(1 nước) Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu Vua dịch
Chùa Đại Tổng Trì, Sa Môn Biện Cơ soạn

Nước Ma Kiệt Đà - Phần hai

Phía đông cây Bồ Đề qua sông Ni Liên vào trong rừng lớn có một Bảo Tháp. Phía bắc Bảo Tháp có một cái hồ, nơi đây một con voi con chờ con voi mẹ. Ngày xưa, khi đức Như Lai còn tu khổ hạnh, hai con voi từ núi phía bắc đến ở hồ nầy. Trong khi con voi mẹ thì mù tìm nước để uống, vì hiếu dưỡng cho nên con voi con đã đến đây gặp một người bị lạc trong rừng, ông ta đang lo sợ khóc lóc khổ sở. Thấy và nghe như vậy, con voi con thương cảm dẫn đường đưa ông ta trở về lại chỗ cũ. Người nầy sau khi về thưa với Vua rằng:

- Hạ thần có gặp một con voi con trong rừng là một con voi quý có thể bắt được

Nghe như vậy, vua cùng binh lính vào rừng để săn voi. Người nầy đi trước dẫn đường chỉ voi cho Vua. Tức thời nó quỳ hai chân xuống, nhà vua tuy kinh ngạc điều kỳ lạ, nhưng cho bắt voi con đem về. Khi voi về đó, không chịu ăn cỏ, không chịu uống nước. Người nài thấy vậy thưa Vua, Vua liền đến hỏi. Con voi con trả lời:

- Mẹ tôi bị mù già yếu đói khát, mà tôi nay trong sự nguy nàn nầy nào có thể ăn ngon được. Vua cảm động liền cho thả đi. Phía bên bảo tháp nầy có dựng một trụ đá. Đây là nơi ngày xưa Phật Ca Diếp đã ngồi và ở phía nầy có di tích của bốn vị Phật trong quá khứ đi kinh hành cùng ngồi thiền.

Phía đông nơi bốn vị Phật ngồi thiền qua chưa hết khỏi sông, đến rừng lớn nơi đó có một trụ đá. Đây là nơi mà ngoại đạo nhập định và phát ra lời thề ác. Ngày xưa, ông Uất Đầu Lam Phất ý chí như mây khói, thân trụ đám cỏ và ẩn dật trong rừng nầy, chứng được ngũ thông đệ nhứt định, làm cho Vua nước Ma Kiệt Đà rất tôn kính và cũng thỉnh vào cung dùng ngọ mỗi ngày. Ông Uất Đầu Lam Phất đến đi qua lại trong hư không cho nên Vua nước Ma Kiệt Đà rất là ngưỡng vọng và tiếp đón đến hoàng cung. Khi vua ra đi ủy thác lại cho ông được phép ra vào trong cung không cần mệnh lệnh.

Có một thiếu nữ hiền lành, lãnh nhiệm vụ vua giao để đón tiếp. Vua nước Ma Kiệt Đà triệu đến và nói rằng:

- Nay ta phải đi xa nên uỷ thác cho ngươi, ngươi đừng quên lo cho tròn công việc, khi ông Tiên Uất Đầu Lam tới phải tôn kính giống như khi đến dùng cơm mà ta cung phụng vậy.

Liền ra lệnh xong lại đi tuần du. Thiếu nữ thừa Thánh chỉ mà làm theo như thế.

Khi đại tiên đến thì mời ngồi. Uất Đầu Lam Phất đụng vào thân người nữ, tâm dục ô nhiễm khởi lên, bị mất thần thông. Ăn cơm xong rồi, nói lời từ tạ nhưng không bay lên hư không được. Trong tâm rất xấu hổ quỳ xuống nói với người nữ rằng:

- Ta đã tu đạo vào thiền định và được thần thông, qua lại trong hư không không có gì chướng ngại. Mọi người đã nghe thấy lâu nay rồi. Dĩ nhiên trước đây tôi đạt được những điều như thế là muốn làm lợi lạc cho muôn loài há muốn giữ riêng việc lợi cho mình quên đi những kẻ khác. Tôi sẽ đi bộ ra cửa để mọi người thấy mà được phước.

Sau khi vương nữ nghe xong liền bảo cho mọi người xa gần biết. Lúc ấy sai người quét dọn đường sá có cả trăm ngàn vạn người ra bái vọng nghinh tiếp. Ông Uất Đầu Lam Phất đi bộ từ vương cung đến nơi rừng ông ta ngồi nhập định, tâm rơi vào ngoại cảnh. Trong rừng quạ chim kêu vang trời. Dưới hồ gần bên, cá rùa lên tiếng. Tâm ông tán loạn mất thần thông dẹp thiền định, sanh tâm sân hận và phát lời thề ác.

- Ta sẽ làm con chồn dữ, nhưng thân có cánh như chim, bắt hết các loài khác. Thân to ba ngàn dặm. Hai cánh mỗi bên rộng một ngàn năm trăm dặm. Khi vào rừng thì bắt hết tất cả các loài trong rừng. Lặn vào nước bắt hết các loài ở dưới nước.

Thề xong tâm sân hận giảm xuống mà chuyên cần cầu để trở lại định cũ, chẳng bao lâu sau mệnh chung sanh lên cõi trời thứ nhất thọ tám vạn kiếp và đức Như Lai cho biết rằng khi thọ mạng ở thiên giới hết, quả báo đời xưa với lời thề cũ, làm cho thân xấu và lưu chuyển vào trong ác đạo, chưa biết bao giờ ra khỏi.

Phía đông sông Mạt Ha vào trong rừng lớn đi hơn 100 dặm đến động núi Thất Phát Đa (Kê Túc Sơn) cũng còn gọi là núi Lầu Lô Phát Đa. Núi cao nhọn nguy hiểm và có những động sâu. Triền núi có cỏ cây cùng hang đá. Trên đảnh sầm uất cây cỏ và đá. Bên trên có ba đỉnh liền nhau tiếp giáp với trời cao, thỉnh thoảng mây phủ. Sau nầy tôn giả Đại Ca Diếp ở trong nầy mà tịch diệt chả nói lời nào cho nên gọi là Tôn Túc. Ngài Ma Ha Ca Diếp là đệ tử của đức Phật chứng được lục thần thông và tám giải thoát. Lúc ấy biết Như Lai hóa duyên đã mãn, sắp vào Niết Bàn, Ngài bảo với ngài Ca Diếp rằng:

- Ta đã nhiều kiếp siêng tu khổ hạnh vì các chúng sanh mà cầu Vô Thượng Pháp. Sở nguyện ngày xưa ấy bây giờ đã hoàn mãn, bây giờ muốn vào đại Niết Bàn và các Chánh Pháp Tạng phó chúc cho ngươi giữ gìn truyền rộng đừng cho suy giảm. Di mẫu thì hiến Cà Sa bằng chỉ vàng chờ ngày đức Di Lặc thành Phật đến mà trao lại. Cùng với những pháp tu hành của ta đã dạy. Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, tất cả đã được tế độ làm cho lìa khỏi sự lưu chuyển.

Ngài Ca Diếp y giáo thừa nhận Chánh Pháp, sau khi kiết tập xong đến năm thứ 20, ngài thấy cuộc đời vô thường cho nên đã nhập diệt, bèn đến Kê túc sơn, bóng núi che lên trên.

Hang đá có đường đi đến phía đỉnh của núi Tây Nam. Trên đỉnh, rất nguy hiểm trải qua nhiều khúc khuỷu có thể làm hại người được. Khi vào trong núi rồi, lúc trở ra đường đi khúc chiết khó thông. Đến phía đỉnh núi bên đông bắc thì ra khỏi. Khi vào trong ba đỉnh núi thì thấy Ca Sa của Phật ở đó. Vì nguyện lực nầy mà ba đỉnh kia cao vút, cho nên bây giờ ba đỉnh núi ấy rất linh thiêng. Trong tương lai khi đức Từ Thị ra đời sau ba hội thuyết pháp có không biết bao nhiêu là chúng sanh kiêu mạn muốn lên núi nầy, đến thăm Ngài Ca Diếp.

Đức Di Lặc khảy móng tay đỉnh núi tự mở và những chúng sanh thấy được ngài Ca Diếp liền tăng thêm kiêu mạn. Lúc đó ngài Đại Ca Diếp trao y và từ tạ lễ bái rồi thân bay lên hư không thị hiện các thần biến tự hóa lửa tam muội đốt thân và nhập diệt. Thời những chúng sanh ấy khi chiêm ngưỡng tâm kiêu mạn mất đi. Nhân đây chiêu mộ tất cả được chứng quả. Cho nên bây giờ trên đỉnh núi có xây một Bảo Tháp. Những đêm thanh vắng từ xa người ta thấy được ánh sáng từ Bảo Tháp phát ra, nhưng khi lên núi rồi không còn thấy nữa.

Phía đông bắc núi Kê Túc đi hơn 100 dặm, đến núi Phật Đà Phạt Na. Đỉnh núi rất cao và nguy hiểm. Trên đó có một phòng bằng đá có ghi lại dấu chân của Phật. Bên cạnh đó có một tảng đá. Đế Thích, Phạm Vương, Ma Ngưu Đầu dùng hương thom của gỗ chiên đàn cúng dường Như Lai. Ở trên tảng đá nầy còn phảng phất mùi hương. Năm trăm A La Hán đã hiển linh nơi đây. Người có duyên được gặp hoặc được thấy. Có lúc là hình Sa Di đi vào trong làng để khất thực. Đây là di tích rất linh thiêng khó có thể tường thuật hết.

