VẤN: Xin Sư cho con biết nguồn gốc ngày Phật Đản xuất phát từ đâu và cách tính Phật lịch là như thế nào? Tại sao có chùa tổ chức mừng ngày đức Phật đản sanh vào mùng 8/4 và có chùa tổ chức vào ngày rằm tháng tư? Phật tử chúng con nên làm gì là tốt nhất để mừng ngày đức Phật đản sanh?

ĐÁP:

Lịch sử thời gian:

Lễ Phật đản là lễ mừng Đức Phật giáng thế, từ ngữ Phật đản sanh được sử dụng sau khi Phật Niết bàn, Trước khi thành Phật, theo lịch sử Nam truyền gọi Ngài là Bồ tát hiệu là Sĩ Đạt Ta, hay Tất Đạt Đa. Bồ tát Sĩ Đạt Ta được sanh ra tại Vương quốc Ca Tỳ La Vệ, trong công viên Lâm bi ni, một Vương quốc nằm cạnh chân núi Hy Mã Lạp Sơn (năm 624 trước công nguyên), cha là Vua Tịnh Phạn, mẹ là Hoàng Hậu Ma Da, Ngài là vị Hoàng Thái tử sẽ nối nghiệp Hoàng gia. Tuy nhiên vào năm 19 tuổi (có thuyết nói năm 29 tuổi) Ngài vượt thành và dòng sông Anôma xuất gia (vào khoảng năm 604 trước công nguyên) tu khổ hạnh 6 năm chốn rừng già, cuối cùng bên dòng sông Ni Liên Ngài hoát nhiên đại ngộ tìm ra được chân lý giữa cuộc đời đầy khổ đau và nước mắt, hóa giải cho chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi và Ngài đắc đạo thành Phật dưới cây Bodh Gaya (năm 598 trước công nguyên), hiện nay là một thành phố thuộc quận Gaya, Bihar, Ấn Độ.

Đức Phật nhập Niết bàn vào khoãng năm 544 trước công nguyên.

Lễ Phật đản xưa:

Đại Lễ Phật Đản Phật Giáo Bắc Truyền có nguồn gốc từ Ấn Độ được truyền đến các xứ Phật giáo Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Ngày xưa, nghi thức này được gọi là “Hành Tượng”, có nghĩa là dùng xe được trang sức bằng châu báu, chở tượng Phật đi nhiễu khắp phố phường nhân lễ Phật Đản. Trong sách Đại Tống Tăng Sử Lược chép: “Hành Tượng là do từ khi Phật nhập Niết Bàn, nhiều vị Vua cũng như đại thần buồn vì mình không đủ duyên để được thấy Phật, cho nên tạo tượng Phật Đản Sanh, hoặc là tượng Thái Tử, để lên xe đưa đi tuần du khắp thành để chiêm ngưỡng”. Đây là khởi nguyên của nghi thức hành tượng trong Phật Giáo.

Vào thế kỷ thứ 5, khi Ngài Pháp Hiển đến Ấn Độ, lúc bấy giờ ở Tây Vực cũng như Ấn Độ, nghi thức hành tượng rất thịnh hành và Ngài Pháp Hiển đã từng xem nghi thức này. Trong sách Pháp Hiển Truyện chép: “Pháp Hiển cùng đoàn của ngài muốn xem nghi thức hành tượng, tháng ba thì đến nước Vu Điền, ở trong một ngôi chùa lớn của nước ấy, trong nước đó có 14 ngôi Đại Già Lam, còn các ngôi chùa nhỏ thì nhiều vô kể. Đến ngày mồng 01/4, tất cả những đường lớn nhỏ trong thành đều được quét dọn tưới nước sạch sẽ, trên cổng thành giăng màng trướng gấm vóc, treo đèn kết hoa.

Thế kỷ thứ 7, Ngài Huyền Trang đến Ấn Độ cũng từng chứng kiến nghi thức diễu hành xe hoa trong đại lễ của Phật Giáo. Trong sách Đại Đường Tây Vực Ký quyển 1 Nước Khuất Chi chép: “Cổng thành lớn phía tây, hai bên đường đều có tượng Phật đứng, cao hơn sáu bảy thước... Trong các ngôi Già Lam, chư Tăng dùng các thứ châu báu trang nghiêm tượng Phật, dùng các thứ gấm vóc lụa là trang trí xe hoa, để thỉnh tượng Phật đi diễu hành..."

