Xuân mới, ai cũng mong sắm sửa nhiều đồ mới hoặc chí ít sửa chữa, dọn dẹp những gì đã có. Nhưng có một thứ trong mỗi người rất cần được làm mới mà ít ai để ý. Mạn đàm đầu xuân với hòa thượng Thích Tỉnh Thuần - trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức (Vĩnh Phúc) hé mở bí quyết để có một mùa xuân mới từ trong ra ngoài.
Hòa thượng Thích Tỉnh Thuần: Những em bé từ lọt lòng cũng có thể bất an, khổ đau. Cái tâm đó từ bé ta đã sử dụng cho đến giờ. Để hưởng mùa xuân một cách trọn vẹn, chúng ta phải sử dụng cả tâm mới.
Tâm an lạc, tâm tĩnh tại, tâm thanh tịnh… là những tâm mà có người chưa một lần sử dụng hoặc sử dụng một chút rồi lại thôi. Cũng như những người có điều kiện may áo rồi cất trong tủ. Tâm mới ai cũng có nhưng mình quen sử dụng tâm cũ. Mỗi mùa xuân mới chúng ta có nhu cầu vật chất mới thì cũng nên sử dụng tâm mới.
“Xưa đọc kinh nói thời mạt pháp, cây cỏ có thể giết người, thì mình cũng mường tượng thôi, nhưng bây giờ là thật. Lúc trước, mấy Phật tử nói đi chợ phải nhìn bó rau có sâu mới mua. Nhưng bây giờ người ta lại tinh vi hơn, xịt thuốc xong bắt sâu bỏ lên… Đó, cây cỏ giết người rồi, đâu phải đợi súng đạn. Đúng là Đức Phật nói kiếp giảm, con người giảm thọ dần. Hiểu như vậy không phải để sợ, mà mình phải có phương hướng, định vào chỗ an để vượt khỏi bất an”.
Nhà Phật có từ “an lạc”, hễ có an thì có lạc. An ai cũng muốn nhưng để an hơi khó vì mình quen sống với bất an rồi. Suy nghĩ nhiều, phiền muộn, lo lắng nhiều làm mình bất an. Giờ muốn an phải có thời gian thực tập. Giống như khi rót trà vô chén, cặn cáu lợn cợn, khi để yên một chút, các cặn cáu lắng xuống, mình nhìn thấy nước trong. Cũng vậy khi mình ngồi im, những vọng niệm lao xao lắng xuống, tự nhiên tâm mình an.
Năm nay, nhiều chùa căng băng-rôn “Mừng Xuân Di Lặc”. Chắc ai cũng biết Phật Di Lặc. Ngài có một thân hình mập mạp và đặc biệt là nụ cười không bao giờ tắt. Khác với chúng ta, cái gì như ý chúng ta cười, bất như ý chúng ta không cười được, ngài Di Lặc dù được như ý hay không, ngài cũng cười.
Xuân Di Lặc nghĩa là một mùa xuân an lạc miên viễn không có hình bóng khổ đau. Hiện đang có cảnh xuân, rồi chúng ta vận trên người quần áo mới gọi là thân xuân. Nhưng để có mùa xuân Di Lặc, cần phải có tâm xuân. Ba cái xuân này mới đủ điều kiện để hưởng mùa xuân Di Lặc. Thiếu tâm xuân thì chúng ta chỉ hưởng mùa xuân 3 tháng. Xuân Diệu có câu thơ: Xuân đến làm chi cho thêm sầu/ Cửa đóng then cài xuân cứ qua.
Xin thầy chỉ thêm cách dọn dẹp tâm cũ đón tâm mới?
Muốn dọn tâm cũ, việc đầu tiên phải ý thức, nhận diện được nó. Vừa rồi tại New Zealand, họ thí nghiệm đưa cho người tức giận cao độ cái cốc và đề nghị hà hơi vào đó. Hơi đó chỉ đọng lại 1-2 giọt. Họ lấy cái đó chích cho chuột, chuột tử vong. Tại Hà Lan, có người mới sinh em bé 3 tháng nảy sinh xung đột với chồng. Xung đột lên đến mức cao, người chồng quát tháo, vợ hùng hổ nói lại. Em bé nghe tiếng động khóc, chồng mới hậm hực đi ra ngoài. Vợ thấy đó là giờ con đói, mới cho bú. Hai tiếng sau, mặt em bé tím ngắt lại, người cứng đơ. Bà mẹ vội vàng đưa vào bệnh viện nhưng em bé không qua khỏi. Bác sĩ khám nghiệm thì độc tố do sự tức giận của người mẹ đi qua sữa vào cơ thể em bé. Sức đề kháng còn yếu nên em qua đời.
Cơn giận thuộc một trong ba loại cảm thọ: vui, buồn và trung tính. Cảm thọ vui buồn thì dễ thấy. Còn trung tính, chẳng hạn như khi mình uống cốc nước lạnh, mình không buồn không vui. Đức Phật cho biết cảm thọ không thật, chỉ là tạm. Hôm nay ăn món lạ thấy ngon nhưng cho ăn hoài cả tháng sẽ thấy sợ. Nếu cảm thọ đó là thật thì bữa nay ăn ngon, 10 ngày sau mình cũng phải thấy ngon. Nó là một cái gì đó thay đổi, sinh diệt, đến đi. Cơn giận cũng vậy.
