Khủng bố và tử hình là hai ấn tượng gây xúc động và kinh hoàng trên khắp thế giới hiện nay. Những người Phật tử bắt đầu suy nghĩ gì về quê hương đất nước mình; liệu một ngày nào đó chúng ta có thoát khỏi món nợ oan trái xa xưa chăng? Liệu quy luật nhân quả tuy là công minh song có thể có một ngoại lệ nào chăng? Chúng ta yên tâm, vì kinh pháp còn ghi rõ: ‘Tu là chuyển nghiệp’. Quan trọng là sớm biết giác ngộ và sám hối kịp thời, - ‘dừng chân thì nghiệp chẳng theo; nương tay thì nghiệp chẳng đeo vào mình’.

Đức Phật đã dạy một quy luật muôn đời: “Lấy oán báo thù, oán thù chồng chất. Lấy đức báo oán, oán tự tiêu tan...” Nhiều người tin rằng họ có thể tiêu diệt hận thù bằng sự thù hận khác thô bạo hơn, nhưng không bao giờ được. Chỉ có cách ngược lại là dùng tình thương mới đoạn diệt được hận thù, thì nhất định hòa bình sẽ hiện hữu trường tồn.

Vấn đề phạt án tử hình cũng là một trong những nguyên nhân của chiến tranh. Một số các nhà làm luật trên thế giới đã phản tỉnh suy nghĩ: “Tại sao chúng ta không giam sống họ trong nhà tù hay ngoài côn đảo xa xôi? Chúng ta hẳn biết rằng tội nhân có thể kiếm sống trong trại giam bằng sự lao động có ích lợi cho họ. Ai cũng biết rằng tử hình là một hình thức bạo ngược triệt phá lòng nhân từ”. Và nhớ rằng khi tình thương yêu ra đi thì hòa bình cũng đi theo luôn. Giết nhiều người trong các nhà tù là đưa đến tàn sát con người ngoài mặt trận. Hành động đó quả là biện pháp kinh tế tầm thường khi nghĩ đến phương sách tiết kiệm tiền bạc bằng cách giết bớt những kẻ sát nhân. Cuộc chém giết như vậy dẫn đến cuộc thảm sát tập thể ngoài chiến trường với hậu quả tổn thất vô cùng to lớn.

Tử hình là áp dụng thực tế theo luật Moses, nghĩa là mắt đền mắt, răng đền răng, mạng đền mạng. Nhưng luật ăn miếng trả miếng này hoàn toàn khác với luật “bất phản kháng” của chúa Jésus có nghĩa là không chống lại điều ác. Nếu ai tát má bên phải, bạn đưa thêm má bên trái cho tát. Sự thù hận luôn luôn đưa đến chiến tranh, tha thứ đưa đến hòa bình tịnh lạc.

Ước gì chúng ta có khả năng chuyển hóa được tâm thức các nhà lãnh tụ, các tướng quân trên thế giới. Chúng ta sẽ kiến nghị họ nên dừng tay khủng bố, dừng lại mọi cuộc giao tranh, xâm chiếm lãnh thổ nhau. Thử hỏi đất đai này có giá trị gì? Máu xương của loài người mới đáng giá! Lòng tham ái si mê đã che mờ đôi mắt, khiến quý vị ham thích chiến tranh khủng bố sát hại gây đau thương sầu khổ cho biết bao người vô tội? Tại sao quý vị lại muốn tuôn ra hàng biển máu chỉ đổi lấy mấy thứ đất bùn vô giá trị. Thật là bi thương khủng khiếp! Hàng biển nước mắt hòa chung với máu của bao sinh linh đàn ông, đàn bà, con nít, nát tan từng mảnh trong sự thống khổ điêu tàn của chiến tranh quy mô-một loại tử hình không kêu án-thật là chập chồng oan trái hận thù cứ mãi mãi gặp nhau muôn kiếp.

Trong khi các nước đang hung hăng tiêu diệt lẫn nhau không chút thương xót, chúng ta nên mạnh dạn cất tiếng nói rung lên hồi chuông báo động để cứu vớt nhân loại đang khổ đau trong sự hủy diệt và đang rơi vào trong các đọa xứ. Quý vị không nhận ra rằng chính mình đang hạ sát huynh đệ của mình chứ không phải kẻ thù. Mỗi quốc gia đều là thiện hữu tâm giao. Tham ái, sân hận, ngu si mới là kẻ thù của quý vị. Kẻ thù nguy hiểm này đang nằm bên trong ta. Các bậc Đại sư trong thế kỷ 21 này khuyên chúng ta nên mở rộng tấm lòng-hãy tập quán chiếu: Nhận ra mọi hữu tình đã từng là mẹ mình, nhớ lại tâm từ của họ, tích cực đền đáp công ơn đó, thương yêu và tử tế với họ, rộng lòng từ bi, có hạnh nguyện dấn thân và phát tâm Bồ-đề. Đôi khi còn hỷ lạc coi kẻ thù như là vị thầy thiện hạnh của mình.

