Mưa về rồi đó em
Hàng cây bao năm ngủ
lắng nghe mưa tí tách
chiếc áo thơ ướt mềm
những ánh mắt hồn nhiên
nằm yên dưới cõi đời
từng bao năm ngóng đợi
thả cánh diều ước mơ
có chú bé mỉm cười
mảnh tâm thả bong bóng
bay giữa đời nhân gian
gọi tiếng sóng vỗ về
ta đi từ vạn kiếp
dừng chân bến, nẻo đời
hoang sơ về giấc mộng
thả con thuyền tuổi thơ…
Ngày hôm nay, mưa gió nhiều quá, hồn nhiên kéo dài từ suốt ngày qua đến hôm nay. Lắng nghe không gian ẩm ướt đổ về, tràn lan. Những cành cây lá hân hoan tắm mình trong mưa, có từng cơn gió mênh mang, lảng vảng thả tiếng cười, đùa vui cùng nhau mở hội. Những áng mây lơ lửng, lang thang lặng trên bầu trời, cùng hoà nhịp nhảy múa của thiên nhiên, đất trời, hát những bài ca tình yêu thật đẹp. Ngày như đang ẩn mình trong đêm, vì bầu trời âm u. Có ai ngăn được cơn mưa, có ai dừng lại được màu xuân sắc, có ai thầm hỏi ai rằng rồi đời sẽ ra sao, trước những cơn sóng vô thường?
Hạnh phúc hay khổ đau cũng thường được ví như mưa gió của cuộc đời, kéo dài lên thân phận con người, do nghiệp lực của quá khứ, do những gì mới tạo, trợ duyên đến... để cho những cành hoa nghiệp được dịp nở rộ trong đời sống. Đó là cơn đau của bất hạnh hay niềm vui? Tại sao lại có cơn đau trong niềm vui, hạnh phúc, chứ không phải là khổ đau chỉ xuất hiện trong khi bất hạnh, bất như ý trong cuộc đời? Làm sao tách rời ra được trong thân tâm bóng dáng của nhị nguyên, ở một con người, vì đó là những gì được gọi là thân thương, là chán ghét, dù muốn hay không, mang theo mình trong những giai đoạn thời gian tác tạo, của quá khứ, vào đời sống hiện tại, chào đón vui mừng hay sầu khổ trước tám ngọn gió khi hội đủ điều kiện, miên trường tác động đến ….
mắt khóc, môi cười
mắt màu xa vắng
khoắng vào vọng tâm
vạn hoa vỗ cánh
tay nắm vô cùng
tìm lại liên hoa.
Có vài hạt cát
nằm ở lưng trời
Nghe trong lối nhỏ
tiếng thở bạt ngàn
lá cây réo gọi
đời vẫn reo vui
đời không thương ta,
hay ta vô tình
chẳng độ lượng đời
bất hạnh thân tình
nào phải xa lạ
năm nào mơ mộng,
nay lại lãng quên ...
Trong vũ trụ này, tất cả đều do duyên sanh duyên hợp và các pháp đến đi đều như vậy, đủ duyên thì hợp lại, hết duyên thì tan rã, không một thương tiếc, không một hân hoan, không một chào đón hay không một mặc niệm, chia lìa. Con người khổ đau bởi vì bám chặt, tưởng chừng là vĩnh cửu, dù là cơn gió nhẹ thoảng qua, dù là bóng mây mờ nhạt, dù là bờ vai rung rung, yếu đuối, có nụ cười nước mắt, có ánh mắt hoàng hôn, có lắng nghe sâu thẳm… biểu hiện trên thân phận con người.
Em bên ta khi cơn mưa nhỏ hạt
Sóng gió về, bóng dáng vội đi đâu
Ôi thời gian, hoa lá đến nhiệm mầu
Lòng chân chất, nở cánh hoa tuyệt đẹp...
