Những sự tích của các vị tu Tịnh độ được vãng sanh mà chúng ta được đọc đến, hầu hết là trích dịch ở sách Trung Quốc, mà những vị được vãng sanh kia là người Trung Quốc. Người nước ta tu Tịnh độ, từ xưa đến nay há lại không có người được vãng sanh ư? Nếu có, sao không thấy sách nào ghi đến? Có vãng sanh cùng chép vào sách là hai chuyện. Từ xưa đến nay, người nước ta tu Tịnh độ được vãng sanh rất nhiều, nhưng vì thiếu sót sự ký lục, thiếu sự lưu truyền, nên dù có nhiều mà ít người được biết. Có biết cũng cho riêng nhóm người được mục kích, nhưng rồi nó cũng theo thời gian mà phai lần.

Chính tôi cũng từng nghe biết nhiều người tu Tịnh độ, khi lâm chung có chứng nghiệm chắc chắn được vãng sanh, nhưng vì không ghi chép, không thường lập lại trong trí, nên nay thấy sự khuyết điểm như vừa nói ở trên, muốn tường thuật lại thì đã quên lãng gần hết, hoặc nhớ người mà quên tên họ, năm tháng v.v… Ghi chép mà không rành rẽ tên họ, chỗ nơi, thời làm thế nào mà thủ tín được!

Vài sự tích chép dưới đây may chăng nó có thể làm tiền phong bổ cứu điều khuyết điểm trên, mà từ đây về sau, lần lượt mọi người đều được đọc những trang tiểu sử vãng sanh có chứng nghiệm của các nhà đạo tâm vì mục đích vị tha tường thuật, để thực nghiệm lời Phật dạy và nảy nở tín tâm của mình.

Ngày 10 tháng 10 năm Mậu Tý (DL. 1948)

1. NÁN LẠI MỘT NGÀY

Bà Nguyễn Thị Danh, pháp danh Đạt Nhiên, người làng Thanh Hà, hạt Chợ Lớn.

Gần 60 tuổi mới phát tâm cầu đạo. Thọ pháp với sư cụ chùa Tôn Thạnh, chuyên tâm tu Tịnh nghiệp. Đến năm Ất Dậu (DL. 1945), năm 68 tuổi, bà nhuốm bệnh, biết trước giờ vãng sanh. Ngày 07 tháng 04, bà sai người đến Chùa Tôn Thạnh thỉnh Sư cụ Liễu Thoàn rằng : “Ngày 08 tháng 04 này, bà theo Phật, xin thỉnh Sư cụ đến ngày đó xuống nhà để bà từ tạ”

Nhưng vì ngày 08 tháng 04 là ngày lễ Đản sanh của đức Thích Ca, Sư cụ mắc ở Chùa hành lễ, nên thành ra sáng mùng 09 Sư cụ mới xuống đến. Thấy Sư cụ bà mừng rỡ mà bạch rằng: “ Từ hôm qua đến nay tôi trông Thầy lắm. Truớc khi về Phật, tôi muốn gặp Thầy để tạ từ. Đáng lẽ tôi đã đi từ trưa hôm qua, song vì chờ Thầy nên tôi phải nán lại đến hôm nay. Bây giờ tôi sắp đi xin Thầy hộ cho một biến kinh!”

Sư cụ cùng vài người đệ tử lên trước bàn Phật tụng kinh A Di Đà, vừa xong quyển, thời Bà ngồi chắp tay niệm Phật mà quy Tây. Bà có hai người con trai đều xuất gia, hiện đương coi chùa Linh Phong tại làng Tân Hiệp tỉnh Mỹ Tho.

2. Y NGUYỆN VÃNG SANH

Bà Trần Thị Lai, người ở làng Tân Kim, hạt Chợ Lớn.

Năm 45 tuổi, phát tâm tu hành. Có lời nguyện rằng: “ Con quyết chí tu hành, xin Phật cho con được vãng sanh vào ngày vía đức Phật A Di Đà (17 tháng 11)”

Quả nhiên đến ngày 17 năm Đinh Hợi (DL. 1947), bà niệm Phật mà từ trần.

Con cháu của bà đều xuất gia, hiện nay đang tu tại chùa Pháp Tánh (làng Tân Kim, Chợ Lớn)

3. BIẾT TRƯỚC NGÀY GIỜ VÃNG SANH

Ông Hồ Văn Định, người làng Long An, Chợ Lớn.

Năm 42 tuổi, phát tâm mộ đạo, chuyên ròng niệm Phật tụng kinh.

