Trước những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, tôi đã từng ngày đêm ray rứt với biết bao câu hỏi ‘tại sao ? ‘Tại sao cuộc sống đầy rẫy những khổ đau, bất hạnh, bất như ý?’, ‘ Tại sao cùng sinh ra làm kiếp người, mà lại có muôn vàn sai khác, cách biệt nhau ?’, ‘ Tại sao niềm vui thường chóng tàn và khổ đau, phiền não cứ triền miên như bất tận?’, và ‘ Làm thế nào để hết khổ được vui ?’

Tất cả những câu hỏi đó, triết học thế gian cũng như nhiều tôn giáo đã từng đưa ra những lời giải đáp khác nhau, nhưng tôi vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Với lòng khao khát chân lý và mong muốn tìm ra lời giải đáp cho những vấn đề của chính bản thân và cuộc sống, tôi đã tìm đến đạo Phật và xin theo học khóa giảng Kinh Trung Bộ tại Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.

Trước đây, khi chưa biết gì về đạo Phật, tôi vẫn thường nghe nhiều người phê bình rằng đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế, tiêu cực, là đạo của những kẻ chán đời, thất bại trong cuộc sống và muốn trốn chạy cuộc đời...v v . Thế nhưng, sau hơn hai năm theo học lớp Kinh Trung Bộ, tôi thấy rằng những lời giảng dạy của Ðức Phật rất thiết thực, đã giải tỏa cho tôi biết bao ưu tư phiền não, đã đem lại cho tôi một nguồn an lạc thanh cao, một sức mạnh tinh thần vững chắc để làm hành trang cho tôi trên vạn nẻo đường đời, và đã thay đổi cách nhìn của tôi về con ngườI và cuộc sống.

Từ mỗi bài pháp của Kinh Trung Bộ, tôi đều có thể rút ra một bài học thực tiển để suy nghĩ và áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, dù đó là bài pháp Ðức Phật thuyết giảng cho các tỷ kheo, cư sĩ hay ngoại đạo.

Những bài học thực tiển rút ra từ Kinh Trung Bộ rất nhiều và phong phú, nhưng trong phạm vi giới hạn của bài viết này, tôi chỉ xin đề cập sơ lược đến một vấn đề thiết thân, cốt lõi nhất của chúng ta, đó là vấn đề ‘ Tại sao con người đau khổ ?’, và ‘ Làm thế nào để hết khổ ?

Giáo pháp của Ðức Phật thật vô vùng thâm sâu, vi diệu, dù ta bỏ cả cuộc đờI để học hỏi nghiên cứu chắc cũng chưa đủ ! Thế nhưng, nhìn xuyên suốt quá trình 45 năm hoằng pháp độ sinh, Ðức Phật đã khẳng định :

‘ Này, các tỷ kheo, xưa cũng như nay, ta chỉ nói một điều, đó là sự khổ và diệt khổ ‘

Vậy, thế nào là khổ ?

Theo cách hiểu thông thường của chúng ta thì Khổ có hai loại: vật chất và tinh thần. Về vật chất thì bệnh tật, già yếu, đói rách, thiếu thốn mọi nhu cầu của cuộc sống hằng ngày là khổ. Về tinh thần thì tất cả những điều trái ý nghịch lòng đều làm ta khổ : phải xa cách người mình yêu thương là khổ, phải gần gũi người mình oán ghét là khổ, cầu mong mơ ước không thành là khổ...vv

Nhưng Ðức Phật với trí tuệ của một Bậc Toàn Giác, đã có một cái nhìn thật rốt ráo về khổ, Ðức Phật đã khẳng định : ‘ Tất cả những gì vô thường đều là khổ ‘.

