GIỚI SÁT

Trời đất sinh ra vật cho người ta ăn, như bao loại ngũ cốc, bao loại hoa quả, bao loại rau dưa, bao loại thức ngon dưới nước trên cạn. Và con người còn dùng trí xảo mà làm thành bánh, thành quà, đem ướp, đem muối, đem nấu, đem rang, có thể nói là đủ ngàn vạn thứ, tội gì còn đem các vật cùng có khí huyết, cùng có mẹ con, cùng có tri giác, cùng biết đau biết ngứa, biết sống biết chết như mình đem giết thịt mà ăn. Lẽ nào lại thế? Thường ngày hay nói: "Chỉ cần tâm tốt, chẳng cứ phải ăn chay". Than ôi! Giết thân chúng mà ăn thịt chúng, tâm địa mà thiên hạ gọi là hung tâm, thảm tâm, độc tâm, ác tâm, hỏi còn có thứ tâm nào quá quắt như thế! Vậy hảo tâm sẽ ở chốn nào? Xưa tôi làm bài văn giới sát phóng để khuyên thế gian và đã có nhiều người khắc ván in bài văn này, không dưới một hai chục bản. Lành thay, đời này may sao vẫn còn có những người nhân đức, quân tử như vậy.

ĂN CHAY

Người giàu sang chẳng thể ăn chay, nguyên nhân có hai: Một là ham ăn mặn khoái khẩu, là do ăn rau dưa sẽ làm tổn hại đến thân thể. Chẳng biết rằng ăn thịt hay ăn rau, thân thể có khi vì thế mà béo hay gầy, nhưng chẳng có liên quan gì tới thọ hay yểu cả. Vả lại trong các loài thú thì hươu thọ nhất vậy mà thức ăn của nó chỉ là cỏ mà thôi. Hổ ăn thịt mà tuổi thọ lại ngắn hơn hươu, thế thì thế nào? Hươu chẳng ăn thịt mà vẫn thọ, sao riêng con người lại chẳng thế? Tuy vậy, có người bị ốm đau, tâm dẫu muốn ăn chay mà lực chẳng hợp; có người bị bề trên bắt ép, tâm dẫu muốn ăn chay mà thế chẳng được thế thì cũng tạm ăn chay một tháng, ăn chay một ngày cùng tam tịnh nhục, chỉ cần kiên trì chẳng sát sinh là được. Lâu dần, thói cũ sẽ tự đoạn trừ được.

ĂN THỊT

Người thế gian đối với bạn bè thân thuộc nếu thấy có ai bỏ thịt ăn chay thì nếu chẳng kinh ngạc cho là kỳ cục thì cũng chê cười cho là ngu.

Xét ra con người cùng với súc vật đều cùng là một đống thịt như nhau cả. Người thịt chẳng ăn thú thịt, đó là thiên lý nhân tình ắt phải như thế, cũng có gì là lạ, huống hồ lại cho đó là ngu!

Ôi! chúng sinh thật là mê muội hết mức!