Đến năm mậu Tý (DL. 1948) ngày mùng 03 tháng 09, ông nói trước với vợ con ông rằng: “Đến giờ thân, thời tôi về Phật!”. Thật đến giờ thân ông chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.

Ba tích vãng sanh trên đây của Sư cụ Liễu Thoàn (Hoà Thượng chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc) tường thuật. Sư cụ tự nói rằng, những người tu Tịnh Độ lúc lâm chung, có thực nghiệm là được vãng sanh. Sư cụ tường thuật đây, đều là tận mắt Sư cụ mục kích trong khi Sư cụ đến hộ niệm. Ngoài ra, Sư cụ còn thuật thêm bảy người nữa, như ông Nguyễn Văn Xá (làng Duy Đức) niệm Phật chờ mây trắng đến mà từ trần; Cô Nguyễn Thị Sao (Làng Mỹ Lệ), trước giờ lâm chung thấy ba lần mống bạc xẹt ngang mình từ Đông sang Tây v.v…

Ôi! Sanh không biết từ đâu đến, chết không biết sẽ về đâu. Hãi hùng kinh sợ, giật mình lăn lộn, mắt trợn ngược, miệng méo xếch, ngợp hơi,cứng lưỡi, chân rút, tay vin v.v… kể sao cho hết cảnh trạng thống khổ trong khi sắp chết của một phần đông trong số người cả đời không biết gì là điều lành, là đạo đức.

Muốn “ Tử an”, há lại dễ được lắm ư!. Câu “ Tử khổ” từ xưa đức Phật đã từng răn nhắc! Muốn khỏi “ Tử khổ” phải làm thế nào?

Kinh nói: “Khi con người sắp chết, thời tất cả cảnh tượng của những điều ác hay lành trọn trong đời của người đó gây tạo đều tuần tự phô diễn lại trong trí của người đó. Nếu cảnh dữ thời sẽ chết một cách đau khổ, sợ sệt; còn cảnh lành thời đi một cách an vui vững vàng” Biết trước ngày giờ mình sẽ từ giã thân ô trược này, khi đi thong dong tự tại, là những điều lành dành riêng cho những người hành đạochân chánh và đã đắc lực, mà dễ được nhất là người tu về pháp môn Tịnh độ (niệm Phật cầu vãng sanhCực Lạc)

Ngày thường đã tu Tịnh Độ, thời là đã vun trồng chánh nhân Tịnh độ. Nhân lành thời có kết quả lành. Trong kinh đức Phật có dạy; “ Này Xá Lợi Phất! nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà… nơi cõi kia hoăc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sinh về, hoặc sẽ sanh về”

Lời của đức Phật, đấng Thiên nhân sư phán ra, quyết định là đúng thật. Đó là điều mà từ xưa đến nay, người có chánh tín, không ai là không công nhận pháp môn Tịnh độ (niệm Phật A Di Đà cầu sanh về Cực Lạc) là pháp môn vừa thù thắng nhất, vừa giản tiện nhất. Đó là lời các vị Tổ sư thường nói.

Thù thắng nhất, vì người tu Tịnh độ mau chứng bậc“Bất thối”, mau“Thành Phật” cho đến Ngài Phổ Hiền, Ngài Văn Thù là bậc Pháp Vương Tử mà còn nguyện sanh thay!

Giản tiện nhất, vì mọi người bất luận là trí, ngu, nam, nữ đều có thể thực hành và đều có thể thành tựu.

Xem như nguyện của bà Danh v.v…đến già mới phát tâm. Thời gian tu hành không bao lâu, mà đều có phần tự tại an vui khi lâm chung: người thời ngừng sự chết lại, người thời y như chỗ mình nguyện cầu, người biết rõ giờ khắc…Những sự tự tại an vui khi lâm chung của người tu Tịnh độ, là thoại ứng được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc vậy.

Người tu Tịnh độ được như thế là do nhờ sức đại nguyện của đức Phật A Di Đà nhiếp thọ.

Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật A Di Đà khi tu hạnh Bồ tát, có phát 48 điều đại nguyện để nhiếp thọ chúng sanh. Ngài đã thực hành đầy đử 48 điều đó, và hiện tại cũng như vị lai, Ngài vẫn dùng 48 điều đại nguyện đó tỏa khắp pháp giới để tiếp độ muôn loài.

3. BÀ LÝ THỊ CÚC

Sinh quán tại Bình Tây, Chợ Lớn.