Quả thật, từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, học hành, rồi đi làm việc, ta thấy cuộc sống như một giòng sông phẳng lặng, êm đềm trôi chảy mãi không thôi. Ta không hề chú ý đến những biến hoại đang âm thầm diễn ra từng giây phút trong vạn vật cũng như trong chính bản thân mình. Ngay trong thân thể của chúng ta, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý... mỗi ngày qua là mỗi hao mòn suy yếu, thế mà ta cứ tưởng rằng mình vẫn giữ được mãi nét thanh xuân, nên ta không ngừng mọi nỗ lực để tô bồi cho thân ta ngày càng trẻ trung tươi tốt ! Ta bị cuốn hút vào việc mưu cầu lợi ích cho bản thân, nào là tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc đẹp, tình yêu..., và cho rằng đó là mục đích của cuộc sống, là lý tưởng, là hạnh phúc duy nhất của đời người. Ta say sưa trong men dục của thế gian và tưởng rằng chúng sẽ mãi mãi là của ta. Cho đến một ngày kia, ta gặp một sự thất bại, một biến cố bất thường, một sự mất mát lớn lao đập mạnh vào tim khiến ta đớn đau, bàng hoàng, rời rã, như : mất tài sản, mất địa vị, danh vọng mà ta đã dày công xây đắp, mất tình yêu, mất sắc đẹp, mất người thân yêu nhất của ta....Ta giật mình nhìn lại chuổi ngày qua, nhìn lại mình và tự hỏi ‘ Ðây có phải là hạnh phúc đích thực chăng?’. Nếu là hạnh phúc đích thực, nó phải trường tồn, vĩnh viễn, không bao giờ mất. Tại sao ta bây giờ không còn là ta của những ngày đã qua ?Tại sao niềm vui giờ đã tan biến và chỉ còn lại nỗi chán chường, mệt mỏi, thất vọng, muộn phiền ? Ta giật mình hoảng hốt, muốn níu kéo lại những gì đã qua, nhưng nào có được! Ta cảm thấy bất lực và đau khổ muôn vàn ...

Ở đây, lời dạy của Ðức Phật đã soi sáng cho ta chân lý muôn đời:’ Tất cả các pháp đều vô thường, và tất cả những gì vô thường đều là khổ ‘

Nhưng nguồn gốc của khổ đau do đâu mà có ?

Ta biết rằng khổ đau có mặt cùng lúc với sự hiện hữu của con người. Khổ đau do con người phát hiện và cảm nhận. Nếu không có con người thì vấn đề đau khổ không được đặt ra.

Triết học thế gian đã từng đặt vấn đề: ‘ Tôi là ai ? Tôi từ đâu đến và sẽ đi về đâu ?’. Nhưng những lời giải đáp mang tính chất siêu hình của triết học thế gian không làm thoả mãn những người đang khao khát đi tìm chân lý. Ðôi lúc con ngườI lại nguỵ biện về sự hiện hữu của mình : ‘ Tôi đâu có muốn sinh ra đời, chính vì do ý muốn và dục vọng của cha mẹ tôi mà tôi phải có mặt trong cõi đời này, vậy cha mẹ tôi phải chịu trách nhiệm về mọi đau khổ của tôi !’.

Ðức Phật đã đưa ra một lời giải đáp rốt ráo về nguyên nhân sự hiện hữu của con người trong cuộc đời qua Lý Duyên Khởi.

Ta sinh ra và có mặt trong đời không phải là một sự tình cờ hay ngẫu nhiên. Trong Ðại Kinh Ðoạn Tận Ái, Ðức Phật đã dạy rằng, chính do ái dục, do lòng khao khát được tiếp tục thọ hưởng các dục ở thế gian mà thức của ta đã gá vaò bào thai của người mẹ vào đúng thời điểm hội đủ các điều kiện thuận lợi của bốn món ăn: đoạn thực, xúc thực, tư niệm thực, và thức thực, để từ đó một con người được sinh ra trong cõi đời. Chính bốn món ăn này do ái dục làm nhân duyên, và ái dục lại kết hợp với vô minh để cho ra đời toàn bộ khổ uẩn của con người.

