Định mệnh và định nghiệp là hai vấn đề thường được các nhà bình giảng truyện Kiều nêu lên khi đọc những câu:
"Bắt phong trần phải phong trần,Cho thanh cao mới được phần thanh cao".
Hay:
"Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".
Rồi cho đây như là tư tưởng chủ đạo của truyện Kiều, là năng lực chi phối suốt cuộc đời Kiều, để suy rộng ra cũng có nghĩa là năng lực chi phối suốt cuộc đời của mọi người. Nếu chỉ nhìn vội bên ngoài, thì người ta không khỏi cho rằng thuyết định mệnh "Bắt phong trần phải phong trần" hay theo thuyết định nghiệp "Đã mang lấy nghiệp vào thân, đều có cùng một sự thể chỉ cho các năng lực chi phối cuộc đời con người, bắt sao chịu vậy, con người phải bó tay nhận lãnh, không có quyền can dự thay đổi. Do đó đã không ít người đinh ninh rằng định nghiệp cũng như định mệnh, có đúng vậy không? Ở đây cần phải duyệt lại xem định mệnh là thế nào? định nghiệp là thế nào?
Chắc có nhiều người đã thấy rõ, định mệnh là một mệnh lệnh thiêng liêng, một sức mạnh vô hình từ đâu không rõ, nó đặt định cho con người này thế này, người kia thế kia, phải sao chịu vậy, tự mình không có thể nào can dự thay đổi. Rõ như trong Trung văn đại tự điển giải thích: "Định mệnh giã thần tiên định chi mệnh giả". "Định mệnh là mệnh do thần quy định từ trước". Như vậy định mệnh là một sức mạnh từ bên ngoài áp đặt bắt buộc con người phải tuân theo thứ tự; mình là vật thụ động hoàn toàn, không thể cưỡng lại được. Con người hoàn toàn không tự do, "Bắt phong trần phải phong trần". Con người chỉ như một chiếc bóng mờ nhân ảnh như người đi đêm bởi con quay búng sẵn lên trời!
Còn định nghiệp là sao? Định nghiệp mới xem bề ngoài cũng có phần tương tự như định mệnh. Đã tạo nhân gì phải gặt quả nấy, gieo gió gặt bão. Nhân tốt quả tốt, nhân xấu quả xấu. Không thể có nhân mà không quả, hay có quả mà không nhân. Đó là một quy luật đương nhiên. Tuy nhiên luật nhân quả nơi con người không phải do bên ngoài sắp đặt mà chính do tự con người chủ động. Con người tự tạo ra nhân, ấy là tạo nghiệp nhân, rồi chính con người thu lấy quả, ấy là thọ nghiệp quả. Do vậy dù ở trường hợp thụ quả báo có lúc khắt khe khó cưỡng lại được, nhưng tự bản chất đã do tự con người thì nó không phải là cái gì cứng rắn bất di dịch; trái lại nó vẫn là pháp vô thường chuyển biến và chuyển biến theo ý chí mạnh hay yếu, tốt hay xấu của con người.
Nghiệp là nhân, báo là quả. Chúng lại gọi là nghiệp báo. Nghiệp báo là một định luật luân lý đạo đức.
Nguyên nhân của sự không bình đẳng giữa xã hội loài người là gì? Vì sao người này lại sinh trưởng trong cảnh xa hoa, mà bẩm tánh ngu dốt, người nọ thì bị chìm đắm trong cảnh nghèo khó mà bẩm tánh thông minh, người thì vừa nghèo vừa chậm chạp, kẻ nọ đã giàu lại lanh lợi? Có người suốt cuộc đời làm gì cũng gặp trắc trở, có người làm gì cũng thông suốt? Vì sao người nay là bậc Vĩ nhân Thánh thiện, người kia là kẻ điêu trá sát nhân? Người này là một nghệ sĩ tài ba, nhà toán học, nhạc sĩ từ khi mới lọt lòng, người kia sinh ra đã mù điếc què quặt? Người này vừa trông thấy đã có cảm tình, người kia vừa trông thấy đã khó chịu?... Đối với những sự sai khác không bình đẳng này, cần phải có một hoặc nhiều nguyên nhân hay chỉ là một sự ngẫu nhiên hoàn toàn? Không một thức giả nào lại cho rằng sự không bình đẳng này chỉ là một sự may rủi mù quáng hay là sự ngẫu nhiên tình cờ. Tất cả sự hưởng thụ của một người nào cũng vậy đều do vì nguyên nhân, và nguyên nhân này có thể ra ngoài sự hiểu biết tầm thường của chúng ta. Cái nguyên nhân chính đáng vô hình của những hiện tượng hữu hình có thể không ở trong hiện tại mà ẩn núp trong một quá khứ gần hay xa.
Nếu hạn cuộc trong phạm vi tương đối của các giác quan, có thể rằng những sự sai khác bất bình đẳng này chính do nguyên nhân của sự di truyền và hoàn cảnh. Nhưng sự di truyền và hoàn cảnh dù có thể thuộc trong sự sinh hoạt đến mấy cũng không đủ để cắt nghĩa những sự sai khác nhỏ nhiệm giữa người và người. Ví dụ vì sao những anh em sinh đôi về hình thể rất giống nhau lại được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh như nhau mà tính tình, tư tưởng, học thức, cuộc đời, lại trái ngược hẳn nhau. Theo đạo Phật, tất cả những sự cách biệt sai khác, không những do chỉ sự di truyền, hoàn cảnh chung quanh và của thức ăn uống mà thâm sâu cốt tủy nhất là do nghiệp lực của tự mỗi người. Nói cách khác, do gia tài chúng ta hưởng thụ từ những nghiệp chúng ta đã tạo ra ở quá khứ và tạo ra từng giây từng phút trong hiện tại cộng lại. Chúng ta chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc hay sự đau khổ của chính chúng ta (cá nhân và tập thể) thiên đường hay địa ngục đều do ta tạo nên. Tóm lại, chúng ta là kết tinh của tất cả những nghiệp do chúng ta đã gây ra.