Lễ Phật đản tại các nước Á Châu và Việt Nam

Phật Giáo cuối thế kỷ thứ 1 đầu thế kỷ 2 theo con đường tơ lụa truyền vào Trung nguyên, theo đường trên biển truyền vào Việt Nam và nghi thức Lễ Phật Đản được truyền vào Việt Nam rất sớm, trong sách Ngô Chí có đoạn chép: “…ở Giao Châu… khi ra đường người ta thường nghe tiếng kiểng, lẫn tiếng trống kèn những người rợ Hồ (chỉ các vị Tăng và Phật tử người Ấn) đi theo thắp hương hai bên có từng đoàn xe có mười người…”

Ngày mùng 8/4 năm Ất Hợi (1935), lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hội An Nam Phật học tổ chức Lễ Phật đản trọng thể theo nghi thức của Hội. Chương trình lễ có rước Phật, tắm Phật, tụng kinh, thuyết pháp. Đặc biệt, buổi lễ này có sử dụng máy phóng thanh, có báo chí đưa tin và có thuyết giảng đề tài: Phật học đối với phái nữ” (Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn TP.Hồ Chí Minh (Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên, Nxb TP.HCM, 2001, tr.93)

Ngày mùng 8/4/Kỷ Sửu, tức ngày 5/5/1949, Ban Chấp hành Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ hợp cùng Phật giáo Cứu quốc liên tỉnh Mỹ Tho - Sa Đéc tổ chức rất long trọng ngày lễ sinh nhật Đức Giáo chủ Thích Ca Mâu Ni tại một địa điểm ở Nam Bộ (báo không nói địa điểm cụ thể vì lý do bảo mật và bảo đảm an toàn cho địa phương này). Các cấp Dân - Quân - Chính, đồng bào, Phật tử đến tham dự trên 6.000 người (Đặc san Tinh Tấn, số ra ngày25/7/1949).

Theo truyền thống Phật giáo Đông Á, ngày này chỉ là ngày kỷ niệm ngày sanh của đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày 15/4 âl là ngày Tam hợp (ngày Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn).

Trước năm 1959, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8/4 âm lịch. Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang thì truyền thống lịch sử ngày Phật đản sanh vào đời nhà Châu (trước công nguyên) vua Châu Chiêu Vương nằm mộng thấy “Người Vàng” xuất hiện bên cõi Tây Vức, khi thức dậy truyền cho Thứ sử Tô Do mở sách ra xem và cho biết khoãng 1.000 năm sau “Người Vàng” đó sẽ đem đạo lý truyền bá đến phương Đông, tức Trung Hoa ngày nay. Nhà vua nằm mộng vào ngày mùng 8/4 theo lịch Trung Hoa, về sau khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, chư vị Tổ sư truyền bá đạo lý Phật giáo, lấy ngày mùng 8/4 làm ngày đại lễ mừng Đức Phật đản sanh.

Lễ Phật đản thế giới, Liên Hiệp Quốc:

Tại đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, 25/5 đến 8/6/1950, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia Phật giáo đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch (15/4 âl).

Ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 quốc gia có tín ngưỡng Phật giáo, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng 5 dương lịch (15/5 dl).

Năm 2008, Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc được tổ chức ở Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia từ ngày 13 - 17/5, tức ngày 9-13/4 âm lịch.

Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2014 lần thứ 11 và Hội thảo Phật giáo quốc tế do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, từ ngày 7 – 11/5/2014. Chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ 2014 là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. (trích tư liệu của Trung Ương GHPGVN).

Tổ chức mừng lễ Phật Đản:

Ở Việt Nam hiện nay, đại đa số chùa, Thiền viện, Tu viện vẫn giữ theo truyền thống xưa, tổ chức đại lễ Phật Đản ngày mùng 8/4 âl bằng lễ tắm Phật thật trang nghiêm, long trọng cho cuộc lễ. Lễ gồm có 3 phần chính: một là nghi lễ tụng kinh Khánh Đản, hai là đọc bức Thông Điệp của Đức Pháp Chủ, đọc Diễn văn của HT Chủ Tịch Hội đồng Trị sự và đọc bài Ý nghĩa Phật Đản của Ban Hoằng Pháp, ba là tắm kim thân Phật.

Về lễ tắm Phật, tùy theo mỗi nơi tổ chức có khác nhau, tại Quan Âm tu viện Ban tổ chức sắm một thau lớn đựng nước lọc thật tinh khiết, đặt tượng Sơ sinh bằng đá ngọc vào thau, cao 0,6 m, tiếp đến vị chủ lễ hướng dẫn Phật tử đi kinh hành niệm danh hiệu Phật Bổn sư Thích ca, khi đi ngang qua tượng Phật, tự mỗi người cầm dụng cụ múc nước thật tinh sạch, rồi múc nước tắm lên vai tượng Đức Sơ sinh (nhiều là 3 lần, ít là một lần), mỗi người đi kinh hành đều có tắm Phật. Đi kinh hành tắm Phật cho đến khi hết số lượng Phật tử tham gia lễ tắm Phật. Vào lúc 22 giờ ngày mùng 7/4 âl chư Tăng Ni, Phật tử tập trung lên chánh điện làm lễ vía Phật, dâng hoa đăng, đọc tiểu sử Đức Phật bằng thi kệ cho đến 24 giờ mới mãn khóa lễ.

Riêng tại gia, Phật tử sắm hương hoa trà quả vừa chừng, dâng lồng đèn Hội An cúng Phật; trước nhà có treo cờ Phật giáo và cờ tổ quốc, cờ Phật giáo nhỏ hơn cờ tổ quốc từ một đến 2 phân.