NHƯ LAI CHẲNG CỨU NGHIỆP SÁT SINH

Lại nữa, thời nay tạo nghiệp, chỉ có nghiệp sát sinh là ghê gớm nhất. Không kể bốn biển rộng lớn, chỉ riêng một ấp này trong một ngày số sinh mệnh như bò dê chó lợn, ngỗng vịt cá mú ba ba bị giết đã có tới hàng ngàn hàng vạn rồi, hạng bé nhỏ thì không sao đếm xuể! Còn xuân thu nhị kỳ, cúng trời đất, thờ quỷ thần, cúng tế tổ tiên, báo đức báo công với Tiên thánh Tiên hiền, số sinh vật bị giết để sử dụng vào việc thờ cúng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy mà trời đất chẳng xót, quỷ thần chẳng thương, tổ tiên chẳng biết, Tiên thánh Tiên hiền chẳng ngầm ngăn cấm. Đến như Như Lai lòng nhân che khắp trời đất, đức từ bao dung cả quỷ thần, ơn vượt tổ tiên, đức trên Hiền thánh, sao chẳng thị hiện một chút thần thông, hoặc khiến kẻ sát sinh phải chịu ác báo nhãn tiền, hoặc khiến ác báo giáng trả lại ngay chính bản thân người đó. Như thế thì ai mà chẳng run sợ hối cải. Vậy mà lại thờ ơ dường như không hề hay biết là nghĩa làm sao? Ngẫm nghĩ hồi lâu, mới biết lũ bò dê v.v. ngày nay vì xưa kia tạo nghiệp sát sinh, nên bị quả báo tại loài súc sinh. Còn bọn đồ tể kia chính là những kẻ trước kia bị giết đã chuyển làm kẻ hay giết, nhân duyên hội ngộ, mới thỏa tấm lòng; định nghiệp sui khiến nên thế, không ai có thể cứu được, chờ khi nghiệp tận rồi báo mới đứt.

Dẫu là trời của trời, Thánh của Thánh cũng chẳng làm gì được. Huống hồ báo cũ mới bình, họa mới lại gây, nhân quả theo nhau, ta chẳng biết tới lúc nào mới kết thúc.

Vả lại, sự đã qua không ai khuyên can được, nhưng sự chưa tới thì còn có thể kịp. Thế thì nay hãy đoạn trừ cái nhân sát sinh, sau này sẽ không bị quả báo của việc sát sinh. Lời giáo huấn rõ ràng của Như Lai sáng tỏ như mặt trời như sao sáng, vì chúng sinh mà cứu sát nghiệp, há chẳng hết mức ư?

MẶC LỤA ĂN THỊT

Hối Am tiên sinh bài Phật, Không Cốc đã ra sức biện bác. Tuy vậy, Hối Am cũng có chỗ đã giúp Phật phát dương giáo hóa. Điều này không thể không biết. Như khi giải thích Mạnh Tử, ông nói: "Tuổi năm mươi nếu chẳng phải là lụa thì chẳng ấm, người chưa tới năm mươi thì chẳng được mặc. Tuổi bảy mươi nếu chẳng phải thịt thì chẳng no, người chưa tới bảy mươi thì chẳng được ăn". Xét ra, lông thú miệng tằm: tàn hại sinh vật, tổn thương tới lòng từ bi. Đó là quy chế của Phật. Cứ phải 50 tuổi mới được mặc lụa thế thì số người mặc lụa sẽ ít. Ăn thịt thì đứt mất hạt giống đại từ bi, đó là quy chế của Phật. Cứ phải 70 tuổi mới được ăn thịt, thế thì số người ăn thịt sẽ ít. Nay ngay từ đứa trẻ còn bế ắm vốn đã bao lớp áo lông để bảo vệ thân hình, nấu thịt béo giết cá tươi để cho no cho chán cái miệng chẳng phải chờ tới lúc lớn khôn, huống nữa là già! Giá như thuyết của Hối Am được thi hành thì há chẳng phải là cũng giúp cho Phật pháp một ít ư! Những người bắt tội Hối Am chẳng xét kỹ điều này, cho nên ta phải nêu ra!

