Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

(Kiều-Nguyễn Du)

Ta đến với cuộc sống bằng tiếng khóc, ra đi hai bàn tay trắng, trả lại những gì đã mượn vay. Mấy mươi năm trên cuộc đời như là một món nợ lớn của chúng sanh. Nghiệp, chiêu nghiệp, ta dẫm lên biết bao nhiêu người khác để ta tồn tại. Dù muốn hay không ta cũng không tránh khỏi những va chạm thường có, trong khi ở vị trí là một phàm phu cho đến khi các duyên chấm dứt. Ý thức tồn tại ấy đã gắn với công danh, sự nghiệp, bao nhiêu thăng trầm của một cuộc lữ hành trôi nổi cũng từ đây.

Xét ở góc độ nào ta cũng phải vay mượn các duyên tương trợ. Trước khách quan của sự vật, một cơn mưa có thể làm rung động thi nhân, nâng thêm phím đàn nhạc sĩ; song cũng có thể là nỗi buồn của một nông phu đang hong lúa. Mỗi người mỗi kiểu cảm nhận nhưng đâu đó còn có thương yêu hay ghét bỏ. Đau xót trước biệt ly, hân hoan trong sum họp đều ẩn chứa trong nó một uẩn khúc ngậm ngùi ai cũng phải đi qua. Sự chuyển biến chính là bản thể của sự vật, ta thấy cái mới xuất hiện nhưng trong nó còn dáng dấp của cái cũ và nó chính là nhân của cái tiếp theo. Thái độ của mỗi chúng sanh trước cuộc đời thường ở trạng thái cam chịu, nếu một khi quá sức chịu đựng thì than thân trách phận. Nhưng để có một quan kiến về sự thật thế giới thì ít ai chịu tìm hiểu, họ cứ thế dìu nhau đi trong nỗi đau. Con đường nào để vượt thoát những sự ràng buộc trầm kha của chúng sanh?

Đức Phật dạy: “Toàn thể vũ trụ, dầu pháp biến động hay bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã.” Đó là một thực tế, các nhân duyên hòa hợp tạo nên pháp, trong pháp ấy các duyên thường xung khắc nhau. Khi một trong các duyên thay đổi, thì các duyên khác mất đi hay chuyển sang dạng tồn tại mới. Biến động hay bất động cũng chỉ là một chuổi kết hợp, có kết hợp thì có tan rã. Định luật này vốn là vô thỉ vô chung chứ không phải đến thời Phật mới có, vượt ra ngoài cảm nhận, siêu xuất ngôn từ, duy chỉ trí tuệ mới thấu triệt được. Đức Phật dùng phương tiện khéo diễn đạt cho chúng sanh hiểu. Ngài không thiên lệch theo chiều hướng tích cực, cũng không đưa đến bi quan mà diễn tả một sự thật của bản thể qua các pháp hiện hữu. Ở đây Ngài nhấn mạnh hai điểm:

-Về thân.

Ngài cho đó là một dạng vật chất không đáng để bám víu, sống chết là lẽ thường. Thái độ này khiến cho nhiều người hiểu lầm dễ dẫn đến một cách sống cẩu thả không mục đích. Vì sao? Vì họ thiếu trí tuệ. Dĩ nhiên không ai thích chết, chia lìa, ốm đau v.v... nhưng những yếu tố đó xuất hiện một cách thường trực trên thân, một khi đủ duyên liền phát huy công năng của nó. Nguyên lý này thường bị lãng quên, nó ở thật gần chúng ta mà tưởng là xa vời. Đức Phật dạy: “Như lai diệt độ được diệt độ thì cũng như trừ được cơn bệnh khủng khiếp. Đây là vật tội ác đáng bỏ, giả hiệu là thân thể mà chìm ngập trong biển cả già bịnh sống chết, như thế người có trí tuệ ai lại không hoan hỷ khi trừ bỏ thân này như trừ bỏ kẻ thù?” Đó không phải là một lời thốt lên từ một chúng sanh tầm thường mang chiếc thân già đang bị bức bách.