Phía giữa núi Phật Đà Phạt Na đi qua hướng đông hơn 30 dặm đi đến nơi Tiết Sắc, thì biết được là Rừng Trúc (Trúc Lâm), vườn nầy cũng đã biến thể từ hang núi mà thành. Đầu tiên các vị Bà La Môn nghe Đức Phật Thích Ca thân dài 6 trượng cho nên thường hoài nghi chưa tin tưởng, bèn lấy sáu cây trúc để đo thân Phật, nhưng khi đó mới biết còn hơn 6 trượng nữa. Lúc đó chiều cao cứ cao dần không cùng tận, họ bỏ trúc mà đi, rồi bốn phía trồng trúc, chính giữa có một Đại Tháp do Vua A Dục dựng nên.

Ngày xưa đức Như Lai ở đây bảy ngày đã vì chư Thiên và loài người hiện đại thần thông thuyết các Diệu Pháp. Ở giữa rừng Trúc gần đó có một người thuộc dòng dõi Sát Đế Lợi tên là Ưu Ba Tát Già Phiệt Gia Tê Na (Thắng Quân). Có ý muốn dọ thăm tình huống của Sơn Lâm. Từ thưở nhỏ đã ở riêng biệt nên tâm thật trong sáng, nghiên cứu Nội ngọai điển vô cùng thâm u và hiểu rõ những luận cứ cao siêu trong sáng mô phạm. Các vị Sa Môn, Bà La Môn, Ngoại Đạo, Quốc Vương, Đại Thần, Bậc Trưởng Giả, những người giàu có thường biết đến sự thông suốt đó lấy làm phục và luôn luôn thỉnh cầu để được lợi ích.

Những người đến thọ học hơn sáu phần mười trong thiên hạ. Đến năm gần 70 tuổi, sức yếu chẳng đọc được nên đã phế bỏ tất cả duy chỉ học tập kinh Phật mà thôi. Sách tấn thân tâm, ngày đêm chẳng nghĩ. Pháp của Dị Giáo giống như mùi bùn. Sau đó dựng nên một Bảo Tháp nhỏ cao 5.6 thước và những bản kinh văn được để vào bên trong, gọi là Tháp Xá Lợi. Những năm sau nầy, người ta xây dựng nên Đại Bảo Tháp. Mọi người đều đến đây để tu phước cúng dường.

Đây là sự nghiệp của Vua Thắng Quân. Ở phía trước cửa dùng để nói Diệu Pháp dụ những người học trò đến để làm tháp, làm hình thức để tôn sùng Phước Đức. Ban đêm lại đi kinh hành lễ bái đọc tụng ngồi thiền tư duy ăn uống chẳng cần ngày đêm không mõi mệt. Đến năm 100 tuổi ý chí vẫn chưa suy. Ròng rã ba mươi năm trường làm bảy ức Bảo Tháp thờ Pháp Xá Lợi. Đủ một ức thì xây một Bảo Tháp lớn rồi để Pháp Xá Lợi vào trong đó để cúng dường. Thỉnh chư tăng đến làm Pháp Hội xưng dương tán thán. Lúc ấy ánh sáng chiếu rọi khác thường. Từ đó về sau, thường hay phóng đại quang minh.

Phía tây nam của rừng trúc, đi hơn 10 dặm ở phía núi cao có hai suối nước nóng. Nước rất là nóng. Tại đây ngày xưa đức Như Lai đã biến nước nầy chảy ra rồi tắm ở đó, cho đến bây giờ vẫn còn. Nước trong vắt chảy liên tục không hết. Người người xa gần đều đến đây để tắm gội. Trầm mình ở dưới bao lâu chẳng sao cả. Bên cạnh đó có một Bảo Tháp là nơi mà Như Lai thường đi kinh hành.

Bên phía đông nam của rừng trúc cách 6.7 dặm đến một đỉnh núi lớn. Phía bên phải có một Bảo Tháp. Đây là nơi ngày xưa đức Như Lai đã vì trời người đến đây thuyết pháp mỗi ba tháng hai lần. Lúc ấy vua Tần Bà Sa La cũng muốn đến nghe Pháp, nên đã băng núi xẻ đá mà đến. Nơi nầy rộng hơn 20 bộ chiều dài 3.4 dặm. Phía bắc của núi cao hơn 3.4 dặm là núi Cô Sơn. Nơi đây ngày xưa, có một vị tiên nhơn học rộng ẩn cư và tại nơi nầy dấu tích phòng ốc vẫn còn tồn tại.

Những người học trò vẫn còn lui tới nơi đó. Phía đông bắc của núi Cô Sơn hơn 4.5 dặm, có một núi Cô Sơn nhỏ, tường phòng bằng đá rộng rãi có thể ngồi hơn cả ngàn người. Nơi đây ngày xưa đức Như Lai thuyết pháp ba tháng. Trên phòng bằng đá có tảng đá lớn là nơi mà Đế Thích, Phạm Vương, Ma Ngưu Đầu lấy gỗ chiên đàn cúng dường trang sức thân Phật và trên đá vẫn còn phảng phất mùi hương.

Phía tây nam của phòng bằng đá có một ngọn núi tròn. Ấn Độ ngày xưa gọi là cung của A Tố Lạc (A Tu La). Người có những việc cần đến đây để luyện chú thuật và lo cho vận mệnh đó thì tăng lữ có hơn 14 người. Đã nguyện cùng chí hướng vào trong núi tròn nầy. Đi hơn ba bốn chục dặm thì bỗng nhiên trời sáng. Lại thấy thành ấp nhà cửa tất cả đều bằng vàng bạc lưu ly. Những người nầy đến rồi lại có những thiếu nữ chờ ở phía cửa ra vào hoan hỷ nghinh tiếp để đón mừng người đến, rồi đưa dần vào bên trong. Cửa bên ngoài có hai cô tỳ nữ, mỗi tỳ nữ đều cầm một cái mâm bằng vàng, trên mâm ấy toàn những hương hoa để nghinh đón, vì những người ấy nói rằng:

- Xin hãy vào Hồ để tắm bằng hương hoa sau đó mới được vào trong. Nơi đó rất là đẹp có một người có chú thuật tiến đến nhanh trong khi mười ba người kia tắm gội. Khi vào trong hồ rồi thì quên hết tất cả. Họ ngồi như là mạ cấy xuống ruộng.

Đi khỏi nơi nầy đến phía bắc, có sông rộng hơn ba bốn dặm.

Phía bên phòng bằng đá lại có con đường cầu treo rộng hơn mười bộ dài bốn năm dặm. Ngày xưa Vua Tần Bà Sa La muốn đến thăm Phật tạm lấy đá bắt ngang qua suối, hoặc lấy những hòn đá trên núi làm thành những bậc thang để đi đến nơi Phật. Từ đây đi lên núi cao, hướng đông hơn 60 dặm đến Kỳ Xà Quật thuộc thành La Bổ Sa, (thành Vương Xá) nằm giữa nước Ma Kiệt Đà. Đây cũng là cố đô của quân vương đời trước.

Đa phần các bậc quân vương dùng hương thơm của cỏ Kiết tường cho nên trong thành có rất nhiều cỏ. Chung quanh bốn phía núi là làng mạc. Phía tây thông với đèo hẹp. Phía bắc có cửa vào núi. Phía đông tây dài và phía nam bắc hẹp chu vi độ 150 dặm. Nội thành còn dấu tích hơn 30 dặm. Cây Yết Ni Già thường có nhiều ở đây. Hoa và màu sắc của hoa là vàng kim, đến giữa mùa xuân nở cả một rừng hoa màu vàng.

Ngoài cửa cung thành phía bắc, lại có một Bảo Tháp nơi mà Đề Bà Đạt Đa cùng với A Xà Thế làm bạn, rồi thả voi say muốn hại Phật. Như Lai lấy tay chỉ, biến thành năm con Sư Tử, con voi say quỳ xuống phục mạng.

Phía đông bắc nơi voi say có một Bảo Tháp là nơi mà ngài Xá Lợi Phất nghe Tỳ Kheo A Thấp Ba Tỳ (Mã Thắng Assajit) thuyết pháp liền chứng quả. Đầu tiên khi ngài Xá Lợi Phất còn tại gia được tôn xưng là tài cao phong nhã, có nhiều học trò đến thọ giáo. Khi ấy ngài vào thành Vương Xá gặp ngài Mã Thắng Tỳ Kheo đang đi khất thực. Ngài Xá Lợi Phất đưa mắt nhìn ngài Mã Thắng bảo với môn nhân rằng:

- Ông nào kia sao trông đặc biệt quá. Nếu không phải là bậc chứng quả làm sao có được phong cách tịch tĩnh như vậy.

Khi nói như vậy thì đi tới một chút rồi dừng lại xem rồi tiến tới. Lúc ấy Ngài Mã Thắng Tỳ Kheo đã chứng quả A La Hán rồi. Tâm được tự tại dung mạo đoan nghiêm, đường đường oai nghi. Ngài Xá Lợi Phất thưa:

- Trưởng Lão là bậc quá an lạc. Thầy của ngài là ai? Ngài chứng pháp gì mà có được sự an vui như vậy.