Người sống với đời bình thường, khi đón nhận những trận gió ngao du, dù nhẹ nhàng, mát dịu, cũng bị “u đầu xước trán”, than thân trách phận cho cuộc đời. Người thành công, đầy đủ danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, tình yêu… bỗng một hôm, nhận thức được vô thường, ảo hoá, chợt bâng khuâng, dâng lên niềm đau, nổi thống khổ trong sự mất mát, hụt hẫng, chia lìa, và rồi cũng vui khóc, khổ đau. Người có chút lòng thành, học hạnh tìm lại tâm, khi cơn gió mơn man đổ về, có nặng có nhẹ, có như cuồng phong, hoặc như cơn lốc xoáy, có đau có khổ, có nước mắt mặn môi, có nụ cười dày dặn, cũng vẫn mang cơn đau, vẫn có nuối tiếc, để rồi buông thả, xả bỏ để tìm lại chân tình trong muôn vàn huyễn hoá quay cuồng, nên tự tâm hát dâng lên lời ca của con người..
Có phải chiếc nón, ngàn trùng cuối ngỏ
hay tâm tình, bóng dáng ngập ngàn phương
tìm cánh mây trời, phiêu lãng nơi nào
Đi đến với, áo mây luôn đổi sắc
một sáng tối, hoàng hôn mời nắng lạ
một chiều tà, vàng vọt ánh trăng về
ngồi im lặng, giữa hải triều sóng vỗ
từ góc lòng, vũ trụ mở duyên sinh….
Trong một bài Kinh A Hàm, có nói rằng: “Muốn biết kiếp quá khứ ra sao, hãy nhìn vào đời sống hiện tại. Muốn biết cuộc sống tương lai sẽ như thế nào, cũng hãy quán chiếu những việc làm ở hiện tại” (Dục tri tiền thế nhân, đương kim thọ giả thị. Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị). Vâng, chỉ có luật nhân quả mới trả lời cho hết tất cả những vấn nạn trên thế gian nầy, vì đó là định luật thiên nhiên, không do một ai chi phối, ban ơn hay cứu hoạ. Cuộc đời là một sự mâu thuẫn nội tại, tương tác giữa hai cặp bài trùng, nhị nguyên, nhiều khi đến khó hiểu. Nhưng, “bất muội nhân quả” sẽ giúp con người vũng tâm trong đời sống, giữ gìn thân khẩu ý trong chánh niệm để tránh bớt nghiệp lực và để có khi cũng phải vui vẻ chấp nhận những nghịch cảnh hoặc thuận cảnh đem đến cho mình.
Đối diện với cơn mưa của thời tiết, ướt trời nhũn đất, lạnh lẽo, âm u, để rồi so sánh với những đợt mưa trong đời sống của mỗi con người. Cơn mưa làm cho chúng ta có khuynh hướng ẩn núp trong một không gian nào đó, để tránh né, chạy trốn, sợ ướt thẩm da thấm thịt, ẩn tạm để thoát qua khỏi trong thời gian ngắn hay mưa nhiều ngày. Nhưng cơn mưa gió của nội tâm lại làm cho chúng ta có thể sợ hãi, lo lắng, bồn chồn, chờ đợi, chui vào tủ quần áo trốn, nhưng rồi, mưa vẫn đến, xoáy trong tâm khi tâm bị chao đảo, ngụp lặn trong những vọng tưởng, chấp trước. Có ai là không gặp hoàn cảnh tương tự trong suốt đời sống, mân mê với hạnh phúc, rã rời với niềm đau, cười méo xẹo với những gì đem đến, nhiều khi khóc than thi đua với cơn mưa, xem chừng nước mưa trời đổ xuống nhiều hay nước mắt chảy nhiều.
Chúng ta cũng từng biết đến cơn mưa đã rải nước tắm cho một vị Thánh nhân thị hiện giữa cõi đời, dưới cành cây vừa nở cánh hoa Vô Ưu, trong vườm Lumbini cách đây 2634 năm về trước.
Cơn mưa đó khác thường vì đến từ tấm lòng, đến từ sự qui kính của trời người, đối với con người bình thường mang nguyện lớn nối tiếp từ Hạnh nguyện của Bồ tát Hộ Minh, để thực hiện toàn mãn đại nguyện là thành Phật, để cứu độ chúng sanh thoát khỏi khổ đau.