Ngày mùng 8/4 âl, vào lúc 7 giờ sáng, Phật tử nên phát tâm đến chùa tham dự lễ tắm Phật. Đến ngày rằm tháng tư âm lịch (15/4 âl) mừng đại lễ Phật đản theo nghi thức Phật giáo quốc tế và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tổ chức đại lễ Phật đản tức là chúng ta tôn kính, tôn vinh vị Giáo chủ đạo Phật, bậc Thầy của muôn vạn lọai chúng sanh một đấng từ bi phụ của nhân lọai trên hành tinh. Do cách Phật đã xa, trải qua năm tháng phế hưng, khi thì Đạo Phật thạnh hành ở hải ngọai, khi thì bị mất trên vùng đất Ấn Độ nên các lễ lượt về Ngài luôn có thiên sai vạn biệt theo từng vùng lãnh thổ nơi có Đức Phật hành đạo, nơi tín ngưỡng Đức Phật v.v…

Lịch sử tâm linh:

Lễ hội Phật đản còn gọi là lễ tắm Phật hằng năm tại nhiều xứ sở, mỗi nơi truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng động Phật giáo khắp nơi như là một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm.

Sự kiện đản sanh của Thái tử Sĩ Đạt Ta tại vườn Lâm bi ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng khi hoàng hậu Ma Da đản sanh Thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và Thái tử. Sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyện Bổn Sanh (Nidānakatha). Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi Thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại như trên.

Sự đản sanh rất có nhiều thuyết, nay chúng ta thử tìm hiểu một thuyết trong kinh Phổ Diệu do S. Lefmann xuất bản tại Berlin năm 1875 và phái Nhất Thiết hữu bộ (hay Thượng Tọa bộ) thì Bồ tát an trụ trên cung trời Đâu suất trong một cung điện nguy nga tráng lệ. Bồ-tát được dâng tặng hơn cả trăm danh hiệu cao quý, và hàng chục thiên cung để Ngài cư ngụ. Dưới âm thanh của dàn nhạc trời gồm 8 vạn bốn ngàn chiếc trống cầu thỉnh Ngài thị hiện ở thế gian để khởi đầu ý nguyện cứu độ chúng sinh. Sau thời gian dài tìm hiểu trong số đông những gia đình ưu tú, nghèo hèn, vương tộc đều được xem xét cẩn thận, và sau cùng Bồ tát quyết định thọ sanh vào gia đình vua Tịnh Phạn, trong bào thai hoàng hậu Ma Da. Hoàng hậu là người có đủ phẩm tính thân mẫu của một đức Phật. Sắc đẹp hoàn hảo của bà được mô tả đến từng chi tiết, đó là đức hạnh và trinh khiết. Bên cạnh đó, trong tất cả các phụ nữ Ấn Độ, bà là người duy nhất được chọn để đức Phật tương lai nhập thai, vì trong bà có sự hoà hợp sức mạnh của cả vạn con voi. Ý niệm nầy được phát triển với sự hộ trì của chư thiên sau khi Bồ tát đã quyết định nhập vào thai mẹ bằng hình tướng của một con voi. Chư thiên chuẩn bị không những một trụ xứ như thiên đường cho hoàng hậu Ma Da cư ngụ trong thời gian mang thai, mà còn kiến trúc một cung điện bằng ngọc quý ngay trong bụng của bà để Bồ tát có thể không bị vấy bẩn trong suốt 10 tháng trụ thai. Trong bảo điện, Bồ tát ngồi một cách nhu nhuyến dịu dàng. Nhưng thân Ngài phát ra ánh sáng huy hoàng rực rỡ, và chính luồng ánh sáng đó lan rộng ra hằng dặm từ bào thai của mẹ ngài. Một cơn đau đến với hoàng hậu Ma Da và được điều phục ngay sau khi bà đưa tay lên đầu. Và bất kỳ khi nào bà nhìn phía bên phải của mình, bà đều thấy Bồ-tát trong bào thai mình như là một người trông thấy khuôn mặt chính mình trong gương. Thế rồi Bồ tát trong thai mẹ làm cho chư thiên vui thích bằng những bài giảng pháp và Phạm thiên đều tuân theo mọi gợi ý của Ngài.

Ý niệm về việc sinh hạ của Bồ-tát cũng như vậy. Nó được diễn ra cùng với những điều thần diệu và những điềm lành. Trong vườn Lâm bi ni, Bồ tát hạ sanh theo cách như chúng ta đã biết qua vô số mẫu dạng kiến trúc, không giống như một con người bình thường mà một Đấng Tối Thắng. Hoa sen đỡ dưới mỗi bước chân của hoàng tử sơ sanh báo cho mọi người biết sự cao quý của Ngài khi bước đi bảy bước về phía sáu hướng chính.

HT Thích Giác Quang



Có 1 phản hồi đến “Nguồn Gốc Của Ngày Lễ Phật Đản Và Cách Tính Phật Lịch Như Thế Nào?”

  1. good

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com