Năm 18 tuổi, bà phối duyên cùng ông Trần Thu Cơ, sanh được hai người con trai. Vợ chồng ly dị. Không bao lâu hai người con trai chết, bà vẫn thủ tiết lo buôn bán tự nuôi sống, phát tâm quy y Tam Bảovới Pháp danh Diệu Thu. Rồi lúc ở Huế, lúc ở Chợ Lớn, khi ở Bạc Liêu… Cuối cùng do chiến tranh, năm 1946, bà về Chợ Lớn thuê một ngôi nhà nhỏ gần đình Minh Phụng (đường Chợ Lớn, Phú Lâm) rồi ở đó một mình cho đến ngày rời bỏ cõi trần.

Trải bao phen đau khổ vì gia đình cũng như nỗi tai biến, bà giác ngộ cõi đời là biển khổ, đường đạo là chốn lành. Đạo tâm của bà mỗi ngày thêm mạnh, thêm lớn.

Đi chùa lễ Phật cùng cổ xướng những việc cúng dường Tam Bảo là việc làm hằng ngày của bà. Bà thích may phan cúng Phật. Lúc không đủ tiền, bà xin hàng vải của các bà thân hữu, rồi ra công may. Cặp phan dâng vào chùa Hải Ấn trước ngày bà mất hơn một tuần, là cặp phan sau rốt chính tay bà may.

Mùa đông năm 1955, bà tham gia đoàn thể Cực Lạc Liên Hữu ở đạo tràng Vạn Đức, cùng thỉnh sổ Niệm Phật Công Cứ. Từ đó trở đi, bà cần mẫn niệm Phật A Di Đà, tha thiết cầu sanh Cực Lạc thế giới.

Người ta thuật lại, có lúc bà lễ Phật, kêu cầu đức Từ phụ A Di Đà thương xót tiếp độ cho bà đến nước mắt ràn rụa, tiếng thổn thức từng hồi trong cổ. Tình cảnh không khác đứa con thơ đang bị nạn mà kêu cầu cha mẹ cứu giúp.

Hạ tuần tháng 11 âm lịch năm Bính Thân (1956), sau khi vãng cảnh Long Hải nước ngọt về bà nhuốm bịnh. Vì thấy bà ở có một mình, ngày 23 Cô Chín, cháu bà rước bà về dưỡng bịnh tại nhà Cô gần chợ Phú Lâm.

Trong những ngày nằm bịnh, từ những đồ vật mượn gởi cùng những của riêng, bà dặn dò giao trả cũng như phân chia, tất cả đều rành rẽ. Và cũng trong những ngày ấy, bà niệm Phật rất chuyên cần..

Chiều ngày 30, Cô Hoàng Anh, cháu bà đến thăm, bà nói: “ 10 giờ sáng mai dì sẽ về Minh Phụng, không còn ở Phú Lâm đâu”

Đến tối mặc dù bệnh thêm nặng, nhưng bà vẫn niệm Phật không ngớt và có vẻ thiết tha hơn lúc thường.

Sáng sớm ngày mùng 01 tháng chạp sau khi bà ăn xong một chén cháo, thấy tay chân bà lạnh, mấy người đưa bà về nhà riêng của bà ở gần đình Minh Phụng.

Được tin, cô hai Diệu Nghiêm lại nhà thay y phục cho bà. Tiếp đến, cô tám Diệu Cúc, cô Diệu Hiếu, cô Diệu Lộc đồng đến niệm Phật trợ duyên cho bà. Bấy giờ, bà nằm ngay thẳng yên lặng để nghe niệm Phật.

Một lát sau, Thầy trụ trì Phước Cần đi tới với hai học Tăng đến khai kinh A Di Đà. Khi tụng đến đoạn: “ Tùng thị Tây Phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc…” thời bà hơi động hai vai rồi tắt thở một cách rất êm ái, thân vẫn nằm yên như ngủ. Lúc bấy giờ là 10g sáng. Mọi người vẫn tiếp tục niệm Phật.

Sau khi mất, sắc diện của bà tươi tắn khác thường, nét mặt vui vẻ như cười.

02 giờ chiều hôm ấy, bà hội đồng Thánh từ Vũng Tàu về, rồi cùng với cô hai Diệu Nghiêm y theo lời trong kinh luận mà khám hơi nóng trong thi hài, thời cả mình đều lạnh, chỉ đỉnh đầu là còn nóng. 04 giờ, cô hai Diệu Nghiêm thấy tóc bà hơi rối, nên lấy lược gỡ, thoạt trong tóc có mùi thơm, cô gọi các bà đến khoe sự ấy.

Giờ ngọ ngày mùng 02, làm lễ nhập mạch, cách giờ bà mất đã 26 tiếng đồng hồ, mà nét mặt bà vẫn tươi vui, da mặt trắng như dồi phấn, có phần nở nang xinh đẹp hơn lúc còn sống, toàn thân không có chút mùi hôi, gối chiếu vẫn khô ráo không âm ỷ. Người đến dự lễ ai cũng khen là rất ít có. Cho đếnnhững người từ trước rất sợ thây người chết, mà cũng muốn nhìn gương mặt của thi hài bà.

Sau khi kiểm lại đồ vật riêng của bà, thời thấy cuốn sổ Niệm Phật Công Cứ đã chấm đầy 5 trương (Mỗi trương 378.000 câu hiệu Phật).

Bà thọ được 73 tuổi.

Lời phụ:

Xét tình hình khi sắp mất và sau khi mất, bà Diệu Thu có nhiều điểm chứng nghiệm được vãng sanhCực Lạc.

Những ngày bệnh cho đến giờ tạ thế, bà không ngớt niệm Phật, bệnh càng nặng sự niệm Phật của bà càng thành khẩn. Đây là điểm “ Chánh niệm vững vàng”.

Sau khi mất đến 26 tiếng đồng hồ, thi hài bà vẫn không thay đổi, như người nằm ngủ, lại thêm có phần tươi vui nhuần thắm hơn lúc bà còn sanh tiền. Đây là điểm “ Thiện căn, thiện quả”.

Sau khi mất, trong tóc bà phất ra mùi thơm như mùi trầm. đây là điểm “ Tịnh nhơn, tịnh báo”.

Cả mình lạnh, đỉnh đầu nóng sau cùng. Đây là điểm chứng cứ được vãng sanh cụ thể nhất. Vì y theokinh luận, thời thân thể người chết, nếu đỉnh đầu nóng sau rốt, khi cả mình đều lạnh, thời đó là một vị đã siêu phàm nhập Thánh. Người được vãng sanh Cực Lạc không luận hạng nào, dù là bậc tối Hạ phẩmđều dự vào hàng Thánh giải thoát cả.

Ôi! Với thân thể một phụ nhơn cư sĩ, bà Diệu Thu đã nhờ công phu niệm Phật theo châm ngôn “ Lánh dữ làm lành, tin sâu nguyện thiết” mà được hiện đời vượt khỏi vòng sanh tử luân hồi, siêu sanh Tịnh độ. Thế là bà đã hân hạnh được ở cõi Phật, thường được gần Phật A Di Đà, cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chư Đại Bồ tát Thượng thiện, và bà đã dự được hàng Thánh Đại thừa thành bậc Bất thối chuyển.

Thế mới biết rằng, nguyện lực của Phật A Di Đà thật rõ là từ bi bất tư nghị; pháp môn niệm Phật rất hạp với căn cơ của nhơn loại, rất giản tiện dễ tu, mà công lại cao, quả lại lớn.

Những ai có chí siêu phàm, muốn giải thoát cho mình, cho người, cho muôn loài, thiết tưởng chỉ nương theo pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây Phương, mới có thể được toại nguyện mà thôi.

Như trong kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng bảo: “Trong thời mạt pháp, chúng sanh chỉ nương pháp môn niệm Phật A Di Đà mà ra khỏi luân hồi”.

Kinh Bát Nhã, đức Thích Tôn bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát: “ Xưng danh hiệu của A Di Đà Phật, thời mau được quả Vô Thượng Bồ đề…”.

Và Ngài văn Thù Sư Lợi Bồ tát đã đem lời của Đức Thế Tôn truyền lại cho Pháp Chiếu Đại Sư: “ Muốn mau thành Phật, không gì bằng chuyên niệm Phật A Di Đà…”

Sau rốt xin chép lời của đức Bổn sư thọ ký trong kinh Tiểu Bổn để làm lời kết của bài này: “ Nếu có người hoặc đã phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, những người ấy đều được chẳng thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nơi cõi Cực Lạc, hoặc đã sanh, được sanh, sẽ được sanh”

48 ĐẠI NGUYỆN CỦA ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ

01. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, trong cõi nước của tôi còn có địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

02. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, mà hàng Trời, Người trong cõi nước tôi, sau khi mạng chung còn đọa vào ba ác đạo, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác

03. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, tất cả thân thể của hàng Trời, Người trong cõi nước tôi, chẳng thuần sắc vàng ròng cả, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác

04. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, mà hình sắc của hàng Trời, Người trong cõi nước tôi tốt xấu không đồng nhau, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác

05. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong nước tôi chẳng biết Túc mạng, ít nhất là biết những việc trong trăm nghìn ức vô số kiếp, tôi nguyện chẳng chứng lấy quả Chánh Giác.

06. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi chẳng đặng Thiên nhãn, ít nhấtlà thấy trăm nghìn Ức vô số cõi nước của Chư Phật, tôi nguyện chẳng chứng lấy quả Chánh Giác.

07. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi chẳng đặng Thiên nhĩ, ít nhất là nghe lời nói khắp của trăm ngàn ức vô số đức Phật mà chẳng thọ trì toàn vẹn được, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

08. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi chẳng đặng Tha tâm trí, ít nhấtlà rõ biết tâm niệm của chúng sanh trong nghìn ức vô số cõi nước của chư Phật, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

09. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi chẳng đặng Thần túc thông, trong khoảng một niệm, ít nhất chẳng vượt qua được trăm nghìn ức vô số cõi nước của chư Phật, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

10. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, nếu hàng Trời, Người trong cõi nước tôi còn sanh lòng tham chấp nơi thân mình, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

11. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi chẳng trụ trong dòng chánh địnhmãi đến lúc thành Phật, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

12. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, ánh sáng của tôi còn hạn lượng, ít nhất chẳng chiếu thấu trăm nghìn ức vô số cõi nước của chư Phật, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

13. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, thọ mạng của tôi còn có hạn lượng, ít nhất là trăm nghìn ức vô sốkiếp, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

14. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, có người tính đếm biết đặng số của hàng Thanh văn trong cõi nước tôi, hoặc giả nhẫn đến tất cả chúng sanh trong hàng Tam thiên Đại thiên đều thành bậc Duyên giác, cùng nhau đồng tính đếm trong trăm nghìn kiếp mà biết được số Thanh văn đó, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

15. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, thọ mạng của hàng Trời, Người trong cõi nước tôi không có hạn lượng, trừ khi họ có bổn nguyện riêng, dài ngắn tự tại theo ý muốn, nếu không đặng vậy, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

16. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi nhẫn đến có nghe tên bất thiện, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

17. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, các đức Phật trong vô lượng thế giới ở mười phương không đều ngợi khen xưng danh hiệu tôi, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

18. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tín nhạo muốn sanh về cõi nước tôi, nhẫn đến trong mười niệm, nếu chẳng được vãng sanh, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác, chỉ trừ người phạm tội ngũ nghịch và chê bai chánh pháp.

19. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát Bồ đề tâm tu các công đức, chí tâm phát nguyện muốn sanh về cõi nước tôi, đến lúc người đó mạng chung, nếu tôi chẳng cùng với đại chúng vây quanh hiện ra nơi trước người đó, tôi nguyện chẳng chúng lấy quả Chánh Giác.

20. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, để tâm nơi nước của tôi, vun trồng cội công đức chí tâm hồi hướng muốn sanh về cõi nước của tôi, nếu khôngđược quả toại, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

21. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi chẳng đều thành tựu đầy đủ 32 tướng đại nhân, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

22. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, các hàng Bồ tát ở cõi Phật phương khác sanh về cõi nước tôi, rốt ráo chắc đến bậc nhất sanh Bổ xứ, trừ những vị có bổn nguyện, muốn tự tại hóa độ, vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ, chứa nhóm cội công đức, độ thoát mọi loài, đi qua cõi nước của chư Phật tu hạnh Bồ tát, cúng dường các đức Phật Như Lai ở mười phương, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sanh làm cho trụ vào Vô thượng Chánh nhân, vượt ngoài hạnh tu tuần thứ theo địa vị của hạng tầm thường, hiện tiền tu tập đức của Phổ Hiền. Nếu chẳng được như thế, tôi nguyện chẳng chứng lấy quả Chánh Giác.

23. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, Bồ tát trong cõi nước tôi nương thần lực của Phật mà đi cúng dườngcác đức Như Lai, chừng trong khoảng một bữa ăn mà chẳng có thể đến khắp vô số, vô lượng ức Na do tha cõi nước của chư Phật, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

24. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, Bồ tát trong cõi nước tôi, ở trước chư Phật hiện cội công đức của mình, bao nhiêu những đồ muốn dùng để cúng dường chư Phật, nếu chẳng có đúng như ý muốn đó, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

25. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, Bồ tát trong cõi nước tôi không thể diễn nói nhất thiết trí, tôi nguyện chẳng chứng lấy quả Chánh Giác.

26. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, Bồ tát trong cõi nước tôi không đặng thân kim cang bền chắc, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

27. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, trong cõi nước tôi những hàng Trời, Người, tất cả muôn vật đều đẹp đẽ trong sạch sáng rỡ, hình sắc lạ thường rất nhiệm, rất mầu, không ai có thể cân lường được. Những chúng sanh kia nhẫn đến người được Thiên nhãn mà có thể biện biết rõ ràng danh số của những vật trên đó, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

28. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Bồ tát trong cõi nước tôi nhẫn đến những vị công đức kém ít mà không thấy biết được Đạo Tràng Thọ cao bốn trăm muôn dặm, vô lượng màu sắc, vô lượng ánh sáng, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

29. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, nếu Bồ tát trong cõi nước tôi đọc kinh pháp, phúng tụng pháp, phúng tụng thọ trì, giảng thuyết mà không đặng trí huệ biện tài, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

30. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, trí huệ biện tài của Bồ tát trong cõi nước tôi, nếu có người hạng lượng được đó, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

31. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, cõi nước của tôi thanh tịnh, thảy đều soi thấy tất cả vô lượng vô sốbất khả tư nghị cõi nước của chư Phật mười phương, dường như gương sáng soi thấy rõ bóng mặt, nếu không được như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

32. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, trong cõi nước tôi, từ mặt đất lên đến hư không, những cung điện, lầu đài, ao nước, cây hoa…Tất cả muôn vật đều do vô lượng chất báu đẹp cùng trăm nghìn thứ hương thơm hiệp chung lại làm thành, nghiêm sức tốt lạ, hơn hẳn hàng Trời. Mùi thơm của những vật ấy xông khắp cả cõi nước ở mười phương, Bồ tát nào ngửi được hơi hương ấy thời đều tu hạnh của Phật. Nếu không đặng như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

33. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, những loài chúng sanh trong vô lượng bất khả tư nghì cõi nước của chư Phật ở mười phương, được ánh sáng của tôi chiếu đến thân, thời thân tâm của chúng sanh ấy hòa dịu hơn hẳn hàng Trời, Người. Nếu không đặng như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

34. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, những loài chúng sanh trong vô lượng bất khả tư nghị cõi nước chư Phật ở mười phương nghe danh tự của tôi, mà chẳng đặng các môn Tổng trì sâu mầu cùng vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

35. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, những người nữ trong vô lượng bất khả tư nghị cõi nước của chư Phật ở mười phương nghe danh tự của tôi, mà vui mừng tin mến phát Bồ đề tâm nhàm ghét thân gái, nếu sau khi mạng chung còn thọ thân gái trở lại, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

36. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Bồ tát trong vô lượng bất khả tư nghị cõi nước của chư Phật ở mười phương nghe danh tự của tôi, thời sau khi mạng chung vẫn thường tu hạnh thanh tịnh đến lúc thành Phật đạo. Nếu không đặng như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

37. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, các hàng Trời, Người nhân dân trong vô lượng bất khả tư nghị cõi nước của chư Phật ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, năm vóc gieo xuống đất, cúi đầu lễ lạy, vui mừng tin mến, tu hạnh Bồ tát thời các hàng Trời, Người đều kính trọng đó. Nếu không như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

38. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi muốn đặng y phục, thời những y phục tốt đẹp đúng pháp như đức Phật ngợi khen liền tùy niệm tự nhiên hiện đến trên thân, nếu còn phải cần may vá, đập nhuộm… tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

39. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Trời, Người trong cõi nước tôi hưởng thọ sự vui sướng không bằng bậc Lậu Tận Tỷ Kheo, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

40. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, Bồ tát trong cõi nước tôi, tùy ý muốn thấy vô lượng cõi Phật nghiêm tịnh ở mười phương, tức thời ở trong cây báu thảy đều soi thấy rõ ràng đúng như ý muốn chẳng khác gương sáng soi thấy bóng mặt. Nếu không như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

41. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, các hàng Bồ tát ở cõi nước phương khác nghe danh tự của tôi, mãi đến lúc thành Phật, nếu các căn thiếu xấu chẳng đầy đủ, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

42. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, các hàng Bồ tát ở cõi nước phương khác nghe danh tự của tôi thảy đều chứng đặng “ Chánh định thanh tịnh giải thoát”. Trụ trong chánh định đó, trong khoảng móng niệm liền cúng dường khắp vô lượng bất khả tư nghị của đức Phật Thế Tôn, mà vẫn không sao mất tâm chánh định. Nếu không như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

43. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, các hàng Bồ tát ở cõi phương khác nghe danh tự của tôi, sau khi mạng chung sanh vào nhà tôn quý. Nếu không như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

44. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, các hàng Bồ tát ở cõi nước phương khác nghe danh tự của tôi, vui mừng hớn hở, tu hạnh Bồ tát đầy đủ cội công đức. Nếu không như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

45. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Bồ tát ở cõi phương khác nghe danh tự của tôi, thảy đều chứng đặng “ Chánh định Phổ đẳng” Trụ trong chánh định đó, mãi đến lúc thành Phật, thường thấy tất cả vô lượng bất khả tư nghị các đức Phật. Nếu không như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

46. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, Bồ tát trong cõi nước tôi tùy ý muốn nghe pháp chi, thời tự nhiên liền đặng nghe pháp đó. Nếu không như thế, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

47. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Bồ tát ở cõi phương khác nghe danh tự của tôi, chẳng liền đặng bậc “ Bất thối chuyển”, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

48. Giả sử khi tôi đặng thành Phật, hàng Bồ tát ở cõi phương khác nghe danh tự của tôi, mà chẳng liền chứng đặng bậc “Âm hưởng nhẫn”, “ Nhu nhuận nhẫn”và “ Vô sanh pháp nhẫn”, cùng ở nơi pháp của chư Phật mà chẳng liền đặng “Bậc bất thối chuyển”, tôi nguyện không chứng lấy quả Chánh Giác.

Trong kinh lại nói: “ Sau khi thuật 48 điều đại nguyện xong, đức Phật phán tiếp:

“Này A Nan! Ngài Pháp Tạng Tỷ kheo (Tiền thân của đức Phật A Di Đà) vừa phát nguyện và nói tụng xong, liền đó khắp cõi đại địa sáu điệu vang động. Trời rưới hoa báu để rãi trên mình Ngài Pháp Tạng. Âm nhạc tự nhiên trên hư không vang ra tiếng khen rằng: “ Quyết định chứng thành quả Vô ThượngChánh Giác” Đó rồi Ngài Pháp Tạng Tỷ kheo tu hoàn toàn đầy đủ các đại nguyện như thế chắc thật chẳng dối… Pháp Tạng Bồ tát nay đã thành Phật hiện ở nước Cực Lạc bên phương Tây, cách đây mười muôn ức cõi…”

Mười phương chư Phật ba đời Di Đà bậc nhất chẳng rời quần sanh
Sen vàng chín phẩm sẵn dành
Oai linh đức cả đã dành vô biên.

Nam Mô Lạc Bang Giáo Chủ Đại Từ Bi Phụ A Di Đà Phật

LỜI SAU CÙNG

Tôi từ bé đã bệnh yếu lại thêm càng ngày càng cận. Lúc tôi cầm viết ghi mấy dòng này là lúc đôi mắt đã bệnh nhiều suốt hơn một năm, kể từ đầu tháng tám năm ngoái, năm Mậu Thìn (1988), nay chỉ nhìn chữ thấy lờ mờ.

Hồi nhớ lại từ ngày vào đạo, theo nghĩa thế tục, đến nay đã hơn nửa thế kỷ, luôn luôn lấy việc học kinh, tụng kinh, niệm Phật, dạy kinh, giảng kinh và phiên dịch kinh từ Hán tạng ra Việt văn làm chánh hạnhđời mình.

Năm 1947, bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa là bộ kinh đầu tiên được ấn hành, kế đến là Phổ Hiền Hạnh Nguyện, bộ Tam Bảo, bộ Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện v.v… Đến năm 1953, bộ Đường Về Cực Lạc hai tập được ra đời. Do bộ này mà hai năm sau, năm 1955, hội Cực Lạc Liên Hữu được thành lập, lấy chùa Vạn Đức ở Thủ Đức làm trung tâm và ngày mùng 06 tháng 08, ngày khánh lễ Tổ Huệ Viễn là ngày đại hội thường niên. Nhớ lại biết bao đạo tình đạo nghĩa của bao nhiêu Hoà Thượng, Thượng Tọa, Ni Sư, Đại Đức, Sư Cô, bao nhiêu Tăng Ni cùng các đạo hữu cư sĩ từ các tỉnh miền Nam nước Việt, có cả các vị từ Nam Vang (Cambodge) cũng về dự đại hội, tiếng niệm hồng danh đức Phật, sổ ghi công đức niệm Phật được lan rộng gần xa…

Tôi ghi vài dòng trên đây là có ý ghi lại ảnh hưởng của bộ Đường Về Cực Lạc.

