sư tử. Thầy đã gặp và đã biết tất cả các bậc giác ngộ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai chưa mà dám nói như thế?
- Bạch Thế Tôn, làm gì mà con đã gặp được tất cả các bậc giác ngộ trong ba thời, nhưng có một điều con biết chắc.
Con sống thân cận với Thế Tôn đã trên bốn mươi năm. Không những con được nghe Thế Tôn dạy dỗ mà con còn được thấy Thế Tôn sống. Nhìn vào Thế Tôn, con biết là Thế Tôn sống thường trực trong tỉnh thức và chánh niệm. 

Sáu căn được Thế Tôn hộ trì một cách tuyệt hảo. Không bao giờ có vết nhỏ của năm sự ngăn che là tham dục, oán giận, hôn trầm, trạo cử và hoài nghi được nhận thấy trong sinh hoạt hàng ngày của Thế Tôn. 

Con nghĩ các bậc giác ngộ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, khi đạt tới chánh trí thì trí tuệ và sự chứng đắc cũng chỉ bằng Thế Tôn thôi chứ làm sao cao hơn được.
Tại Nalanda, Bụt giảng dạy thêm cho đại chúng ở đây về giới, định, tuệ. Rời Nalanda, Bụt đi về Pataligama. 

Tới Pataligama, Bụt và các vị khất sĩ được rất nhiều giới cư sĩ ra đón tiếp và đưa về trú sở của họ. 

Tại đây, họ cúng dường cơm nước lên Bụt và các vị khất sĩ. Thọ trai xong, Bụt thuyết pháp.
Sáng hôm sau, trước khi Bụt lên đường, đại đức Sariputta đến từ giã người. Đại đức được tin bà mẹ của đại đức đang bị ốm nặng, và đại đức muốn về thăm mẹ. Mẹ của đại đức năm nay đã trên một trăm tuổi, Bụt và các vị khất sĩ ra tiễn đại đức Sariputta về quê. Đại đức lạy Bụt ba lần và cùng với chú sa di Cunda đi ngược về miền Nam, hướng về Nala. 

Lúc Bụt và đoàn khất sĩ ra tới cửa thành thì có hai vị đại thần xứ Magadha là Sunidha và Vassakara tới trình diện. 

Họ là những người được vua Ajatasattu phái tới nghiên cứu xây dựng đô thị Pataligama thành một đô thị lớn.
Các vị đại thần bạch:
- Cổng thành mà Thế Tôn, và các vị khất sĩ sắp đi qua để rời khỏi thành phố, chúng con sẽ đặt tên là cổng Gotama. Chúng con cũng sẽ đi theo để tiễn đưa Bụt. Bến đò mà người và chư vị khất sĩ tới để vượt qua sông Hằng, chúng con cũng sẽ đặt tên là bến đò Gotama. 

Sông Hằng nước đầy cho đến nổi một con quạ đứng trên bờ sông có thể chúi mỏ xuống sông để uống nước được. 

Năm chiếc đò ngang chở Bụt và các thầy sang sông một lượt. Ra đến giữa dòng, đại đức Ananda tìm lối bước tới gần Bụt và rón rén ngồi xuống bên người, Bụt đang nhìn xuống nước.
Đại đức Ananda đưa mắt nhìn dòng sông mêng mang rồi chuyển cái nhìn về bên kia bờ.
Đại đức nhớ năm xưa, cách đây đã trên hai mươi lăm năm, có lần dân chúng Vesali đã kéo nhau ra tận bờ sông để đón Bụt, đông có đến mấy vạn người. 

Năm ấy tại Vesali, có dịch hạch lan tràn, người lớn và trẻ em chết như rạ. Những ông thầy thuốc giỏi nhất trong xứ đã chịu bó tay. Lễ đàn được thiết lập liên tiếp để cúng tế và cầu nguyện, nhưng cũng không đem lại hiệu quả nào. Cuối cùng dân chúng trong thành nghĩ đến việc đi cầu cứu với Bụt. Quan tổng trấn Tomara được chỉ định đích thân qua tận Rajagaha để thỉnh Bụt về Vesali, ước mong đạo đức của người có thể chuyển đổi được tình trạng. Bụt đã nhận lời thỉnh cầu. 

Vua Bimbisara, hoàng hậu, các vị đại thần, và dân chúng đi tiễn Bụt tới tận bờ sông Hằng.
Bên kia sông, dân chúng Vesali đã tụ tập đông nghịt. Họ thiết lập nghênh môn, lễ đài, treo cờ và kết hoa đầy cả bờ sông. Khi thuyền của Bụt qua tới, dân chúng reo hò vang dậy, nhã nhạc nổi lên vang lừng, Hôm đó đi phụ tá cho Bụt ngoài các vị đại đệ tử lớn còn có y sĩ Jivaka. Dân chúng đón tiếp Bụt như đón tiếp một vị cứu tinh của họ, Bụt vừa đặt chân lên đất liền thì sấm chớp bống nổi dậy và trời mưa xuống một trận mưa rất lớn. Đây là trận mưa đầu tiên sau nhiều tháng ngày nắng cháy và hạn hán. Dân chúng mừng rỡ, nhảy múa, reo mừng, và ca hát ngay dưới cơn mưa. Cơn mưa đem lại sự mát mẻ và hy vọng cho cả xứ. Bụt và các vị khất sĩ đã được dân chúng rước về trung tâm thành phố. 