Tại sao Ðức Phật dạy rằng vô minh kết hợp với ái dục để phát sinh toàn bộ nỗi thống khổ của con người ?

Ta đã hiểu rằng do ái dục, con người đã đựơc sinh ra. Lúc còn nhỏ, tình cảm của ta chưa định hướng rõ ràng, nhưng lúc lớn lên, khi sáu căn bắt đầu tiếp xúc với sáu trần, tham ái bắt đầu khởi. Ta bắt đầu phát sinh tình cảm yêu thích, giận hờn, ghét bỏ, ham muốn..., và từ từ ta bị lôi cuốn vào các dục trưởng dưỡng: sắc, thanh, hương, vị, xúc... Sự cám dỗ của các dục ngày càng gia tăng theo tốc độ phát triển của nền văn minh vật chất. Ðược cái này, ta lại muốn cái kia; được cái kia ta lại muốn cái nọ, cứ muốn sao cho bằng hoặc hơn bà con, bạn bè, thiên hạ. Ta không những muốn ăn ngon mặc đẹp, muốn có người yêu lý tưởng, mà lại còn muốn giàu sang, danh vọng, điạ vị ... để cho mọi người nể nang, thán phục. Ta thấy tự ngã của mình càng ngày càng lớn, ta chẳng muốn thua kém ai, càng ngày ta càng chìm đắm trong biển dục mênh mông không biết đâu là bờ bến...

Chính vì vô minh nên ta không hiểu được sự nguy hiểm của các dục, như Ðức Phật đã dạy:’ Này các tỷ kheo, các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, ở đây sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn ’.

Chính vì vô minh, ta chấp thân làm ngã. Ta chấp sắc, thọ, tưởng, hành, thức này là ta, là của ta, là tự ngã của ta. Do đó, ta tìm mọi cách, mọi phương tiện để làm thỏa mãn tấm thân ngũ uẩn này. Ðức Phật đã dạy rằng, Ác Ma vốn không phải ai xa lạ, nó chính là năm dục trưởng dưỡng. Khi ta tham đắm dục lạc, chính là lúc ta đã rơi vào bàn tay của Ác Ma, bị Ác Ma điều khiển, ta mù quáng làm theo mệnh lệnh của Ác Ma, để rồi dấn thân tạo nghiệp, thọ khổ..., và kết quả là tiếp tục quanh quẩn trong sáu nẻo luân hồi.

Như vậy, vô minh kết hợp với ái dục : vô minh sinh ái dục, và ái dục nuôi dưỡng vô minh. Cứ như thế, toàn bộ khổ uẩn của con ngườI bắt đầ từ đó, như Lý MườI Hai Nhân duyên đã nêu rõ.

Sau khi dạy cho chúng ta hiểu được khổ là gì và nguồn gốc của khổ, Ðức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta con đường diệt khổ.

Ðây quả thực không phải là một vấn đề đơn giản cho những người phàm phu như chúng ta. Ta có thể hiểu được khổ và nguồn gốc của khổ, nhưng ta không thể nào diệt được khổ nếu ta không có trí tuệ. Vai trò của trí tuệ thật hết sức quan trọng đối với người muốn đoạn tận khổ đau và giác ngộ giải thoát.

Vậy thế nào là người có trí tuệ ?

Trong Kinh Trung Bộ, Ðức Phật đã nhiều lần đề cập đến người có trí. Người có trí là người có nghe lời dạy của Ðức Phật, có tu tập hành trì đúng như lời dạy của Ðức Phật, biết rõ sự sanh diệt của các pháp. Người ấy biết rõ: đây là lậu hoặc, đây là lậu hoặc tập khởi, đây là lậu hoặc đoạn diệt, đây là con đường đi đến lậu hoặc đoạn diệt. Từ đó, người ấy tinh tấn tu tập hành trì để dần dần đoạn trừ các lậu hoặc, đưa đến đoạn diệt các mầm mống của sanh y, tiến tới an lạc, giải thoát, Niết Bàn.

