Mục Lục
Ngọc Lâm ở Thiên Hoa Am chưa được mấy hôm thì bao nhiêu chuyện khó chịu kế tiếp xẩy ra. Số là trong Thiên Hoa Am có viên quản lý sự vụ, người thân tín của Vương tể tướng.Ngô Sư Gia đã bốn mươi lăm tuổi, người cao dong dỏng, nước da thiết bì; lúc Vương tể tướng còn là Lại Bộ Thượng Thư thì ông ta được tuyển vào làm thư ký riêng. Ông ta là người nhiều thủ đoạn, mưu kế, bản tính hay tranh đua, hiếu thắng, lời nói thì cay chua, khinh bạc, song vì mấy lần ông ta giúp mưu mà Vương tể tướng được nhà vua đặc biệt tin cậy, do đó, Vương tể tướng mới coi ông ta như một người tâm phúc.Vì việc nước bề bộn nên sau khi lễ thế phát của con chấm dứt, Vương tể tướng lại vội vàng về Kinh.
Trước khi đi, Vương tể tướng giao hết công việc trong Thiên Hoa Am và tiểu thư cho Ngô Sư Gia trông nom. Ông cũng dặn mọi người trong chùa phải đặc biệt cung kính và săn sóc Ngọc Lâm.Việc đó khiến cho Ngô Sư Gia sinh lòng ghen ghét, ông ta cho rằng đối với một vị sư trẻ tuổi bất tất người trong tướng phủ phải tỏ ra ân cần. Hơn nữa ông lại người tâm phúc của Vương tể tướng trong phủ ai cũng phải kính sợ ông ta. Song Ngọc Lâm vốn dĩ là người không sợ quyền thế, không chịu quî lụy, thái độ nghiêm trang, lời nói chính chắn của thầy khiến Ngô Sư Gia tưởng là thầy kiêu mạn, do đó trong lòng vô cùng oán ghét.
Trong Thiên Hoa Am, từ Giác Chúng (pháp hiệu của Vương tiểu thư) đến các sư nữ mà Giác Chúng mời ở lại và tất cả tỳ nữ, không ai là không cung kính Ngọc Lâm, thấy thế Ngô Sư Gia lại càng ghen tức. Ông ta tự nghĩ: "Từ khi mình vào tướng phủ đến nay, nhờ được tể tướng tín nhiệm, ngoài tể tướng, phu nhân và tiểu thư ra, trong tướng phủ không ai dám coi thường mình, ai cũng phải theo răm rắp, thế mà bây giờ một ông sư trẻ tuổi dám ngang nhiên định xâm chiếm địa vị của mình".Tay cầm cái tẩu hút thuốc, đầu đội chiếc mũ bằng da cáo, mình mặc áo trường bào, Ngô Sư Gia đi đi lại lại trong buồng ngủ; lúc thì bỏ chiếc mũ ra và đưa tay lên gãi đầu, lúc lại vứt cái tẩu xuống và xoa xoa hai bàn tay, ông ta đang tìm cách để làm mất thể diện của Ngọc Lâm giữa công chúng hòng giảm bớt thanh danh của thầy, khiến mọi người đừng tin cậy và tôn trọng thầy nữa.
Nhưng Ngọc Lâm rất sáng suốt và lỗi lạc, thái độ của thầy nghiêm nghị như một bậc lão thành, mỗi ngày ngoài hai tiếng đồng hồ dạy Phật pháp và qui luật thiền gia cho mọi người ra, thầy không đoái hoài đến một việc gì khác, Ngô Sư Gia tuy bực tức song cuối cùng không nghĩ được cách gì làm nhục Ngọc Lâm.Một hôm, sau khi suy nghĩ khá lâu, ông ta đã tìm được một biện pháp, nghĩa là trong lúc Ngọc Lâm giảng Phật pháp cho mọi người, ông ta sẽ đưa ra một vài vấn đề để nạn vấn, làm cho Ngọc Lâm không thể trả lời, như thế thầy sẽ mất uy tín, và dù có vì tình mà Vương tiểu thư cố giữ thầy ở lại chăng nữa, chắc chắn thầy cũng không còn mặt mũi nào ở lại.