TỘI SÁT SINH

Trong trận thắng ở Đồng Giáp, Khổng Minh đã đốt người Man ở các động đều cháy thành tro tàn, ông nói: "Ta tuy có công với nước, nhưng ta chắc sẽ tổn thọ!". Người thế gian đều biết giết người là có tội, vậy mà đối với trâu, dê, chó, lợn v.v. ngày ngày bị giết đưa vào bếp núc thì lại điềm nhiên chẳng biết chê trách, lẽ nào lại nghĩ việc như vậy là nhẹ ư? Đâu được vô tội. Kinh Lễ nói rằng: "Vua vô cớ chẳng giết trâu, đại phu vô cớ chẳng giết dê, si vô cớ chẳng giết chó, lợn". Người đời đều biết giết súc sinh lớn là có tội, nhưng đối với các loại như tôm, hến, ốc, sò v.v. một gắp đũa có đến hàng trăm hàng ngàn con thì lại điềm nhiên chẳng chê trách, lẽ nào lại nghĩ việc như vậy là nhẹ ư? Đâu có được vô tội! Ôi! nếu căn cứ vào lẽ mọi chúng sinh đều có Phật tính thế thì con kiến với con người là một, có gì nặng nhẹ đáng nói đâu? Nếu như sang bắt nạt hèn, mạnh ức hiếp yếu thế thì con người có thể giết mà ăn thịt cũng chẳng có gì nặng nhẹ đáng nói đâu? Kinh Phạm võng nói: "Phàm là loại có mệnh, chẳng được cố ý giết hại" ý nghĩa câu này sâu sắc thay!

NGHỀ Y GIỚI SÁT SINH

Đào Ẩn Quản lấy sinh vật làm thuốc, cuối cùng đã khiến việc thượng thăng của ông ta bị ngưng trệ.

Xét ra sát sinh để nuôi miệng nuôi bụng quả là không được; tổn hại vật mệnh để bảo toàn nhân mạng dường như vô tội. Chẳng biết quý người mà coi rẻ súc vật, thường tình thì thế, nhưng đó chẳng phải là tâm bình đẳng của chư Phật Bồ tát. Giết một mạng, cứu sống một mạng việc đó bậc nhân giả chẳng làm. Huống hồ sống chết do số phận quyết định, chưa hẳn là người bệnh đó đã có thể sống được! Như thế thì chỉ tăng thêm oan báo mà thôi.

Người có bệnh nên nghĩ kỹ điều này, người làm nghề thuốc nên nghĩ kỹ điều này!

NHÂN ỐM MÀ ĂN THỊT

Có người thụ Phật giới bỏ ăn thịt, nhưng bỗng bị duyên bị thân hữu nài ép rồi lại gặp bọn lang y dung tục xúi bậy, đến nỗi ăn chay lâu ngày mà mót sớm phá giới. Chẳng biết nghĩ rằng lực của thịt chỉ có thể vỗ béo thân, chứ chẳng thể kéo dài thọ mệnh, bậc trí giả đã nhất định không làm thế. Hơn nữa bọn con em ăn cao lương mỹ vị có người gày đét như người ốm đói, còn người làm ruộng ăn rau lê rau hoặc có khi lại đẫy đà béo tốt như lái buôn. Thế thì ăn thịt vỗ béo thân còn chưa được, làm sao mà bảo đảm được thọ mệnh? Ăn rau mà ốm, bảo họ ăn thịt. Ăn thịt mà ốm thì lại bảo họ ăn gì? Người có bệnh cứ tự giữ mình theo đúng đạo lý mà thôi. Nếu là người ở địa vị thấp bé trên có bậc tôn trưởng, do tình thế bổn phận bắt buộc, chẳng thể trái được thì ăn Tam tịnh nhục cũng được. Còn sát sinh mà ăn thì không được!