Ðức Phật đã dạy: ‘ Này, các tỷ kheo, phàm như có sự sợ hãi, nguy hiểm, tai họa nào khởi lên, chúng chỉ khởi từ người ngu, không khởi từ người trí ’. Vì sao ? Vì người trí đã có tri kiến như thật về sự sanh diệt của các pháp, người ấy đã biết rõ thế nào là khổ, đâu là nguyên nhân, và con đường diệt khổ. Từ đó, ngườI ấy biết rõ việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Người ấy biết rõ các pháp bất thiện sẽ đem lại sự sợ hãi, nguy hiểm, tai họa...nên người ấy cương quyết không làm. Người ấy biết rõ các thiện pháp sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc nên người ấy cố gắng tinh tấn thực hiện. Do đó, sự sợ hãi, nguy hiểm, tai họa, khổ đau sẽ không đến gần người có trí.

Ðối với chúng ta đang còn là những phàm phu, bản chất chúng ta vốn yếu đuối cả về trí tuệ lẫn thể xác, vì vậy, khi một việc bất hạnh, phiền não xảy ra, chúng ta như người bị trúng hai mũi tên độc: thân ta đau đớn và tâm ta cũng đau đớn. Muốn nhổ mũi tên độc trong thân, chỉ cần có thầy hay thuốc tốt là ta có thể lành bệnh, nhưng muốn nhổ mũi tên độc trong tâm thật vô cùng khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải có một sức mạnh tinh thần phi thường, sức mạnh ấy phát xuất từ trí tuệ.

Do đó, muốn có trí tuệ, ta phải biết thân cận với người có trí để nghe pháp, tuỳ pháp và hành pháp. Nhờ nghe pháp nhiều, tâm trí ta ngày càng được soi sáng, ta hiểu được Lý Duyên Khởi, sinh lòng tin vào Phật, Pháp, Tăng. Ta cố gắng giữ gìn giới luật, hộ trì các căn, sống thiểu dục tri túc, chế ngự không cho tham ái khởi lên, giữ vững chánh niệm tỉnh giác trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Ta hiểu được nguyên nhân vì sao ta có mặt trong đời, vì sao ta gặp bất hạnh hay được sung sướng, vì sao cùng là con người mà lại có muôn vàn sai khác cách biệt nhau. Tất cả đều do hành động của ta, do nghiệp của ta đã tạo trong quá khứ và hiện tại.

Cảnh giới ta thọ hưởng trong hiện tại hay tương lai đều tùy thuộc vào hành động của ta trong quá khứ hay hiện tại. Hành động thiện tạo nghiệp lành sẽ đưa đến an lạc, hành động ác tạo nghiệp dữ sẽ đem lại khổ đau. Ta đau khổ hay hạnh phúc đều do chính hành dộng của ta quyết định. Ta là chủ nhân của nghiệp và cũng là kẻ thừa tự nghiệp. Bởi thế ta phải cố gắng tạo nghiệp lành và từ bỏ những hành động bất thiện.

Sự đau khổ trong hiện tại là do nghiệp của ta đã tạo trong quá khứ. Vậy, muốn chấm dứt đau khổ, ta phải tích cực làm những hành động thiện để chuyển nghiệp. Nhưng thế nào là hành động thiện ? Ðức Phật đã định nghĩa rất rõ :’ Hành động nào đem đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai là hành động thiện. Hành động nào đem đến hại mình, hại người, hại cả hai là hành động bất thiện’.

Bởi thế, trước khi làm một việc gì, ta phải suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, xem hành động sắp làm là thiện hay bất thiện; kể cả hành động nào chỉ có lợi cho mình mà không lợi cho người, ta cũng nên tránh. Ngay cả trong tâm ta, ta phải luôn luôn giữ vững chánh niệm, tỉnh giác để kiểm soát giòng tư duy của mình. Khi một ý niệm bất thiện chưa khởi, ta cố gắng chế ngự đừng cho nó khởi; và khi nó đã khởi, ta cố gắng tìm cách đoạn trừ. Khi một ý niệm thiện chưa khởi, ta hãy tìm cách tạo điều kiện cho nó sinh khởi, và khi một ý niệm thiện đã khởi, ta cố gắng nuôi duỡng cho nó tăng trưởng ngày càng tốt đẹp hơn.

