Sự hội nhập văn hoá thế giới đã bổ sung cho Việt Nam rất nhiều hoạt động văn hoá xã hội ý nghĩa. Trong đó, kỷ niệm Ngày của Cha đang là một xu thế mới được nhiều người lựa chọn như một cách để cảm tạ ơn nghĩa sinh thành, giáo dưỡng của người cha trong gia đình…
Ngày của Cha có nguồn gốc từ Mỹ và bắt đầu được ăn mừng phổ biến trên thế giới từ những năm đầu thế kỷ 20 nhằm bổ sung cho Ngày của Mẹ để tôn vinh các bậc sinh thành. Ngày của Cha ở nhiều nước được coi là một ngày lễ trọng, qua các hình thức tổ chức, ngày này như một món quà ý nghĩa, chuyên chở tấm lòng của con cái đối với cha mình.
Nét đẹp trong cách đối nhân xử thế ấy, gần đây đã được xã hội Việt Nam tiếp nhận. Tuy chưa thực sự phổ biến nhưng đã giúp một bộ phận dân số gắn kết tình cảm gia đình, tạo mối quan tâm, yêu thương, thấu hiểu nhau trong các gia đình.
Giống như một số nước, Ngày của Cha ở Việt Nam được ghi nhận là vào ngày Chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 6. Ngày này đã được giới trẻ, đặc biệt là các nghệ sỹ tiếp nhận và “quảng bá” thông qua nhiều cách thể hiện, trong đó, viết status gửi gắm tình cảm tới cha qua mạng xã hội là hình thức khá phổ biến.
Vào ngày này, nếu không sống chung, những đứa con trong gia đình sẽ hẹn nhau về cùng tổ chức tiệc mừng Ngày của Cha. Dè dặt hơn một chút, có nhiều người lại lựa chọn biểu thị tình cảm qua những món quà nhỏ dành cho cha. Một số người khác lại viết thư bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình đối với cha. Mức độ phổ biến Ngày của Cha ở Việt Nam ngày càng rộng nên vài năm nay, ở một số trường học, các em nhỏ còn được giáo viên định hướng ý thức về ngày này bằng cách cô trò cùng nhau làm thiệp hay quay video clip gửi đến các ông bố để chúc mừng.
Ngược lại với hình ảnh dịu dàng, gần gũi của người mẹ, hình ảnh người cha trong lòng con cái là một biểu tượng lớn lao, vững chãi nên có phần khó gần hơn so với mẹ. Đặc biệt, ở Việt Nam, dưới hệ quy chiếu của văn hoá phương Đông, người cha còn luôn cố tình cũng tỏ ra nghiêm khắc, tạo vỏ bọc khó gần, ít biểu hiện tình cảm ra ngoài đối với con cái. Chính vì thế, những đứa con cũng trở nên xa cách, ngại ngần bày tỏ tình cảm của mình đối với cha.
Xã hội càng phức tạp thì vai trò của người cha trong gia đình càng quan trọng. Làm thế nào để chỉ bảo con cái biết chăm chỉ học hành, siêng năng lao động, biết phân định tốt xấu, biết sống hiếu thảo với cha mẹ, tử tế với xã hội, tránh xa các tệ nạn… là một nhiệm vụ nặng nề mà người cha phải chịu trách nhiệm chính.
Anh Nguyễn Trung Hải – phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Xã hội phát triển, tâm lý con người cũng nhiều biến đổi. Người cha trong thời đại mới, muốn giáo dục con cái thành công cũng cần phải trang bị kỹ năng, kiến thức, nhất là hiểu biết xã hội để ứng biến tốt với mọi tình huống. Giáo dục con mình, tôi không chỉ nghiêm khắc mà còn khéo léo, tạo sự gần gũi để dễ dàng tiếp cận với suy nghĩ cũng như tâm lý của con, qua đó kịp thời điều chỉnh, uốn nắn, định hướng cho con cái trong học tập cũng như lao động. Nhất là trong xã hội nhiều biến động phức tạp này, người cha càng cần trau dồi kỹ năng, kiến thức để dạy con thành công”.
Những đứa con trong gia đình đều hiểu rằng mình lớn khôn từ sự chăm sóc ân cần của mẹ và sự dạy dỗ nghiêm khắc, cẩn trọng của cha. Ẩn sau sự mạnh mẽ, khô khan ấy, nếu biết cách thì những đứa con cũng không khó để có thể chạm đến vùng ấm áp, dịu dàng của trái tim người cha. Và, sự xuất hiện Ngày của Cha trong đời sống xã hội cùng nhiều hình thức bày tỏ tình yêu thương, kính trọng, biết ơn chính là yếu tố giúp những đứa con xích lại gần hơn với cha mình. Cũng là cách để những người cha phá bỏ những rào cản vô hình để gần gũi, quan tâm và giáo dục con cái mềm mại hơn, hiệu quả hơn.
(Theo baohatinh)