Ngài Mã Thắng đáp rằng:

- Nhà ngươi không biết sao. Thái Tử con Vua Tịnh Phạn đã từ bỏ ngôi vị chuyển Luân Thánh Vương, có lòng từ bi thương cảm đến sáu đường, tu khổ hạnh sáu năm, chứng thành Chánh Giác, đầy đủ tất cả trí tuệ. Ngài là thầy của ta. Pháp thì chẳng có mà cũng chẳng phải không, thật là khó thực hành như quay tơ vậy. Chỉ có Phật với Phật mới có thể tường lãm. Những kẻ ngu muội làm sao hiểu rõ nghĩa lý. Vì vậy cho nên được xưng tụng tán dương là Giáo Pháp của chư Phật.

Khi ngài Xá Lợi Phất nghe như vậy liền chứng quả. Nơi chứng quả về phía bắc không xa mấy có một cái hầm rất sâu. Bên cạnh đó có xây dựng một Bảo Tháp. Đây là phòng của Lợi Cúc Đa (Thắng Mật) đào hầm lửa và tạo thức ăn độc để hại Phật. Thắng Mật là người tôn sùng Ngoại Đạo, nhiễm nặng tà kiến của các Phạm Chí nên nói rằng:

Sa Môn Cồ Đàm người được cả nước tôn kính, liền ra lệnh cho học trò đừng có tin tưởng nữa, bèn mời ông ta đến nhà để dùng cơm, rồi cho Nha Môn đào một cái hầm trong đó chất toàn là lửa, dùng cây mục bắt ngang qua. Tất cả những thức ăn trộn toàn là độc dược vào. Khi mà hầm lửa nổi lên. Nếu qua khỏi hầm lửa sẽ bị đồ độc. Đoạn Thắng Mật cho lệnh thiết soạn toàn là thức ăn độc.

Trong thành mọi người đều biết Thắng Mật khởi tâm ác độc muốn hại Thế Tôn. Mọi người đã mong rằng Phật đừng đến đó; nhưng Thế Tôn bảo rằng:

- Chẳng có gì để lo lắng cả. Thân thể của Như Lai không có vật nào có thể hại được. Cho nên ngài đã nhận lời thỉnh mà đến. Khi chân vừa đến cửa ngõ thì hầm lửa kia biến thành ao nước trong ngần và hoa sen toả ra mùi thơm ngát. Thắng Mật thấy như vậy liền lo lắng không nguôi, và cho môn đồ biết rằng:

- Không gặp lửa chắc chắn sẽ gặp độc.

Thế Tôn ăn xong rồi, liền thuyết Diệu Pháp. Thắng Mật nghe xong cảm tạ rồi xin phép quy y.

Phía bên hầm lửa của Thắng Mật, từ núi đông bắc đi quanh có một Bảo Tháp. Đây là Pháp Đường của Bác Sĩ Phược Già (Kỳ Bà) nghe Phật thuyết pháp, kiến tạo nên, chung quanh rất là rộng rãi và trồng nhiều hoa quả. Bây giờ dấu tích vẫn còn nơi đó. Ngày xưa Như Lai nhiều lần dừng lại nơi đây và bên cạnh đó lại có nhà của ông Kỳ Bà. Nơi đó ngày xưa vẫn còn một cái giếng. Từ cung thành đi về phía đông bắc hơn 14 dặm rưỡi đến núi Kiết Phiêu Đa La Cự Thác (Kỳ Xà Quật) có đỉnh núi Thứu, nằm ở phía bắc, có hình dáng rất đặc thù giống như mỏ con chim Thứu.

Nơi đỉnh cao đó thoáng mát, khí hậu dễ chịu. Trong 50 năm hoằng pháp trong cuộc đời, gần như hầu hết Đức Như Lai ở tại đây. Vua Tần Bà Sa La muốn nghe Pháp đã cùng với mọi người, phát tâm từ chân núi đi lên đến đỉnh núi, dọc đường những hang động đã biến đá ấy làm thang cấp rộng hơn 10 bộ, dài hơn 5.6 dặm. Giữa đường có hai Bảo Tháp nhỏ. Một nơi là nơi xuống Xa Giá để Vua từ đây bắt đầu đi bộ lên.

Một nơi khác là đuổi hết đoàn tùy tùng chỉ một mình đi lên. Đỉnh núi phía đông tây dài, nam bắc hẹp. Tiếp giáp phía đông tây có một tinh xá bằng gạch, rất cao thoáng và phòng nào cũng có lan can hướng ra phía đông. Đức Như Lai phần nhiều thuyết pháp ở nơi đây. Nên ngày nay có dựng một tượng Phật thuyết pháp tại đó, cao bằng thân của Như Lai. Tịnh xá phía đông có một tảng đá dài là nơi đức Như Lai kinh hành qua lại. Bên cạnh đó lại có một tảng đá lớn. Cao một trượng tư. Chu vi hơn 30 bộ là nơi Đề Bà Đạt Đa xô đá hại Phật. Dưới phía nam nầy có một Bảo Tháp. Tại nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã giảng kinh Pháp Hoa. Tinh xá phía nam có một phòng bằng đá. Nơi đó Như Lai ngày xưa đã nhập định.

Phía tây bắc của phòng bằng đá lại có một phòng đá khác. Phía trước có một tảng đá lớn, là nơi A Nan bị Ma dọa. Tôn Giả nhập định nơi nầy và Ma Vương hóa thành con chim Thứu nhằm tháng không có trăng ở trên tảng đá lớn, kêu tiếng con chim Thứu mà nhác Tôn Giả. Tôn Giả lúc bấy giờ rất là kinh hãi không yên. Như Lai xem thấy an ủi và đưa tay qua khỏi tường đá chạm vào đầu A Nan. Rồi lấy lòng từ bi mà nói rằng:

- Đó là do ma biến hóa đấy đừng sợ hãi gì cả.

Ngài A Nan nghe lời an ủi như thế thân tâm an lạc cho nên trên miếng đá có dấu tích của chim ấy và có một lỗ thông qua.Thời gian trải qua lâu rồi nhưng bây giờ vẫn còn tồn tại.

Phía bên Tịnh xá có rất nhiều phòng bằng đá mà ngài Xá Lợi Phất và các bậc A La Hán đã ở nơi nầy nhập định. Trước phòng đá của ngài Xá Lợi Phất có một cái giếng lớn. Bây giờ nước đã khô nhưng giếng vẫn còn. Phía đông bắc của Tịnh Xá có một tảng đá ướt. Trên đó có một tảng đá nữa. Đó là nơi phơi áo Cà Sa của Như Lai và hình ảnh của chiếc y ấy vẫn còn tồn tại in lên đó. Bên cạnh tảng đá có dấu tích bàn chân của Phật và những đường chỉ bánh xe dưới bàn chân vẫn còn ghi đậm nơi đây.

Phía bắc đỉnh núi có một Bảo Tháp. Đây là nơi đức Như Lai vọng hướng về thành Ma Kiệt Đà, nơi đây đức Phật đã thuyết pháp bảy ngày. Phía cửa bắc của thành có núi Tỳ Bổ La. Nghe qua truyền thuyết thì biết rằng:

- Phía tây nam của núi nầy, ngày xưa có năm trăm suối nước nóng mà bây giờ chỉ còn lại hơn 10 cái do khí hậu lúc nóng lúc lạnh, không có nóng lắm. Những suối nước nóng phát xuất từ phía nam núi Tuyết của hồ Vô Nhiệt Não, chảy đến nơi nầy. Nước rất xanh và vị rất ngọt giống như trên nguồn vậy. Chảy qua hơn 500 nhánh của những tầng địa ngục tiểu nhiệt. Lửa đó đốt làm cho nước nóng. Nước từ trong miệng đá chảy ra tạo thành những hình Sư Tử hoặc là đầu rồng, hoặc tạo thành những máng nước dài. Phía dưới biến thành đá và thành ao. Người ở những nơi khác đến đây để tắm. Những kẻ bị bịnh tắm xong liền khỏi. Hai bên tả hữu của suối nước nóng đều có Bảo Tháp và Tinh Xá. Nơi đây cũng còn dấu tích của bốn vị Phật trong quá khứ đi kinh hành và ngồi thiền. Nơi đây là nơi mà sơn thủy giao nhau. Cho nên người ở đây phát sinh trí tuệ, đất đai tạo nên sự an ổn để che chở mọi người.

Phía tây của suối nước nóng, có một phòng đá gọi là Bi Bát La. Nơi mà Thế Tôn ngày xưa đã ở lại trong nầy và nằm sâu trong động là nơi ở của các vị A La Hán. Đa phần những vị Tỳ kheo thiền định ở đây bị những hình ảnh kinh dị của rắn hoặc Sư Tử hiện ra làm cho tâm họ sợ hãi phát cuồng khi thấy như vậy. Cho nên đây cũng là nơi các thánh hiện ra làm gió thổi để giúp họ xua tan những tai nạn kia. Những Tỳ Kheo giới hạnh tinh nghiêm muốn tâm được thanh tịnh liền dùng phòng nầy để tu tập thiền định. Nhưng cũng có người bảo đừng nên đến đó. Vì nơi đó có những tai nạn kinh dị làm cho không ít kẻ bị hại, khó có thể tu định mà còn có thể mang họa vào thân. Hãy lo trước vẫn hơn là hối hận về sau.