Ta cố gắng tu tập trong từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động nhỏ hằng ngày. Cố gắng giữ gìn thế nào để tâm chỉ nghĩ đến điều thiện, miệng chỉ nói những lời thiện, thân chỉ làm những việc thiện. Ðó chính là quá trình rèn luyện để có chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Ðây quả thực là một con đuờng tu tập rất khó khăn đối với chúng ta. Bởi vì, ý nghiệp đã ăn sâu vào tiềm thức, đã chi phối, hình thành nếp suy nghĩ, thói quen và hành động thường ngày của ta. Bây giờ, ta phải thanh lọc ngay từ ý nghĩ của mình để ngăn cản không cho phát sinh lời nói hay hành động bất thiện. Bản chất của chúng ta vốn do ái dục sinh, và ta đang trầm mình trong dục giới với đầy đủ tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến..., do đó, ta rất dễ bị dục vọng lôi cuốn và trở nên yếu đuối, dễ quên mất lời Phật dạy, và chìu theo dục vọng, buông thả với chính mình. Chỉ cần thiếu tỉnh giác, buông lơi phóng dật, dễ dãi với chính mình là ta đã rơi ngay vào vòng tay của Ác Ma dục vọng !

Vì thế, ta phải luôn luôn phản tỉnh để thanh lọc tâm. Chính quá trình phản tỉnh để thanh lọc tâm là một quá trình tu tập để tịnh hóa tam nghiệp. Tu tập chính là một quá trình thanh lọc tâm để chuyển nghiệp và tiến tới chấm dứt nghiệp.

Muốn tu tập có kết quả, ta phải nghiêm khắc với chính mình. Giữ giới là một hình thức kỷ luật tự giác của bản thân, giúp ta chế ngự bản năng, dục vọng để hướng tâm về các điều thiện. Tiếp đến, hành thiền là con đường giúp ta thanh lọc tâm và tịnh hóa tam nghiệp một cách hữu hiệu nhất. Vì như Ðức Phật đã dạy: ’Thiền là thay thế năm triền cái bằng năm thiền chi ‘. Trong quá trình thanh lọc tâm, ban đầu ta từ bỏ các pháp bất thiện về thân, lời, ý; cố gắng thành tựu các thiện pháp về thân, lời, ý. Rồi tiếp đến, từng bước, từng bước một..., ta cột tâm vào một đối tượng, dần dần thay thế Tham, Sân, Hôn Trầm Thụy Miên, Trạo Hối, Nghi, bằng Tầm, Tứ, Hỷ Lạc và Nhất Tâm.

Ðây là một quá trình tu tập lâu dài và khó khăn đối với ta. Vì ta biết rằng năm triền cái là kẻ thù bên trong ta. Tiêu diệt kẻ thù bên trong bản thân mình quả thật vô cùng khó khăn gian khổ, đòi hỏi ta phải có nghị lưc lớn, quyết tâm cao để có thể tinh tấn hành trì mà không nản lòng. Chỉ có hành thiền mới giúp ta có một nội lực, một định lực, một sức mạnh tinh thần để đối trị với các dục, giúp ta vượt qua được những cơn khủng hoảng, yếu đuối trước sức cám dỗ của Ác Ma.

Khi tâm ta đã được định tĩnh, ta đã tìm được nguồn vui do thiền đem lại, lòng ta trở nên nhẹ nhàng thư thái, xả bỏ dần những trói buộc của dục vọng đã làm ta đau khổ bấy lâu nay. Khi ta đã hiểu được vô thường là qui luật của vạn pháp, không có gì là thường hằng, vĩnh cữu; và các pháp đều vô ngã, không có gì là ta, là của ta. Ta chỉ là một tập hợp của năm uẩn, của tứ đại, và rồi sẽ có ngày tan rã thành cát bụi. Như vậy, tiền tài, sắc đẹp, địa vị, danh vọng, tình yêu..., nói chung là tất cả các dục của thế gian và ngay cả tấm thân này, tất cả đều như bọt bước, như mây trôi, như giấc mộng..., tất cả rồi sẽ trở về với cái thực tướng của nó là KHôNG. Vậy có gì đáng cho ta tham đắm ? Còn gì đáng cho ta chấp thủ, phiền não, khổ đau ? Chúng đến hay đi, còn hay mất, ta hãy bình thản nhận biết và cố giữ cho tâm không giao động, không hoảng hốt, không sợ hãi, không khổ đau. Ta hãy chuẩn bị tinh thần để đón nhận vô thường như một người khách có hẹn trước. Nhờ vậy, khi vị khách Vô Thường đến, ta không ngạc nhiên, không hoảng hốt, không sợ hãi, chỉ bình thản nhận biết;’ A, vị khách Vô Thường đã đến !’.

Khi ta đã giữ được tâm thanh tịnh, bình thản trước mọi biến cố của vô thường, ấy là lúc ta đã thấy được đạo, ấy là lúc ta hưởng được cảnh Niết Bàn nơi trần thế, ngay trong hiện tại này. Hạnh phúc chính là đây! Và đây mới là hạnh phúc đích thực.

Khi ta đã thấy được chân lý, đã tìm được an lạc cho chính mình, lòng ta bỗng trở nên bao dung, rộng lượng. Ta cảm thấy thương yêu mọi người, nhìn mọi người bằng cặp mắt từ bi, nhìn cuộc đời với cõi lòng rộng mở. Ta bỗng cảm thấy xót xa khi

nhìn chung quanh ta có biết bao người đang đau khổ. Vì thế, ta quyết tâm dấn thân vào đời với tinh thần vô tham, vô sân, vô si, vô chấp thủ. Với lòng thương yêu tất cả chúng sanh, ta nguyện đem hết khả năng mình để phục vụ chúng sanh, giúp cho mọi người bớt khổ dược vui. Ðó là lý tưởng mà bất cứ người Phật tử chân chính nào cũng ước mơ thực hiện.

Như vậy, người Phật tử chân chính là người hạnh phúc nhất, vì người ấy biết sống thiểu dục tri túc, không tham ái, không chấp thủ. Nhờ nội tâm nhẹ nhàng, thanh thản, người ấy luôn luôn vui vẻ, yêu đời, an nhiên tự tại, biết thương yêu, giúp đỡ mọi người, biết sống thích nghi với mọi hoàn cảnh, và tìm được an lạc ngay giữa lòng cuộc sống xô bồ, đầy biến động của thế gian.

Tóm lại, những bài học thực tiển rút ra từ Kinh Trung Bộ đã giúp cho người Phật tử tại gia tìm thấy con đường tu tập ngay trong lòng cuộc đời, để vừa có thể đạt đến một cuộc sống hạnh phúc đích thực cho bản thân, vưà góp phần xây dựng một xã hội thanh bình, an lạc. Ðiều này đã chứng minh rằng Ðạo Phật không phải là một tôn giáo tiêu cực, bi quan. Ðức Phật nêu lên vấn đề đau khổvì đó là một sự thật không thể phủ nhận, ta cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào nó để tìm cách diệt trừ. Biết khổ và hiểu được nguyên nhân gây ra đau khổ để tìm phương pháp diệt khổ hầu đem lại an vui hạnh phúc cho mình và cho xã hội, đó chính là một trong những điểm tích cực nhất của giáo lý đạo Phật.

Trần Như Mai



Có phản hồi đến “Con Đường Tu Tập Của Phật Tử Tại Gia Qua Kinh Trung Bộ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com