Đại y sư Tuệ Tĩnh, ngài cũng là ông Tổ của ngành y dược nước ta với khẩu hiệu nổi tiếng "Nam dược trị nam nhân" nghĩa là thuốc Nam trị bệnh cho người Nam (Việt Nam).
Sở dĩ Thần y Tuệ tĩnh đưa ra khẩu hiệu ấy là thời bấy giờ do sự đô hộ nghìn năm của phương Bắc nên y học cổ truyền cũng chịu ảnh hưởng lớn của y học Trung Quốc (các loại thuốc Bắc).
Đại y sư Tuệ tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh sinh năm 1330 ở tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là tỉnh Hải Dương). Mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thuỷ nuôi dạy. Dưới triều vua Trần Dụ Tông, thi đậu Thái học sinh (năm 22 tuổi) nhưng ông không ra làm quan mà xuất gia đi tu và làm nghề thuốc chữa bệnh cho dân.
Ông nổi tiếng là thần y vì tài chữa bệnh và đặc biệt là tìm tòi, phát hiện nhiều vị thuốc Nam quý. Trong cuốn "Hồng nghĩa giác thư y" ông biên soạn khảng 500 vị thuốc Nam và để mọi người dễ học, dễ nhớ ông viết bằng thơ Nôm theo lối Đường luật. Trong cuốn "Phú thuốc Nam" cũng bằng chữ Nôm, và đặc biệt cuốn "Nam dược thần hiệu " của ông hiện vẫn đang được các nhà y dược học đánh giá cao và có giá trị lớn đối với y học ngày nay.
Công lao đặc biệt của ông chính là đề xướng một nền y học tự chủ, tự cường, độc lập gần giống khẩu hiệu hiện nay "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam " . Không những viết sách, chữa bệnh ông còn tổ chức cho nhân dân biết cách vệ sinh, phòng chống bệnh, dạy cho nhiều đệ tử và biến các chùa thành nơi chữa bệnh (giống như trạm xá ngày nay). Đây là tư tưởng cực kỳ tiến bộ của ngành điều trị từ xa, điều trị chủ động và điều trị dự phòng, tận dụng thế mạnh tổng hợp trong nhân dân, trong thiên nhiên, tạo ra di sản quý báu cho các thế hệ sau .
Do tài chữa bệnh như thần của ông nên nhà Minh đã đòi cống sang phương Bắc để chữa bệnh cho triều đình. Ông đã chữa khỏi bệnh cho Thái hậu và được vua Minh rất sủng ái nhưng một lòng ông lúc nào cũng hướng về Tổ quốc. Lúc ông mất tại đất khách quê người có cho khắc vào bia mộ mình "về sau có ai bên nước Nam sang, cho tôi xin về với" và sau gần 3 thế kỷ có tiến sỹ Nguyễn Danh Nho (người cùng quê) đi sứ sang Giang Nam đã dập được tấm bia mộ và mang về cho đục bia tưởng niệm và thờ tại Cẩm Giàng. Đại y sư Tuệ Tĩnh là một thiền sư và là một Bồ Tát có lòng từ bi quảng đại, tượng của Thiền sư cũng là đặc biệt nhất trong số các tượng sư Tổ.
Thông thường trong các chùa có thờ tượng của các sư trụ trì cao tăng đắc đạo, tư thế tượng được tạc ngồi xếp bằng hoa sen, hai tay xếp trong trong lòng theo kiểu ấn tam muội (ấn thiền định), hoạc hai tay đặt trên đầu gối. Nhưng tượng của Đại y thiền sư Tuệ tĩnh lại được tạc theo tư thế ngồi trên ghế, lưng thẳng và hai tay xếp trước ngực theo kiểu ấn Chuẩn đề (Cundhe). Điều đó chứng tỏ người xưa đã đặt vị trí của Thiền sư là một Bồ Tát hoá thân của Chuẩn đề vương Bồ Tát. Quan điểm của ngài cũng là Đạo và Đời không tách riêng, Đạo phục vụ đời, Đời là nơi rèn luyện Đạo. Tư tưởng đại thừa Phật giáo ở Đại y sư Tuệ Tĩnh đã là niềm cảm hứng, sự phấn đấu noi theo của các lớp tăng ni Phật tử ngày nay theo tinh thần Từ bi hỷ xả của Đức Phật.
Hiệp hội Thực phầm chức năng Việt Nam chính thức tôn vinh Ngài là ông Tổ của ngành cũng xuất phát từ tinh thần từ bi, tinh thần tự cường, tự lực ấy. Nhằm tỏ lòng thành kính đối với người thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng nền Y học cổ truyền của Dân tộc, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và Công ty Cp Hội chợ và Xúc tiến thương mại Á Châu chính thức tổ chức “Nghi lễ Rước Y Tổ - Đại Thiền Sư Tuệ Tĩnh” từ chùa Quán Sứ về Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Việt Nam diễn ra ngay trước khai mạc của Ngày hội Thực phẩm Chức năng Quốc tế tại Việt Nam 2013 – I3F Việt Nam 2013 – một Ngày hội có quy mô lớn nhất về chuyên ngành thực phẩm chức năng, các sản phẩm dinh dưỡng và các sản phẩm tự nhiên tốt cho sức khỏe được tổ chức từ 27-29/9/2013. Đây được coi là một hoạt động vừa mang tính tâm linh thành kính vừa mang tính bảo tồn các giá trị truyền thống và uống nước nhớ nguồn với ông Tổ của ngành y dược nước ta – Đại Thiền Sư Tuệ Tĩnh.
(Theo Dân Trí)