Theo đạo Phật, nghiệp không phải là nguyên nhân duy nhất, nhưng là nguyên nhân chủ yếu của mọi sự sai biệt trên cõi đời này. Nếu đời sống hiện tại hoàn toàn do nghiệp quá khứ của chúng ta quy định chi phối, ta không có một chút quyền gì can dự thay đổi, thời như vậy nghiệp cũng tương tự như định mệnh, thiên mệnh, và vấn đề tự do ý chí chỉ còn là một hư danh. Đời sống trở thành hoàn toàn máy móc, thụ động. Đức Phật không bao giờ dạy một lý thuyết nghiệp khó khăn cố định như vậy. Theo Hòa thượng Narada Mahathera (Tích Lan, "Đức Phật và Phật Pháp") dẫn từ bộ luận Abhidhamavatara có năm Niyamas hay là năm môn loại hoặc năm luận, thường chi phối trong cảnh giới vật chất và tinh thần:
1. Uta Niyama (Vật chất luận): thuộc các vật chất không có cơ quan, như những hiện tượng thời tiết, vận chuyển, những nguyên nhân của gió mưa, sức nóng v.v...
2. Bija Niyama (Chủng nhân luận): thuộc các loại cơ quan (hữu cơ) như các mầm giống, cây cỏ... Định lý khoa học về tế bào và về chủng tử, sự tương đồng giữa anh em sinh đôi có thể thuộc loại này.
3. Kamma Niyama (Nhân quả luận hay Nghiệp luận): thuộc loại hành động và quả báo. Như những hành vi thiện ác phát sinh quả báo tốt xấu cũng thiết thực như nước tìm sự thăng bằng của nước, nghiệp cũng tìm đến kết quả tất nhiên của nó. Không phải dưới hình thức một sự thưởng phạt nào mà chỉ là một liên tục đương nhiên theo luật nhân quả, như sự tàn diệt của gì sinh nở, sự phản ứng của các giác quan trước một kích động.
4. Dhamma Niyama (Danh thực luận): thuộc về phân loại các nguyên tắc như những hiện tượng thiên nhiên phát sinh khi một vị Bồ-tát ra đời hay khi vị ấy nhập Niết-bàn. Sự hấp dẫn, sức chuyển vận và những định lý tương tự của trời đất v.v... có thể thuộc loại này.
5. Citta Niyama (Tâm trí luận): phân loại của tâm trí hay là của những định lý, sự vận chuyển hay sự sinh diệt của tâm thức. Tất cả hiện tượng về tâm lý học đều thuộc loại này. Sự giao cảm, sự phản ứng của nhận thức, sự tiên liệu, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông đều bao trùm bởi định lý này. Tất cả hiện tượng về tâm lý, vật lý hay luân lý đều có thể do một hay nhiều trong năm phân loại này cắt nghĩa.
Nhưng nghiệp là gì? Tiếng Pali: Kamma, tiếng Phạn: Karma, có nghĩa là hành vi hay hành động. Tất cả những hành động cố ý của một sinh vật dù thuộc về thân, hay miệng hay ý đều gọi là nghiệp. Còn những hành động không cố ý thì không đủ sức gây ra quả, nên không gọi là nghiệp. Đây để ngoài những hành động của các đức Phật và A-la-hán, vì rằng các Ngài đã thoát ly ngoài sự thiện ác và đã dứt sạch nguồn gốc của những thiện ác đó, tức là những dục vọng và chấp ngã. Bởi vậy, khi ý chí buông lung thời các hành vi về thân, miệng, ý đều không được kiểm soát chặt chẽ, mà bị sa ngã vào điều tội lỗi, chìm đắm; khi ý chí được kiểm soát chặt chẽ thời các hành vi về thân, miệng, ý được hướng dẫn đi vào con đường trong sáng, lợi lạc, từ đó nâng dần lên đến khi trở thành những hành vi thuần thiện bắt nguồn từ trí tuệ vô ngã, thì đây thuộc về nghiệp vô lậu, không đưa đến quả báo trong vòng luân hồi mà đưa đến cảnh giới Niết-bàn an lạc giải thoát.
Theo định lý nghiệp nói trên, tạo nhân tốt hưởng quả tốt, gây nhân xấu hưởng quả xấu. Khi nhân đã thuần thục và sự thọ quả đã đến kỳ thì nó trở thành như một sức mạnh ngoài ý muốn, bấy giờ muốn thay đổi liền kết quả của nó cũng không thể nào kịp được. Như thế là định nghiệp. Ví như người học trò làm biếng học suốt năm, đến giờ vào thi muốn thay đổi kết quả thi hỏng ra thi đậu, cũng khó mà thay đổi cho kịp. Tuy khó thay đổi chứ không phải không thể thay đổi. Trái lại những nghiệp chưa đến lúc thuần thục, chưa đủ khả năng gây quả thì gọi là bất định nghiệp, nếu muốn thì còn đủ thì giờ để thay đổi được.
Tuy nhiên chúng ta không phải luôn luôn bị một định nghiệp khắt khe chi phối, bởi vì nghiệp không phải là số mệnh, định mệnh hay thiên mệnh bắt ta phải nhắm mắt tuân theo. Chính do ý chí của ta mà ta có thể thay đổi nghiệp để thay đổi đời sống của mình.
Như vậy nếu hiểu chữ Nghiệp trong đạo Phật một cách đúng đắn thì định lý Nghiệp đã không làm cho chúng ta nhụt chí, trái lại làm cho chúng ta tự tin hy vọng, sự nhận thức ý nghĩa trách nhiệm và can đảm nhận lãnh khi bị những sự khó khăn gần như không thể vượt qua nổi, hay gặp sự thử thách không thể kham nổi với ý chí rằng đó là kết quả của những hành động mình đã gây ra hoặc gần hoặc xa, chứ không mù quáng để buông xuôi chịu đựng. Khi đã biết rõ nó do mình gây ra thì cũng do mình thay đổi chứ không thể cậy ai thay đổi giúp. Khi đó ta sẽ cố gắng lập chí sửa đổi theo ý chí tự do của mình. Hẳn nhiên đây không phải là điều dễ hay khó, mà dễ hay khó là tự ta. Như một triết gia đã nói: "Cảnh khổ là nấc thang có những người anh tài, là kho tàng cho những người khôn khéo, nhưng cũng là hố thẳm cho những kẻ yếu hèn".
Nghĩa chữ Nghiệp trong đạo Phật rất sâu rộng, muốn rõ chữ Nghiệp được đầy đủ hơn, hãy đọc tiếp sau đây những giải thích về Nghiệp trong các kinh luận.