Như Kinh Pháp Hoa nói rõ: “Ta vì một đại sự nhân duyên là muốn cho tất cả chúng sanh ngộ được Phật Tri kiến, nên thị hiện vào cõi Ta bà”. Và qua đó, thể hiện nhân cách của Bậc Siêu Việt, một tấm lòng rộng lớn, biểu lộ từ lúc Đản sanh, qua bốn cửa thành thấy rõ sanh già bệnh chết, xuất gia tầm đạo, ngồi dưới cội cây bồ đề và chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vườn Lumbini, một nơi chốn ở quê ngoại của Thái tử Siddhartha, mà Hoàng Hậu Maya trên đường trở về để chờ ngày lâm bồn, vịn cành cây Vô ưu, và nơi đó, một vị Thái tử đã được Đản sanh.
Tôi đã đến nơi nầy trong chuyến Hành hương tại Ấn độ và Nepal, và đã ngồi im lặng, thiền quán để suy niệm về sự xuất hiện của vị Thánh nhân. Vẫn còn đó trụ đá, hồ nước nơi có chín vị Long vương phun nước tắm cho Thái tử, cảnh vật chung quanh. Thời gian dài qua bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu biến đổi, thịnh suy, rêu phong, lẫn với sự phá hoại của những tâm niệm vô minh, thần quyền, độc hại đã tàn nhẫn làm tàn phai, hũy hoại bao nhiêu những hiện hữu của Thánh tích thời đó.
Ngồi lắng yên để nhìn lại khúc phim lịch sử hy hữu trên thế gian nầy, đang quay lại diễn tiến về ngày trọng đại của trời người, của muôn loại, là đón chào vị Thánh nhân. Người đã đi 7 bước, mỗi bước chân đều có hoa sen nâng đở. Tay chỉ trời, tay chỉ đất và nói rằng “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Bước chân của Người dẫm trên mặt đất làm rung động của ba ngàn thế giới, làm sợ hãi những ác tâm, làm niềm hoan hỷ cực kỳ kiên cố cho những tấm lòng muốn hoàn thiện chính mình. Cũng là bước chân tiếp nối của 6 đời chư Phật vừa qua trong hiện tại, vững vàng trong tâm nở hoa sen, thị hiện trong cõi đời năm trược, vì lợi ích muôn loài. Bước chân được nâng nhẹ bởi 7 đoá sen thật đẹp, tươi sáng của thanh tịnh, ngọt ngào của tâm từ bi, và của lưu ly trí tuệ xuyên suốt màn vô minh, cháy tan thất tình hằng chi phối trong nội tâm con người.
Có phải đất trời đang chuyển động
Hay lòng người muôn cõi mở hoa tâm
Bóng dáng Thánh nhân thị hiện vào đời
Ánh mặt nhật bỗng cúi đầu kính cẩn
Thái tử Siddhartha !
Đoá hoa Vô Ưu
vườn Lumbini
những lời từ bỗng nhiên hiện rõ
như vầng trăng chiếu sáng cuộc đời
làm sao nói hết
làm sao ghi lại
chỉ lòng thành tỏ bày hoan hỷ
để khắp cùng muôn loài qui ngưỡng
đất đã tịnh để chân Người bước
nuớc đã thanh rải tắm thân mình
vũ trụ nở hoa mầu an lạc
đón chào Người vào buổi sớm tinh khôi
cánh sen toả hương thơm ngát
như lòng trong, nối tiếp nguyện bao đời
nào phải Người thị hiện một lần trong các cõi
tự bao giờ, khi có khổ đau
khi loài người bất hạnh
sen vẫn nở khi tâm quay lại
đức Phật hiền từ
vẫn mỉm cười,
Đản sinh sáng người,
từ bi tưới mát
có mặt trong tâm
lại là một lần trong bao lần thị hiện….
Vâng, lại là một lần trong bao lần Người thị hiện, khi con người đau khổ, quán chiếu và chuyển hoá nội kết, nghiệp lực. Cái điệp khúc thánh thiện nầy nói lên tấm lòng yêu thương chúng sanh vô bờ bến, của đức Phật, như “đa tình thị Phật tâm”. Mỗi khi đau khổ, thất thần trong những biến động của cuộc đời, đối diện của cơn đau, của mất chánh niệm dẫn đến những bâng khuâng giữa các khuấy động triền miên trong tám ngọn gió, thấy đời sống bế tắc, vô định, không biết đi về đâu “tiền lộ mang mang bất tri hà vãng”… chính khi đó, khi tâm quay về (quy y) với đức Phật của chính mình, đức Phật tức thời đã có mặt, thị hiện trong lòng của chính người đó. Quay về với Như Lai Tạng, Bạch Tịnh Thức, Chân Tâm… là quay với Tuệ giác vẫn hằng hữu có mặt trong tâm, dù qua bao nhiêu sóng gió, vọng động v.v... thì ánh đèn Tuệ Giác đó cũng vẫn còn, vẫn chiếu soi tỏ để tan biến những phiền não, cấu uế đem tâm thức con người đang lâm vào chốn buồn đau, “tuệ nhật phá chư ám”.
