1. Ngày Khánh Tuế 17/07 năm Quý Mùi (2003)

Người xưa thường nói : “Sanh tử sự đại”, nhưng mình đã quen sống trong sanh tử, ai cũng vậy hết, nên thấy không quan trọng. Kỳ thật, lấy mắt đạo mà nhìn vào thì đó là việc lớn của mọi người, của chúng sanh. Đã lăn lóc mãi trong nhiều đời, hiện tại nếu khôngcố gắng thì những đời sau cũng vẫn lẩn quẩn trong vũng lầy sinh tử mà thôi.

Gặp được Phật pháp rất khó! Trên đời này không có pháp nào thoát ly sanh tử, chỉ có giáo pháp của Phật mới ra khỏi sinh tử luân hồi. Vì thế, gặp được rồi thì mình phải cố gắng để vững bền trong chánh pháp. Cho nên, Phật dạy tất cả đều phải tinh tấn nhất tâm. Nhưng chúng ta lại có cái lỗi là luôn luôn phóng dật, giải đãi. Trong Luật, những khi có việc gì thì các vị Trưởng lão, các vị Đại Đức cũng đều khuyên nhắc: “Phải tinh tấn, mạc phóng dật”. Chỉ có hai điều đó thôi!

Phóng dật ở nơi thân khẩu thì dễ biết, còn ở tâm ý thì rất khó biết. Hễ duyên theo lục trần, đều là phóng dật. Do đó, ai nấy cần phải nhất tâm, phải chánh niệm. Chánh niệm đứng đầu là ba niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đừng để nó rời!

Niệm Phật thì niệm hồng danh, niệm tướng hảo, niệm công đức. Niệm Pháp phải thuộc kinh, vì nhớ đến kinh pháp tức là niệm Pháp. Niệm tăng thì ở nơi đức Quán Thế Âm Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hay Phổ Hiền Bồ tát ; cho đến Di Lặc Bồ tát, Địa Tạng Bồ tát … đều là Bồ tát Tăng đáng để cho chúng ta nghĩ đến các Ngài và công Hạnh của các Ngài. Nếu tâm mình thường nghĩ tưởng như vậy thì bớt phóng dật, hễ bớt phóng dật tất được tinh tấn. Tinh tấn dần từ một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến nhiều tháng nhiều năm thì lần lần cội Bồ-đề mà mình vun trồng sẽ càng thêm to lớn, vững mạnh.

Người xưa khi vào trong đạo liền tìm cách để được Định, được Huệ. Chúng ta ở thời mạt này lăn lóc ở trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc, đông người. Cho nên, tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là tu mót . Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua.Gặp việc thì làm việc, rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng ; Được một phút thì tốt một phút, được một giờ thì tốt một giờ, thế nên đừng bỏ qua việc tu mót. Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng vẫn nuôi thân được, nuôi gia đình được, đủ lúa đủ gạo để ăn. Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ nơi đạo pháp, nuôi lớn Pháp thân huệ mạng của chính mình. Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại, giờ tu mót lại nhiều hơn thời khóa tu hành. Vì thế nếu bỏ qua thì bỏ phí rất nhiều thời gian. Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được rảnh rang thì gắng giữ ba điều: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn đời mình sống trong chánh Pháp của Đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ mỗi tăng tiến lên.

Vọng tâm, vọng niệm dễ sanh. Những phiền não nghiệp chướng cũng dễ phát khởi. Do vì cảnh duyên bên ngoài trợ giúp cho mấy thứ đó phát triển, tăng trưởng. Mình ở trong thời mạt pháp, lấy sức người để tu hành cũng giống như ở nơi giữa dòng sông, chẳng những là nước mà lại có sóng lớn nữa, luôn luôn lúc nào cũng có sóng hết. Trong đó phải bơi phải lội thì việc đó cần cố gắng lắm mới được! Có cố gắng mới thành công. Do đó, cần phải lập nguyện, chí nguyện sẽ giúp mình thêm cố gắng và vững chắc hơn ở nơi đường đạo. Chí nguyện phải thật vững để giúp cho nghị lực, vì có chí nguyện ắt có nghị lực. Như thế mới vững vàng được ở nơi những luồng sóng dập dồn, nếu sơ xuất liền chìm, huynh đệ cần phải suy nghĩ cho kỹ!