Chữ Nghiệp trong các kinh:
* Kinh Pháp Cú:
"Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu tạo nghiệp nói hay làm với tâm ô nhiễm sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe".
"Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu tạo nghiệp nói hay làm với tâm trong sạch, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình".
"Lành dữ bởi ta, ô nhiễm cũng bởi ta; làm lành bởi ta, thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể thanh tịnh cho ai được".
* Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt:
Thanh niên Subha bạch Thế Tôn: "Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài người với nhau, khi họ là loài người, lại thấy có người liệt, có người ưu? Có người đoản thọ, có người trường thọ? Có người nhiều bệnh, có người ít bệnh? Có người đẹp sắc, có người xấu sắc, có người trí tuệ yếu kém, có người đầy đủ trí tuệ? v.v...
Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loại hữu tình, nghĩa là có liệt, có ưu. Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông sát sanh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Ở đây, khi mạng chung nếu được đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó phải đoản mạng. Nhưng nếu có người đàn bà hay đàn ông từ bỏ sát sanh, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, ở đời. Ở đây, khi mạng chung nếu nó đi đến loài người, chỗ nào nó sinh ra, nó được trường thọ v.v...".
* Kinh Phân Biệt Đại Nghiệp:
Này A Nan, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn không có ác nghiệp, không có quả báo ác hạnh, chắc chắn không có thiện nghiệp, không có quả báo thiện hạnh". Như vậy Ta không chấp nhận cho vị ấy". Này A Nan vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Chắc chắn có ác nghiệp, có quả báo ác hạnh; chắc chắn có thiện nghiệp, có quả báo thiện hạnh". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy.
Này A Nan, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói: "Chắc chắn tất cả những ai sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, tất cả đều sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục". Như vậy Ta không chấp nhận cho vị ấy.
Này A Nan, nếu vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói như sau: "Chắc chắn tất cả những ai sát sinh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, tất cả đều sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta không chấp nhận cho vị ấy".
Này A Nan, nếu vị ấy nói như sau: "Tôi đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta cũng chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói: "Chắc chắn tất cả những ai từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung tất cả đều sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Như vậy Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy.
Này A Nan, nếu vị ấy nói: "Tôi đã thấy ở đây có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục". Như vậy Ta chấp nhận cho vị ấy. Nếu vị ấy nói: "Chắc chắn tất cả những ai từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho... có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung tất cả đều sinh vào cõi dữ ác thú, địa ngục". Như vậy Ta cũng không chấp nhận cho vị ấy.
Này Potaliputta, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp, có khả năng đưa đến lạc thọ, nó sẽ cảm giác lạc thọ; nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến khổ thọ, nó cảm giác khổ thọ, nếu một ai có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến bất khổ bất lạc thọ, nó cảm giác bất khổ bất lạc thọ.
Này A Nan, người nào sát sanh, lấy của không cho... có tà kiến, sau khi mạng chung, nó sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Hoặc là một ác nghiệp đưa đến cảm giác khổ thọ do nó làm từ trước, hay do nó làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một tà kiến được nó chấp nhận và chấp chặt. Do vậy nó sinh vào cõi dữ, nó phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại trong một đời khác. Này A Nan, người nào sát sanh, lấy của không cho... có tà kiến sau khi mệnh chung được sinh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Hoặc là một thiện nghiệp đưa đến cảm giác lạc thọ do nó làm từ trước, hay do nó làm về sau, hay trong khi mệnh chung, một chánh kiến được nó chấp nhận và chấp chặt. Do vậy nó sinh vào thiện, có phải thọ quả báo được khởi lên ngay trong hiện tại hay trong một cuộc đời khác.
(Đoạn này ý nói một người: phải thọ quả báo dữ ngay trong hiện tại hay trong một đời khác bởi các nghiệp ác của họ tạo ra từ trước, hay tạo ra về sau, hay tạo ra vì là ác niệm khởi lên trong giờ phút lâm chung. Trái lại, có những người cả đời tạo nghiệp ác nhưng do thiện nghiệp của họ tạo ra từ trước, hoặc tạo về sau, hoặc trong giờ phút lâm chung mà khởi lên chánh kiến hướng về điều thiện, thì họ tạo được thọ quả bảo vui ngay trong hiện tại hay trong một đời khác chớ không phải thọ khổ. Đây là trường hợp làm ác mà thọ vui vậy. Kinh còn dạy về người làm lành được sinh thiện thú, thiên giới, cõi đời này, nhưng cũng có người làm lành mà phải đọa ác thú, địa ngục, ý nghĩa cũng tương tự như vừa giải thích trên đây. Đó là do trong giờ phút lâm chung họ khởi lên tà kiến hướng về việc ác, và cái ác niệm này rất mạnh nên phải bị đọa lạc. Bởi nghiệp do tâm tạo, trong giờ lâm chung tâm khởi lên chánh kiến thiện niệm hoặc tà kiến ác niệm mạnh hơn các nghiệp đã tạo ra lúc sống, thì các nghiệp này sẽ chuyển theo tâm niệm khi lâm chung mà thọ báo).
* Kinh Tăng Chi tập I:
Ai nói như sau: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Và này, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào nó cảm thọ quả báo như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chân chính đoạn trừ. Này các Tỷ-kheo, có những người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ấy đưa nó vào địa ngục. Có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại cho đến chút ít cũng không được thấy trong tương lai.
Hạng người như thế nào, làm nghiệp ác nhỏ mọn đưa nó vào địa ngục? - Đó là hạng người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít ỏi. Người như vậy, làm nghiệp ác nhỏ mọn đưa nó vào địa ngục.
Hạng người như thế nào làm nghiệp ác tương tự, đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được trong tương lai? - Đó là hạng người thân được tu tập, giới, tâm, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy làm việc ác tương tự đưa đến cảm thọ ngay trong hiện tại.
Ví như có người bỏ một nhúm muối vào trong một chén nước nhỏ, nước trong chén nước nhỏ ấy vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được không? - Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì nước trong chén nước nhỏ này ít, do nhúm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.
Này các Tỷ-kheo, ví như có người bỏ một nhúm muối vào sông Hằng, sông Hằng ấy có vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được không? - Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì khối nước sông Hằng rất lớn, khối nước ấy không vì nhúm muối này trở thành mặn và không uống được.