Không phải Thông điệp của đức Phật đã nói là chỉ có “Chân Tâm” là cao quí nhất trong vũ trụ nầy? Không phải là đức Phật đã nhìn thấy là trong mỗi một hữu tình đều có đầy đủ tánh Phật, làm nên vị Tỉnh Thức, nên đã bao lần tiếng sóng Hải triều âm vẫn vọng vang đến cho nhân loại “Tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành”.
Cơn mưa Pháp tiếp nối trong suốt lộ trình thể hiện Đại Nguyện của Người trong cuộc đời, đối diện với biết bao nhiêu là vấn nạn của các hữu tình đang bị chi phối, lâm vào, khổ đau..
Chúng ta từng đọc Kinh A Di Đà, từng được biết rằng đã có Mười phương Chư Phật cùng đồng thời xưng tán Công Hạnh và Bi Nguyện lớn của đức Phật đã đi vào cõi đời năm trược của uế độ Ta bà, thành Phật và vì tất cả khổ đau, bất hạnh của muôn loài mà truyền bá giáo Pháp đem lại Tự tại, An lạc và Giải thoát và ước mong tất cả mọi người, mọi loài đều đạt được Tri kiến như đức Phật.
Cơn mưa Pháp đó hiển lộ từ thời Đản sanh, thành Đạo và xoáy chuyển vào tâm thức của mỗi người, mọi hữu tình vì từng giọt mưa Pháp đó, rơi xuống đồng đều khắp cùng tâm không gian, vũ trụ, không phân biêt màu da, sắc tộc, địa phương, mà chỉ tùy theo trình độ, căn cơ và sự tiếp nhận của mõi người mà tác động đến, để chuyển hoá, tạo thành một năng lực kỳ diệu đem lại Chân Hạnh Phúc hay sự hoàn thiện trở thành con người Nhân bản đích thực.
Và cơn mưa Pháp đó cũng thấm sâu vào tâm tôi trong giờ phút nầy, ngồi lắng lòng trước những Thánh tích Lumbini, quán chiếu tất cả khúc phim thật đẹp dâng cho muôn loài của Thái tử Siddhartha khi thị hiện giữa cõi đời, khi con người đau khổ quá nhiều bởi vì giai cấp, vì tham vọng, vô minh, mù quáng…để chỉ nẻo về bờ Giác. Những hình ảnh vi diệu đó vẫn có mặt hôm nay, vẫn chưa bao giờ mất, dù có bao biến đổi của hiện hữu, vì lòng tôi thanh tịnh bây giờ, kiên định trong tâm hướng đến. Tôi thật vô cùng xúc cảm, nước mắt rơi xuống, mở rộng cõi lòng sung sướng, cảm thấy mình quá may mắn, hạnh phúc khi được là người Phật tử, con của Ngài, của đức Phật và đón nhận gia tài của Ngài để lại trong tấm thân hèn mọn nầy.
Tiếng gầm của Chúa Tể Sơn lâm, bước chân của Lộc Tượng, tấm lòng của vị Thầy của trời người, đức Phật với Thông điệp “chiến thắng vạn quân, không bằng tự chiến thắng và chiến thắng chính mình là chiến công oanh liệt nhất” đã đi thẳng vào trái tim sôi động tình yêu thương, nhìn rõ bản chất Thánh thiện trong mỗi người, với sự khiêm cung của vị Bồ tát Thường Bất Khinh trong Kinh Pháp Hoa, lời nói đã như bao lần nhắc nhở: “Tôi không dám khinh các người, vì các người là Phật sẽ thành”…
Những lời nhắn nhủ, đánh thức tâm đó quá đẹp, quá cao thượng, quá nhân bản, bình đẳng …mà chúng ta chưa hề nhận thấy nơi bất cứ một tôn giáo nào, bởi vì Thông điệp nầy được đến từ sự chứng ngộ Chân Lý của một Đại Tỉnh Thức, nhìn rõ bản chất, tự tánh của muôn loài, vũ trụ. Không có vì lý do gì mà chúng ta sợ hãi, tự ti … không dám chấp nhận và tiếp cận.