Trong nhân tình thế thái, đây là một thông điệp của Bậc Đại giác nhận chân được sự sanh diệt của pháp hữu vi. Ngài lấy ngay thân thể của mình để làm thí dụ cho mọi người thấy. Thông thường, với tâm ái nhiễm, chúng ta tiễn người thân của mình bằng lệ xót, bằng những tiếng khóc than, nhưng chưa có ai cản được sự hoại diệt mà nước mắt vẫn chảy dài bao thế hệ.

-Về tâm.

Đức Phật dạy “…Các thầy Tỳ kheo phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng buồn lo gì cả.” Chúng sanh duyên tâm với cảnh, thịnh suy luôn luôn làm buồn hay vui, họ sẵn sàng lao vào một trạng thái và cuối cùng hụt hẫng trước lẽ tự nhiên. Chuyển biến là khách quan, là thực tế. Đối tượng cảm nhận đắm nhiễm, bi lụy cũng không làm khác được. Ở cả hai trạng thái này đều thiếu trí tuệ, trước sự kết hợp hay tan rã hành giả phải để tâm mình thản nhiên dùng sự quán chiếu loại trừ những sầu bi khổ ưu não bắt nguồn từ ái. Đức Phật khẳng định: “Các thầy Tỳ kheo, không nên buồn rầu; nếu Như Lai ở đời lâu đến một đại kiếp đi nữa, thì sự kết hợp nào cũng phải tan rã. Kết hợp mà không tan rã là điều không thể có được”. Đó là tuyên ngôn chung cho tất cả chúng sanh, sự mặc nhiên của vạn pháp vốn xưa nay vốn là như vậy.

Đức Phật đã xây dựng cho chúng ta một tinh thần nhập thế. Hiểu và làm được như tinh thần đó thì cuộc sống sẽ thăng hoa. Mặc nhiên trước đổi thay không phải là khoanh tay nhìn cuộc đời của một người chán công danh hay thất tình tủi hận, mà chính mình tự nhận ra bản chất của sự đổi thay đó để vươn lên và xây dựng tự thân tha nhân ngày càng tươi đẹp hơn. Gót chân nhân loại lún sâu trong khổ đau cùng cực thì tự ta phải chuyển hóa thân tâm. 

Muốn làm được như vậy ta phải nỗ lực tu tập làm cho trí tuệ xuất hiện. Trí tuệ có mặt thì các yếu tố đối lập tự nhiên tan biến. Đức Phật dạy:“… Cuộc đời như thế thì các thầy phải nỗ lực tinh tiến để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh”. Con người là đối tượng thuyết giáo và triển chuyển giáo lý; trí tuệ thù thắng có ở tất cả chúng sanh vì thế con người nhạy bén dễ thành công hơn cả. Vị trí con người luôn được đức Phật đề cao, chính đức Phật cũng mượn thân người để làm phương tiện. Ngài thị hiện đản sanh, nhập diệt như một chúng sanh, qua đó để khẳng định tính chất của cuộc đời, nâng cao ý thức cho chúng sanh. Hòa hợp và cách biệt xuất hiện cùng một lúc, sống và chết rất gần nhau, nếu cứ đặt mình trong cuồng say của chấp thường hay đoạn thì uổng phí một kiếp người có nhân duyên thù thắng.

Đến và đi, còn và mất, ta không có nó vẫn tồn tại, ta quên chúng vẫn hiện hữu. Ta đi nó tiếp tục vận hành. Bước chân ai lưu luyến nhân gian bởi nghiệp quả luân hồi và bước chân người đi về cõi an vui cũng được quyết định bởi kiếp này, lôgic trong dẫn dụ, sách tấn trong thuyết giáo. Đức Phật đã mang cả thân mạng giáo hóa chúng sanh trong giây phút sau cuối. Công việc còn lại là của tất cả chúng ta.

Hải Triều



Có phản hồi đến “Đừng Buồn Lo Gì Cả”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com