Lại phải tỉnh giác rằng mọi sự việc nào cũng đều có quan hệ với nhau. Sự bình yên phúc lạc của ta không còn là một vấn đề cho riêng mình. Nếu họ không được bình yên thì không có cách gì ta sống bình yên. Quan tâm đến phúc lạc của người khác là quan tâm đến phúc lạc của mình. Tâm phân biệt và chia cách chính là gốc rễ của bạo lực và hận thù. Chỉ có sự lắng nghe sâu sắc và giao tiếp hiền hòa ta mới có thể chuyển hóa được những quan kiến sai lầm vốn là nền tảng của bạo lực** của khủng bố điêu tàn.

Đức Bồ-tát đã dạy: “Thà chết mà chiến thắng cám dỗ còn hơn sống mà phải thảm bại đau thương.” Cho nên tự chiến thắng chính mình mới là chiến thắng vĩ đại.

Các quốc vương thích giao tranh nhưng không phải chiến trường trong tâm. Nếu các vị lãnh tụ tự chinh phục mình thay vì chinh phục kẻ thù bên ngoài thì họ sẽ tận hưởng hòa bình an lạc hạnh phúc biết bao! Thời cổ đại xa xưa có tục lệ vua giao chiến với vua - lịch sử của Silanka {Ceylon} vua Dutugemunu giao tranh với vua Elasa đã hô to: “Để ta giao chiến với đối thủ”. Vậy là quân lính giạt ra hai bên làm khán giả, nhìn hai tướng quân của mình so gươm sinh tử. Quân lính sẽ thấy rõ ai là người thắng, ai là kẻ bại cuộc. Vua Dutu giết chết vua Elasa, tức thì quân lính của phía bại trận chạy về; cuộc chiến chấm dứt. Tập tục này thật hay, cứu được nhiều mạng người. Đó là loại chiến thuật chiến lược hết sức tiết kiệm. Chỉ có một trong hai người chết, còn bao nhiêu đều sống sót. Quả là đại hạnh phúc.

Một nước nào đó bị bại trận sẽ nuôi hận trong tâm. Chúng ta chiến thắng tức là đã tạo thêm nhiều kẻ thù. Vì vậy nên hòa hoãn và tha thứ. Người thắng kẻ thua phải ôm chầm lấy nhau trong tình thân ái như hai võ sĩ giao đấu trên võ đài. Sau trận đấu họ bắt tay nhau nở nụ cười trong tinh thần võ sĩ đạo cao thượng. Cũng theo gương đó, khi các quốc vương chấm dứt cuộc chiến thế giới, các quốc gia hãy bắt tay nhau. Chúng ta chỉ cần có vậy, và nên tích cực thực lòng thương yêu cứu sống lẫn nhau.

Mọi người hãy làm cho các nhà lãnh tụ quốc gia hiểu rằng cố gắng chinh phục thế giới bằng hận thù đều vô ích. Chúng ta hãy noi gương đức Phật hàng phục thế giới bằng tình thương. Người chiến thắng vinh quang nhất bằng hận thù chỉ đưa đến bại vong sau cùng. Đức Phật đã hàng phục thế giới cách đây 2500 năm bằng tình thương và chân lý như thực. Ngài mãi mãi là bậc thầy của nhân loại, là nguồn ánh sáng của mười ngàn thế giới, là nguồn năng lượng tình thương, khiến cho con người tỏa sáng mãnh liệt những niệm tưởng từ bi vô lượng trên khắp vũ trụ nhân gian. Dù đi đứng nằm ngồi hãy làm cho chúng sinh tràn ngập lòng từ bi khắp nơi. Chỉ có tình thương mới hóa giải được hận thù. Bởi vì có tịnh hóa thế giới mới đưa đến hòa bình thế giới.

(Thiền Viện Nam Mô lược dịch)



Có phản hồi đến “Xin Vơi Hận Thù - Xin Đừng Sát Sanh”

Câu hỏi ngẫu nhiên:    =  (Nhập số)  

Tags

Những bài viết nên xem:

 
 
 

Trang nhà không giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều được hoan nghênh.

Thư từ, bài vở đóng góp xin gửi về email:linhsonphatgiaocom@gmail.com