Chúng ta có thể than trách rằng: “tại vì mình thiếu phước đức, không được sinh vào thời Phật còn hiện tiền, cho nên, đến giờ vẫn còn lưu lạc, trầm luân...”, nhưng đối với tôi, một chúng sanh nhỏ bé, tầm thường, sự hiểu biết hạn hẹp, có mặt trong cuộc sống ngày hôm nay, trong giờ phút nầy, tôi lại cảm thấy mình còn có quá nhiều may mắn, phước báu đã gặp được giáo Pháp Từ Bi Hỷ Xả của đức Phật còn truyền lại cho đến ngày hôm nay, và mình còn có duyên để tiếp cận, tu tập và chuyển hoá cho cuộc đời. Vì giả sử như Giáo Pháp không còn hoặc vì lý do gì đó, như vì thiếu duyên, vì vô minh, không nhận thức được mình có Tánh Phật và vô tình, nên không chấp nhận, không tiếp cận đến Giáo Pháp uyên thâm, giải thoát nầy, thì chúng ta sẽ ra sao?
Ngàn năm xưa, nào ai biết
Trăm năm qua, nào ai hay
chỉ biét hôm nay
trong giờ phút nhiệm mầu
tôi đã thấy
trong lòng mình
có đức Phật thị hiện
Ôi hạnh phúc,
một lần trong muôn một
sát na quay về,
mưa Pháp rải tràn lan
nội kết khổ đau
chuyển thành hoa nhân ái
để bước đi đời,
luôn sánh bước cùng người
dù đôi chân non dại
dù bụi đời chưa phai
nhưng trong tâm vẫn nở
đức Phật nhỏ cười vang …
Thưa bạn ! Cuộc đời vẫn đầy dẫy khổ nạn của và trong biết bao nhiêu người trên hành tinh nầy. Trong cộng nghiệp, chiến tranh vẫn còn đó và còn có nguy cơ lớn hơn, tiêu diệt nhân loại. Thiên tai do lũ lụt, núi lửa, bão tố, sóng thần vẫn còn và luôn ảnh huỡng đến ưu tư, căng thẳng cho mọi người. Nhân tai, nạn tai, bất công, tranh chấp, kỳ thị, độc tôn, môi sinh bị tàn hoại, phá hũy v.v... vẫn là nổi niềm bất hạnh, gánh nặng, khổ đau, gây tác hại đến mọi sự sinh tồn, mọi hiện hữu, được dẫn dắt bởi ba độc si tham sân. Nhiều thiên niên kỷ qua đã vậy, và nay thì vẫn tồn tại, và có chiều hướng gia tăng. Đời sống thì ngày càng được đầy đủ, văn minh, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ hơn và chúng ta có quá nhiều thời gian, trí thức, không gian để sinh sống, nhưng nguy cơ nhân loại bị hũy diệt chưa biết lúc nào, nếu thiếu chánh niệm hoặc do một phút không kềm chế được tâm tình.
Có phải nhân loại không ý thức được hiểm họa có thể xẩy ra bất cứ lúc nào nầy chăng? Có phải những giá trị tâm linh không còn tồn tại? Có phải tôn giáo đang có mặt không đáp ứng được nhu cầu tâm linh, chuyển hoá khổ đau, thống khổ, bất hạnh và đem tâm mê mờ trở về nơi an lạc?