Ở nơi cõi ngũ trược này, phát chí nguyện phải dũng mãnh, nghị lực cũng phải dũng mãnh. Ở trong cái khó mà tu tập thì hạnh đức cao vời. Khó thì dễ hư nhưng thành tựu thì được công cao. Do đó, trong kinh Duy Ma Cật nói; “ Bồ tát ở nơi cõi dời này, có những công đức mà ở nơi cõi khác không có được”. Chính là ý này vậy.

Huynh đệ biết khó thì phải cố gắng. Lập chí lập nguyện cố gắng vượt lên. Luôn luôn kiểm soát tâm ý của mình lẫn cả về hành đông và lời nói. Kiểm soát nếu thấy không đúng thì sửa lại cho đúng. Ai cũng đều có lỗi, nhưng có lỗi mà biết sửa đổi thì thành tốt.

Mong rằng chư huynh đệ đều nhất tâm tinh tấn tu hành!

2. Ngày Khánh Tuế 17/07 năm Giáp Thân (2004)

Sau ngày Tự tứ, được tất cả huynh đệ xuất gia cũng như tại gia về đây thăm, nên tôi có vài lời nhắc nhở

Ngày tháng trôi qua mau lắm, một năm không mấy chốc mà đã tới rồi. Già, bệnh, chết, mãi đeo theo người không chừa ai hết. Cũng mong các huynh đệ, ai nấy đối với Pháp của Phật, không biết nhiều cũng biết ít, noi theo chỗ hiểu biết của mình mà tinh tấn tu hành, luôn luôn nghĩ đến vô thường, sanh tử. Thân này không bền lâu, mình phải cố gắng nương theo thân người này để tu hành, vượt qua biển sanh tử, lên đến bến bờ giải thoát. Nếu chưa được vậy thì cũng làm nhân duyên thù thắng cho những đời sau, đạo tâm kiên cố, căn lành tăng trưởng.

Thời gian qua thật mau, đừng để luống uổng, phải thường nghĩ vô thường. Nhớ lại thuở trước, chỗ mình đang ngồi, đang quỳ ở đây là nơi mấy em mấy cháu (Bây giờ cũng sáu, bảy mươi tuổi rồi) đứng hái trái sim, thì mấy huynh đệ biết nó thuộc rừng rú. Rồi mình khai hoang, cất chùa. Thấm thoát cây gỗ của chùa cũng mục. Từ đó biết rằng thời gian trôi mau lắm, năm sáu chục năm thoáng chốc đã qua. Vì vậy nên nhớ lời Phật dạy, phải luôn nghĩ đến vô thường. Thân này còn đây, ngày mai không bảo đảm.

Pháp của Phật rõ ràng, chỉ ở nơi mình có chịu làm hay không chịu làm đó thôi, nên cố gắng tinh tấn, giữ đạo tu hành. Cầu mong mấy huynh đệ căn lành mỗi ngày thêm lớn, công đức mỗi ngày mỗi tăng trưởng.

3. Ngày Khánh Tuế 17/07 năm Ất Dậu (21/08/2005)

Đã qua một năm, thêm một tuổi. Tuổi đời, tuổi đạo, tất nhiên tuổi thọ của thân này đã giảm đi một năm. Có sanh là có tử. Không người xưa nào bây giờ còn hết. Mình đây lần lần cũng thành người xưa thôi.

Đức Phật dạy phải luôn quán vô thường: “ Thân này vô thường, cảnh vật vô thường”. Biết được thân vô thường phải ráng lo tinh tấn tu hành, chớ bỏ ngày tháng trôi qua. Nhờ thấy cảnh vật vô thường, không nên có sự tham luyến, cũng không nên khởi những vọng niệm phiền não. Tất cả đều nhớ quán vô thường, từ chỗ thân vô thường thì cố gắng tinh tấn tu hành, đối với cảnh thì không có tham luyến và trái ý, nhờ vậy tham sân cũng không khởi. Biết được mấy điều đó, si mê cũng lần lần ít đi, thiện căn công đức mỗi ngày mỗi tăng, đó là mình mỗi ngày mỗi bước tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.