Vị Tỳ kheo ấy đáp rằng:

- Chẳng sao cả tôi chỉ có chí nguyện cầu Phật quả sẽ hàng phục được thiên ma. Nếu mà hại được, lấy gì bảo chứng.

Rồi liền chống gậy đi đến phòng đó. Sau đó lập đàn tràng trì Chú. Một tuần sau có một người đàn bà xuất hiện bảo Tỳ Kheo rằng:

- Tôn Giả mặc áo hoại sắc giữ giới làm chỗ nương tựa của mọi loài, tu định huệ hướng dẫn sinh linh trở vào đường thiện mà bây giờ ở nơi đây lại sợ hãi ta như vậy. Lời dạy của Như Lai há là như vậy sao?

Tỳ Kheo đáp:

- Tôi là người giữ tịnh giới tôn trọng Thánh Giáo muốn vào trong núi sâu để xa lìa những tạp nhiễm. Thấy đây là nơi an tịnh có thể ở được.

Đáp rằng:

- Tôn Giả trì Chú nghe phát ra lửa từ ngoài bay vào, thiêu phòng tôi ở, làm cho tôi khổ sở mong rằng lấy lòng từ bi đừng tụng chú nữa.

Tỳ Kheo đáp rằng tụng chú là để hộ thân chứ đâu có muốn hại ai. Đến đây chỉ muốn ngồi thiền để chứng Thánh Quả và cứu khổ hàm linh. Thấy điều kinh dị không muốn thân mạng bị hại. Có làm gì hại cô đâu mà nói như vậy.

Đáp rằng:

- Tội chướng quá dày, trí huệ thô thiển, cho nên từ nay về sau chỉ giữ phận ở đây và mong rằng tôn giả đừng tụng thần chú nữa.

Kể từ đó vị Tỳ kheo kia, khi Thiền định được an tịnh không bị hại nữa.

Trên núi Tỳ Bổ La, có một Bảo Tháp, ngày xưa đức Như Lai đã thuyết pháp nơi đây. Còn bây giờ thì ngoại đạo lõa thể đang ở nơi nầy. Họ tu tập khổ hạnh ngày đêm siêng năng, từ sáng đến tối tinh chuyên quán sát. Cửa phía bắc của thành nầy đi về phía đông hơn hai ba dặm gặp một phòng đá lớn là nơi mà ngày xưa Đề Bà Đạt Đa đã nhập định.

Phía đông của phòng đá nầy không xa mấy, có một tảng đá trên đó còn lưu lại vết máu. Bên cạnh Bảo Tháp đó là nơi thiền định của vị Tỳ kheo, vị nầy tự hại mình để chứng Thánh Quả. Chuyện ngày xưa có kể lại rằng:

Có vị Tỳ kheo chuyên cần thân tâm tu tập thiền định, ngày tháng trôi qua nhưng chẳng chứng Thánh quả, có ý thối lui liền than rằng:

- Nếu quả vị A La Hán mà không chứng được thì để cho thân dơ nhớp nầy còn tồn tại có hữu ích gì, lấy đá tự đập vào đầu. Lúc ấy liền chứng A La Hán. Bay lên hư không thị hiện thần biến, hóa lửa để thiêu thân vào nơi tịch diệt. Đây là câu chuyện ly kỳ vẫn còn ghi lại.

Phía đông nơi Tỳ kheo chứng quả, có một tảng đá. Trên tảng đá có một Bảo Tháp. Đây là nơi tập định của Tỳ Kheo muốn chứng Thánh Quả. Câu chuyện được kể rằng ngày xưa khi Phật còn tại thế, có một vị Tỳ Kheo, ngồi thiền lâu năm trong núi rừng và muốn chứng quả thiền định. Rất siêng năng cần mẫn lâu năm, nhưng chưa chứng được đạo quả. Ngày đêm luôn luôn nhớ nghĩ chẳng quên thiền định. Đức Phật biết rằng người nầy căn cơ đã đến cho nên ngài đã từ vườn Trúc Lâm đến dưới chân núi nầy khảy móng tay để triệu hồi vị Tỳ Kheo ấy. Vị Tỳ Kheo liền thấy Thánh Chúng thân ý hoan hỷ cúi xuống đảnh lễ.Thân tâm tự nhiên thanh tịnh kính vâng lời Phật đến tại nơi đây liền chứng Thánh Quả. Đức Thế Tôn bảo rằng:

- Hãy biết đã đến lúc rồi.

Vị ấy liền bay lên hư không thị hiện thần biến. Dùng hình ảnh ấy để tạo nên tín tâm, cho nên được ghi lại như vậy.

Cửa phía bắc của thành đi hơn một dặm, đến vườn trúc Ca Lan Đà, bây giờ vẫn còn tịnh xá, phòng ốc được xây bằng gạch và đá lan can hướng về hướng đông. Ngày xưa đức Như Lai còn tại thế đa phần ngài ở nơi nầy thuyết pháp để giáo hóa chúng sanh. Bây giờ còn một tượng giống như thân hình của Như Lai.

Sơ khởi ở tại thành nầy, có một vị Trưởng Giả tên là Ca Lan Đà (Caranda) Lúc ấy là một bậc hào phú của rừng Trúc đã cúng cho ngọai đạo, nhưng khi nghe Như Lai thuyết pháp liền phát tín tâm, đòi lại vườn Trúc xưa nơi họ cư ngụ bảo rằng:

- Bây giờ đấng Thiên Nhơn Sư không có chỗ ở.

Cho nên quỷ thần cảm động sự thành tâm liền bảo với ngoại đạo rằng:

- Trưởng Giả Ca Lan Đà sẽ xây dựng tịnh xá nơi vườn Trúc nầy, các ngươi nên đi xa đi để khỏi bị nguy hiểm. Lúc ấy ngoại đạo phẫn nộ sân si rồi đi.

Trưởng giả kiến lập tinh xá nơi nầy. Sự việc xong xuôi đích thân đến thỉnh Phật. Đức Như Lai lúc bấy giờ đã nhận sự cúng dường nầy.

Phía đông của rừng Trúc Ca Lan Đa có một Bảo Tháp, nơi đây vua A Xà Thế làm con đường đi ra. Sau khi đức Như Lai nhập Niết Bàn, các vua chúa cùng phân chia Xá Lợi. A Xà Thế cũng được và mang về đây rồi xây Tháp cung kính để cúng dường. Nơi đây cũng là nơi Vua A Dục phát sinh tín tâm cho mở Xá Lợi ra kiến tạo Bảo Tháp khác để thờ. Nơi đây cũng thường phóng ra ánh sáng vi diệu.

Bảo Tháp của Vua A Xà Thế có thờ nửa thân Xá Lợi của Tôn Giả A Nan. Ngày xưa khi Tôn Giả sắp tịch diệt đi đến nước Ma Kiệt Đà hướng đến thành Tỳ Xá Ly. Cả hai nước đều muốn dùng binh để giao tranh với nhau. Tôn giả đã ai mẫn và thương cảm nên đã phân thân. Vua nước Ma Kiệt Đà đem Xá Lợi về để cúng dường. Tức ở nơi đây kiến tạo nên Bảo Tháp để tu Phước. Bên cạnh đó là nơi kinh hành của đức Như Lai. Tiếp theo chẳng bao xa lại có một Bảo Tháp. Đây chính là nơi ở của Ngài Xá Lợi Phất và ngài Mục Kiền Liên.

Phía tây nam của vườn trúc đi hơn năm sáu dặm đến núi phía nam. Ở trong vườn trúc có một phòng bằng đá rất lớn. Đây là nơi Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp cùng với 999 vị A La Hán sau khi đức Như Lai nhập Niết Bàn kiết tập Tam Tạng. Trước đó còn di tích cũ. Vua A Xà Thế đã vì sự kiết tập Pháp Tạng, mà dựng nên nơi nầy cho các vị Đại A La Hán. Đầu tiên ngài Đại Ca Diếp tĩnh tọa nơi sơn lâm, rồi phóng đại quang minh lại thấy đất đai chấn động và nghĩ rằng điềm lành gì mà có sự dị biến nầy. Đoạn dùng thiên nhãn để quán sát, thấy Thế Tôn đang ở giữa hai cây Sa La sắp nhập Bát Niết Bàn, có ý gọi Ngài đến rừng thành Câu Thi Na. Đi dọc đường gặp Phạm Chí tay cầm hoa trời và hỏi Ngài Phạm Chí:

- Ngài từ đâu đến? Có biết thầy của ta bây giờ ở đâu không?

Phạm Chí đáp rằng:

- Tôi mới từ thành Câu Thi Na đến, thấy Thầy của ngài đã nhập Niết Bàn. Trời người đại chúng đang vây quanh cúng dường. Tôi đã được hoa nầy từ nơi đó.

Ngài Ca Diếp nghe xong nói với môn đồ rằng:

- Ánh sáng trí tuệ đã chìm. Thế giới nầy không còn mặt trời nữa. Kẻ dẫn đường cho chúng sanh đã bị đảo lộn. Trong khi đó, giải đãi Tỳ Kheo vui mừng nói rằng:

- Như Lai tịch diệt rồi tôi rất là an lạc. Nếu có phạm điều gì đâu có ai mà qưở trách.

Ngài Ca Diếp nghe xong liền bi cảm thương tâm. Suy nghĩ rằng phải tập họp để tuyên dương Pháp tạng giáo hóa những người phạm lỗi. Thế rồi đến nơi Sa La đảnh lễ dưới chân Phật. Biết rằng Đấng Pháp Vương ra đi thì không có ai hướng dẫn trời người, cả các bậc Đại A La Hán cũng đều muốn diệt độ. Lúc ấy Ngài Đại Ca Diếp liền suy nghĩ rằng nên thuận theo lời Phật dạy để triệu tập gìn giữ Pháp Tạng, cho nên đã lên trên núi Tô Mê Lô, đánh đại kiền chùy xướng lên như thế này:

- Nay tại thành Vương Xá sẽ có Pháp Sự các bậc đã chứng quả nên vân tập.

Khi nghe tiếng kiền chùy của Ngài Ca Diếp báo hiệu rung động đến 3000 đại thiên thế giới. Những bậc đã chứng được thần thông nghe xong liền vân tập. Lúc bấy giờ Ngài Ca Diếp bảo với đại chúng rằng:

- Như Lai đã tịch diệt thế giới chẳng còn gì. Nay ta tập trung những Pháp Tạng nhằm để báo ân Phật. Nay tập họp Pháp Tạng là nhiệm vụ đến không phải để tranh tụng. Há chẳng phải là dịp hội họp để chẳng thành gì cả thì không nên. Chỉ những bậc đầy đủ tam minh lục thông nghe điều ấy rồi chẳng dùng đến biện tài vô ngại như lời Thượng Nhơn đã truyền đạt mà đến để kiết tập. Trừ những bậc đã chứng đắc ra thì ở lại còn kẻ khác trở về. Tại đây có 999 người, còn sót lại ngài A Nan là bậc hữu học, ngài Đại Ca Diếp mời vào và bảo rằng:

- Ngươi là người chưa dứt lậu tận mà ở trong hàng thánh chúng, theo làm thị giả Như Lai trong nhiều năm, mà trong Pháp Hội nầy chưa đạt được quả vị sự kiết tập nầy khó thành. Đấng Pháp Vương đã tịch diệt rồi mất đi chỗ nương tựa cho nên ngài Ca Diếp bảo tiếp:

- Hãy đừng có lo rầu khổ não. Ngươi là người thân cận gần gũi làm thị giả Phật, thành bậc đa văn. Tuy nhiên việc ái cảm chưa dứt trừ và những kiết sử chưa đoạn hết.

A Nan liền đứng dậy ra đi đến một nơi yên tịnh muốn chứng quả Vô Học, hết lòng cần cầu mà chẳng chứng càng bị giải đãi nên muốn thối lui. Thế rồi, chưa gục đầu đã chứng A La Hán, đoạn đi đến nơi kiết tập, cúi đầu trước cửa để gọi. Ngài Ca Diếp hỏi rằng:

- Ngươi đã hết lậu hoặc chưa? Nếu đã hết rồi thì vận thần thông mà vào.

Ngài A Nan thừa mệnh ngang qua lỗ cửa mà vào. Sau đó đảnh lễ chư tăng rồi đến chỗ ngồi.

Lúc đó đúng vào ngày 15 của mùa an cư kiết hạ.

Ngài Ca Diếp cao tiếng nói rằng:

- Hãy lắng nghe đây! A Nan đã nghe nhớ giữ được lời dạy của Như Lai về Kinh Tạng. Ưu Ba Ly trì giữ Luật Tạng, bậc thông suốt, hiểu biết về Luật Tạng nên trùng đọc kiết tập Tỳ Nại Da. Ta là Ca Diếp sẽ kết tập A Tỳ Đạt Ma tạng.

Sau ba tháng mùa mưa nầy, việc kiết tập Tam Tạng đã xong. Thế rồi ngài Ca Diếp từ trong chúng lên ngồi ở ngôi vị Thượng Tọa. Nhân đây mà gọi là Thượng Tọa Bộ.

Phía tây bắc nơi ngài Đại Ca Diếp kiết tập lại có một Bảo Tháp ngài A Nan bị Tăng khiển trách không được dự phần kiết tập đến để ngồi thiền và chứng quả A La Hán và sau khi chứng quả rồi mới đến tham dự. Phía tây nơi chứng quả A La Hán đi hơn 20 dặm, lại có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Đây là nơi mà Đại chúng bộ đã kiết tập. Những bậc có học vô học số hơn trăm ngàn người không tham dự việc kiết tập của ngài Đại Ca Diếp đến nơi này bàn với nhau rằng:

- Khi Như Lai còn tại thế, chúng ta cùng học một Thầy. Khi đấng Pháp Vương tịch diệt rồi, chúng ta khó gặp nên muốn báo ân Phật thì phải gìn giữ Pháp Tạng. Cho nên phàm thánh hiền ngu đều được vân tập để kiết tập gồm Tu Đa La tạng (Kinh Tạng), Tỳ Nại Da tạng (Luật Tạng) và A Tỳ Đạt Ma tạng (Luận tạng) rồi Tạp Tập Tạng và Cấm chú tạng gồm tất cả năm tạng mà kiết tập thành. Lần nầy có cả Phàm Thánh đồng câu hội cho nên gọi là Đại Chúng Bộ.

Phía bắc của Trúc Lâm Tịnh Xá đi hơn 200 bước đến Hồ Ca Lan Đà, nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã thuyết pháp nhiều lần. Nước trong veo đầy đủ tám công đức. Sau khi Phật nhập Niết Bàn nước không còn nữa. Phía tây bắc hồ Ca Lan Đà đi hai ba dặm có một Bảo Tháp do vua A Dục dựng nên cao hơn 60 thước. Bên cạnh đó có trụ đá khắc ghi việc lập Bảo Tháp nầy. Bảo Tháp cao hơn 50 thước trên đó có làm hình con voi.

Phía đông bắc thạch trụ chẳng bao xa, đến thành Yết La Xà Kiết Lỵ Tu (Vương Xá). Bên ngoài khó có thể đột nhập vào, bên trong thành đã hư hoại chỉ còn lại dấu tích mà thôi, chu vi hơn 20 dặm, chỉ có một cửa. Đây là kinh đô đầu tiên của Vua Tần Bà Sa La. Phía trên cung thành có nhiều nhà cửa đã gặp hỏa hoạn làm hại. Thân tộc của Vua Tần bốn bên đều bị nguy nàn, phòng lửa không kỹ cho nên bị hư hoại hết sản nghiệp, chúng dân oán hận vì ở nơi nầy không yên. Vua bảo:

- Ta chẳng có đức cho nên làm cho dân chúng không yên. Vậy phải tu phước gì để được?

Quần thần tâu rằng:

- Đại Vương là bậc có đủ tài uy đức nhuận hóa quần sanh, chỉ vì tệ dân bất cẩn mới sanh việc hỏa tai. Nên chế ra luật nghiêm khắc để trừ hậu hoạn. Nếu mà lửa còn bốc cháy nữa, thì phải đày người bị tội vào nơi rừng sâu và sẽ chết trong đó để chẳng ai biết đến được và những kẻ a tòng cũng phải bị vào đó mà chết theo. Họ sẽ xấu hổ mà ở yên và phải tự cẩn trọng lo lắng cho mình.

Vua bảo:

- Đúng là lấy độc trị độc. Lúc ấy hướng về Vương cung thấy lửa tắt mới bảo với các thần rằng:

- Ta sẽ ra đi rồi ra lệnh cho Thái Tử nhiếp chính và gìn giữ kỷ cương của đất nước.

Lúc ấy Vua Tỳ Xá Ly nghe vua Tần Bà Sa La vào nơi rừng lạnh đoạn chỉnh trang binh lính muốn đánh úp. Những người hầu cận nghe tin nầy liền xây thành ấp. Thành xây cho tiên vương nên gọi là Vương Xá Thành. Các quan chức và thứ dân hoặc ở lại, hoặc chuyển nhà cửa đến thành mới của Vua A Xà Thế kiến trúc. Sau khi Vua lên ngôi dời đô đến đây. Mãi cho đến thời Vua A Dục mới dời đô về thành Ba Thác Ly, còn Vương Xá thành dành cho người Bà La Môn. Cho nên trong thành nầy bây giờ không có phàm dân mà toàn là người Bà La Môn chưa tới 1000 gia đình.

Phía tây nam cung thành có hai Già Lam nhỏ, chư tăng các nước đến ở lại đây. Đây là nơi đức Phật ngày xưa thuyết pháp hằng ngày, tiếp đó phía tây bắc có một Bảo Tháp. Đó là nơi sinh trưởng của Trưởng giả Châu Đệ Sắc Già, Thụ Đề Già.

Bên ngoài cửa phía nam của thành, phía bên trái của đường đi có một Bảo Tháp. Đây là nơi Như Lai thuyết pháp để độ cho La Hầu La. Từ phía bắc nầy đi hơn 30 dặm, đến Na Lan Đà Tăng Già Lam. (Thí Vô Yểm). Nghe các bậc kỳ lão nói lại rằng:

Ở phía nam của Già Lam nầy, có một cái ao nằm giữa vườn xoài. Trong đó có con rồng có tên là Na Lan Đà, bên cạnh đó có xây một ngôi chùa, lấy tên của rồng mà đặt tên chùa. Khi đức Như Lai còn tu Bồ Tát hạnh làm một đại quốc vương đã thành lập thủ đô ở đây. Vì thương chúng sanh mà cho họ niềm vui. Với cái đức tốt đẹp đó người ta gọi là Thí Vô Yểm, (cho mà không ngại). Do lý do nầy mà tên chùa được gọi như vậy.

Nguyên đây là một vườn Xoài có năm trăm người thương nhân, dùng mười ức tiền vàng để mua cúng Phật. Phật ở xứ nầy thuyết pháp ba tháng. Các thương nhân đều chứng Thánh quả. Phật nhập Niết Bàn chẳng bao lâu, tiên vương của nước nầy là Lạc Ca La A Dật Đa (Đế Nhựt) kính trọng Phật thừa tôn sùng Tam Bảo, nên cúng đất nầy để xây Già Lam. Việc nầy làm cho con rồng bị thương, lủng thân. Lúc ấy ngoại đạo Ni Kiền Tử thấy vậy nói rằng:

- Đây là một thắng địa muốn kiến lập Già Lam tất nhiên là hưng thạnh. Vì năm nước Ấn Độ mà làm tiêu bìểu cho ngàn năm hưng thạnh và những kẻ đến sau dễ thành đạt. Nhưng sẽ có nhiều máu huyết làm tổn thương thân con rồng. Kẻ học ở đó dễ đạt được học nghiệp nhưng sau nầy bị mửa máu. Sau đó Vua Phật Đà Cúc Đa, (Giác Hộ) kế tục truyền thống ấy để tôn thừa Phật Nghiệp. Tiếp theo nơi nầy ở phía Nam kiến tạo một Già Lam.

Sau đó Vua Đản Tha Yết Đà Cúc Đa ( Như Lai) tu bổ lại. Tiếp đến phía đông lại kiến lập một Già Lam sau khi Vua Bà La A Dật Đa (Ấu Nhựt) tức vị. Kế tiếp đó ở phía đông bắc lại kiến lập một Già Lam. Sau khi làm xong liền tổ chức Pháp Hội và tổ chức lễ nghi cũng thỉnh các bậc hiền thánh, đến tham dự lễ có chư tăng của năm xứ Ấn Độ. Họ đến từ ngàn dặm xa xôi. Chư tăng đã ngồi hết xuống, có hai vị mới đến sau được đưa lên tầng thứ ba, hỏi rằng:

- Nay Vua thiết lễ trước để thỉnh các vị Phàm Thánh. Đại Đức từ phương nào sao đến muộn vậy?

Đáp rằng:

- Ta đến nước nầy. Hòa thượng của tôi bị bịnh, chờ ngài ăn xong mới đi. Nhận được thiếp thỉnh của Vua nên đến đây.

Người hỏi đó kinh ngạc tâu lên Vua. Khi Vua biết đó là vị Thánh, đích thân đến vấn an rồi từ từ lên lầu nhưng mà chưa biết đi đâu. Được biết rằng vị đó là một vị có thâm tín Tam Bảo, bỏ nước xuất gia. Khi mới xuất gia thì phải ngồi sau cùng trong tăng, cho nên tâm thường không vui bảo rằng:

Ngày xưa mình làm Vua là đấng tối cao ở trên đời. Bây giờ xuất gia mà ngồi sau cùng trong chúng. Sau đó, bạch lên chư tăng thuật lại sự tình và chúng Tăng được hòa hợp. Rồi ra lệnh cho những người chưa thọ giới ngồi theo thứ đệ tuổi tác của mình. Cho nên đây là ngôi Già Lam riêng có chế độ nầy.

Sau khi con của Vua Phạt Xà La (Kim Cang) tức vị, với tín tâm kiên cố Vua cho xây dựng phía tây nầy một ngôi Già Lam khác. Sau nầy các Vua khác kiến tạo một Đại Già Lam nữa ở phía bắc. Vườn chùa rất rộng rãi nhưng chỉ một cửa ra vào. Những vua kế tiếp luôn luôn trùng tu kiến tạo cùng với những sự sửa chửa để trở thành trang nghiêm. Vua nói:

- Ngôi Già Lam nầy bây giờ an trí tượng Phật và mỗi ngày thỉnh trong chúng ra 40 vị tăng đến đây để dùng trai. Đó là ân đức của thí chủ. Có hơn 1000 vị tăng ở đây đều là những người thật tu, thật học, đạo đức cao vời, đương thời đâu đâu cũng nghe tiếng, số ấy hơn 100 người. Họ là những người giới hạnh thanh bạch, luật nghi trang nghiêm. Những gì mà tăng đã chế thì họ đều vâng giữ tốt đẹp. Khắp xứ Ấn Độ bây giờ ai ai cũng đều kính ngưỡng, cầu thỉnh họ đến để đàm luận huyền nghĩa suốt ngày không đủ. Đêm đến tọa thiền tỉnh thức để tiến tu.

Những người không đàm luận về lẽ u huyền của Tam Tạng tự mình thấy xấu hổ cho nên tìm đến những người khác mà vấn đạo hoặc đến cúi đầu vâng mệnh để hỏi những điều nghi. Những ai mạo danh để đi khỏi hoặc được trọng vọng ở nơi khác, muốn vào đàm luận nghĩa lý hỏi han, thì bị hỏi khó cho nên đa phần đều thối lui. Chỉ những kẻ học sâu biết thông kim cổ thì mới được vào. Đây là nơi mà các vị du tăng sau nầy đến đó có thể luận bàn rõ ràng. Trong mười người đã có hết bảy, tám người cao bay xa chạy, hai ba người còn lại toàn là những bác học bác vật ở trong chúng tiếp tục cật vấn. Những ai chưa bị bẽ gãy cũng bị tà đi rồi mới nêu danh.

Phàm là kẻ cao tài bác vật, hiểu biết sâu xa thì có nhiều tài. Làm sáng tỏ cái đức của triết nhân biện hộ quang huy tiếp tục cho điều mô phạm, cho đến việc gìn giữ Phật pháp như gìn giữ mặt trăng làm chấn động nơi nơi để giữ lại lời giáo huấn. Đạo đức sáng ngời ấy chảy thông suốt cho đến bây giờ là nhờ vào ánh sáng lý luận minh bạch. Kẻ được thắng thì được vinh danh cao, trí tuệ như mặt trăng như gió thổi sáng suốt vô cùng. Ngài Giới Hiền ở đâu là có cái đức cao vời như thế. Đó là bậc Thượng Nhơn trong chúng đầy đủ đức độ đã làm hưng long, cho cái học ở trước cũng như kinh điển ngày xưa. Ngài đã thuật lại cũng như trước tác cả hơn mười bộ luận mà cho đến ngày nay vẫn còn lưu thông và được trân quý như lúc đương thời. Bốn phía Già Lam đều có thắng tích hơn 100 nơi. Đây chỉ lược nói hai ba cái mà thôi.

Phía tây của Già Lam không xa có một tinh xá. Tại nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã dừng lại ba tháng, vì trời người mà diễn nói Diệu Pháp. Phía nam hơn 100 bộ có một Bảo Tháp nhỏ là nơi các Tỳ Kheo ở xa đến gặp Phật. Tương truyền rằng: Ngày xưa có những Tỳ Kheo đến từ phương xa. Tại đây họ gặp đức Như Lai và Thánh Chúng liền phát tâm ngũ thể đầu địa. Sau đó phát nguyện cầu được địa vị của chuyển Luân Vương. Như Lai nghe xong liền bảo Đại Chúng rằng:

- Ông Tỳ Kheo kia thật là đáng thương, phước đức thâm sâu tín tâm kiên cố, như cầu quả vị Phật, không bao lâu sẽ chứng mà nay phát nguyện làm chuyển Luân Vương, trong đời vị lai chắc chắn sẽ thọ báo nầy. Thân thể khi gieo xuống đất thì thành vòng vàng, ở giữa đó có rất nhiều vi trần và mỗi mỗi vi trần như vậy là một Báo Thân của Luân Vương. Cứ thế với niềm vui như vậy sẽ làm xa lìa Thánh Quả.

Phía nam nầy có một bức tượng Bồ Tát Quán Tự Tại đứng, với hình dáng tay bưng lư hương đi nhiễu bên phải của Phật.

Phía nam của tượng Bồ Tát Quan Tự Tại có một Bảo Tháp, nơi đây thờ tóc và móng tay của Như Lai sau ba tháng mới cắt, vì Ngài đi nhiều và bịnh yếu. Ở phía tây có một cái hồ lớn, nơi đó có một Bảo Tháp, nơi đây ngoại đạo đã cầm con chim sẻ và hỏi đức Phật rằng con chim nầy sống hay chết. Tiếp theo phía đông nam, đi hơn 50 bước, có một cây đặc biệt cao tám chín thước. Thân cây có hai cành. Tại nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã ngồi đây để xỉa răng. Nhơn đây trồng cây ấy xuống ngày tháng trôi qua, nhưng chẳng tăng giảm.

Tiếp đến phía đông, có một Tinh Xá lớn cao hơn 200 thước. Nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã ở lại bốn tháng và thuyết Diệu Pháp. Tiếp theo phía bắc hơn 100 bước, có một Tinh Xá trong đó có thờ tượng đức Quán Tự Tại Bồ Tát, những thiện nam tín nữ thường đến đây để cúng dường. Có nhiều người thấy biết khác nhau hoặc ngài đứng nơi cửa, hoặc đi ra phía trước. Chư tăng và Phật tử các nước đến đây cúng dường rất nhiều.

Phía bắc của Tinh Xá Quán Tự Tại Bồ Tát, có một Tịnh Xá lớn cao hơn 300 thước do Vua Bà La A Dật đã kiến thiết, rất trang nghiêm tốt đẹp và bên trong có một tượng Phật giống như tượng ở Chùa nơi có gốc cây Bồ Đề. Phía đông bắc có một Bảo Tháp, tại đây đức Như Lai ngày xưa đã ở lại bảy ngày để diễn thuyết Diệu Pháp.

Phía tây bắc là nơi tọa thiền của bốn vị Phật trong quá khứ. Phía nam lại có một Tinh Xá bằng đá, do Vua Giới Nhật kiến lập. Tuy chưa xong nhưng to lớn hơn mười trượng và sau nầy tiếp tục xây dựng. Tiếp theo phía đông hơn 200 bước, ở bên ngoài có một tượng Phật đứng bằng đồng cao đến 80 thước. Chùa Viện cao năm sáu tầng, do vua Mãn Tào dựng lên ngày xưa. Phía bắc tượng đồng của Vua Mãn Tào đi hai ba dặm gặp một tịnh xá bằng gạch, trong đó có nhiều tượng Bồ Tát. Nhiều tượng rất cao và linh ứng vô cùng. Mỗi năm vào ngày mồng một, Phật tử đến chiêm lễ và cúng dường rất nhiều.

Các vua và đại thần của các nước lân bang thường hay mang hương hoa, tràng phan, bảo cái, vàng bạc, đá quý, tơ lụa, trúc v.v... dâng lên. Kiến lập Pháp Hội suốt bảy ngày bảy đêm như thế. Cửa phía nam có một cái giếng lớn. Ngày xưa nơi đây đức Thế Tôn đã gặp một đại thương nhân bị sốt nóng hành hạ, đức Phật lấy tay chỉ xuống đất nơi có nước. Thương chủ cho xe đến để đào đất lên. Nước tự nhiên phun lên thành vòi. Ông ta uống rồi nghe Phật thuyết pháp liền chứng ngộ quả Thánh.

Phía tây nam của Già Lam đi tám chín dặm, đến ấp Câu Lý Ca. Giữa đó có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Đây là quê hương của Tôn Giả Mục Kiền Liên. Bên cạnh đó có một Bảo Tháp là nơi mà Tôn Giả đã nhập Vô Dư Niết Bàn. Ở trong nầy vẫn còn thờ di thân xá lợi của Tôn Giả. Tôn Giả là dòng dõi của Đại Bà La Môn cùng với Xá Lợi Phất thưở thiếu thời là bạn thân. Xá Lợi Phất là bậc tài trí thông minh hiếm có. Còn Tôn Giả tinh thông tài trí không ai bằng được. Nguyện là trước sau cùng nhau đồng sống chết và cả hai đều chối bỏ cuộc sống thế tục mà muốn xuất gia, liền bỏ Thầy mình là Sách Xà Da Phiệt.

Sau đó ngài Xá Lợi Phất gặp ngài Mã Thắng là bậc A La Hán, sau khi nghe Pháp chứng thánh quả, bèn trở lại tìm Tôn Giả để tường thuật lại. Khi Tôn Giả nghe xong liền ngộ và chứng sơ quả. Liền cùng với 250 đồ đệ đến nơi đức Phật. Đức Phật thấy liền bảo đại chúng rằng:

- Người mà đến kia trong đệ tử của ta sẽ là người có thần túc đệ nhất.

Đoạn Phật mời vào trong Pháp Hội. Thế Tôn nói tiếp:

- Thiện Lai Tỳ Kheo! khéo tu phạm hạnh xa lìa trần cấu.

Sau khi nghe lời ấy xong, tóc trên đầu rụng xuống, biến hóa khỏi hình người tục. Giới phẩm thanh tịnh uy nghi điều phục, qua khỏi bảy ngày chứng quả A La Hán được lục thần thông.

Ở phía đông nơi quê hương của ngài Mục Kiền Liên đi ba bốn dặm có một Bảo Tháp. Đây là nơi Vua Tần Bà Sa La nghinh đón đức Phật. Sau khi Như Lai vừa chứng Phật quả được biết rằng Người ở nước Ma Kiệt Đà có tâm khát ngưỡng, nên đã nhận lời thỉnh cầu của Vua Tần Bà Sa La. Vào một buổi sáng tinh sương, ngài đắp y mang bình bát cùng với một ngàn vị Tỳ kheo hai bên tả hữu quây quanh cùng với những vị Phạm Chí kỳ cựu, tóc xoắn ốc cùng một đoàn chư Tăng mặc áo hoại sắc theo sau vào thành Vương Xá.

Lúc bấy giờ Đế Thích Thiên Vương biến thành Ma Na Bà. Đầu cũng bới tóc, tay trái cầm vòng vàng tay phải cầm tích trượng quý. Chân đi trên không cách mặt đất khoảng bốn lóng tay làm kẻ dẫn đường cho Phật và Đại chúng. Lúc bấy giờ Vua Tần Bà Sa La của nước Ma Kiệt Đà cùng với Bà La Môn Trưởng Giả Cư Sĩ ở trong nước số người lên đến trăm ngàn vạn, trước sau ra khỏi Vương Xá Thành để cung nghinh Thánh Chúng.

Phía đông nam nơi Vua Tần Bà Sa La nghinh Phật đi hơn 20 dặm liền đến nơi Ca La Tỵ Noa Ca. Nơi đó có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Đây là nơi cố hương của Tôn Giả Xá Lợi Phất. Có một cái giếng bây giờ vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó có một Bảo Tháp là nơi Tôn Giả tịch diệt, trong nầy có toàn thân Xá Lợi của Tôn Giả. Tôn Giả xuất thân từ giòng Bà La Môn. Thân phụ của Ngài tài cao học rộng, thông đạt những lẽ huyền vi. Chưa có một điển tịch nào mà chưa nghiên tầm đến. Thân mẫu ngài nằm mộng và kể lại cho thân phụ ngài rằng:

- Đêm qua, tôi mộng thấy một người lạ thân hình to lớn trên tay cầm chày kim cang phá vỡ các hòn núi lớn, đập bể ngọn núi xuống.

Thân phụ bảo:

- Giấc mộng thật là lành. Bà chắc chắn sẽ sanh một đứa con trai, là người học hết việc thế gian và trên tất cả các luận sư, phá hết tất cả các tông phái, chỉ trừ có một người mà phải làm đệ tử.

Sau khi có thai, mẹ của Ngài bỗng nhiên rất thông mẫn, luận bàn với những bậc cao kiến, không ai có thể khuất phục nổi. Tôn giả năm lên tám tuổi thanh danh rạng rỡ bốn phương, tánh tình thuần hậu, giàu lòng từ bi, xả bỏ những xưa cũ, thành tựu trí huệ. Đã cùng với Mục Kiền Liên, người bạn thân tthưở thiếu thời chán ngán trần tục, chưa có chỗ nương tựa. Đã cùng với Mục Kiền Liên đến nơi Ngọai Đạo Sách Xà Gia để tu tập và cùng nói với nhau rằng:

- Lý chưa đạt được cứu cánh, thì chưa thoát khỏi khổ đau, mỗi chúng ta nên tìm con đường sáng, ai được cam lồ thì san sẽ cùng hưởng một lúc. Lúc bấy giờ có ngài Đại A La Hán Mã Thắng cầm bình đi vào thành khất thực. Ngài Xá Lợi Phất thấy uy nghi tịch tịnh liền hỏi rằng:

- Thầy của ngài là ai?

Đáp rằng:

- Thái Tử dòng họ Thích, đã thấy cuộc đời vô thường nên xuất gia thành Đẳng Chánh Giác. Ngài là Thầy của ta.

Ngài Xá Lợi Phất hỏi:

- Có thể nói cho tôi nghe Pháp đó được không?

Đáp rằng:

- Tôi mới thọ Pháp chưa đạt hết cái nghĩa thâm hậu.

Ngài Xá Lợi Phất bảo:

- Nguyện được nghe những điều như thế

Ngài Mã Thắng tùy nghi theo đó mà diễn thuyết. Nghe xong Ngài Xá Lợi Phất liền chứng sơ quả. Sau đó, liền cùng với 250 người đến gặp Phật. Đức Thế Tôn trông thấy bảo đại chúng rằng:

- Trong đệ tử của ta, đây là người có trí tuệ bậc nhất.

Khi đến rồi ngài liền đảnh lễ và nguyện theo học Pháp.

Đức Thế Tôn liền bảo:

- Thiện Lai Tỷ Kheo!

Nghe xong rồi, liền đầy đủ giới phẩm. Sau đó nửa tháng nghe Phật thuyết pháp cho Phạm Chí có móng tay dài. Nghe sự đàm luận xong, thì giác ngộ chứng đắc A La Hán.

Sau khi A Nan nghe Phật cho biết sắp đến thời kỳ tịch diệt liền hồi tưởng những lời nói đó buồn khổ thê thảm. Ngài Xá Lợi Phật càng tăng thêm sự luyến nhớ và ngưỡng vọng. Không thể nhẫn tâm để thấy Phật vào Niết Bàn, liền xin phép Đức Thế Tôn được nhập diệt trước. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo:

Đã đến lúc nên thông báo và cảm tạ với mẫu thân. Hãy đi về nơi sanh quán và thị giả Sa Di sẽ thông báo trong thành ấp biết cùng Vua A Xà Thế và quốc dân, chỉ trong chốc lác mọi người đều vân tập. Ngài Xá Lợi Phất vì mọi người mà nói rộng. Tất cả nghe xong rồi lui. Rồi giữa đêm sau trong Chánh Định tâm sáng suốt vào Diệt tận định rồi từ Định nầy mà vào tịch diệt.

Phía đông nam của làng Ca Na Tỳ Noa Ca đi bốn năm dặm có một Bảo Tháp là nơi Tôn Giả Xá Lợi Phất cùng với môn nhân nhập Niết Bàn. Lại cũng có Thuyết cho rằng:

Đây là nơi mà Phật Ca Diếp khi còn tại thế đã cùng với ba ức Đại A La Hán nhập Vô Dư Niết Bàn ở đây.

Phía đông của Bảo Tháp nơi ngài Xá Lợi Phất cùng môn nhân nhập diệt, đi hơn 30 dặm, đến núi Đà La Thế La Tốt Ha (Đế Thích Động) Núi nầy có nhiều hang đá rừng cây u tịch, núi tự nhiên có hai đỉnh đột khởi cao lên. Giữa đỉnh phía tây và đỉnh phía nam có một hòn đá lớn. Tuy rất rộng mà chẳng cao. Đây là nơi mà Như Lai ngày xưa thường hay dừng lại. Thường thường Thiên Đế Thích đã hỏi 42 điều nghi ở nơi tảng đá nầy để thỉnh vấn và Phật đã thuyết pháp cho Đế Thích ở đây. Nơi đây vẫn còn tượng ghi lại câu chuyện ngày xưa. Người vào bên trong lễ bái không thể không ngạc nhiên trước vẻ đẹp. Phía bên trên núi là di tích của bốn vị Phật trong quá khứ đi kinh hành và ngồi Thiền. Trên đỉnh phía đông có một Già Lam. Người xưa bảo rằng:

- Tăng chúng thường hay thấy ban đêm nơi đây chia ra làm bốn ngọn núi và trước phòng đá có thờ tượng Phật mỗi bên đều có ánh đèn chiếu sáng rực rỡ.

Ngọn núi phía đông của núi Nhơn Đà La Thế La Tốt Ha có một Già Lam và phía trước đó có một Bảo Tháp, gọi tên là Đan Ba. Ngày xưa đã ở nơi Già Lam nầy để tu tập theo Tiểu Thừa thuộc về Tiểu Thừa Tiệm Giáo. Cho nên khai mở việc dùng Tam Tịnh Nhục, để Già Lam nầy khỏi rơi vào chỗ phạm giới. Nhưng về sau việc dùng Tam Tịnh Nhục không còn tiếp tục nữa. Có một Tỳ Kheo đi kinh hành ngang qua, thấy có bầy chim nhạn bay ngang nghe nói rằng:

- Hôm nay trong phần ăn của chúng tăng không đủ. Sau khi ngài Ma Ha Tát Đỏa thông báo như vậy rồi.

Lời nói chưa dứt liền nghe tiếng vỗ cánh đập mạnh tự sát trước chư tăng. Vị Tỳ Kheo thấy thế liền bạch chúng Tăng. Nghe thấy như vậy rất động lòng cho nên xin thưa:

- Như Lai thuyết pháp tùy theo căn cơ chúng sanh, nhưng chúng sanh ngu muội chỉ giữ tiệm giáo, còn Giáo Lý Đại Thừa thì chính đáng hơn, cho nên bỏ việc nầy đi để cải đổi theo Thánh Chỉ, con nhạn nầy là một giới răn cho chúng ta thấy rồi đó. Đó là một cái đức rất dày, không làm sao tả hết được. Nơi đây có một Bảo Tháp để khuyên răn và làm kỷ niệm nơi con chim nhạn đã chết.

Phía đông bắc của núi Nhân Đà La Thế Ha Tốt Ha đi hơn 156 dặm đến chùa Ca Bố Đức Ca. Nơi đây tăng đồ hơn hai trăm người. Họ theo học Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ. Phía đông của chùa lại có một Bảo Tháp do Vua A Dục xây dựng nên. Ngày xưa, Phật đã ở nơi nầy vì Đại chúng có một đêm thuyết pháp, có một người thợ săn vào rừng đặt lưới bắt những loài có cánh. Một ngày nọ chẳng bắt được con nào cả cho nên nói rằng:

- Tôi là người bạc phước chẳng làm nên sự tình gì

Cho nên đến nơi Phật mà nói lớn rằng:

- Hôm nay, Đức Như Lai nói Pháp ở tại đây, làm cho con không bắt được con chim nào cả, vợ con của con sẽ giận dữ vì đói khát và sẽ bỏ con ra đi.

Như Lai bảo:

- Nhà người hãy mang lửa lại đây sẽ có ăn.

Đức Như Lai hóa thành con chim Đại Bàng lao vào trong lửa rồi chết. Người thợ săn mang về vợ chồng gia đình cùng ăn. Sau đó đến nơi đức Phật, Như Lai vì phương tiện đã nhiếp hóa. Kẻ bắt chim nghe Pháp xong liền hối quá tự sửa mới lại đời mình, liền bỏ tục xuất gia tu học chứng Thánh qủa. Vì vậy có tên là Chùa Đại Bàng.

Chùa Ca Bố Đức Ca về phía nam hơn hai ba dặm đến núi Cô Sơn, núi nầy có nhiều cây cỏ tốt tươi. Có nhiều hoa đẹp lẫn trong rừng cây xanh mướt một màu. Bên trên có nhiều Tịnh Xá và Miếu Thờ điêu khắc rất là công phu. Chính giữa tịnh xá có tượng đức Quán Tự Tại Bồ Tát. Thân mình cao lớn đẹp đẽ giống như một vị thần tay cầm hoa sen. Trên đảnh đầu có tượng Phật. Thường có nhiều người nhịn ăn để tâm cầu thấy được Bồ Tát. Sau bảy ngày, mười bốn ngày cho đến một tháng thì có sự linh cảm.

Thấy được đức Quán Tự Tại Bồ Tát diệu tướng trang nghiêm uy quang rực rỡ từ trong tượng nầy bước ra an ủi mọi người. Ngày xưa Vua Tăng Già La từ biển Nam, một ngày đẹp trời soi kiếng chỉ thấy mặt mà không thấy được thân, nghe biết rằng ở nước Ma Kiệt Đà thuộc Thiệm Bộ Châu, nơi rừng Đa La trong đó có một núi nhỏ, trên cao có tượng Bồ Tát nầy. Do đó nhà Vua, một lòng mong cầu được đến và quả thật như vậy, khi đến đây đã gặp. Nhân đây mà kiến thiết tịnh xá để tu phước cúng dường. Từ đó về sau, các Vua chúa thường theo phong tục nầy đến đây để lập tinh xá, chùa, viện rồi đem hương hoa kỷ nhạc cúng dường không dứt.

Phía đông nam của núi Cô Sơn, nơi có tượng của Đức Quán Tự Tại Bồ Tát đi hơn 40 dặm đến một Già Lam tăng đồ hơn 50 người. Họ học theo Tiểu Thừa. Phía trước chùa có một Bảo Tháp lớn rất là linh dị. Đây là nơi mà Phật ngày xưa, đã vì Phạm Thiên Vương thuyết pháp trong vòng bảy ngày. Nơi đây cũng là di tích của ba vị Phật trong quá khứ ngồi thiền và kinh hành.

Phía đông bắc của Già Lam đi hơn 70 dặm, gặp sông Hằng. Phía nam của sông Hằng có một làng rất lớn. Nhân dân giàu có và có rất nhiều đền thờ cùng những hình tượng điêu khắc. Phía đông nam chẳng bao xa lại có một Bảo Tháp mà Phật ngày xưa đã ở lại nơi đây để thuyết pháp. Từ đây đi đến phía đông vào trong rừng núi đi bộ hơn 100 dặm, đến làng Lạc Bát Nị La. Phía trước chùa có một Bảo Tháp lớn do Vua A Dục xây dựng. Nơi đây ngày xưa đức Phật đã ở lại ba tháng để thuyết pháp. Từ đây đến phía bắc hơn hai ba dặm có một ao lớn chu vi hơn 30 dặm, trong hồ nầy có hoa sen bốn màu nở quanh năm suốt tháng. Từ đây đi về phía đông vào trong rừng cây, đi bộ hơn 200 dặm nữa, đến nước Y Lan Nõa Bát Phạt Dã.

Đại Đường Tây Vức Ký hết quyển chín

HT Thích Như Điển



Có phản hồi đến “Đại Đường Tây Vức Ký - Quyển Thứ 9 ”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com