Đức Pháp Vương Phật giáo Kim Cương thừa chỉ ra rằng, tương lai phụ thuộc vào chính hiện tại và hành động của mỗi người.
Sáng 5/4, hàng trăm phật tử đã có mặt tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội để cung nghinh Đức Pháp Vương Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa khi ngài tham gia triển lãm ảnh và toạ đàm với văn sĩ. Dưới tiết trời lất phất mưa bay, chương trình diễn ra trong sự hoan hỉ của tăng đoàn, người dân và nụ cười rạng rỡ của bậc hiện thân Đức Phật Quan Âm. Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động; Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cùng nhiều văn sĩ, nhiếp ảnh gia cũng có mặt.
Mở đầu cuộc nói trò chuyện, Pháp Vương Gyalwang Drukpa chia sẻ niềm hạnh phúc khi được hạnh ngộ người dân Việt Nam lần thứ 5. Ngài cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu dành cho mình cùng tăng đoàn. Đức Pháp Vương tin tưởng rằng, “với sự lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam, mọi sự thay đổi sẽ đều là tích cực”.
Nhiều câu hỏi được gửi tới xoay quanh vấn đề: làm thế nào có được hạnh phúc, bình đẳng giới… Theo Đức Pháp Vương, tương lai phụ thuộc vào chính hiện tại và hành động của mỗi người. "Nếu chúng ta làm việc tốt, có lợi cho đất nước, nhân dân thì sẽ có thiện hạnh".
Tuy nhiên, bậc tối cao của Phật giáo Kim Cương thừa Drukpa chỉ ra rằng, con người hiện nay sống rất ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà không trân trọng thiên nhiên, phá hoại rừng, bầu khí quyển, nguồn nước… Bởi việc tạo nghiệp đó nên loài người phải chịu báo ứng là những khổ đau khi thiên tai, lũ lụt xảy ra.
Để có một tương lai tốt, Đức Pháp Vương khuyên mỗi người cần định hướng cuộc sống một cách đúng đắn, có những hành động tích cực góp phần bảo vệ môi trường, các loài vật. "Mọi loài cũng như con người đều có tình cảm, có quyền làm chủ thế giới. Chúng ta phải trân trọng quyền đó và bảo vệ sự tồn tại các loài. Đó chính là yêu thương trong hành động và là thông điệp Đức Thích Ca Mâu Ni đã truyền dạy từ hơn 2500 năm qua", Pháp Vương Gyalwang Drukpa nói.
Pháp Vương Phật giáo Kim Cương thừa cũng kêu gọi cộng đồng sống bình đẳng trong mối quan hệ giữa nam - nữ, con người và thiên nhiên. Sự bất bình đẳng là một trong những yếu tố khiến xã hội trở nên khổ đau.
Trước câu hỏi “Pháp Vương không bao giờ biết buồn hay là người đau buồn nhất thế gian”, Ngài đã cười sảng khoái. Pháp Vương cho rằng, cả hai ý trên đều đúng. Cá nhân ngài không bao giờ buồn vì chẳng quan tâm đến thực phẩm, tương lai của bản thân mà chỉ suy nghĩ đến chúng sinh. Tuy nhiên, bởi nhìn thấy hiện thực, nhiều người đang mải mê chạy theo công việc mà không biết trân trọng cuộc sống, huỷ hoại môi trường nên Pháp Vương cảm thấy đau lòng.
“Tôi trăn trở làm thế nào để truyền được thông điệp của Đức Phật về tình yêu thương, sự bảo vệ hành tinh đến những người đó… Tôi không kìm được nước mắt khi hôm qua thấy người đánh cá chặt đầu con cá đang sống. Người ấy không hiểu quyền bình đẳng giữa loài người với loài vật nên tạo ác nghiệp. Trong đạo Phật, khi tạo nghiệp sẽ phải trả giá gấp nhiều lần”.
Cuối buổi nói chuyện, Pháp Vương cầu mong các vị có mặt trong toạ đàm nâng cao hiểu biết để an lành, hạnh phúc. Hiểu biết cũng chính là giá trị tâm linh - điều vô cùng quan trọng trong đời sống hiện nay.
Cuộc trò chuyện của Đức Pháp Vương Kim Cương thừa Drukpa nhận được nhiều sự hưởng ứng từ công chúng.
“Những điều Pháp Vương chia sẻ mỗi chúng ta đều đã biết nhưng cách nói chuyện chân thành, gần gũi của Ngài khiến các đạo lý ấy ngấm sâu vào tâm trí tôi, khiến tôi phải suy nghĩ về chúng nhiều hơn và có mong muốn được làm theo lời Ngài căn dặn”, bà Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
“Đức Pháp Vương đã khai thị cho tôi rất nhiều điều mà trong cuộc sống mình không nghĩ ra hoặc chưa hiểu hết. Tôi ấn tượng nhất với lời Ngài dạy về việc phải sống bình đẳng trong mối tương quan với cỏ cây, vạn vật”, chị Đỗ Thu Trang, phật tử Truyền thừa Drukpa nói. Có duyên hạnh ngộ Pháp Vương 4 lần với chị Trang là điều "rất may mắn, viên mãn".
Sau cuộc toạ đàm cùng Hội nhà văn Việt Nam, Đức Pháp Vương đã thăm triển lãm ảnh và phóng sinh hàng ngàn chú chim sẻ. Những ngày sắp tới, Ngài sẽ thực hiện lễ Quán đỉnh cộng đồng tại nhiều chùa phía Bắc.
(Theo vnexpress)