Buổi chiều hôm ấy, sau buổi giảng, Ngọc Lâm sắp đứng dậy, thì lúc đó Ngô Sư Gia bắt đầu hé một nụ cười hiểm độc rồi tiếp đó nói với Ngọc Lâm:
- Tôi có một vài điều thắc mắc, không biết có nên đưa ra xin thầy chỉ giáo?
- Chỉ giáo thì tôi không dám, song có điều gì xin cứ nói để chúng ta cùng thảo luận! Ngọc Lâm vừa nói vừa trở lại ngồi xuống ghế.
- Nếu thầy không trả lời được thì sao? Ngô Sư Gia cố ý nói tức.
- Nếu ông biết tôi không đáp được thì xin ông đừng hỏi tôi.
- Đâu có được thế, thầy là một người xuất gia Hoằng Dương Phật Pháp kia mà!
- Ông nói đúng, vậy có điều gì cần chỉ giáo xin ông cứ hỏi!
Lúc đó Ngọc Lâm đã hiểu Ngô Sư Gia cố ý kiếm chuyện.
- Giả sử thầy không trả lời được? Ngô Sư Gia lại khiêu khích.
- Thì lần sau ông đừng lên nghe tôi giảng!
- Không được, lần sau thầy không thể giảng ở đây được nữa!
- Ông nói đúng, nếu tôi không thể trả lời câu hỏi của ông, thì lần sau tôi không nên giảng ở đây nữa.
Ngọc Lâm lại ngồi xếp bằng như trước, nhắm mắt, nét mặt bình tĩnh không có vẻ gì là người bị nạn vấn cả.
- Phàm người đã đọc sách thánh hiền đều biết rằng quốc gia ta được xây dựng trên nền tảng trung, hiếu, thầy đi xuất gia thế này, tôi thiết tưởng không hợp với căn bản quốc gia của chúng ta!Vừa nói Ngô Sư Gia vừa tỏ ra dương dương tự đắc cho là câu nói của mình sẽ làm Ngọc Lâm phải thất điên, bát đảo.
- Thế có nghĩa là thế nào?
Tuy Ngọc Lâm đã đi guốc trong bụng Ngô Sư Gia, song thầy hỏi vậy cốt để cho ông ta nói lại cho sáng tỏ vấn đề.
- Tôi tin rằng thầy cũng thừa hiểu làm người cần phải có trung hiếu - ông ta nói - vì nếu một người bất trung, bất hiếu, thì người đó không còn tư cách làm người. Tôi xem thầy còn trẻ tuổi mà đã thế phát xuất gia, hằng ngày ăn không ngồi rồi, không chịu sinh sản, không đem sức mình để phụng sự quốc gia. Như thế đâu có thể gọi được là trung? Lại nữa, cha mẹ sinh con vốn mong nhờ cậy trong lúc tuổi già, bởi thế mới chăm lo nuôi nấng cho thành người, thế mà giờ thầy nỡ bỏ cả cha mẹ để đi tu, như vậy đâu có thể gọi được là hiếu! Xin thầy trả lời tôi! Câu hỏi của Ngô Sư Gia làm cho những người đến nghe Ngọc Lâm giảng ngồi ngay cán tàn.
