Những ngày cuối năm, thời tiết trở nên thay đổi, cái giá lạnh của mùa đông không còn nữa mà nhường chỗ cho cái ấm của buổi giao mùa. Vạn vật như hồi sinh sau những tháng ngày úa tàn, lạnh lẽo.
Thế là mùa xuân lại đến. Mùa xuân của trời xanh, nắng ấm, hoa nở, chim hót rộn ràng... Khắp nơi, cảnh vật đua nhau khoe sắc thắm, khiến lòng thế nhân càng ngây ngất đắm say trước vẻ đẹp của đất trời. Hình tượng về mùa xuân luôn là cảnh sắc tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho đời. Các thi nhân thường ca ngợi mùa xuân với muôn ngàn hoa lá xanh tươi, hương tỏa khắp trời.
“Cây khô xuân đến ngàn hoa nở
Gió thoáng nghìn xa ngát nhụy hương”
Trước phong cảnh thơ mộng này, con người hằng mong muốn tận hưởng hương vị ngọt ngào của mùa xuân bên mái ấm gia đình có ông bà, cha mẹ, con cháu xum vầy... Nhưng liệu rằng chuỗi thời gian ấy có tồn tại mãi không, khi cuộc đời luôn biến đổi trong từng sát na sinh diệt ? Sự sinh già, bệnh chết, luôn rình rập, làm cho chúng ta đau khổ triền miên trong vòng quay bất tận. Nguyên nhân của nỗi khổ đau chính là do con người tham đắm tiền tài, danh vọng... không có cái nhìn thấu đáo về vạn pháp, sự hiểu biết còn điên đảo ngược xuôi. Thế nên, trước sự chuyển hóa của các pháp, họ cảm thấy lo sợ bất an.
Khác hẳn người thế gian, các vị Thiền sư đã chiêm nghiệm được sự thật của cuộc đời. Các Ngài đã rũ sạch “có- không”, mặc nhiên với thị phi nhơn ngã, nhìn mùa xuân là “tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”, thản nhiên tự tại trước cảnh Ðông tàn, Xuân đến. Hương Hải thiền sư đã cảm nhận mùa xuân một cách tự tại, tinh tế và sống động.
“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo
Thấy hoa mặc bướm để lòng chi”
Bướm hoa, hoa bướm rồi cũng thành huyễn cả. Trăm năm chỉ là một phút chốc, phú quý vinh hoa cũng là một giấc mộng mà thôi. Ðịnh luật vô thường muôn đời vẫn bất di, bất dịch. Hoa nở rồi sẽ tàn, trăng tròn rồi sẽ khuyết. Sự sinh diệt của con người như ánh chớp giưõa hư không, như bóng trăng dưới đáy nước. Vua Trần Thái Tông dạy người đời hãy xem việc sinh tử như một việc thường tình:
“Sanh như đắp chăn bông
Tử như cởi áo hạ”
Người xuất gia theo lý tưởng giải thoát, đứng giữa đạo, đời hai nẻo cần phải biết khế hợp dung thông, để mỗi mùa xuân đến rồi mỗi mùa xuân đi đều giữ lại nơi lòng mình bản tâm trong sáng, thánh thiện. Hãy dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng đón nhận và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của chúng sinh, đem nụ cười hoan hỷ thay cho tiếng khóc đớn đau, một khi nhận ra được sự thật của các pháp, thì cuộc sống của chúng ta sẽ an lạc. Lúc ấy, không chỉ một mùa xuân mà cả bốn mùa đều như có mùa xuân hiện hữu và cánh mai vàng của thiền sư Mãn Giác. Ðiều ấy chính là cái chơn thường trong vô thường của muôn vật.
Mùa xuân mới lại về chan hòa cùng nhân loại. Người người chúc tụng nhau những lời tốt đẹp, an lành. Nơi Phật đường tiếng mõ lời kinh thâm trầm, thanh thoát. Nụ cười hiền từ của Ðức Từ Thị như nhắc nhở người con Phật hãy sống hoan hỷ vị tha, để mỗi mùa xuân đến trong ta mãi mãi bất diệt.
Huệ Liên