Có một vị Thánh nhân tên là Siddhartha đã thị hiện ra đời cách đây 2634 năm để tiếp nối hạnh nguyện cứu độ muôn loài vượt qua khổ ải sanh tử, đưa đến bờ Giác và đạo Phật đã thành hình từ sự Chứng Ngộ Chân Lý của vị Thánh nhân nầy. Là con người, Ngài đã từng trải qua vô lượng kiếp trầm luân, rồi với lòng Từ bi, phát nguyện lớn để độ sanh, nên Ngài hiểu rõ được tận tường sanh tử và những gì chi phối đến các chúng hữu tình. Là một vị Đại Giác Ngộ do chứng đắc Chân Lý, Ngài nhìn ra được màn lưới vô minh kéo dài theo sợi xích của 12 nhân duyên ràng buộc con người, làm trôi lăn trong biển khổ và cũng vì nhìn rõ được Tánh Phật trong mỗi người, Ngài vì Nguyện Lớn Khai Thị đó mà đã lặn lội qua bao nhiêu con đường trần, suốt hơn 49 năm vì sự đau khổ, vì sự trầm luân trong vọng tưởng mê lầm của con người, mà dấn bước bằng tất cả tấm lòng thương yêu, bằng cả cuộc đời dâng hiến và bằng sự kiên định tối thắng của vị Đại Giác… vì sự đau khổ của muôn loài chúng sinh.
Đạo Phật là con đường đi đến bờ Giác, con đường Tỉnh Thức, chỉ rõ các pháp đều do duyên sinh, vô thường, huyễn hoá, nhưng không phải để chúng ta xa lánh cuộc đời, chạy trốn, bi quan, yếm thế… nhưng mà để dấn thân vào cuộc đời bằng sự chuyển hoá, hoàn thiện bản tâm và tiếp cận chia sẻ với mọi người để cùng tiến đến Chân Thiện Mỹ, qua giáp Pháp vi diệu của đức Phật.
Đạo Phật là của mọi người trưởng thành, không phải do tuổi tác, học vấn, bằng cấp, chức vị, danh vọng, giàu sang phú quí… nhưng do tâm đã trưởng thành, chín mùi do được trưởng dưỡng chịu đựng, do vì kinh qua cuộc đời với biết bao nhiêu biến động, thăng trầm vinh nhục được thua vui buồn… đã gây nên những thống khổ, bất hạnh hay hạnh phúc giả tạm, không thực trong cuộc nhân sinh. Người Cùng tử trong trạng thái tay trắng, tâm trống rỗng, hốt hoảng… sẽ tìm đến với đạo Phật và đạo Phật trả lời.
Chúng ta hãy đến với đạo Phật trong tâm trạng đó, để tìm hiểu qua Văn (Nghe) Tư (Suy Tu) Tu (Tu tập). Bởi vì đạo Phật không phải đến để chỉ tin, cầu nguyện. Đức Phật từng nói rằng: «Người tin ta mà không hiểu ta, tức là phỉ báng ta», vì Ngài không phải là vị Thần Linh để ban bố ân huệ, thưởng phạt, nhưng Ngài muốn rằng mọi người hãy trở về với bản tâm, nhận thức mình có Tánh Phật và sống với, khai mở, trưởng dưỡng con đường rộng của nội tâm để vượt thoát khổ đau, qua bờ sanh tử và đó chính là nguyện lực thị hiện trên cõi Ta bà của Ngài.
Tiếng chuông tỉnh thức của đạo Phật vẫn thong thả ngân vang giữa cuộc đời, không vội vàng, gấp gáp, nhưng mỗi thanh âm mang nguồn năng lực nội tại để giúp con người tỉnh thức. Chúng ta hãy cùng ngồi lại đây, nơi đại địa thênh thang, nơi không gian tâm trống rỗng nầy, cùng với nhau, tỉnh lặng, mỉm cười, lòng trong, thanh khiết.. và cùng nhau nâng chén trà của giáo Pháp, để chia sẻ, thưởng thức. Có phải chén trà ngon quá không ? Có phải hương trà thanh thoát không ? Chúng ta có lắng nghe lại lòng mình không, để nghe tiếng đập vô ngôn của nội tâm trong im lặng ? Những chiếc lá trà sen không có gì lạ, khác biệt với cuộc đời thường… mà chỉ có tẩm những hương vị thanh khiết, chân thường của Tứ diệu đế, Bát chánh Đạo, Tứ nhiếp pháp, Lục độ, Lục hoà… với chất phẩm không có gì cao sang, bí mật, huyền diệu, kỳ bí… mà thiết thực, yếu dụng, thoả lòng vì được tìm ra vì con người và cho con người, để được trưởng thành và nuôi dưỡng tâm linh, có đời sống nhân bản cao thượng.