Như nhúm muối, sông Hằng không làm cho nước sông Hằng bị mặn không thể uống được.
(...)
Này các Tỷ-kheo, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì con người lãnh thọ lạc, khổ hay không khổ không lạc, tất cả đều do nhân nghiệp quá khứ". Đối với vị ấy, ta đến và nói: "Chư Tôn giả, có thiệt chăng, chư Tôn giả có thuyết như sau, chấp kiến như sau: "Phàm có cảm giác gì... (như trên)... đều do nhân nghiệp quá khứ?" - Được Ta hỏi như vậy, họ trả lời: "Thưa phải, có như vậy". - Ta nói với họ như sau: "Như vậy, thời các Tôn giả do nhân nghiệp quá khứ sẽ trở thành người sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo v.v..." nhưng này các Tỷ-kheo, với những ai trở lại dựa vào nghiệp quá khứ và lý do viên thực, với những người ấy sẽ không có ước muốn, không có tinh tấn, không có "đây là việc phải làm" hay "đây là việc không nên làm". Như vậy sự cần thiết cần phải làm hay không cần phải làm, không được tìm thấy là chân thật, là đáng tin cậy, thời danh từ Sa-môn không thể áp dụng đúng pháp cho các ngươi được, vì các ngươi sống thất niệm và các căn không được hộ trì. Như vậy, đây là sự chỉ trích đúng pháp của Ta đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như vậy, có chấp kiến như vậy.
(Đoạn này đức Phật chỉ trích những người cho nghiệp quá khứ giống như một định mệnh. Nhất thiết những cảm thọ gì, hành vi gì trong hiện tại cũng đều cho rằng do nghiệp quá khứ quy định cả, thế thì hiện tại chỉ quay theo quá khứ. Sát sanh, trộm cắp, nói láo v.v... đều do nghiệp quá khứ sai khiến, chứ hiện tại không có trách nhiệm gì. Vậy thì không còn sự lựa chọn: đây là việc nên làm, đây là việc không nên làm, đây là tu, đây không phải tu; thời danh từ Sa-môn, người tu, trở thành vô nghĩa; bởi không thể kể đây là một công phu của một ý chí tự do lựa chọn, mà chỉ là một sự thụ động tuân theo nghiệp quá khứ sai sử, hiện tại chẳng có công lao gì).
Nghiệp được giải thích theo Luận Cu Xá:
a. Thể tánh của nghiệp - Thuyết minh về thể tánh của nghiệp là đề cập đến hai nghiệp, ba nghiệp, năm nghiệp. Hai nghiệp là Tư nghiệp và Tư dĩ nghiệp. Chính sự hoạt động phân biệt suy từ trong nội tâm, đó là Tư nghiệp. Từ đó phát sinh ra hành động và nói năng nơi thân và miệng, đó là Tư dĩ nghiệp. Lại từ hai nghiệp này chia ra làm ba nghiệp là Thân nghiệp, Ngữ nghiệp và Ý nghiệp. Thân nghiệp, Ngữ nghiệp tức là Tư dĩ nghiệp. (Do tư duy, cố ý rồi mới phát sinh ra hành động) còn ý nghiệp tức là tư nghiệp. Lại từ ba nghiệp này chia ra năm nghiệp, tức từ Thân nghiệp chia ra Thân biểu nghiệp, và Thân vô biểu nghiệp, từ Ngữ nghiệp cũng chia ra Ngữ biểu nghiệp và Ngữ vô biểu nghiệp. Như đồ biểu dưới đây:
- Năm nghiệp này như thế nào?
Bất luận làm một việc gì, trước tiên ta suy nghĩ tính toán việc đó và cố ý làm cho được, đó là ý nghiệp. Khi sự tính toán cố ý được phát động ra nơi thân với những nét biểu lộ rõ rệt trông thấy được, đó gọi là Thân biểu nghiệp. Nhưng trong khi đang khởi lên Thân biểu nghiệp, bên trong nội tâm vẫn có một năng lực vô hình không biểu lộ rõ rệt, nó cứ theo luật nhân quả kích động thúc đẩy thân hành động hoặc đừng hành động, đó là Thân vô biểu nghiệp, vì năng lực này tiềm ẩn khó trông thấy được, Ngữ biểu nghiệp và Ngữ vô biểu nghiệp cũng tương tự như vậy.
Năm nghiệp vừa kể trên đây lấy gì làm thế?
Nghiệp là sự hoạt động tư duy của nội tâm, cố nhiên lấy tâm sở Tư làm thế. Tâm sở tư này có ba giai đoạn: Đầu tiên là thẩm lự tư, tức sự suy nghĩ lựa chọn, tiếp đó là quyết định tư tức sự quyết định sau khi đã phân biệt chọn lựa, sau hết là phát động tư tức tư trong khi phát động ra nơi thân và khẩu. Tư tâm sở có khả năng khiến thân thể vận động gọi là động thân tư. Chính cái động thân tư là thể của thân biểu nghiệp. Tư tâm sở có khả năng phát động ra ngôn ngữ gọi là phát ngữ tư. Chính cái phát ngữ tư này làm thể của ngữ biểu nghiệp.
Nghiệp có nghĩa là tạo tác, mà tạo tác tức là tư tâm sở, hay sự cố ý. Chính cái tư tâm sở đó dựa nơi thân phát hiện, gọi là thân nghiệp, dựa nơi miệng phát hiện gọi là ngữ nghiệp, dựa nơi ý phát động gọi là ý nghiệp. Ba nghiệp sở dĩ khác nhau vì có thân, ngữ, ý khác nhau, chứ thực thể không ngoài tư tâm sở.
Tánh chất của Nghiệp:
Nghiệp có thiện tánh, ác tánh, vô ký tánh. Tuy nhiên chỉ có ác và thiện tánh mới là nghiệp, chứ vô ký tánh không đủ sức mạnh tạo thành quả nên không gọi là nghiệp.
Nhưng sao gọi rằng thiện, ác, vô ký?
Luận Bà Sa cuốn 11 nói: "Nếu pháp gì hay chiêu cảm quả khả ái, khả lạc thì gọi là thiện, nếu chiêu cảm quả báo không khả ái, không khả lạc thì gọi là ác; trái với cả hai sự đó thì gọi là vô ký".