Họ đều nhìn Ngọc Lâm và trông chờ Ngọc Lâm trả lời, nhất là Giác Chúng và Thúy Hồng lại càng tỏ vẻ sốt sắng mong Ngọc Lâm đừng e dè, vì nể, cứ thẳng thắn đáp câu hỏi của Ngô Sư Gia.Ngọc Lâm không hề "bối rối", thầy rất bình tĩnh, thầy biết Ngô Sư Gia có ác ý và xưa nay thầy vốn không muốn biện luận với những hạng người như vậy. Vì, với những kẻ thô bạo, khinh mạn, ngoan cố thì không có đạo lý nào có thể giảng giải cho họ được, dạo lý chỉ ở trong lòng những người có tâm hồn cao thượng mà thôi. Song Ngô Sư Gia đã cố ý hỏi vặn, tuy những vấn đề đó không đúng sự thật, song nếu giải thích và xuyên tạc thêm cũng có thể khiến cho nhiều người hiểu lầm. Bởi thế Ngọc Lâm từ từ mở mắt và, với giọng hết sức ôn hòa, nói:
- Ông nói rất đúng, một người có tư cách là đối với quốc gia phải hết lòng trung, đối với cha mẹ phải hiếu kính. Song xuất gia đầu Phật là đã hiến thân cho công cuộc cứu người, giúp đời, điều đó không thể cho là bất trung, bất hiếu. Ông nói người xuất gia hàng ngày chỉ ăn không ngồi rồi, không chịu sinh sản, đó là ông không hiểu nhiệm vụ của người xuất gia là Hoàng Pháp, Lợi Sinh. Công việc của người xuất gia là đem Phật pháp dạy cho người đời. Còn nói đến phụng sự quốc gia, không nhất định cứ phải làm ruộng và sinh sản mới là phụng sự. Chúng tôi dùng giáo pháp của đức Phật để cải thiện lòng người, an ninh xã hội, khiến cho nhân dân bớt phạm pháp, và cuộc sống có thêm giá trị, như thế cũng có thể nói là phụng sự quốc gia, phục vụ xã hội một cách trực tiếp vậy.
Nếu phủ nhận điều đó thì tôi e rằng Ngô Sư Gia và cho đến cả Vương tể tướng cũng không khác gì những người xuất gia, cũng bị người ta cho là ăn không, ngồi rồi, không làm việc để phụng sự quốc gia. Còn bảo xuất gia là bất hiếu với cha mẹ, thì điều đó tôi chưa từng nghe thấy trong Phật Giáo; xuất gia có nghĩa là ra khỏi cái nhà phiền não trong ba cõi. Nếu nói đến sự hiếu thuận cha mẹ, thì người xuất gia chân chính mới thật hiểu rõ ý nghĩa của chữ hiếu. Thông thường người đời tưởng hiếu thuận cha mẹ là chỉ cung phụng cha mẹ về phương diện vật chất, như dâng các thức ăn ngon ngọt, hay may sắm quần áo tốt đẹp, thế đã cho là hiếu kính rồi. Song xét kỹ thì hiếu kính đối với cha mẹ về phương diện vật chất chưa thể gọi được là hiếu thuận triệt để. Là vì cha mẹ tuy được tạm thời thỏa mãn (thực ra không bao giờ thỏa mãn) về phương diện vật chất, song những nỗi đau khổ của cha mẹ không thể do đó mà tiêu tan được.
Không ai tránh khỏi cái khổ già, ốm và chết. Người xuất gia hiếu kính cha mẹ, một mặt mong cha mẹ không thiếu thốn về vật chất, mặt khác lại khuyên cha mẹ tin lý nhân quả, tội, phúc báo ứng, xa lánh các việc ác chăm làm các điều thiện, mong cha mẹ thoát khỏi cái khổ sinh, tử mà hưởng sự yên vui vĩnh viễn, đó mới là hiếu thuận triệt để. Những điều đó thật ra rất dễ hiểu, tôi tưởng Ngô Sư Gia là bậc quán thế, đầy mưu lược, lẽ ra phải hiểu hơn ai hết vấn đề rất phổ thông ấy mới phải chứ?Ngọc Lâm nói một cách thản nhiên và bình tĩnh, thầy vốn có tài biện thuyết, lại xuất gia đã lâu năm và rất thông hiểu Phật pháp. Lúc đó tất cả mọi người ngồi nghe đều tỏ vẻ thích thú và họ chăm chú nhìn Ngô Sư Gia bằng ánh mắt chán ghét.Ngô Sư Gia thấy ai cũng tỏ vẻ tín phục Ngọc Lâm, ngọn lửa ghen ghét trong lòng ông ta lại bốc lên ngùn ngụt. Nếu không có Giác Chúng (Vương tiểu thư) ngồi đấy thì ông để ngọn lửa đó phóng ra rồi, và trong trường hợp ấy khỏi nói đến đạo đức, nghĩa lý!