SÁT SINH LÀ TỘI ĐẠI ÁC TRONG THẾ GIAN

Có người bảo rằng: "Tội ác mà con người gây ra, tội gì lớn nhất?". Có người đáp rằng: "Đó là trộm cắp, ngỗ ngược, sui nguyên giục bị". Ta bảo rằng: "Đó là đúng, nhưng còn tội lớn hơn, tội lớn không gì lớn bằng tội sát sinh". Người kia nói: "Giết mổ nấu ăn, đó là việc thường dùng hàng ngày sao mà gọi là ác được? Huống hồ lại cho là tội lớn nhất?”. Ôi! Trộm cướp tuy ác, nhưng chủ ý là được của, nếu vui vẻ mà đưa cho chúng thì chưa hẳn là chúng sẽ giết hại mạng người. Còn sát sinh thì mổ bụng moi tim, gan óc đưa vào nồi vạc. Kẻ ngỗ ngược có khi bỏ mặc chẳng phụng dưỡng, lếu láo chẳng cung kính, nhưng chưa hẳn đã làm các chuyện giết cha như A Xà Thế, Dương Quảng. Huống hồ những người bị A Xà Thế, Dương Quảng giết hại chỉ là cha mẹ một đời, còn các loài có sinh mệnh thì như trong Kinh đã nói có khi là cha mẹ nhiều đời trước kia! Kẻ sát sinh từ lúc trẻ tới lúc già số bị hắn giết thịt nhiều vô kể, thế thì hắn phải giết hại đến cha mẹ nhiều đời! Kẻ sui nguyên giục bị tội ác gom lại tiếng xấu đồn vang, phần nhiều sẽ bị tra xét ra, ít kẻ lọt lưới. Còn kẻ sát sinh kia ai mà tra xét ra hết được? Thế thì tác hại của tội sui nguyên giục bị chỉ có hạn, còn tác hại của tội sát sinh là vô cùng tận. Cho nên đức lớn của trời đất là sinh, tội ác lớn trong vòng trời đất là sát sinh.

SÁT SINH CHẲNG PHẢI LÀ VIỆC LÀM CỦA CON NGƯỜI

Hổ báo ăn thịt đàn thú; ưng vọ ăn thịt đàn chim; cá chuối, dái cá, chim diệc, chim cò ăn các loài thủy tộc như tôm cá v.v. Loài vật vô tri thì thế. Đủ hình dáng người, mang bẩm tính người mà lại giết các chúng sinh để mà ăn thịt, liệu có được không? Đó là hổ báo, ưng vọ, cá chuối, dái cá, chim diệc chim cò trong loài người! Tuy nhiên, hổ chẳng hại tới loài bay tận trên không, cá chuối chẳng hại tới loài chạy trên cạn, còn con người thì trên tới trời, dưới tới vực, giữa tới các loài rải rác khác nhau ở rừng rú ruộng đồng, lưỡi câu dáo mác lưới bẫy, trăm phương ngàn kế để bắt chúng không sót mống nào. Thế thì con người giết hại còn thậm tệ hơn loài vật. Khổng Tử nói rằng: Nhân có nghĩa là có tính người. Mạnh Tử nói rằng: "Nhân có nghĩa là lòng người. Người mà bất nhân thì đó còn được là người nữa không. Đã mang danh là người thì ắt không có lý nào lại sát sinh ăn thịt!"

CẤM GIẾT MỔ

Người thế gian giết nhiều sinh mệnh để cung cấp việc ăn uống sớm tối, để chuẩn bị yến tiệc khao thưởng, để thờ phụng cúng tế và họ đều bảo đó là lẽ đương nhiên. Đã là đương nhiên thế thì sao hạn hán, lụt lội, quan lại cấm giết mổ. Sau đó mới biết giết mổ là sai trái?

Tuy vậy, đang hạn mới mưa nhỏ, mưa lụt mới hơi tạnh là giò lợn, chân cừu đã treo cao ở chợ búa rồi!

Hơn nữa, phong tục ở Hàng Châu hễ cầu đảo Quan Âm đại sĩ, ắt thỉnh tới chùa Hải Hội và toàn thành mổ giết, vậy thì thành ý ở đâu? Thật rất đáng than trách.

Nếu họ luôn luôn giới sát, nhà nhà trì trai, ắt có thể cảm triệu được thiên hòa, mưa nắng phải thời, lúa đồng được mùa, bốn biển thanh bình, phong tục tốt đẹp thời Cát Thiên, Vô Hoài chắc chắn sẽ tái hiện ở ngày nay! Ngặt nỗi tập tục theo nhau chẳng thể cứu vãn được. Buồn thay!