Tại công viên, Bụt đã nói về Tam Bảo như ba viên ngọc quý, nơi nương tựa vững chãi của mỗi người. Sau đó Bụt và các đại đức được rước về tu viện Trùng Các ở Mahavana. Kỳ đó, nhờ đức độ của Bụt và tài chữa trị của y sĩ Jivaka, dịch hạch đã từ từ được đẩy lui và cuối cùng mất dấu. 

Năm ấy Bụt đã lưu lại Vesali gần sáu tháng trước khi lên đường về Savatthi.
Qua bên kia sông, Bụt đi về Kotigama, các vị khất sĩ tại Kotigama đi đón Bụt rất đông. Tại đây, Bụt giảng dạy về tứ diệu đế và về tam học giới, định, và tuệ. Sau khi cư trú một thời gian tại Kotigama với các vị khất sĩ. Bụt lại ra đi, hướng về Nadika, Bụt và các vị khất sĩ nghỉ tại một ngôi nhà xây bằng gạch gọi là Ginjakavasatha. 

Tại Nadika, Bụt nhắc nhở đến những vị đệ tử của người đã mệnh chung tại vùng này, trong đó có nữ khất sĩ Sundari Nanda, em gái của người, các vị khất sĩ Salha và Nadika, nữ cư sĩ Sujata ngày xưa đã dâng sữa và thức ăn cho người trước khi người thành đạo, và các cư sĩ Kakudha, Bhada, Subhadda ... Bụt nói các vị khất sĩ này cùng khoảng năm mươi vị khác đã từng sinh sống trại đây đều đã chứng được những quả vị nhập lưu, nhất hoàn và bất hoàn. Nữ khất sĩ Nanda đã chứng quả nhất hoàn, hai vị khất sĩ đã đạt được quả vị la hán. 

Bụt dạy: "người tu hành nào vững tin nơi Bụt, Pháp và Tăng, nhìn vào tâm ý mình có thể biết được mình đã tham dự vào dòng giải thoát chưa, không cần hỏi đến một người khác."
Một hôm khác, Bụt lại dạy thêm cho các vị khất sĩ về giới, định, và tuệ. Thăm viếng và sách tấn đại chúng xong. Bụt cùng các vị khất sĩ lên đường đi Vesali. Tới Vesali, Bụt và đại chúng nghỉ tại vườn Xoài của Ambapali. 

Ngày hôm sau Bụt giảng cho đại chúng về phép quán niệm về bốn lãnh vực thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý. 

Nghe nói Bụt đã về vườn Xoài của mình, bà Ambapali rất sung sướng, liền vội tới thăm người. Bà thỉnh Bụt và chư vị khất sĩ tới thọ trai ngày hôm sau. Ngày mai lại, sau khi Bụt và các vị khất sĩ đã thọ trai xong, bà làm lễ dâng khu vườn cho giáo đoàn khất sĩ. Bà cũng xin được xuất gia.
Mấy hôm sau, Bụt lại giảng cho đại chúng nghe thêm về phép hành trì, giới, định và tuệ.
Sau khi đã thăm viếng Vesali, Bụt đi tới làng Beluvagamaka ở vùng ngoại ô thành phố. Mùa mưa đã đến, Bụt dự định an cư năm nay tại làng Beluva này. Đây là mùa an cư thứ bốn mươi lăm sau ngày Bụt thành đạo. Bụt nhắn với các vị khất sĩ trong vùng hãy tới an cư ở ven đô thành phố Vesali, tại những trung tâm có bạn bè, thân quyến đàn việt ủng hộ.

Giữa mùa an cư, Bụt bị ốm nặng, thân thể người đau đớn vô cùng. Người nằm yên, không hề rên siết, giữ vững chánh niệm và hơi thở. Mọi người nghĩ rằng Bụt sẽ không qua khỏi cơn đau, nhưng không ngờ sau đó Bụt vượt thắng được, sức khỏe dần dần trở lại với người. 

Mười hôm sau, Bụt dậy được và ra khỏi phòng, ngồi xuống trên một chiếc ghế kê sát vào tường.

HT Thích Giác Quang




Có phản hồi đến “Chương 78: Hai Ngàn Chiếc Áo Vàng Trên Núi Thứu”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com