Luận Cu Xá 15 nói: "Nghiệp an ổn hay chiêu cảm quả báo khả ái, và Niết-bàn, tạm thời và vĩnh viễn xa lìa thống khổ gọi là thiện. Nghiệp không an ổn hay chiêu cảm quả báo bất khả ái gọi là ác. Còn nghiệp trái hai tánh trên gọi là vô ký. Đây là căn cứ vào sự cảm quả để phân biệt ba tánh thiện, ác, vô ký.
Luận Cu Xá 13 lại còn căn cứ vào nguyên do để chia ba tánh thiện, ác, vô ký, mỗi tánh đều có bốn thứ là: Thắng nghĩa, Tự tánh, Tương ưng, Đẳng khởi.
1. Thắng nghĩa thiện: Chỉ có Niết-bàn, vì Niết-bàn an ổn vĩnh viễn bặt dứt dấu vết thống khổ. Thắng nghĩa có nghĩa là tuyệt đối.
2. Tự tánh thiện: Chỉ cho năm tâm sở: Tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si. Năm tâm sở này tự thể nó là thiện chứ không phải nhờ vào cái khác mới thiện. Mọi sự thiện đều lấy nó làm gốc.
3. Tương ưng thiện: Chỉ những tâm sở như: Tín, cần, khinh an v.v... nhờ tương ưng, tương hợp với năm tâm sở tự tánh thiện trên kia mà thành chứ tự thể nó không phải là thiện.
4. Đẳng khởi thiện: Chỉ cho thân ngữ thiện nghiệp là do sự phối hợp bằng nhau giữa tự tánh thiện và tương ưng thiện mà có.
Bốn thứ ác là:
1. Thắng nghĩa ác: Chỉ cho sanh tử luân hồi. Vì sanh tử tự bản chất nó là rất khổ, xấu xa.
2. Tự tánh ác: Chỉ cho năm tâm sở vô tàm, vô quý, tham, sân, si. Vì tự tánh nó là ác chứ không phải chờ tương ưng, đẳng khởi mới ác.
3. Tương ưng ác: Chỉ cho các tâm sở mà tự tánh không phải ác, nhưng vì tương ưng với năm tâm sở tự tánh ác mà hóa ra ác.
4. Đẳng khởi ác: Chỉ cho thân ngữ ác nghiệp do sự phối hợp bình đẳng của tự tánh ác và tương ưng ác mà khởi lên.
Vô ký tánh thì chỉ có thắng nghĩa vô ký, đó là chỉ cho hư không vô vi, phi trạch diệt vô vi. Hai vô vi này thể nó thường trú nên gọi là thắng nghĩa. Nhưng nó không phải là kết quả chứng đắc của sự tu đạo, nên không phải là thiện mà chỉ là vô ký. Ngoài ra trong 46 tâm còn lại, không có thứ nào thuần là vô ký, nên không lập tự tánh vô ký, và đã không có tự tánh vô ký thì cũng không có tương ưng và đẳng khởi vô ký.
Các loại nghiệp:
1. Hữu lậu nghiệp là nghiệp ác hoặc thiện, tạo ra bởi động cơ của tâm chấp ngã, tham ái, nó chỉ đưa quả báo loanh quanh trong vòng ba cõi sáu đường. Trái lại nghiệp thiện tạo ra bởi động cơ của tâm vô ngã, của trí tuệ Bát-nhã thì gọi là vô lậu nghiệp, bởi nghiệp này không làm chúng sanh rơi vào trong ba cõi sáu đường nhưng lại làm cho giải thoát khỏi ba cõi sáu đường, chứng được Niết-bàn an lạc.
2. Phước nghiệp là nghiệp lành thọ quả báo ở cõi Dục: phi phước nghiệp là nghiệp ác thọ quả báo khổ ở cõi Dục; bất động nghiệp là nghiệp tu Thiền thọ quả báo ở cõi Sắc và Vô sắc.
3. Tam thọ nghiệp là nghiệp thuận theo lạc thọ ở cõi Dục và Sơ, Nhị, Tam Thiền; là nghiệp thuận theo khổ thọ ở cõi Dục, là nghiệp thuận theo bất khổ lạc ở Tam Thiền trở lên đến cõi trời Hữu đảnh.
4. Tam thời nghiệp tức là nghiệp thọ quả báo trong ba thời kỳ: Có nghiệp thọ quả ngay trong hiện tại, có nghiệp thọ quả trong đời kế tiếp, có nghiệp thọ quả từ đời thứ ba trở đi. Về điểm này có hai chủ trương như sau:
a. Nhà bốn nghiệp, chủ trương có Thuận hiện nghiệp, Thuận sanh nghiệp, Thuận hậu nghiệp và Thuận bất định nghiệp.
b. Nhà tám nghiệp, chủ trương trong bốn cách thọ quả nêu trên, lại chia ra có quả báo (dị thục) nhất định mà thời kỳ thọ quả không nhất định, có thời ký thọ quả nhất định mà quả báo không nhất định, có cả quả báo và thời kỳ thọ quả đều nhất định v.v... nhân lên thành tám nghiệp.
Trong Luận Tỳ Bà Sa cuốn 114 ghi có ba thuyết:
a. Hai nghiệp Thuận sanh thọ, Thuận hậu thọ có đủ cả tánh chất Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp. Còn hai nghiệp Thuận hiện thọ và Thuận bất định thọ thì chỉ giới hạn ở Mãn nghiệp.
b. Ba nghiệp Thuận sanh thọ, Thuận hậu thọ, và Thuận bất định thọ đều có đủ cả Dẫn nghiệp, Mãn nghiệp, còn Thuận hiện nghiệp thì chỉ giới hạn ở Mãn nghiệp.
c. Cả bốn nghiệp đều có đủ Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp.
5. Mười nghiệp tạo ác là thân sát sanh, trộm cắp, dâm dục; miệng nói dối, nói hai lưỡi (ly gián); nói thô ác, nói thêu dệt; ý tham lam, sân hận, tà kiến.
Mười nghiệp tạo thiện là thân xa lìa ác, xa lìa trộm, xa lìa dâm, xa nói dối, xa lìa nói hai lưỡi, xa lìa nói thô ác, xa lìa thêu dệt; ý không tham, không sân, chánh kiến.