Rồi các năm sau, những bộ kinh khác do tôi phiên dịch được tiếp tục ấn hành, như là bộ kinh Hoa Nghiêm, bộ kinh Đại Bát Niết Bàn, bộ kinh Đại Bát Nhã. Những năm 1970, tôi dịch xong bộ kinh Đại Bửu Tích, và mãi đến năm 1987 mới được bắt đầu ấn hành. Vì những năm trước đó điều kiện ấn hànhkhông được thuận lợi, nên cũng làm uể oải tinh thần dịch kinh, nên tôi không sốt sắng phiên dịch thêm, để thời gian quý báu tuần tự trôi qua trong lúc tuổi già thật là đáng tiếc. Nhờ vào sự ấn hành bộ kinh Đại Bửu Tích, thúc đẩy tôi phấn khởi, nên trong ba tháng liền an cư năm 1988, tôi dịch xong bộ kinh Đại Tập, và nó được ấn hành tiếp nối bộ kinh Đại Bửu Tích. Muốn được thuận lợi, tôi vẫn đề là kinh Đại Bửu Tích, Hán tạng bộ Hạ..

Bộ kinh Đại Bửu Tích Hán văn được lưu hành từ xưa nay, vì thể theo ba môn Vô lậu học Giới Định Huệ, nên Ngài Bồ Đề Lưu Chi để pháp hội Tam Tụ Tịnh Giới ở đầu bộ kinh. Bộ Việt văn này, tôi thể theo Tam Bảo Phật Pháp Tăng nên tôi để Vô Lượng Thọ Phật khởi đầu, và cũng muốn cho người đọc lúc mở kinh ra đã kết duyên với đức Phật A Di Đà, đức Phật đã được giới thiệu trong nhiều bộ kinh Đại thừa, và cũng là hồng danh mà phần lớn phật tử ta luôn trì niệm. Nếu các pháp hữu muốn so với bộ Hán văn, chỉ giản đơn sửa tập I Việt văn thành tập II và sửa Việt văn tập II thành tập I là hai bộ Hán và Việt ăn khớp nhau.

Nội dung bộ Đại Bửu Tích Hán văn đến pháp hội Quảng Bác Tiên Nhơn là hết, nhưng hết với nửa chừng. Trong bộ Việt văn này, tôi sưu tầm trong Đại tạng, bổ sung phần cuối trọn vẹn cho pháp hội này. Và cũng từ Đại tạng, tôi dịch thêm pháp hội Diệu Cát Tường Bồ Tát.

Tiếp theo đó, nếu các pháp hữu thấy pháp hội nào có câu “Đức Phật ngự tại giữa khoảng cõi dục và cõi sắc trong Đại Bửu Phường Đình” thì đó chính là kinh Đại Tập. Cũng từ trong Đại Tạng, tôi phiên dịchthêm pháp hội Vô Tận Ý Bố Tát nối sau bộ kinh Đại Tập hán văn đã lưu hành và để kết thúc toàn bộkinh Đại Bửu Tích Việt văn, tôi đặt pháp hội Quán Vô Lượng Thọ Phật.

Chư pháp hữu thân mến! Cho phép tôi được dùng từ này để gọi tất cả các giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia. Tôi có ý nguyện nhỏ, dù nhỏ nhưng là tận đáy lòng thiết tha, muốn cùng các pháp hữu, tất cả các pháp hữu, những ai có đọc, có tụng, có nghe thấy những quyển kinh sách do tôi dịch soạn, sẽ là người bạn quyến thuộc thân thích với tôi đời này và mãi mãi những đời sau, cùng nhau kết pháp duyên, cùng nhau dự pháp hội, cùng dìu dắt nhau, dìu dắt tôi để được vững bước mãi trên con đường đạo dài xa, con đường đạo nhiều trở ngại chông gai lồng giữa cõi đời thế tục mà lớp võ cứng của nó là lợi danh ngũ dục, sức mạnh của nó là cơn lốc bát phong. Tôi chân thành nói lên câu cần dìu dắt nhau. Vì vào giây phút mà tôi đang nguệch ngoạc ghi lại vài dòng này, chính tôi, phải chính tôi, không dám ngửng mặt tự xưng là Tỷ kheo chơn chánh, chỉ biết như thảo phú địa nhất tâm sám hối mười phương pháp giới

Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát.

Chùa Vạn Đức Ngày Trùng Cửu
Năm Kỷ Tỵ (08 – 10 - 1989)

Thích Trí Tịnh cẩn chí



Có phản hồi đến “Những Truyện Vãng Sanh Có Chứng Nghiệm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com