Dòng người như thác mang hương hoa, đồ vật về những ngôi chùa lớn, đình đền để tế lễ ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới (ngày rằm tháng Giêng) nhưng ít ai biết cách đi lễ vào ngày này
Xuất phát từ 4 giờ sáng cùng đoàn phật tử thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn về chùa Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) cúng rằm tháng Giêng, cô Hoàng Thị Coỏng, người dân tộc Nùng- trưởng đoàn cho biết: Dịp rằm tháng Giêng, cả đoàn đến chùa Lim làm lễ và chiêm bái cảnh quan chùa, cầu mong cho gia đình, dân tộc an lành.
Vì đây là năm đầu tiên về xuôi lễ chùa nên bản thân cô Coỏng chỉ kịp làm lễ đen, tức là đặt tiền tại bàn lễ. Khi được hỏi về ý nghĩa của hành động đó, cô Coỏng chỉ cười vì thực chất chưa hiểu sâu về nguồn gốc của việc đặt tiền, làm lễ ngày rằm tháng Giêng trong chùa.
Theo bà Lê Thị Kim Oanh, phật tử chùa Đình Quán, ngày rằm tháng Giêng thể hiện cho sự tròn đầy, ngày rằm đầu tiên của năm. Trong gia đình có bàn thờ Phật sẽ sắm sửa đơn giản mâm cơm chay tịnh bằng đậu, lạc, hoa quả, và một chút muối dâng lên các ngài với một tấm lòng thành kính, trang nghiêm.
Tuy nhiên thực tế, có nhiều người đổ xô đi lễ đình, chùa trong ngày rằm tháng Giêng với nhiều hành động xoa tiền vào tượng Phật, ăn mặc quần áo hở hang, hoặc dâng lên ban thờ những mâm lễ mặn gồm thịt gà, xôi, những món xào nấu mang tính phàm trần.
Theo sư thầy Thích Diệu Mơ - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Kinh Môn, trụ trì chùa Nhẫm Dương (Kinh Môn, Hải Dương), lên chùa đi lễ cần ăn mặc chỉnh tề. Đặc biệt, bước chân qua ngưỡng cửa Tam bảo cần phải bỏ giày dép bên ngoài. Đồng tiền lễ Phật nên bỏ vào hòm công đức và không nên dùng đồng tiền đó để chà sát vào tượng Phật.
Với mâm cơm cúng không chỉ ngày rằm tháng Giêng mà ngày rằm nào cũng vậy khi mang đến chùa nên làm những món ăn chay tịnh. Bởi trong nhà Phật, khi làm món mặn vô tình đã phạm giới, làm trung gian cho những người giết mổ. Để bàn thờ không bị ám mùi đồ mặn phàm trần nên làm món chay tịnh thanh nhẹ.
(Theo Dân Việt)