NUÔI CÁ, HẠC

Thế tục người nuôi cá vàng thì nuôi bằng bọ cơ hà, người nuôi hạc thì nuôi bằng cá con. Nuôi hạc thì một bữa phải đến hàng trăm. Nuôi cá vàng thì mỗi bữa ăn hàng ngàn. Gom ngày thành tháng, gom tháng thành năm, sát nghiệp thật vô biên. Xét ra chăn tằm, chăn nuôi gia súc, đó là vì no ấm mà gây ra sát nghiệp ấy. Cá và hạc chỉ để nhìn ngắm nhất thời mà thôi. Than ôi! Thế mà cũng chẳng thể chấm dứt được.

HỨA NGUYỆN CỦA THẾ TỤC

Người thế gian cầu tự, cầu kéo dài thọ mệnh, cầu cho qua khỏi bệnh tật, cầu trừ tai giải ách, cầu để được công danh, cầu cho nhà cửa bình an, cầu để được thêm của cải, các việc như vậy tốt nhất chẳng thể khấn khứa hứa nguyện rằng sẽ giết thịt súc vật để lễ tạ. Đó gọi là ác nguyện, chỉ có nghiệp chứ không có công, dẫu có được toại tâm tốt đẹp nhất thời, sau này sẽ phải chịu khổ báo. Cho đến hứa cúng áo bào, cúng phướn, hứa xây điện đường, hứa cúng đồ thời tuy chẳng giống như lễ mặn nói trên, song tâm đại bi bình đẳng mới gọi là Phật, chính trực chẳng thiên lệch mới gọi là Phật, lẽ nào lại có chuyện vì hối lộ mà giáng phúc? Dẫu có được toại tâm, cũng là do số mệnh của người đó tự xui nên, chẳng phải là nhờ lực hứa nguyện. Theo lý mà bàn, chỉ tại làm nhiều việc thiện mà thôi. Trung với vua, hiếu với cha mẹ, thương người nghèo, yêu người già, cứu tai thương khổ, giới sát phóng sinh, đủ mọi ân đức, đủ mọi phương tiện, tùy theo năng lực đều ra sức thực hành, công làm điều thiện lẽ tất nhiên sẽ được cảm ứng bằng những điều tốt lành. Nếu chẳng toại tâm thì nên quy cho mệnh trời, phó cho túc duyên, chẳng oán chẳng trách, càng làm điều thiện mà không chùn hối!

CON NGƯỜI CHẲNG NÊN ĂN THỊT CHÚNG SINH

Kinh nói: Giầy da áo lông v.v. các vật đó chẳng nên dùng, vì các thứ đó hàng ngày gần gũi với các súc sinh. Xét ra các thứ này chỉ dùng ở bên ngoài thân, huống hồ ăn thịt thì vào trong thân! Người thời nay dùng chó, lợn, bò, dê, ngỗng, vịt, cá, ba ba làm thức ăn, suốt đời chẳng thấy đó là sai, là vì sao? Xét ra ăn uống vào dạ dày, dư dật tinh khí để quy về tỳ, cặn bã dịch thải bị đưa ra khỏi ruột non ruột già còn chất tinh túy máu mỡ thì mới bồi bổ phủ tạng, tăng trưởng cơ bắp, tích lũy lâu ngày thì toàn thân đều là thân của chó, lợn, bò, dê, ngỗng, vịt, cá, ba ba; tấm thân do cha mẻ đẻ ra ngay trong đời này đã thành loài khác rồi, nói chi đến kiếp sau?

Xét ra dùng ngũ cốc để nuôi dưỡng, rau dưa để bổ sung, hoa quả để phụ trợ. Đó là lời trong sách nội kinh (Tức Hoàng đế nội kinh: tên một loại sách thuốc thời xưa). Những thứ thức ăn của con người cũng đã rồi. Vậy thì cần gì mà phải ăn thịt nữa. Đã gọi là người thì chẳng nên ăn thịt.

Trích: Trúc Song Tùy Bút

Tác giả: Đại sư Liên Trì

Dịch giả: Thích Viên Thành



Có phản hồi đến “Khai Thị Về Giới Sát Sanh - Liên Trì Đại Sư”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com