Tách trà
Thinh lặng
ba cõi
hiện về
hương bay
thấy sắc
cười ồ
ôm tâm…
- Đạo Phật đã được Liên Hiệp Quốc công nhận giá trị tâm linh cao thượng, cống hiến hữu ích, có thể đáp ứng để giải quyết vấn nạn cho người, cho môi trường sinh sống… trong hiện tại và mai sau, nên đã tổ chức Đại Lễ Phật Đản Vesak vào mỗi năm, cũng như đưa những giá trị thực hữu của Giáo Pháp vào trong Toà nhà Liên Hiệp Quốc. Xá lợi của đức Phật cũng được an trí và Tôn thờ tại nơi đây.
- Là người con Phật, chúng ta cầu nguyện rằng giáo Pháp của đức Phật được lưu truyền, phổ cập khắp mọi nơi, và được mọi người tìm đến không bằng thành kiến, cố chấp, hẹp hòi, độc tôn… mà mở rộng tấm lòng để đến, để tiếp cận, tìm hiểu, nắm lấy những giá trị tâm linh thực tiển của giáo Pháp vi diệu, đem áp dụng vào đời sống để chuyển hoá khổ đau cho mình và chia sẻ cùng người…
- Trước năm 1975, khi chiến tranh gây bao nhiêu là mất mát, tàn phá, tiêu hũy, chết chóc … trải dài trên quê hương tôi và lúc đó, dù còn nhỏ, tôi vẫn được biết có những cuộc vận động ngưng chiến giữa hai miền Nam Bắc trong một ngày Đại Lễ Phật Đản, và có kết quả, để tạm ngưng một ngày giết hại lẫn nhau, gây đổ máu, làm tổn thất sinh mạng, tạo nên cảnh sinh ly tử biệt. Và trong ngày đó, cũng đã được yêu cầu ngưng giết hại các con vật, các loài súc sinh tại các lò sát sinh trên toàn quốc... vì để tránh được nghiệp sát sẽ đem lại kết quả bớt nghiệp chiến tranh, gây đau khổ cho nhân loại. Và dĩ nhiên, người Phật tử nếu không có được trường trai, cũng phải phát tâm ăn chay trong những ngày nầy.
Vì lý do đó, cầu xin rằng nếu có thể, sẽ có những cuộc vận động lớn trên toàn thế giới, thể hiện đức Từ Bi Hỷ Xả của đức Phật, để cho mọi nơi chốn, dù bất cứ nơi đâu, đang có lò lửa chiến tranh… xin cho ngưng bắn, nếu có thể trong một ngày kỷ niệm Phật Đản Vesak và cũng xin cho mọi loài vật không bị sát hại trong ngày nầy.
- Cầu xin cho mọi người không còn thành kiến, cố chấp, vị kỷ hay vì tham vọng gì đó, mà người người gây hại, thù hận lẫn nhau. Xin cho tình huynh đệ được nở rộ trong tâm của mọi người, và người người đến với nhau bởi sự tôn trọng và quí kính thân phận con người.
- Cầu xin cho mọi người, mọi loài đều được An Lạc, Chân Hạnh Phúc trong Ngày và Mùa Phật Đản do sự mở lòng, tu tập, chuyển hoá và làm cho đức Phật trong tâm thị hiện, không phải trong một ngày, mà nhiều ngày hay miên trường, để cuộc đời bớt khổ, được vui.
Với tấm lòng đó, với sự chân thành của người con Phật, dù là còn sơ cơ, hiểu biết kém cỏi, chất phát, nhiều thiếu sót trong đời sống, trong sự nghiên cứu, tu tập… nhưng trong thân tâm vẫn muốn bộc lộ những lời đến từ tâm qui ngưỡng, cung kính, tri ân dâng lên đức Phật nhân ngày Đại Lễ Khánh Đản. Xin được thành kính dâng tặng và chia sẻ cùng tất cả mọi người, dù có đồng ý hay không, nhưng xin nhận nơi đây, như với lòng trân quí và kính chúc quí vị cùng gia đình... được nhiều An Lạc, Hạnh Phúc trong Mùa Phật Đản lần thứ 2634.
Cư Sĩ Liên Hoa