Mở cánh cổng gỗ, Vinh bỗng cất tiếng gọi lớn: “Mẹ ơi, mẹ! Con đã về đây!”. Căn nhà nhỏ nằm dưới bóng cây râm mát.

Cửa vẫn đóng then cài, không gian bốn bề im ắng. Theo Vinh vào nhà, Quang hít hà không gian làng quê trong lành mát rượi. Tiếng chim hót ríu ran chuyền cành trên tán nhãn già. Từng đợt gió lao xao cuốn những chiếc lá vàng rơi rơi xuống nền sân gạch lấm tấm rêu. Vinh mở cửa mời Quang vào nhà. Ngôi nhà cũ ba gian thiếu hơi người thoảng mùi ẩm mốc. 

Vừa tới bậu cửa, Quang hỏi lại: “Bố mẹ cậu đâu rồi? Sao không thấy hai bác ở nhà? Chắc là mình về đột xuất nên cậu không thông báo trước cho bố mẹ biết à?”. “Bố mẹ mình ở nhà cả đấy thôi!”. Nói rồi Vinh ngước mắt lên ban thờ gia tiên nhìn di ảnh của bố mẹ mà đôi mắt rưng rưng. Thấy bạn đứng lặng hồi lâu, Quang bối rối cất lời xin lỗi: “Mình vô tâm quá không biết bố mẹ cậu đã mất rồi!”.

Ngồi bên bộ trường kỷ, Vinh bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khi gia đình còn đoàn tụ. Bố Vinh là thương binh đã từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị. Trở về địa phương, ông mang trong mình di chứng chất độc da cam/dioxin. Những năm tháng cuối đời, sức khỏe suy giảm, ông đã ra đi để lại niềm thương tiếc cho cả nhà. Mẹ Vinh một mình gánh vác công việc gia đình. Bao nhiêu nhọc nhằn cuộc sống mưu sinh đều dồn lên đôi vai nhỏ bé khiến bà lao lực rồi cũng theo chồng ra đi vào một ngày giông bão. Khi ấy Vinh chỉ còn mỗi bà nội là chỗ dựa duy nhất. Rồi bà cũng khuất núi chiều tà, Vinh vào quân ngũ. Vinh coi đơn vị là nhà, đồng chí, đồng đội là người thân làm điểm tựa để vượt qua mọi khó khăn. Vốn sống khép mình nên những chuyện về gia đình Vinh ít khi tâm sự với mọi người.

“Mình thèm được hơi ấm của gia đình. Được nghe tiếng bố mẹ trong căn nhà ấm tình thương. Vì thế lần nào về nhà, mình cũng gọi to tiếng mẹ để có cảm giác gần gũi thân thuộc”. Nói rồi Vinh cẩn thận sắp chín bông hồng đỏ vào trong lọ. Một chút hoa quả được bày biện cẩn thận trên chiếc đĩa sứ men rạn. Một gói chè lam là món quà mẹ vẫn thường hay làm. Khi đoàn viên, cả nhà thường ngồi ngoài hiên uống nước chè xanh, ăn bánh, cùng tâm tình trò chuyện. Nhìn thấy Vinh cẩn thận bày biện các vật phẩm trên ban thờ, đủ biết lòng anh nhớ bố mẹ đến nhường nào. Vinh bảo: “Cứ mỗi dịp Vu Lan đến, dù có bận đến mấy mình cũng cố gắng về thắp cho bố mẹ tuần hương tưởng nhớ công lao sinh thành dưỡng dục”.

Nghe lễ Vu Lan, Quang có vẻ hơi ngạc nhiên. Vinh giải thích rằng, đó là đại lễ báo hiếu. Xưa mẹ của Mục Kiền Liên không làm điều thiện đến khi thác bị đày xuống địa ngục khổ ải. Thương mẹ, Mục Kiền Liên đã lập đàn cúng dường chư tăng cứu mẹ được sinh về cõi lành. Lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên đã làm lay động lòng người, từ đó trong Phật giáo có ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Đây là dịp để con cái tri ân báo hiếu công lao trời bể của song thân. “Cậu thật may mắn khi vẫn còn cả bố mẹ”. Chỉ nghe câu nói đó thôi mà Quang thấy khóe mắt cay cay. Ngẫm lại mới thấy mình may mắn hơn bạn bè. Ấy vậy mà có những lúc mình có cách cư xử không phải làm bố mẹ phiền lòng. Có biết đâu rằng nhiều người quanh mình chỉ thèm được gọi hai tiếng bố mẹ thân thương.

Trở về nhà, Quang đã kể lại câu chuyện với cả gia đình cùng một lời đề nghị được bố mẹ ưng thuận. Quang bấm máy thông báo với Vinh: “Lễ Vu Lan năm nay cậu sẽ về nhà mình cài hoa hồng thắm lên ngực áo nhé. Bố mẹ mình rất mong cậu sẽ là thành viên mới trong gia đình đấy”. Chỉ nghe có vậy mà Vinh đã rưng rưng xúc động đáp lời: “Cảm ơn bố mẹ và cậu đã dành cho mình tình cảm gia đình ấm áp yêu thương. Vu Lan này mình sẽ cài hoa lên ngực áo dành tặng bố mẹ”.

VŨ ĐỨC NAM

(Theo qdndvn)





Có phản hồi đến “Lễ Vu Lan Con Cài Hoa Hồng Thắm”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com