Tất cả việc lành dữ phát động ở thân, khẩu, ý đều trải qua ba giai đoạn là Gia hạnh, Căn bản, Hậu khởi. Gia hạnh là tiền phương tiện, Căn bản là ngay lúc sự việc hoàn thành, Hậu khởi là những hành động kế tiếp sau đó như bắt thú, lột da, xẻ thịt... Trong ba phần Gia hạnh, căn bản, hậu khởi đó, chỉ phần căn bản mới gọi là nghiệp đạo, chứ không phải phần gia hạnh hay hậu khởi. Như Luận Câu Xá 16 nói: "Về bất thiện, thân ác nghiệp đạo trừ một phần của thân ác hành không kể vào, đó là các thân nghiệp ác thuộc gia hạnh và hậu khởi, và các việc như uống rượu, đánh, trói... Vì những việc ác này không thô bạo rõ rệt bằng những thân ác hành làm kẻ khác mất mạng, mất của, mất vợ... mà chư Phật dạy đặc biệt phải xa lánh. Chỉ mấy việc ác chính như làm mất mạng, mất của v.v... này mới gọi là nghiệp đạo. Ngữ ác nghiệp đạo không kể những ngữ ác hành thuộc gia hạnh, hậu khởi và khinh vi. Ý ác nghiệp đạo, không kể những ý ác hành thuộc tư duy ác và lòng tham nhẹ... Về thiện, Thân thiện nghiệp đạo trừ một phần của thân Diệu hạnh không kể vào, đó là thân thiện nghiệp thuộc gia hạnh, hậu khởi và các việc khác như sự lìa uống rượu, bố thí, cúng dường. Ngữ thiện nghiệp đạo, trừ một phần của ngữ Diệu hạnh như ái ngữ, thật ngữ v.v... không kể vào. Ý thiện nghiệp đạo, trừ một phần của ý Diệu hạnh như các tư duy thiện không kể vào.
* Hỏi: Vì sao chỉ cứ vào phần căn bản để lập nghiệp đạo?
-- Vì chính phần căn bản của các hành động thiện, ác như sát sanh, trộm cắp..., mới là thô bạo rõ rệt, làm cho vật bên trong bên ngoài có sự tăng giảm, cịn phần gia hạnh thì chỉ vì phần căn bản mà khởi lên, phần hậu khởi cũng từ phần căn bản mới có nó không thô bạo rõ rệt, làm cho vật trong ngoài có sự tăng giảm, vì vậy không gọi nó là nghiệp đạo.
* Hỏi: Tại sao ba nghiệp Thân, bốn nghiệp Khẩu, ba nghiệp Ý gọi là nghiệp đạo?
-- Đạo là đường đi. Trong mười ác nghiệp, tham, sân, tà kiến là đường đi của tư tâm sở; ba nghiệp thân, bốn nghiệp ngữ tự nó là nghiệp và cũng là đường đi của tư nghiệp (Ý nghiệp), nên gọi nó là nghiệp đạo, hoặc gọi đủ là nghiệp đạo. Nghĩa mười thiện nghiệp đạo cũng chiếu theo đó để hiểu.
* Hỏi: Mười điều lành, mười điều ác làm sao trở thành nghiệp đạo?
Trước nói mười điều ác trở thành nghiệp đạo:
1. Thành nghiệp đạo sát sanh, do có đủ năm duyên: (a) Có tâm muốn giết. (b) Đối với loài hữu tình. (c) Tưởng đó là loài hữu tình. (d) Dùng sức giết. (đ) Không giết lầm.
2. Thành nghiệp đạo không cho mà lấy (trộm), do có đủ năm duyên: (a) Móng tâm lấy cắp. (b) Đối với tài vật kẻ khác. (c) Tưởng đó là tài vật kẻ khác. (d) Dùng sức lấy. (đ) Không phải lấy lầm đem về làm của mình.
3. Thành nghiệp đạo tà dâm do có đủ bốn duyên: (a) Đối với không phải cảnh (vợ hầu) mà làm việc không đáng làm. (b) Đối với không phải thê (đạo) mà làm việc không đáng làm. (c) Đối với không phải nơi mà làm việc không đáng làm. (d) Đối với phi thời mà làm việc không đáng làm.
4. Thành nghiệp đạo vọng ngữ (hư cuống ngữ) do có đủ bốn duyên: (a) Tâm ô nhiễm. (b) Tư tưởng và phát ngôn trái với điều được đem nói. (c) Người bị lừa dối hiểu rõ điều được nghe. (d) Người nói dối biết rõ mình nói dối.
5. Thành nghiệp đạo hai lưỡi (ly gián ngữ) do có đủ bốn duyên: (a) Tâm ô nhiễm. (b) Phát lời nói hại kẻ khác. (c) Người nghe hiểu rõ. (d) Người nói biết rõ mình nói hai lưỡi.
6. Thành nghiệp đạo nói thô ác (ác khẩu do có đủ bốn duyên: (a) Tâm ô nhiễm. (b) Phát lời cộc cằn thô bạo chửi mắng kẻ khác. (c) Người nghe hiểu rõ. (d) Người nói biết rõ mình nói thô ác.
7. Thành nghiệp đạo nói thêu dệt (ỷ ngữ - tạp uế ngữ) do có đủ hai duyên: (a) Tâm ô nhiễm. (b) Phát ngôn lời lẽ tà vạy, thêu dệt, vẽ vời, dua nịnh, tạo những từ khúc ca ngợi sự sai trái, dâm ô... phạm vi ỷ ngữ rất rộng, trừ ba thứ hư cuống ngữ, thô ác ngữ, ly gián ngữ trên, tất cả những ngôn từ điên đảo, tà vạy phát ra, với tâm ô nhiễm đều thuộc loại ỷ ngữ này.
8. Thành nghiệp đạo tham, do đối với tài vật của người khác - sanh lòng tham mong cầu nghĩ tưởng làm sao vật đó thuộc về mình, chứ không còn thuộc người khác.
9. Thành nghiệp đạo sân, do đối với loại hữu tình sanh lòng giận dữ muốn làm hại cho được.
10. Thành nghiệp đạo tà kiến, do mê lầm bài bác lý nhân quả chính đáng, và chấp theo nhân quả không chính đáng.
* Hỏi: Trên đã nói đến mười nghiệp đạo ác, còn thành tựu 10 nghiệp đạo thiện như thế nào?