Ngô Sư Gia lại hỏi Ngọc Lâm bằng một giọng hậm hực:
- Những vấn đề đó hãy tạm gác lại, tôi không muốn biện bác với thầy trong lúc nầy, tôi chỉ xin hỏi thầy là hiện giờ cõi lòng thầy còn yêu tiểu thư nữa không?Nghe câu hỏi của Ngô Sư Gia, mọi người đều tỏ vẻ bất mãn, họ tự hỏi tại sao ông ta lại nêu lên vấn đề ấy trước mặt Ngọc Lâm.
- Ông muốn tôi trả lời ông câu hỏi ấy, nhưng nó có ích lợi gì cho ông không?
Ngọc Lâm ngồi ngay thẳng, hỏi lại Ngô Sư Gia:
- Tôi muốn thầy cho biết, ngay giờ phút này, lòng thầy còn yêu tiểu thư không?
Ngô Sư Gia lúc ấy tỏ thái độ rất quan liêu hách dịch, vì ông ta tự nghĩ nếu không lật đổ được ông sư thanh niên này, thì còn hống hách với người trong tướng phủ sao được.
- Giác Chúng hiện giờ thế phát xuất gia, còn quá khứ của chúng tôi ông hiểu quá rồi.
- Đúng thế, tôi hiểu lắm, trước kia tiểu thư rất yêu thầy, và tôi tin rằng hiện giờ lòng tiểu thư vẫn còn yêu thầy, song còn thầy? Thầy hãy nói!Câu hỏi của Ngô Sư Gia không làm cho Ngọc Lâm thay đổi nét mặt, nhưng Giác Chúng thì thấy bẽn lẽn và vội cúi đầu, đôi má nàng ửng hồng và nàng cảm thấy luống cuống.Ngọc Lâm chậm rãi, nói dằn từng tiếng:
- Ông nói thế nào cũng được, nói tôi yêu cũng được, mà bảo tôi không yêu cũng được.
- Tôi biết lòng thầy nhất định còn yêu tiểu thư, hôm nay tôi muốn đem phơi bày bộ mặt đạo đức giả của thầy ra. Tiểu thư yêu thầy, thầy cũng yêu tiểu thư, nhưng thầy lại không chịu kết nghĩa với tiểu thư, khiến tiểu thư phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, bỏ hết hạnh phúc ở đời, đem mình chôn vùi vào cuộc sống buồn tẻ thế này. Trên hình thức, thầy và tiểu thư tuy không yêu nhau, song trong tinh thần ái tình giữa hai người vẫn kết hợp; nếu cùng yêu thương nhau trong tinh thần, thì sao ngay từ lúc đầu thầy không bỏ luôn lớp áo nhà tu để chung sống với tiểu thư một cách đường hoàng cho rồi, lại còn giả bộ đạo đức đến nỗi làm hại cả cuộc đời tươi đẹp của tiểu thư!Ngô Sư Gia muốn thăm dò tư tưởng của Giác Chúng, cho nên lời nói của ông ta như thổ lộ nỗi bất bình trong can trường thay cho nàng, vì lợi ích của nàng mà nói, ông ta tưởng nói thế chắc mọi người cũng phát ghét Ngọc Lâm, và Giác Chúng cũng không thể oán trách ông ta.Ngọc Lâm bị Ngô Sư Gia dồn vào ngõ bí, thầy nghĩ không thể không bày tỏ rõ ý tưởng, bởi thế thầy ôn hòa nói:
