Văng vẳng đâu đây tiếng hát ru con trầm trầm trong nắng hè oi bức:
Mẹ già như trái chín cây
Gió đưa mẹ rụng biết ngày nào đây (1)
Sao lời ru chẳng dài mà âm vang cứ xao xuyến mãi, trĩu nặng một nỗi phập phồng, âu lo… Cuộc sống vốn đã mong manh, tuổi già lại càng mong manh hơn nữa. Ai đó đã khéo ví von sự sống của mẹ già như trái chín treo trên cành đong đưa, để yên rồi cũng rụng xuống huống chi lại còn mưa gió thất thường thì rơi rụng chỉ là chuyện phút giây.. Con nhìn mẹ, tóc mới điểm vài sợi bạc đây mà thoáng chóc đã phơ phơ… Vết nhăn trên trán mẹ, trên gương mặt mẹ in hằn những năm tháng lo âu, tần tảo vì con, vì mái ấm gia đình… lòng con se thắt… Phước báu cho những ai còn có được cha mẹ già để phụng dưỡng… Hạnh phúc biết bao cho những ai được lớn lên trong ánh-nắng-của-tình-cha và trong chiếc-nôi-tơ-tằm-nghìn-đời-của-người-mẹ:
Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất… (2)
Con lại còn thấm thía hơn rằng nếu con lớn lên không có cội-tùng-cha che chở thì con đã phải một mình chịu bao nỗi nhọc nhằn, nuốt bao nhiêu cay đắng để ngoi lên:
Một mai cha mất, gót con đen sì.
Có cha, con ngước lên thấy mặt trời rạng rỡ, thấy cuộc sống như một vùng đất phì nhiêu mời gọi… Mẹ như suối trong, như sông dài mát mẻ, chảy mãi không ngừng trong cuộc sống đời con, mẹ lặng lẽ bồi đắp, vun tưới cho vườn-đời-con bốn mùa xanh tươi, thắm hoa, trĩu quả, ngan ngát hương lành:
Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ước mẹ nằm, bên ráo con lăn (3)
- "Mẹ ơí!"… Thương cho những ai gọi mãi "Mẹ ơí!" trong đời mà âm thanh cứ vang đi, tan chảy trong niềm vô vọng, xót xa:
- Ai có mẹ là có tàng bóng mát
Ngày chị về còn có mái ấm chở che
Em không mẹ em đi cùng trời cuối đất
Suốt một đời nắng lữa chói chang… (4)
Hình như chỉ có tiếng khóc và tiếng "Mẹ ơí!" mới là tiếng nói chung của con người. Thiếu vắng mẹ cha, con lớn lên trơ vơ lạc lõng giữa bao lớp sóng đời. Chỉ có sỏi đá nhọn dưới chân con, nắng như đổ lửa trên đầu con nóng bỏng. Mẹ ơí! Trăng sao cũng xa vời, giá lạnh… Ai đó sao cứ hát hoài, não nuột:
Mất cha mất mẹ như đàn đứt dây (5)
- Chiếc độc huyền cầm chỉ có một dây mà réo rắt biết bao cung bậc, con có mẹ cha, có một mái ấm gia đình thì đời con là một bản hòa âm. Dây đàn độc nhất đã đứt, chỉ còn trơ lại một thanh gỗ vụng về, lòng con bao thuở mới nguôi ngoai.
Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ
Nước chảy vào thương mẹ nhớ cha… (6)
Phúc lành cho những ai khi trẻ có đủ mẹ cha trong gia đình đầm ấm, khi trưởng thành được kề cận phụng dưỡng song thân:
Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con (7)
Ơi! Tấm lòng của đứa con hiếu thảo sao mà thiết tha, ngọt ngào đến thế! Có phải chỉ khi người ta có con cái, có cuộc sồng riêng, nếm trải đủ "vị gia đình" rồi thì lòng lại càng thêm bồi hồi cảm thương cha mẹ:
Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ,
Có con mới rõ sự tình
Xưa kia thầy mẹ thương mình thế nao! (8)
Khi còn sống chung với cha mẹ, con cứ hồn nhiên an hưởng, phơi phới vươn lên. Rồi khi cuộc sống mời gọi, con chim xanh vỗ cành bay xa… Nơi xứ lạ, phút giây nào đó, chạnh lòng ray rức:
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ cha, nhớ mẹ chín chiều ruột đau (9)
Ai có thể làm nguôi được nỗi nhớ trong buổi xế chiều mỏi cánh, con thấy vời vợi trong sương nếp nhà nơi quê cũ… Có tiếng chim kêu đó sao, có phải tiếng chim "đa đa" trong lời hát ru em xa xưa ấy:
Chim đa đa đậu nhánh đa đa
Chồng gần sao không lấy để lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng?! (10)
Thôi đừng hát nữa:
Mẹ già như trái chín cây
Gió đưa mẹ rụng biết ngày nào đây?
