Hàng năm khi mùa sen nở, người con Phật ở khắp nơi trên hành tinh này hân hoan, tưởng nhớ về những lời dạy vàng ngọc của đức Thế Tôn; tâm niệm mỗi người luôn hướng về ngày kỷ niệm đản sanh của bậc Đạo Sư. Là hàng đệ tử Phật, chúng ta luôn có đầy đủ niềm tin về trí tuệ viên mãn của Ngài và điều mãi mãi thắp sáng trong lòng chúng ta niềm thành kính vô biên đối với Ngài. Và hàng triệu trái tim đang muốn dâng trọn nén tâm hương Giới-Định-Tuệ của mình lên cúng dường mười phương chư Phật, với tâm thành cầu nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, mưa thuận gió hòa, quốc gia thịnh vượng.

Ngày nay, đời sống vật chất của nhân loại phát triển, văn minh và hiện đại hơn. Con người tiến xa hơn trong nhiều lĩnh vực: khoa học phát triển như vũ bão, bùng nổ mạnh mẽ công nghệ thông tin… điều này mở ra cho thế giới loài người một cái nhìn mới mẻ hơn về con người và vũ trụ. Nhưng bên cạnh những thành quả to lớn mà con người đã đạt được thì đây đó lại phải đối mặt với không ít những rủi ro do thiên tai đem đến, sống chung với nạn ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lan tràn liên tục, khủng hoảng kinh tế, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và biết bao vấn đề khác nữa mà tác nhân của chúng một phần do con người gây ra.

Con người đã làm gì để gây ra những thảm họa kia? Phần lớn là do chính bản thân của mỗi con người vì vô tình hay cố ý trong mục đích tìm kiếm sinh nhai, vì sự tồn tại của chính bản thân mình trong khoảnh khắc của một kiếp sống và cũng vì những tham vọng điên cuồng của con người.
Đức Phật là bậc Đại y vương, đại trí tuệ; giáo lý của Ngài có thể chữa trị tất cả mọi tâm bệnh, nếu chúng ta thực hành theo chân lý ấy.

Tam tạng giáo điển kia đều có khả năng khế hợp căn cơ và đem lại lợi ích an lạc cho tất cả muôn loài, với những chân lý tối thượng mà đức Thế Tôn đã nói ra đó có vô lượng Pháp môn, nhưng không ngoài bốn chân lý chắc thật vi diệu:
- Khổ (Dukkha), kết quả của tam khổ và bát khổ.
- Tập (Samudaya), sự phát sinh hay nguyên nhân của khổ.
- Diệt (Nirodha), sự chấm dứt khổ.
- Ðạo (Magga), con đường đưa đến sự chấm dứt khổ.
Trong kinh Pháp cú số 191 tóm tắt giáo lý Tứ Thánh Đế như sau:
“Thấy khổ và khổ tập
Thấy sự khổ vượt qua
Thấy đường Thánh tám ngành
Đưa đến khổ não tận”.

Đức Phật xuất hiện ở cõi đời này đã hơn 2553 năm, và Bốn chân lý chắc thật vi diệu này ngày càng soi rõ sự lý ở cuộc đời. Đúng như lời Tôn giả A-nan đã nói, được trích qua đoạn văn trong kinh Trung bộ:
“Bạch Thế Tôn, con tận mặt nghe, con tận mặt ghi nhớ từ Thế Tôn: ‘Bồ-tát khi sanh ra, này A-nan, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương lên tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: ‘Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời! Ta là bậc cao nhất ở trên đời! Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa’. Vì rằng, bạch Thế Tôn, con thọ trì sự việc này, bạch Thế Tôn, là một hy hữu, một vị tằng hữu của Thế Tôn”. (Kinh Trung bộ, 123, kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, HT. Thích Minh Châu dịch Việt)

Như chúng ta đã biết, nơi nào có đau khổ hay thế giới nào có khổ đau và bất công thì nơi ấy, thế giới ấy chắc chắn sẽ có một đức Phật ra đời. Chính vì lý lẽ chân thật và vi diệu như vậy nên trong kinh Pháp hoa đã tán thán công đức của đức Thế Tôn như sau:
“Xá-lợi-phất! Các đức Phật theo thời nghi nói pháp, ý thú khó hiểu. Vì sao? Ta dùng vô số phương tiện các món nhân duyên, lời lẽ thí dụ diễn nói các pháp. Pháp đó không phải là suy lường phân biệt mà có thể hiểu, chỉ có các đức Phật mới biết được đó. Vì sao? Các đức Phật Thế Tôn, chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời.

Xá-lợi-phất! Sao nói rằng các đức Phật Thế Tôn chỉ do một sự nhân duyên lớn mà hiện ra đời? Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời”.
Bao đời này chúng ta không ngộ được lẽ vô thường của vạn vật, nên phải nhiều kiếp trầm luân trôi nổi. Không thấy được lý hư ngụy của cuộc sống, chúng ta đã vô tình bỏ quên cái “tri kiến” vốn sẵn có trong ta và luôn tiềm tàng trong tâm thức của mỗi con người chúng ta; chỉ vì sự bất giác vô minh đã làm chúng ta trôi lăn mãi trong biển khổ luân hồi sinh tử. Ngày nay tất cả chúng ta được nương tựa vào Chánh pháp và tu theo Chánh pháp nên phần nào đã bớt đi nhiều điều sợ hãi về nội tâm lẫn ngoại cảnh xung quanh, sự vô thường biến dịch của thế giới vũ trụ này.

Giờ đây hạnh phúc an lạc đã mỉm cười với tất cả những ai biết lắng nghe, suy tư và tu tập theo lời dạy của đức Phật. Dù cho cuộc đời hay thế giới xung quanh ta có chịu sự chi phối của cơn lốc vô thường đi chăng nữa thì nội tâm của chúng ta cũng có đủ niềm tin tinh tấn vững chãi để bước trên con đường giải thoát mà đức Như Lai khi còn tại thế đã dạy:
“Chiến thắng sinh oán thù
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại”.
(Pháp Cú 201)

Giác Ý



Có phản hồi đến “Ý Nghĩa Phật Đản”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com