- Ông nói đúng! Trong lòng tôi rất yêu tiểu thư, tôi không những chỉ yêu tiểu thư mà còn yêu cả ông nữa, và yêu tất cả nhân loại. Ý nghĩa của chữ yêu rất rộng, cha mẹ yêu con cái, chồng yêu vợ, vua yêu nhân dân, Phật và các Bồ Tát yêu chúng sinh, song nghĩa chữ yêu ấy có nhiều điểm khác nhau. Thông thường trai, gái yêu nhau là do lòng tư dục kích thích. Cũng như ông nói tôi yêu tiểu thư, nhưng tôi không chịu lòng tư dục thúc đẩy, tôi yêu tiểu thư là mong cho tiểu thư xa lìa được sự khổ, đến cảnh giới yên vui, cũng đúng như tôi yêu và mong cho những người khác tránh khổ, đến vui vậy!Ngọc Lâm dựa lưng vào tòa ngồi, trông thầy như chân thân của một vị Bồ Tát. Những lời nói phóng ra từ cửa miện Ngọc Lâm, ai nghe cũng cảm động, mọi người đều tỏ vẻ kính ngưỡng.Thấy thế, Ngô Sư Gia càng tức, ông ta bèn quát lên:
- Thầy có biết tôi là người thế nào không?
- Ai cũng biết ông, ông là bậc đại danh Ngô Sư Gia!
- Thầy đã biết là Ngô Sư Gia, vậy thầy có biết tất cả chủ trương trị nước của Vương tể tướng đều là kế hoạch của tôi?
- Dạ biết! Song điều đó không quan hệ gì đến tôi! Tuy giọng Ngọc Lâm ôn hòa song vẫn biểu lộ cá tính cứng cỏi của thầy.
- Không quan hệ gì đến thầy! Thầy định khinh thường tôi hả? Nước da thiết bì trên mặt Ngô Sư Gia tái đi, và một tia nhìn dữ tợn, hung hiểm phóng ra từ đôi mắt của ông ta.
Lúc này Giác Chúng thấy không còn nhịn được nữa, cặp má vẫn ửng hồng như một áng mây chiều, nàng khẻ cất tiếng:
- Ngô Sư Gia, cha tôi mới về Kinh chưa bao lâu, ông đừng sinh sự một cách vô lý. Thầy Ngọc Lâm bây giờ là thầy tôi, tôi mời thầy ở lại để dạy chúng tôi tu học Phật pháp, ông không được vô lễ đối với thầy; ông sinh sự hỏi thầy trước, thầy đã lấy thiện ý trả lời ông, sao ông không thỏa mãn mà lại còn cáu kỉnh như vậy?
Ngô Sư Gia tưởng nói thế sẽ được Giác Chúng biểu đồng tình, nào ngờ lại bị nàng quở trách, lửa giận trong lòng ông ta tuy bừng bừng, song trước mặt Thiên Kim Tiểu Thư của một vị tể tướng, ông ta đành nén giận, và khẻ buông một câu:
- Tiểu thư đã....
- Xin ông đừng nhắc đi nhắc lại tiểu thư hoài, ông không biết hiện giờ tên tôi là Giác Chúng!
- Giác.... Giác Chúng đã nói thế thì tôi cũng chịu kém vậy!
Ngô Sư Gia biết tiểu thư không bằng lòng, nên đành đầu hàng và chẳng nói chẳng rằng, cầm chiếc tẩu rút lui trước.Ngọc Lâm cũng đứng dậy, ra khỏi Phật điện giữa những tiếng khen ngợi của mọi người.
HT Thích Quảng Độ