Có chuyện người nọ biết rất rõ khi nổi giận sẽ làm khổ mình và khổ người, nhưng không có cách gì điều phục. Nghe nói có vị thiền sư ở một ngôi chùa, anh tìm nhờ thầy chỉ phương pháp để chế ngự cơn giận. Thiền sư đưa tay ra: “Anh làm ơn đưa cơn giận cho tôi xem, tôi sẽ có cách giúp cho anh”. “Bây giờ con không thể đưa cho ngài xem được. Vì không ai chọc giận con hết”. “Vậy anh cứ về đi, khi nào có ai chọc anh giận, anh đem đến cho tôi coi”. “Dạ cũng không được. Vì từ nhà con đến chỗ ngài là một cây số. Người ta chọc con giận thì đến chỗ ngài nó nguội mất rồi”. Thiền sư nói: “Ồ thế thì không phải bệnh nan y”.
Cơn giận rõ ràng không thật. Nhưng mình không nhận diện được, mình đồng hóa cơn giận là mình. Cho nên mình bị nó chế ngự. Đức Phật dạy rằng, chỉ cần nhận diện tâm cũ không thật thì mình sẽ loại trừ nó rất dễ. Không tiếp tục gia tăng cho nó là từ từ nó sẽ hết.
Là một cách nói thôi chứ tâm mình không có cũ mới. Mà nó xưa nay hoàn toàn thanh tịnh. Tại mình hay thiên lệch thành ra có cảm giác như cũ, mới.
Vậy những người ở cùng ta, ta gặp hằng ngày vẫn mang tâm cũ ảnh hưởng đến ta thì ta làm thế nào để phòng tránh, thưa thầy?
Có hai cách. Một, Đức Phật gọi là tránh duyên, tức là giảm bớt sự tiếp xúc. Trường hợp không tránh được thì cũng có hai cách: Một là dùng năng lượng Định, hai là dùng năng lượng Tuệ. Định có nghĩa phải tập tâm kiên định, không chao đảo trước tiếng nói bên ngoài. Trí tuệ giúp chúng ta biết đâu là những tiếng nói xuất phát từ tâm cũ hay tâm mới để đón nhận hay không.
Khi Đức Phật còn tại thế, một lần đi qua vùng của đạo Bà-la-môn. Ngài đem trí tuệ lòng từ bi chia sẻ cảm hóa mọi người. Lúc bấy giờ, những tín đồ đạo Bà-la-môn quy hướng về Đức Phật rất đông, nên ông giáo chủ đạo Bà-la-môn rất bực mình. Không kìm chế được, ông dùng tâm giận thốt lời nói thô bỉ, mắng chửi Đức Phật. Đức Phật cứ thanh thản đi trước. Cuối cùng, tức quá chịu không nổi, ông đón đầu Đức Phật, chặn lại: “Này sa-môn Cồ Đàm, ông có điếc không?”. Đức Phật nói: “Thưa bạn, tôi không điếc”. “Vậy sao tôi chửi ông, ông không nói gì hết?”. Đức Phật: “Này bạn Bà-la-môn, ví như người ta biếu quà bạn mà bạn không nhận thì quà đó về ai?”. Ông Bà-la-môn: “Biếu tôi mà tôi không nhận thì họ đem về, có gì đâu”. “Thì tôi cũng vậy, bạn tặng tôi những lời lẽ cộc cằn, thô bỉ, tôi không nhận thì về ai?”.
Cũng vậy, nếu người ta xài tâm cũ với mình mà mình không nhận thì tâm cũ về họ chứ về ai. Trong cuộc đời, đa phần mọi người sử dụng tâm cũ vì không có sự thực tập. Chúng ta ngồi yên lặng, hít thở trụ tâm thì lâu ngày sẽ có năng lượng Định. Một người thế gian thâu tóm rất nhiều kiến thức từ bên ngoài vào được gọi là trí thức thông kim bác cổ. Trí tuệ nhà Phật khác, do công phu tu tập mà phát tán. Một bên từ ngoài đưa vào, một bên từ trong đưa ra. Trí tuệ có công năng hóa giải chuyển hóa bất an và khổ đau, còn tri thức đa phần không đủ khả năng đó.
Hiện thế giới bên ngoài có nhiều bất an liên tục tác động đến tâm thức của mỗi người. Nên để giữ được tâm định càng khó, thưa thầy?
Bên ngoài bất an nhưng có một chỗ trong mình an. Khi Đức Phật sắp lâm chung, thị giả A Nan ra gốc cây ngồi than: “Mặt trời trí tuệ sắp lặn, con mắt của thế gian sắp khép lại, tôi biết nương tựa vào đâu đây?!”. Đức Thế Tôn trong hương thất nghe được cho gọi A Nan vào và nói: “Trước khi giã từ cõi Ta Bà này, Như Lai xin chỉ cho A Nan hai chỗ nương tựa. Thứ nhất hãy nương tựa chánh pháp. Thứ hai hãy nương tựa “hải đảo tự tâm”.
Đức Phật chỉ ra nhiều phương pháp dẫn chúng ta đi đến chỗ an lạc. Chúng có tác dụng như bản đồ, định vị... đối với người thám hiểm. Còn khi con tàu lênh đênh trên biển với sóng to gió dữ, nếu có hòn đảo kịp thời tấp vào thì mọi người trên đó sẽ được bình yên. Cũng vậy, sóng gió cuộc đời lúc nào cũng thổi, sở dĩ chúng ta bình yên là do biết an trú vào “hải đảo tự tâm”. Phật tử Thích Nhất Hạnh có câu Dục an tắc an tức “Muốn an được an”. Chỉ sợ mình không muốn an thôi.