-- Đây nói về người Cần (Sa-di) sách thọ Cụ túc giới. Khi lên giới đàn, lễ đại Tăng, phát lời thành khẩn thỉnh thân giáo sư truyền giới, cho đến xong lần Yết-ma thứ ba, ngay ở sát-na này thành tựu mười nghiệp đạo thiện.
* Hỏi: Dựa vào tâm nào thành tựu mười nghiệp đạo thiện và ác ấy?
-- Gia hạnh của mười nghiệp đạo ác đều dựa vào ba căn bất thiện là tham, sân, si mà phát sanh. Nhưng rốt cuộc chính thức thành nghiệp đạo thì do tâm sân nhuế mà thành nghiệp đạo sát sanh; do tham dục mà thành trộm cắp, tà dâm; do cả tham sân si mà thành hư cuống ngữ, ly gián ngữ, tạp uế ngữ; do sân nhuế mà thành thô ác ngữ; do tham phiền não mà thành nghiệp đạo tham; do sân phiền não mà thành nghiệp đạo sân; do si phiền não mà thành nghiệp đạo tà kiến.
Còn mười nghiệp đạo thiện, theo luận Câu Xá cuốn 16 nói: "Các nghiệp đạo thiện, vô luận là gia hạnh, căn bản hay hậu khởi đều từ ba thiện căn vô tham, vô sân, vô si mà phát khởi. Bởi dù gia hạnh, căn bản, hậu khởi đều là thiện tâm, mà thiện tâm tất nhiên tương ưng với ba thiện căn vậy.
11. Ba tà hạnh, tức tà ngữ (nói tà), tà nghiệp (hành động tà), tà mạng (nuôi sống tà) tà ngữ là ngữ nghiệp do sân và si phát sanh, tà mạng là thân ngữ nghiệp do tham và si phát sanh.
* Hỏi: Ngoài tà ngữ, tà nghiệp còn lập thêm tà mạng là tại sao?
-- Luận Bà Sa cuốn 16 nói: "Như trong ngữ nghiệp tạo bất thiện nếu do lòng tham mà phát khởi thì gọi là tà ngữ, cũng gọi là tà mạng, bởi vì trong đó gồm có mục đích nuôi sống nữa; nếu do tâm sân si mà phát khởi, thì chỉ gọi là tà ngữ chứ không gọi là tà mạng, bởi không vì mục đích nuôi sống. Về thân nghiệp đạo bất thiện cũng vậy, nếu do lòng tham phát khởi gọi là tà nghiệp, cũng gọi là tà mạng; nếu do sân si phát khởi chỉ gọi là tà nghiệp chứ không gọi là tà mạng. Lại hỏi: "Nếu vậy vì sao đức Phật lại dạy riêng hai thứ chánh mạng, tà mạng? - Vì tà mạng là cuống hoặc lòng người, vi tế khó nhận thấy, cũng khó trừ cho sạch được. Như thế, lối nuôi sống tà vậy là hành vi khó cấm chế, nên đức Phật nêu riêng nó ra để nhắc nhở cần phải cố gắng sống theo lối sống chánh đáng.
Ngoài các loại nghiệp nói trên, luận Câu Xá cuốn 17 còn đề cập hai thứ Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là nghiệp dẫn đến quả báo chung (cựu dịch là Tổng báo nghiệp); Mãn nghiệp là nghiệp dẫn đến quả báo riêng (Cựu dịch là Biệt báo nghiệp). Ví như loài người tuy không đồng nhau về cơ thể trai, gái, lớn, bé, mập, gầy, xấu, đẹp, cao, lớn, mạnh, yếu; về trí tuệ sáng, tối, lanh, chậm; về tánh tình lành, dữ, nhiều tham sân si ngã mạn, ít tham sân si ngã mạn, cho đến sang, hèn, thọ, yểu, cuộc đời suông sẻ hay gặp khó khăn... nhưng vẫn là đồng nhất dưới dạng con người chứ không phải trời, hay thú vật. Nguyên nhân đưa đến kết quả đồng nhất đó gọi là Dẫn nghiệp. Còn mọi sự bất đồng về cơ thể, trí tuệ, tánh tình giữa người này và người khác, đó gọi là biệt báo và nguyên nhân đưa đến biệt báo đó gọi là Mãn nghiệp. Vậy khi nghiệp thiện hoặc ác mà phải sanh đến cõi lành hay cõi dữ, đó là do Dẫn nghiệp. Tuy đồng sanh ra ở cõi lành hoặc dữ nhưng từ cơ thể đến tánh tình, không ai giống ai, đó là do Mạng nghiệp gây nên.
* Hỏi: Nhưng Dẫn nghiệp ấy do nhiều nghiệp hợp lại hay chỉ do một nghiệp dẫn sanh đến cõi này cõi nọ? Và chỉ dẫn sanh ra một đời hay nhiều đời?
-- Luận Câu Xá 17 giải thích rằng: "Nhất nghiệp dẫn nhất sanh, đa nghiệp năng viên mãn". Do một nghiệp dẫn sanh một đời, do nhiều nghiệp làm cho trọn vẹn.
Ví như người thợ vẽ, phác họa hình dáng một đồ hình tổng quát là một con người hay một con trâu chẳng hạn, đó ví dụ cho Dẫn nghiệp; lại từ trên đồ hình đó tô vẽ thêm đủ các bộ phận, màu sắc đây ví dụ cho Mãn nghiệp.
* * *
Tóm lại, nghiệp có nhiều thứ nhưng không ngoài ba thứ thân, ngữ, ý, hoặc thiện hoặc ác hoặc trung dung, thuộc hữu lậu hay vô lậu. Thiện hữu lậu tánh nó có ít nhiều mùi vị bất lương, vị ngã trong đó, còn thiện vô luận trái lại, hoàn toàn thanh tịnh, thoát hẳn mùi vị bất lương vị ngã. Đấy là diệu thiện.
Nay đây, gọi rằng nguyên nhân của mê không những chỉ ba nghiệp ác, mà cũng luôn cả ba nghiệp thiện hữu lậu, vì nó là nguyên nhân chiêu cảm quả báo tốt lành trong cõi người, cõi trời. Nhưng đồng thời nó cũng làm trợ duyên tiến lên thiện vô lậu, mở đường cho sự giác ngộ, nên không thể xem thường được.
Theo tân Thượng tọa bộ như Ngài Phật Minh (Budhaghosa), căn cứ trên ba điểm là thời gian, công dụng và quả báo nặng nhẹ để phân loại các nghiệp như sau:
1. Căn cứ trên thời gian, chia nghiệp ra bốn thứ:
a. Cấp hiệu nghiệp, là nghiệp chỉ thọ quả báo ngay trong đời này. Nếu vì một tha lực nào đó ngăn chận không thể thọ quả thì nghiệp đó không cịn hiệu lực để thọ quả nữa. Như người thợ săn bắn mũi tên đến con vật, nhưng không trúng thì mũi tên đó coi như bỏ, con vật không bị thương. Nghiệp này tương tự Thuận hiện thọ nghiệp nói trên.
b. Hoãn hiệu nghiệp, là nghiệp sẽ thọ quả báo vào đời sau, nếu đời sau vì một tha lực nào đó ngăn chận không thực hiện được, thì nghiệp ấy vĩnh viễn không thực hiện ra được.
c. Vô định kỳ hiệu nghiệp, là nghiệp sẽ thọ quả báo vào bất cứ một thời gian nào trong tương lai, trừ phi trước khi thọ quả báo người đó chứng được Niết-bàn, nghiệp ấy mới trở thành vô hiệu. Đây cũng tương tự định nghiệp nói trên.
d. Vô hiệu nghiệp, hay là "Dĩ hữu nghiệp", đây chỉ chung cả ba nghiệp trên, mà hoặc vì tự nó bạc nhược không thể sanh kết quả, hoặc bị nghiệp lực khác mạnh hơn làm tiêu hủy, thì nghiệp này trở thành vô hiệu.
2. Căn cứ trên công dụng, (hành tướng) chia nghiệp ra bốn thứ:
a. Năng sanh nghiệp, đây chỉ cho (hữu chỉ) trong 12 chỉ nhân duyên, nó tiềm ẩn chờ cơ hội thuận hay nghịch mà phát sanh quả hay không phát sanh quả. Nghiệp này có tánh chất giống như Hoãn hiệu nghiệp trên kia.
b. Năng trì nghiệp, nghiệp này giúp cho Năng sanh nghiệp được đứng vững.
c. Năng tiêu nghiệp, nghiệp này làm cho năng sanh, năng trì nghiệp trên dù thiện dù ác, đều bị thủ tiêu.
d. Năng hủy nghiệp, nghiệp này còn nặng hơn năng tiêu nghiệp, vì nó đủ sức nhổ tận gốc tất cả nghiệp đang phát hiện hay sắp phát hiện.
3. Căn cứ trên quả báo nặng nhẹ, chia nghiệp ra bốn thứ:
a. Cực trọng nghiệp, là nghiệp rất mạnh rất trọng, đủ sức lôi cuốn các nghiệp khác theo nó về thiện cũng như về ác, nên nó có thể bao hàm bốn tánh chất năng sanh, năng trì, năng tiêu, năng hủy nghiệp trên kia.
b. Cận tử nghiệp, là nghiệp có tánh chất quyết định cho sự thọ sanh đời sau hiện lên trong khi sắp chết. Một người có cực trọng nghiệp, tự nhiên đã quyết định sự thọ sanh về sau vào cảnh khổ hay vui, nhưng nếu cực trọng nghiệp này không có thời kẻ sắp chết, trong giờ phút đó bất cứ nghiệp gì hiện lên nơi họ, nghiệp đó đủ khả năng quyết định cho sự thọ sanh về sau.
c. Tập quán nghiệp, là nghiệp do sự tập quán liên tục về ngôn ngữ, hành động, suy tư, nó yếu thua cận tử nghiệp, nhưng nếu nó chiến thắng các nghiệp khác thì nó trở thành cận tử nghiệp.
d. Tích lũy nghiệp, là nghiệp tích lũy từ vô thỉ mà mỗi hữu tình đều có đủ cả toàn bộ trong mình. Có thể gọi nó như là con chó săn thuộc Vô định kỳ hiện nghiệp. Nếu không có những nghiệp mới làm thay đổi, thì tích lũy nghiệp sẵn sàng hiện lên trong giờ sắp chết và trở thành cận tử nghiệp. Phi kẻ trí khó lòng nhận rõ được nó, nên các nhà tân Thượng tọa bộ ví nó như một hòn đá được người ngu ném đi, mà dù khi chưa ném thì hòn đá vẫn đã ném rồi, nghĩa là tự nó rơi xuống không cần chờ ném mới rơi.
Theo Du-già tông còn căn cứ trên điểm dị, đồng, tự biến, cộng biến, chia ra có cộng nghiệp và bất cộng nghiệp (biệt nghiệp) như mọi người tương đồng tạo nghiệp đưa đến kết quả hiện thành một thế giới, một xã hội tương đồng hoặc như mười người chung sức dựng nên một ngôi nhà, thế giới, xã hội và ngôi nhà đó là cộng báo do cộng nghiệp tức là công sức đồng nhau của mọi người trong đó tạo ra. Đó gọi là cộng nghiệp. Tuy ở trong một thế giới, xã hội, thái độ ngôi nhà đồng nhau, nhưng mỗi người có mỗi cơ thể, thái độ tâm lý, tình cảm khác nhau, hoặc mỗi người làm mỗi nghề, tập mỗi việc khác nhau để đưa đến mỗi đời sống không giống nhau; đó gọi là Bất cộng nghiệp và Bất cộng báo (biệt nghiệp, biệt báo). Nhưng hai thứ cộng nghiệp, bất cộng nghiệp này cũng luôn luôn gắn liền nhau, nên lại diễn ra nghiệp. "Cộng trung bất cộng", như cùng ở chung một ngôi nhà, rủi bị bão nhà sập, có người chết, người gảy tay, người u đầu, nhưng có người bình yên vô sự. Kiểu như đồng sàn dị mộng. Và nghiệp "Bất cộng trung cộng", như trong ngôi nhà đó có một người tập tánh uống rượu, nói khùng, gây gỗ, thậm chí châm lửa đốt nhà, và người đó bị chết thiêu. Như vậy là nghiệp riêng người đó làm người đó phải chịu, nhưng những người khác ở cùng nhà phải chịu họa lây.
HT Thích Thiện Siêu