Gần đây gặp ai, tôi thường khuyên đầu tiên nên tránh việc ăn thịt chúng sanh, hễ còn ăn thịt chúng sanh thì không thể giải thoát được. Mấy vị nghĩ lại xem, đối trước Tam Bảo mình nói: “ Hằng ngày tôi ăn thịt chúng sanh, xin cho tôi được giải thoát”, không bao giờ có điều đó được! Do đó, phải tránh việc ăn thịt chúng sanh.

Mình không ăn thịt chúng sanh thì tình thương mỗi ngày mỗi rộng ra. Cũng như thế người lâu ngày không ăn thịt mà ăn chay thì thấy con gà, con vịt, con chim… vật gì cũng vậy, nếu không thương cũng không có tâm làm hại. Nếu thấy nó bị đau đớn hay tai nạn gì, liền khởi nghĩ phải nuôi dưỡng cho được mạnh khỏe, rồi thả nó đi.

Còn người ăn mặn không ăn chay, thấy những con vật như vậy thì muốn cắt cổ, nhổ lông để làm thịt ăn. Quý vị nghĩ coi, ngay tâm niệm đó như thế nào ? Tâm niệm sau rõ ràng sanh tử luân hồi, còn tâm niệmtrước tuy chưa phải thành Hiền thành Thánh, nhưng đã làm cái nền để bước lên con đường Hiền Thánh. Từ tâm niệm có tình thương rồi lần lần thêm rộng lớn, thành tâm từ bi của các bậc Hiền Thánh, thiện căncông đức cũng được sanh ra từ đó. Cho nên Phật nói, đức Phật thành Phật cũng do nơi tâm từ bi, lần lần trưởng thành nên Đại từ Đại bi. Đó là cái gốc. Điều đó rõ ràng như vậy, thế nên, cố gắng phải tránh việc ăn thịt chúng sanh.

Người đã ăn chay rồi thì thấy thường, còn người chưa ăn chay được thì thấy khó, không phải dễ. Bây giờ, có phong trào lan rộng ra trong giới xuất gia, nói chung là bớt việc ăn chay thêm việc ăn mặn. Điều đó từ đâu mà ra ? Bởi vì hiện tại đang đi vào thời kỳ mạt pháp, từ nơi tâm người sanh ra những tâm niệm như vậy, rồi tạo thành nghiệp. Mình thấy rõ ràng, đó là mầm móng của “đao binh tai” mà đức Phật nói trong kinh Diệt Tận. Chỉ là mầm móng chứ chưa đến. Biết được vậy, hiện tại tự mình hễ tránh được thì cố tránh, vươn lên để tâm từ bi lần lần tăng trưởng, thiện căn công đức theo đó mà phát triển. Như thế, tự mình hướng đến con đường đạo, lần lần ra khỏi sanh tử luân hồi, thành bậc Hiền Thánh giải thoát tự tại

Tôi có vài lời nhắc nhở như vậy, để tự mình tỉnh giác và dìu dắt những người khác. Mấy huynh đệ có bổn phận lãnh đạo cũng nên nhắc nhở dìu dắt những người dưới mình.

Kế đó, trong pháp môn của Phật, thích pháp nào thì thực hành pháp ấy. Thích niệm Phật thì niệm Phật, thích tụng kinh thì tụng kinh, thích tham thiền thì tham thiền. Nhưng nhớ phải lấy việc “ tránh ăn thịt chúng sanh” làm chánh. Tôi thấy mấy năm nay, phong trào ở trong nước cũng như ở nước ngoài, từ xưa ăn chaymạnh lần lần yếu đi, rồi lần lần lan rộng vào giới xuất gia lại ăn thịt nữa. Vì thành phong trào chung, ai cũng vậy thấy không có tội.

Mong quý huynh đệ ai nấy đều tinh tấn tu hành, đạo tâm kiên cố, vững vàng tiến bước trong chánh phápcủa Phật.

HT Thích Trí Tịnh




Có phản hồi đến “Khuyến Tấn Tu Hành - Phần 1”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com