Thôi đừng ru nữa:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau (11)
Đứng ngõ trước, ra ngõ sau, trông mây trời lảng đảng, thấy một chiếc lá vèo đi, nghe cành cây khua động, lòng con khôn xiết bồn chồn:
Gió thúc cội thung nhánh tùng khua rúc rắc
Nhớ cha mẹ già ruột thắt gan teo (12)
Con dù bao nhiêu tuổi con vẫn là con bé bỏng của mẹ, khi con vui tươi con muốn được nhìn thấy mắt mẹ cười, khi con khổ đau, con muốn ngủ vùi trong lòng mẹ. Chỉ những ai cảm nhận được tình mẹ con thiêng liêng mới hiểu được rằng tại sao trong lúc nguy khốn có người gọi "Mẹ ơi" mà giờ lâm chung cũng thều thào "Mẹ, Mẹ!". Tình thương của mẹ cha cho con là bài học nhân cách lớn nhất trong đời để con làm người biết nghĩa nhân, hiếu đạo. Nhớ thương cha mẹ, con nhớ ơn sinh thành dưỡng dục, chỉ mong được dịp đáp đền:
Khi ấm lạnh con hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự, con thì an tâm (13)
Đứa con hiếu là người "ăn ở có trước có sau", trọng nghĩa nhân, không bo bo ích kỷ:
Dây bầu dây mướp cùng leo
Sớm nuôi cha mẹ giàu nghèo sá chi (14)
Chữ hiếu là gốc của đạo làm người, truyền sâu trong mạch sống gia đình từ đời này sang đời khác:
Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì (nghì la "Nghĩa", vô nghì: không biết lẽ phải).
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công (15)
Có lẽ thấm nhuần truyền thống đạo hiếu đómà người Việt Nam nào cũng dành cho Thúy Kiều một niềm quí mến. Bởi mười lăm năm lận đận; xiết bao nhục nhằn đau khổ của Kiều bắt nguồn từ chữ hiếu:
Duyên hội ngộ, đức cù lao
Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn!?
Để lời thệ hải minh sơn
Làm con trước phải đền ơn sinh thành
Quyết lòng nàng mới hạ tình
Dễ cho để thiếp bán mình chuộc cha (16)
Chữ hiếu của Kiều đâu dừng lại ở việc nuôi dưỡng, cung kính mẹ cha mà do hoàn cảnh đặc biệt, cô con gái chưa đầy hai mươi tuổi này đã có đủ nghị lực để cắt đứt mối tình đầu, đánh đổi cuộc đời tươi trẻ của mình để cứu chuộc mạng sống của cha, của em và để bảo tồn gia tộc:
Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây
Tấm lòng hiếu thuận đó, lòng trời cũng cảm động huống chi lòng người… Dẫu thân "bèo dạt" đó có "thanh y hai lược, thanh lâu hai lần" (18) nhưng gương hiếu nghĩa vẫn chói ngời đức hạnh. Cao quí thay phẩm cách người con hiếu đạo! Trong kinh "Tương Ưng" còn ghi lời đức Phật đã từng ngợi khen:
Giữa các loài hai chân
Chánh giác là tối thắng
Trong các loài con cái,
Hiếu thuận là tối thắng (19)
Đức Phật đã mở rộng chữ hiếu đến chân trời tâm linh bát ngát:
- "Những ai đã đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng tặng của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp ơn cha mẹ. Nhưng này các tỳ kheo, đối với cha mẹ không có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với cha mẹ xan tham (keo kiệt, bủn xỉn) thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, trí tuệ. Cho đến như vậy, này các tỳ kheo, là làm đủ và đền đáp ơn đủ cho cha mẹ" (20).
Hiếu như vậy mới là thiện hiếu vẹn toàn, không những chu đáo cho cha mẹ trong kiếp này mà còn tiếp dẫn cho cha mẹ tiến lên trên đường giải thoát:
Đêm nằm niệm Phật Thích ca
Cầu cho cha mẹ kết hoa Liên đài
Về cảnh Phật thấy hoa khai
Trầm luân chấm dứt, đáo lai Niết Bàn (21)
Dẫu biết tử sinh là một cõi đi về, vô thường là định luật biến dịch từng sát-na nhưng với con, cha mẹ là vĩnh hằng, tình thâm cốt nhục khiến tay con cứ muốn níu lại thời gian, chân con cứ muốn chắn ngang bước tiến của vô thường giá lạnh:
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu mong cha mẹ sống đời với con… (22)
Phan Cát Tâm
____________________________
Chú thích:
1,2,3,5,6,7,8,9,10,,11,12,13,14,15,21,22: Ca dao Việt Nam
4: Thơ Phan Cát Tâm
12: Nguyễn trãi, Gia Huấn Ca
16, 17: Nguyễn Du, Truyện Kiều
18: "Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần": trong mười lăm năm lưu lạc, Kiều hai lần làm nô tì (mặc thanh y) và hai lần ở lầu xanh (Thanh lâu), phải chịu cảnh "đưa người cửa trước, rước người cửa sau".
19: Kinh "Tương Ưng", tập I, trang 8, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu.