Sự xuất hiện của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni trong thế giới loài người là một vinh hiển cho con người và cuộc đời. Ngài là kết tinh của muôn ngàn hương hoa “từ bi” và “ trí tuệ, là hiện thân của chân lý, là điềm lành cho hết thảy chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới. “Nếu cõi đời không đau khổ, tối tăm, điức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời” . Ngài ra đời, vì mục đích trọng đại là Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sinh, nên dù chúng ta có là Phật tử hay không, thiết tưởng cũng cần biết sơ lược về lịch sử, những diễn biến lớn của cuộc đời Ngài, là Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị giáo chủ khai sáng đạo Phật.

Ở đây, ta hãy tìm hiểu những nét chính của lịch sử ấy.

NIÊN ÐẠI ÐẢN SINH

Có nhiều thuyết khác nhau. Theo thuyết phổ thông hiện nay, đức Phật đản sinh thành đạo, niết bàn nhằm ngày trăng tròn tháng Vesak của xứ Ấn Ðộ, tức là ngày 15 tháng 4 âm lịch năm 623 trước Jésus Chirst ra đời. Như vậy, tính từ khi đức Phật đản sinh đến nay là 2.595 – 1971, nhưng cuộc đại hội nghị Phật giáo thế giới kỳ II tại Tokyo (Nhật Bản) năm 1952, đã quyết định lấy năm đức Phật niết bàn làm ngày kỷ niệm “Phật lịch” thống nhất cho toàn thế giới = 2.515 – 1971.

Và, từ ngày ấy đến nay, trong lịch sử nhân loại, đã trải qua bao nhiêu biến cố hưng suy, nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và triển khai, vẫn sống và vẫn sáng.

THÂN THẾ VÀ NƠI SINH THÁI TỬ

Thái tử Siddhartha (Sĩ Ðạt Ta) thuộc giai cấp Satriya (Sát Ðế lị) giòng Cakya (Thích Ca) một đại quý tộc ở Ấn Ðộ, con hoàng đế Cuddhodana (Tịnh Phạn) và hoàng hậu Mâyâdevi (Tịnh Diệu). Sử chép gần ngày sinh thái tử, hoàng hậu phải trở về kinh đô Devadaha nước (Câu li) – theo cổ tục đàn bà có mang phải về quê cha mẹ mình để sinh – và đản sinh thái tử ở vườn hoa Lumbini (Lâm Tì Ni), bên gốc cây Asaka (Vô Ưu) , nay là xã Ruminidhehi, thuộc quả hạt Aouth, , phía tây nam xứ Népal và phía đông Rapti. Toàn cõi Ấn Ðộ chia làm nhiều tiểu quốc... Kinh thành chính nhà vua lúc bấy giờ có tên là Kapilavastu (Ca Tì La Vệ) , nơi phát sinh đấng Ðại từ bi phụ của hết thảy chúng sinh trong cõi tam thiên đại thiên thế giới.

Ðản sinh thái tử được 7 ngày thì hoàng hậu Mâyâdevi tạ thế. Sau nhờ bà dì là Mahâprajâpati Gautami (Ma Ha Ba Xà Ba Ðề) trông non, nuôi dưỡng thái tử cho đến khi ttrưởng thành.

Năm 1806, người ta tìm được ra một trụ đá của vua Asoka có khắc hàng chữ : “chỗ này là vườn Lumbini (lâm Tì Ni) , nơi đức Phật đản sinh”.

HÌNH TƯỚNG VÀ TƯ CHẤT


Thái tử có 32 tướng quí, 80 vẻ đẹp. Nhà tiên tri Asita ( A Tư Ðà) khi xem tướng thái tử, có nói : “ Nếu thái tử ở tại gia sẽ là một vị vua trên hết các vị vua chúa trong hoàn cầu, ngự trị cả năm châu; nhưng chữ vạn nổi ở trên ngực là điềm báo trước thái tử sẽ xuất gia thành Phật, làm chủ cả tam giới, dắt đường chỉ nẻo cứu độ cho hết thảy chúng sinh”.

Năm thái tử lên 7 tuổi, cha cho mời các đạo sĩ trứ danh thời bấy giờ vào dạy : Như học văn ông Visvamistra (Tì Mật Ðà La) và học võ ông Ksantidiva (San Ðề Ðề Bà), không bao lâu thái tử trở nên bậc văn võ toàn tài, tinh thông, và sở trường hơn hết là các môn nghị luận, triết lý , văn chương... Thái tử là vị thiếu niên bác học đương thời vậy.

Năm 16 tuổi, thái tử vâng lệnh vua cha kết hôn với công nương Yasôddhara (Da Du Ðà La) và sinh hạ được một người con trai tên là Rahula (La Hầu La).

LÝ DO XUẤT GIA

Hiện trạng xã hội Ấn Ðộ lúc bấy giờ luôn luôn sống trong tình trạng báo động, nghi ngờ, áp bức, bất công do giai cấp Bà La Môn giáo gây ra, nền luân lý cổ truyền gần như xụp đổ. Thái tử đau buồn nỗi đau buồn của nhân thế. Vốn là người giàu tư tưởng, khi tuổi mới lớn là tuổi hay thắc mắc, hoài nghi tất cả. Hơn nữa, thái tử là một thanh niên thông minh tuyệt vời, ưa tìm hiểu mọi việc. Nên, sau khi du ngoạn bốn cửa thành, thái tử đã cảm nhận bao nỗi thống khổ của trần gian : già, đau, sống , chết; bốn cảnh buồn tê tái ấy là những duyên cớ đã thúc giục chí xuất gia của Ngài mà không một sức mạnh nào có thể ngăn cản được. Không có một con đường đầy hoa nào dẫn ta đến vinh quang mà không có sự thử thách. Mọi phán đoán đã định, người chí khí cao cả ấy nhất quyết từ giã hoàng gia, cắt ngang sợi dây tình ái với công nương Yasôddhara và Rahula, vượt thành xuất gia, tu đạo giải thoát, hòng đưa muôn loài từ đau khổ, mê mờ tới hạnh phúc và ánh sáng chân lý.

Năm 29 tuổi, lúc đương đêm, thái tử cùng với tên hầu cận Chandaka (Xa Nặc) trung thành giong ruổi lên đường đến bờ sôngAnoma, thì trời vừa hừng sáng, thái tử dừng lại ở đây, đưa lưỡi kiếm lên ngang đầu xén mớ tóc của mình, cởi tấm áo cẩm bào vứt đi, khoác trên vai mảng y vàng của bậc xuất trần; rồi quay lại bảo Chandaka : “Chính vì đêm tối ta mới đi tìm ánh sáng”.

Qua bao nhiêu tháng năm,, thái tử đã đi khắp đó đây tìm học ở các đấng tiên hiền, đạo sĩ trứ danh. Nhưng triết lý của vị nào cũng không được siêu thoát, nên thái tử đành bỏ đi nơi khác.

SÁU NĂM TU KHỔ HẠNH

Rồi từ đấy thái tử dấn thân trên con đường thiên lý, đến một khu rừng , gần làng Ouroiubilva (cũng được gọi là Dukarakrya, có nghĩa là Khổ Hạnh Lâm) , nơi có con sông Nairanjani ( Lilani) , bên tháp núi Râdjagriha (Vương Xá), cảnh trí hữu tình, thái tử cùng 5 người Bhadravarglyas, đệ tử ông Rudraka tu ở đây 6 năm. Trong bọn 5 người có Kaundinya (Kiều Trần Như) là hơn cả.

Bồ tát tu ép xác cho đến nỗi gầy gò ốm yếu, có đôi khi tưởng đến sắp chạy theo tử thần. Mà nào có hiệu quả gì đâu ? Ngài nghĩ : “Thân thể có cường tráng thì tinh thần mới sảng khoái. Quá sướng hay quá khổ đều không phải là lối tu chân chính. Con đường dẫn đến giải thoát là Phải tránh xa hai thái cực ấy”.

Có một hôm, nàng Sujatâ, con gái của Nadica, vợ của trưởng giả Senani, thấy bồ tát sức đã kiệt mới khuấy sữa với mật ong, đựng trong một cái bát bằng vàng dâng cúng, Bồ tát ăn xong bát sữa thấy người khỏe lại như thường. Năm đệ tử của Rudraka bỏ thầy theo Bồ tát, thấy thế lấy làm bất bình, lánh đi sang thành Béranès, ẩn tu trong rừng Mragadâ (Lộc uyển).

Bồ tát lúc này một mình một bóng đến xứ Goya, trải nệm cỏ bên một gốc cây Bodhi (Bồ đề), ngồi thiền định ở đó và tự thệ nguyện lớn: “Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền bí của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta quyết không rời bỏ chỗ ngồi này”.

Suốt trong 49 ngày suy tưởng, đến ngày cuối cùng khi vần sao mai hiện lên lộng lẫy giữa bầu trời xanh thẳm, Bồ tát đã thấy thân tâm trở nên vẳng lặng và sáng suốt, bao nhiêu cặn bã mê mờ và phiền não đều khoảnh khắc rũ sạchgiải quyết một lần những lẽ huyền bí của vạn pháp về vũ trụ, con người, về quan niệm sống chết, cả về tâm lý lẫn vật thể. Hàng triệu triệu điềm lành quyện lại bên gốc cây “bồ đề”, trái đất như chuyển mình, mây ngừng bay, gió ngừng thổi, tất cả như nghiêng mình kính cẩn tôn Ngài lên ngôi Ðại Giác.

Nhài đã thành Phật với danh hiệu Thích Ca Mâu Ni (Cakyamuni). Năm ấy Ngài 35 tuổi.

Công hạnh tu chứng của đức Phật, đánh dấu một quá trình cao cả : qua bao nhiêu chặng đường gai góc nhưng rất huy hoàng của một đấng Toàn Giác.

Ngài đã thành công viên mãn !


45 NĂM THUYẾT PHÁP ÐỘ SINH


Trong năm thời thuyết giáo, hơn 45 năm ròng, lần đầu tiên , đức Phật đặt chân lên giải đất Bérannès, bên bờ sông Nairanjianà, nơi rừng Mrigadâva, giáo hóa cho năm người đệ tử thuở xưa cùng tu với Ngài ở đây, mà lịch sử gọi là “Chuyển Pháp Luân = Dhammacakkharasutta”, cho tới khi giảng kinh Pháp Hoa , kinh Ðại Niết bàn.

Kinh Ariyapariyesana suttam X XVI chép :

“Này các tỳ khưu, ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng đạo lộ, hướng đến tịch mịch, tuần tự du hành tại nướcMagadha và đến tụ lạc Uruyelà. Tại đây, ta thấy có một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng (Neranjara) chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và chung quanh có làng mạc bao bọc, dễ dàng đi khất thực. Này các tỳ khưu, rồi ta tự nghĩ : “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và chung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tiến. Và này các tỳ khưu, ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ : “Thật là vừa đủ để tinh tiến”.

Rồi này các tỳ khưu, ta tự mình bị

khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sinh cái không sinh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, và đã chứng được cái không sinh vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn ; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách Niết bàn ; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, và đã chứng được cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn ; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách Niết bàn, và đã chứng được cái không chết, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn ; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, và đã chứng được cái vô sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn ; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn, và đã chứng được cái không bị ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết bàn. Và tri và kiến khởi lên nơi ta. Sự giải thoát của ta không bị dao động. Nay là đời sống cuối cùng của ta, không còn sự tái sinh nữa”.

“ Này các tỳ khưu, rồi ta suy nghĩ như sau : “Pháp này do ta chứng được, thật là sâu kín khó thấy, khó chứng, tịch tịch, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng thì phần nhiều ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý. Idapaccayatà Paticcasamuppãda (Y tính duyên khởi pháp) ; thật khó mà thấy được định lý tất cả hành là tịch tịch, tất cả sinh được trừ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục , ái diệt. Niết bàn. Nếu nay ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu ta, thời như vậy thật là khổ não cho ta, như vậy thật bực mình cho ta ! “ Này các tỳ khưu, rồi các bài kệ bất khả tư nghị, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi ta:

“ Sao ta nói chính pháp,
Ðược chứng ngộ khó khăn ?
Những ai còn tham sân,
Khó chứng ngộ pháp này.
Ði ngược dòng thâm diệu,
Khó thấy, thật tế nhị,
Kẻ ái nhiễm vô minh,
Không thấy được pháp này”

Rồi này các tỳ khưu, với những suy tư như vậy, tâm của ta hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp. Này các tỳ khưu, lúc bấy giờ Phạm Thiên Sahampati khi biết được tâm tư của ta với tâm tư của mình, liền suy nghĩ : “ Than ôi, thế giới sẽ tiêu diệt, thế giới sẽ bị hoại vong, nếu tâm của Như Lai, bậc A La Hán, Chính Ðẳng Giác hướng về vô vi thụ động, không muốn thuyết pháp”. Rồi này các tỳ khưu, Phạm Thiên Sahampati, như một nhà lực sĩ duỗi thẳng cánh tay đã co lại, hay co lại cánh tay duỗi thẳng ; cũng vậy, vị ấy biến mất từ thế giới Phạm Thiên và hiện ra trước mắt ta. Này các tỳ khưu, rồi Phạm Thiên Sahampati đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng vái ta và bạch rằng : “Bạch Thế Tôn hãy thuyết pháp ! Bạch Thế Tôn hãy thuyết pháp ! Có những chúng sinh ít nhiễm bụi trần sẽ bị nguy hại, nếu không được nghe Chính Pháp. (Nếu được nghe) , những vị này có thể thâm hiểu Chính Pháp”. Sau khi nói vậy lại nói thêm như sau (lược dẫn) :

... “ Xưa , tại Magadha
Bậc thanh tịnh chứng ngộ.
Như đứng trên núi cao,
Nhìn xuống đám quần sinh.
Hãy đi khắp thế giới,
Bậc Thế Tôn Chính Giác
Hãy thuyết vi diệu pháp
Người nghe sẽ thấu hiểu”.

“Này các tỳ khưu, sau khi biết được lời Phạm Thiên yêu cầu, vì lòng từ bi đối với chúng sinh, với Phật nhãn ta nhìn quanh thế giớ. Này các tỳ khưu, với Phật nhãn ta thấy có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn độn căn, có hạng thiện tính ác tính, có hạng dễ dạy khó dạy, và một ít thấy sự nguy hiểm phải tái sinh thế giới khác và sự nguy hiểm có những hành động lỗi lầm. Như tronh hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên trên mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sinh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước không bị nước đẫm ướt. Cũng vậy, này các tỳ khưu, vớ Phật nhãn, ta thấy có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, có hạng độn căn, có hạng thiện tính ác tính, có hạng dễ dạy khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sinh thế giới khác và sự nguy hiểm có những hành động lỗi lầm... “Này các tỳ khưu, rồi ta tự suy nghĩ : “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên, ai sẽ mau hiểu Chính Pháp này ? 

“ Này các tỳ khưu, rồi ta tự suy nghĩ :” Nay có Alàra Kãlãma là bậc tri thức, đa văn sáng suốt đã từ lâu ít nhiễm bụi đời. Ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Alàra Kãlãma, vị này sẽ mau hiểu Chính Pháp này ! “ Này các tỳ khư, rồi chư thiên đến ta và nói như sau : “ Bạch Thế Tôn, Alàra Kãlãma đã mệnh chung bảy ngày rồi”. Rồi tri kiến khởi lên nơi ta : “Alàra Kãlãma đã mệnh chung bảy ngày rồi”. Này các tỳ khư ta nghĩ : “ Thật là một thiệt hại lớn cho Alàra Kãlãma : Nếu nghe Pháp này, Alàra Kãlãma sẽ mau thâm hiểu ! “ Rồi này các tỳ khư, ta lại nghĩ : “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên ? Ai sẽ mau hiểu Chính Pháp này ? “Rồi này các tỳ khưu, ta lại nghĩ “ Nau có Uddhaka Rãmaputta là bậc tri thức đa văn, sáng suốt, đã từ lâu sống ít nhiễm bụi đời, ta hãy thuyết pháp đầu tiên cho Uddka Rãmaputta. Vị này sẽ mau hiểu Chính Pháp này”. Rồi chư thiên đến ta và nói như sau : “Bạch Thế Tôn, Uddaka Rãmaputta đã mệnh chung ngày hôm qua ! “ Rồi tri kiến khởi lên nơi ta: “Uddka Rãmaputta đã mệnh chung ngày hôm qua ! “ Này các tỳ khưu ta nghĩ : “Thật là một thiệt thòi lớn cho Uddka Rãmaputta. Nếu nghe Pháp này, Uddaka Rãmaputta sẽ mau thấu hiểu”. Này các tỳ khư, rồi ta suy nghĩ : “Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên ? Ai sẽ mau hiểu Chính Pháp này ? “ Rồi này các tỳ khư ta lại nghĩ : “ Nay nhóm năm vị tỳ khưu ở tại đâu ? “ Này các tỳ khưu, Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy nhóm năm vị tỳ khưu hiện ở Bàrãnasĩ, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này các tỳ khưu, sau khi ở tại Uruvelà lâu cho đến khi mãn ý, ta lên đường đến Bàrãnasĩ.


“Này các tỳ khưu, rồi ta tuần tự đi đến Bàrãnasĩ, Isipatana, vườn Lộc uyển, đi đến chỗ nhóm năm vị tỳ khưu ở. Này các tỳ khưu, nhóm năm vị tỳ khưu khi thấy ta đằng xa đi đến, đã cùng nhau thỏa thuận như sau : “ Này các Hiền giả, nay Sa môn Gotama đang đi đến; vị này sống trong sự sung túc, đã từ bỏ tinh cần, đã trở lui đời sống đầy đủ vật chất, chúng ta chớ có đảnh lễ, chớ có đứng dậy. Hãy đặt một chỗ ngồi, và nếu vị ấy muốn, vị ấy sẽ ngồi” . Này các tỳ khưu, nhưng khi ta đi đến gần, năm vị tỳ khưu ấy không thể giữ đúng điều đã thỏa thuận với nhau. Có người đến đón ta và cầm lấy y bát. Có người sắp đặt chỗ ngồi. Có người đem nước rửa chân đến. 

Nhưng các vị ấy gọi ta bằng tên với danh từ Hiền giả (Avuso) Này các tỳ khưu, khi nghe nói vậy, ta nói với nhóm năm vị tỳ khưu : “Này các tỳ khưu, chớ gọi ta bằng tên và dùng danh từ Hiền giả. Này các tỳ khưu, Như Lai là bậc A La Hán, chính Ðẳng Giác. Hãy lắng tai, pháp bất tử đã chứng được. Ta giảng dạy, ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các người không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại, mục đích vô thượng của phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình,các ngươi sẽ an trụ”. Này các tỳ khưu, khi nghe nói vậy, nhóm năm vị tỳ khưu nói với ta : “Hiền giả Gotama, với nếp sống này, Hiền giả đã không chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến đặc thù xứng đáng bậc thánh; thì làm sao Hiền giả, với nếp sống sung túc, với sự từ bỏ tinh cần,với sự trở lui đời sống vật chất đầy đủ, lại có thể chứng được pháp Siêu nhân, tri kiến đặc thù xứng đáng bậc Thánh”. Này các tỳ khưu, khi nghe nói vậy ta nói với nhóm năm vị tỳ khưu, Như Lai sống không sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các tỳ khưu, Như Lai là bậc A La Hán, Chính Ðẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe Pháp bất tử đã chứng được. Ta giảng dạy, ta thuyết pháp..., và ta đã làm cho năm vị tỳ khưu chấp nhận”. !

Ðức Phật đã chu du khắp nước Ấn Ðộ, từ cực bắc, dưới chân núi Himalaya, đến cực nam, bên ven sông Gange, nơi hang cùng ngõ hẻm, ở đâu có ánh sáng mặt trời là có dấu chân Ngài ở đó.

Hơn 300 hội nói pháp, Ngài đã thâu nhận số đông đệ tử xin vào giáo hội , không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn, thanh niên, già cả, nam hay nữ, người trí thức hay kẻ ngu si, tất cả... đều được đức Phật đưa vào Chính Pháp và coi như nhau, khác nào như cơn gió lốc thổi dồn các thứ lá lại một chỗ, đức Phật thuyết pháp cho hết thảy.

Với đức hy sinh, với lý tưởng cao cả, và với lòng thương vô biên của đức Phật, hàng vô lượng chúng sinh trên khắp hành tinh đã tìm được lẽ sống cao đẹp cho mình. ngay trong cuộc đời đầy tội lỗi, xấu xa ,ác độ...

...Trải bao sương tuyết cuộc đời, đức Phật đã thắng trong mọi hoàn cảnh vẻ vang, vô cùng cao đẹp; đã tô đậm nét son trên trang sử nhân loại, tuyệt nhiên không vướng chút bạo tàn, với đức hiếu sinh và lòng từ bi quảng đại, đã xoay lại bất công muôn chế độ tàn bạo phi nhân tính, để lại cho hậu thế một gương sáng lạng vô cùng!

Và nét son rất tươi ấy, tươi mãi, đã mở đầu cho cuộc đời cao rộng đầy hương hoa trong một Kỷ nguyrên Công Bằng, Tự Do và Chính Nghĩa.

ÐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Năm 543 trước kỷ nguyên TL, bấy giờ đức Phật đã 80 tuổi, khi ước nguyện ước muốn đã thành, một hôm, Ngài cho triệu tập các đệ tử từ khắp bốn phương lại mà di chúc những lời tối hậu :

“ Này các con, hãy tôn kính tịnh giới, tịnh giới còn, đạo ta còn. Những kinh luật, ta đã dạy từ khi ta thành Phật tới giờ, sẽ là nơi nương tựa, che chở cho các con. Những giáo pháp của ta có những lợi ích, các con hãy cố gắng học và làm theo. Ở núi rừng, nơi bùn lầy nước đọng, bên bờ sông, dưới gốc cây, trong tĩnh thất, hoặc bất cứ nơi nào trầm lặng, các con hãy tưởng nhớ giáo pháp của ta. Ðừng sao nhãng, vì một đời luống qua, không làm gì..., chỉ kết liễu trong ân hận hối quá !

Và – “ Các con, hãy vì lòng từ bi rộng lớn, đi gieo rắc hạnh phúc cho đời, Ðừng đi trùng nhau trên một ngả đường. Các con, hãy truyền đạo mầu nhiệm cho đời hiểu thế nào là cuộc sống cao cả, trong sạch, hoàn toàn và gương mẫu”.

Những lời vàng ngọc của đức Phật truyền dạy làm rung động đến tận cùng tâm thức của những người đệ tử mến yêu, cần phải suy nghĩ.

Trên đường đức Phật chỉ bày, mỗi bước đi lên là mỗi bước gần tới ánh sáng chân lý.

Sau khi đã dạy bảo các đệ tử mọi lẽ, Ngài liền từ giã thành Sravasti (nay là thành Sateth Maheth) mà sang thành Kusinagarâ giữa hai cây Sala (tục gọi là cây bông vải : mộc miên), trong một khu rừng ở mé núi Hiranyavati và tịch diệt ở đây.

HT Thích Đức Nhuận



Có phản hồi đến “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - HT Thích Đức Nhuận”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com